Chứng khoán

Novaland hoàn tất thỏa thuận lô trái phiếu 300 triệu USD

Lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD của Novaland được kéo dài kỳ hạn và có thể đổi thành cổ phiếu NVL với giá ban đầu 40.000 đồng.

Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố thông tin hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 298,6 triệu USD. Thời gian tới, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng một đơn vị, tỷ lệ chuyển đổi là 134.135 cổ phiếu cho một trái phiếu.

Theo thỏa thuận, dư nợ gốc sau khi nhập lãi lên gần 321 triệu USD. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào tháng 6/2027 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai. Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25% một năm như vốn gốc.

trái phiếu kể trên là khoản huy động vốn từ năm 2021, được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), không có tài sản đảm bảo và thời điểm đáo hạn ban đầu vào năm 2026. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD với lãi suất 5,25% mỗi năm và có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với giá ban đầu là 135.700 đồng. Novaland đã đạt đồng thuận tái cơ cấu từ các trái chủ và nhận được phê duyệt từ Tòa Thương mại Quốc tế Singapore (SICC) vào cuối tháng 4

Trước đó, Novaland đã “lỡ hẹn” ba lần về việc hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu này từ đầu tháng 6 đến nay. Thời điểm đó, công ty khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch cổ phiếu NVL.

Gần đây, Novaland cũng liên tục xin khất nợ trái phiếu trong nước. Tính đến cuối tháng 6, họ đã được đồng ý gia hạn 8/17 lô trái phiếu phát hành hồi năm 2020 với tổng giá trị phát hành gần 3.200 tỷ đồng, thay đổi kỳ hạn sang khoảng tháng 6-8/2025. Các công ty con cũng đạt được những thỏa thuận tương tự.

“Việc hoàn tất tái cấu trúc lô trái phiếu quốc tế gần 300 triệu USD sẽ giúp giảm những áp lực về tài chính do vướng mắc pháp lý cùng những biến động của thị trường gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Novaland”, đại diện công ty nói.

Một góc khu đô thị Aqua City - một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland, cuối tháng 6/2024. Ảnh: NVL

Một góc khu đô thị Aqua City – một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland, cuối tháng 6/2024. Ảnh: NVL

Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2023, đơn vị kiểm toán PwC có nêu lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn và thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Ban lãnh đạo cho biết tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm, tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn.

Ngoài ra, Novaland nói sẽ tập trung phối hợp các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp lý. Năm nay họ đặt mục tiêu bàn giao hơn 2.500 sản phẩm nhà phố, biệt thự, căn hộ, văn phòng tại các cụm dự án ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM.

Tất Đạt

Chứng khoán giữ sắc xanh cả tuần

VN-Index tăng liên tục trong tuần này, riêng hôm nay tích lũy thêm 3 điểm dù thị trường lại rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trên tham chiếu và duy trì gần hết buổi sáng. Có thời điểm, đồ thị lên sát 1.285 điểm nhờ diễn biến khả quan của một số mã trụ như VCB, BID, FPT cùng nhóm vận tải biển, tiêu biểu là VOS tăng kịch trần.

15 phút trước khi nghỉ trưa, chỉ số này bị nhuộm đỏ. Đây cũng là thời điểm một số công ty chứng khoán thông báo mất kết nối với HoSE. Nguyên nhân là do sự cố mất điện ở Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Công viên phần mềm Quang Trung làm gián đoạn kết nối của một số đơn vị đặt thiết bị tại đây.

Sắc đỏ duy trì tiếp đầu giờ chiều. Sau đó, chỉ số này nhích lên trên tham chiếu rồi lại rung lắc liên tục. Đến khoảng 14h10, thị trường ổn định trong nhịp tích lũy. VN-Index đóng cửa trên 1.283 điểm, tăng hơn 3 điểm so với hôm qua.

Như vậy, chứng khoán duy trì sắc xanh liên tục trong cả tuần nay. Tính lũy kế 5 phiên, VN-Index đã tăng hơn 37,7 điểm và trở lại vùng giá cao nhất hơn 3 tuần qua.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi sàn HoSE có 231 cổ phiếu giảm, nhiều hơn 49 mã so với bên tăng giá. Tình trạng này cũng xuất hiện ở sàn HNX.

Lực cầu của nhà đầu tư lại không đến với các nhóm ngành quan trọng mà rải rác ở những mã riêng lẻ có câu chuyện riêng. Hôm nay VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ HVN, FPT, LPB, CTG, VNM.

Thanh khoản thị trường TP HCM cải thiện gần 2.000 tỷ, lên gần 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp. Suốt cả tuần, tổng giá trị giao dịch lình xình quanh 13.000-16.000 tỷ đồng, tương đương hơn một nửa so với mức trung bình trước đó. Tâm lý đứng ngoài thị trường là dễ hiểu khi nhà đầu tư thận trọng chờ thông tin về kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp, cập nhật lại các yếu tố cơ bản.

Khối ngoại hôm nay bán ròng hơn 370 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 22 liên tiếp, họ duy trì xu hướng trên.

Trong bối cảnh điểm số cải thiện nhưng thanh khoản kém, kịch bản rung lắc của VN-Index vẫn được các công ty chứng khoán lưu ý. Do đó, nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý, tránh mua đuổi với giá cao.

Tất Đạt

Một số công ty chứng khoán mất kết nối với HoSE

Sự cố mất điện ở Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Công viên phần mềm Quang Trung làm gián đoạn kết nối của một số công ty chứng khoán từ 10h đến hơn 11h sáng nay.

Sáng nay, Chứng khoán MBS thông báo các lệnh giao dịch tại HoSE bị gián đoạn. Tương tự, Chứng khoán Funan cũng gặp vấn đề về đường truyền, dẫn tới nhà đầu tư không thể hoàn tất quá trình đăng nhập và giao dịch trực tuyến.

Gián đoạn này diễn ra từ 10h đến 11h. Việc này khiến giao dịch của các nhà đầu tư trong khoảng thời gian trên không thể thực hiện. Các công ty trong diện bị ảnh hưởng khi đó khuyến nghị nhà đầu tư có nhu cầu đặt lệnh, giao dịch liên hệ trực tiếp với nhân viên môi giới. Trong khoảng hơn 1 giờ các công ty chứng khoán bị gián đoạn giao dịch trực tuyến, VN-Index giằng co trong biên độ 1.280-1.284 điểm.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết, sự cố mất điện ở Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TP HCM) làm gián đoạn kết nối của một số công ty chứng khoán đặt thiết bị công nghệ thông tin tại đây. HoSE khẳng định hệ thống giao dịch của họ vẫn hoạt động bình thường.

Đến hơn 11 giờ, sự cố mất điện được khắc phục, kết nối và giao dịch của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng trở lại bình thường.

Theo giới thiệu trên website, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), có địa chỉ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM, là công viên phần mềm đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.

QTSC thành lập vào tháng 3/2001, đến nay thu hút hơn 140 doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có 6 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 người với 650 sản phẩm, giải pháp và là nơi phục vụ cho hơn 21.600 người học tập, làm việc thường xuyên.

Trước đó, tháng 9/2018, sự cố mất điện tại QTSC cũng làm hệ thống của nhiều báo điện tử, trang thông tin tổng hợp tin tức bị gián đoạn trong nhiều giờ. Các trang web này sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi, có hệ thống quản lý thuộc trung tâm dữ liệu VinaData của VNG, đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung.

Minh Sơn

Cổ phiếu FPT dẫn dắt thị trường

Chứng khoán duy trì sắc xanh ở phiên thứ tư liên tiếp khi dòng tiền đổ về FPT cùng các mã có câu chuyện riêng, đưa VN-Index sát 1.280 điểm.

Đồ thị VN-Index gần như đi trên tham chiếu cả ngày. Trong giờ đầu giao dịch, lực cầu xuất hiện từ sớm giúp chỉ số này nhanh chóng tăng hơn 6 điểm. Tuy nhiên, sức mua không ổn định, VN-Index sớm hạ độ cao và dao động quanh 1.280 điểm đến hết buổi sáng.

Chỉ số đại diện sàn HoSE tiếp tục dùng dằng ở mốc trên trong nửa đầu phiên chiều. Sau 14h, lực bán chủ động bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn, ghì chỉ số về dưới tham chiếu. Nhưng sau vài phút, thị trường đảo chiều. VN-Index đóng cửa sát 1.280 điểm, tăng hơn 3 điểm so với hôm qua.

Thị trường “xanh vỏ, đỏ lòng” khi có 207 cổ phiếu giảm, nhiều hơn so với 179 mã tăng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở VN30 khi có 15 mã giảm, 11 cổ phiếu tăng và chỉ số đại diện tích lũy hơn 5 điểm.

Dẫn dắt VN-Index hôm nay là cổ phiếu FPT. Mã này ghi nhận thanh khoản lớn nhất thị trường, gần 1.100 tỷ đồng với hơn 57% khớp lệnh từ bên mua. Thị giá đóng cửa cao hơn 3,7% so với tham chiếu, đạt 135.800 đồng một đơn vị.

Sau hai phiên chứng kiến dòng tiền tìm về các cổ phiếu “vua”, nhà đầu tư hôm nay trở lại xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những mã riêng lẻ. VN-Index được hỗ trợ bởi các mã thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau như LPB, PLX, GVR, VHM.

Trong khi chỉ số cải thiện, thanh khoản lại đi lùi. Tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM hôm nay hơn 14.000 tỷ đồng, giảm trên 1.500 tỷ.

Đà xả hàng của khối ngoại kéo dài lên phiên thứ 21. Họ bán ròng gần 580 tỷ đồng, mạnh nhất là bộ đôi VHM và VRE.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng dù thanh khoản nhỏ giọt

VN-Index tích lũy hơn 15 điểm nhờ sự hỗ trợ rất lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên thanh khoản hôm nay chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Sau phiên tăng điểm hôm qua, chỉ số của sàn HoSE tiếp tục duy trì sắc xanh cả ngày. Trong giờ đầu mở cửa, giao dịch khá trầm lắng khiến VN-Index chỉ giao dịch sát mức 1.260 điểm. Từ sau 10h, lực cầu mạnh hơn và lan tỏa sang nhiều nhóm ngành giúp thị trường sôi động hơn.

Biểu đồ chỉ số gần như tăng một mạch cho đến khi chốt phiên ở mức gần 1.269,8 điểm, tích lũy hơn 15 điểm so với hôm qua. VN30-Index cũng tăng thêm gần 10,6 điểm.

Động lực quan trọng cho thị trường đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với dòng tiền bắt đáy quay trở lại sau thời gian dài bị “ngó lơ”. Bộ tứ VCB, BID, LPB và HDB lần lượt dẫn đầu các mã góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index. Ngoài ra trong top 10 còn có hai đại diện khác cùng ngành là CTG và MBB.

Ngân hàng dẫn dắt về thanh khoản với nhiều cổ phiếu tăng giá khá tốt. Nổi bật có LPB, HDB và BID với mức tăng lần lượt là 6,1%; 4,3% và 4,2%. Bộ đôi VCB và EIB cùng tích lũy trên 2%. Bảng điện toàn ngành được phủ bởi sắc xanh là chủ yếu.

Ngoài ra, thị trường hôm nay cải thiện cũng nhờ diễn biến khả quan của các cổ phiếu riêng lẻ thuộc nhiều ngành khác như HPG, MWG, DIG, SHB, SSI, HSG…

Trong khi chỉ số cải thiện khá tốt, thanh khoản vẫn giữ ở mức thấp khi chỉ tăng thêm khoảng 870 tỷ lên gần 14.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều người tiếp tục đứng ngoài quan sát.

Đà xả hàng của nước ngoài kéo dài sang phiên thứ 19. Tuy nhiên giá trị bán ròng của họ đã giảm mạnh về chỉ còn gần 50 tỷ đồng, mức thấp nhất trong đợt này. Thời gian qua, khối ngoại liên tiếp tạo áp lực bán mạnh trên thị trường chứng khoán nhưng phần lớn đều được nhà đầu tư cá nhân trong nước hấp thụ.

Tất Đạt

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Thanh khoản sàn HoSE hôm nay chỉ hơn 13.000 tỷ đồng, giảm khoảng 35% so với mức trung bình những phiên trước đó, dù VN-Index chốt phiên trong sắc xanh.

Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần này thận trọng, khi VN-Index giữ sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng. Chỉ số của sàn HoSE đã mất hơn 50 điểm kể từ khi thất bại ở ngưỡng 1.300, khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Các trụ chính của thị trường hôm nay, như ngân hàng, bất động sản giao dịch trong biên độ hẹp. Phần còn lại của thị trường cũng không có nhóm nào đủ khả năng dẫn dắt. Tuy nhiên, điểm tích cực là áp lực bán không còn quá cao, sau khi VN-Index rơi về dưới vùng 1.250 điểm.

Tới đầu phiên chiều, sự tích cực dần trở lại. VN-Index từ vùng giá đỏ duy trì trong cả phiên sáng bắt đầu bật lên. Dòng tiền khởi sắc hơn, đặc biệt ở một số mã như VRE, kéo chỉ số trở lại sắc xanh. Nhịp tăng gặp ít trở ngại, giữ thanh khoản ở mức thấp.

Thanh khoản toàn thị trường hôm nay chỉ đạt hơn 15.100 tỷ đồng, riêng sàn HoSE hơn 13.000 tỷ đồng, giảm hơn 8.500 tỷ so với phiên trước. Con số này cũng là mức thấp so với trung bình trên 20.000 tỷ đồng những phiên gần đây. Khối lượng giao dịch cổ phiếu hôm nay cũng ghi nhận chưa tới 500 triệu đơn vị, mức thấp nhất từ đầu năm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 9,24 điểm (0,74%), lên 1254,56 điểm. VN30-Index có thêm hơn 7 điểm (0,56%), đạt 1.285 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index dừng gần tham chiếu.

Cuối phiên, sàn HoSE có 276 cổ phiếu tăng giá, so với 141 mã giảm. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn tiếp tục “tháo chạy”, khi bán ròng gần 800 tỷ đồng – phiên thứ 18 liên tiếp nhóm này bán ròng. Dòng tiền của họ tập trung vào ba nhóm ngành chính, là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ bán lẻ.

CTG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,3 điểm khi mã này tăng hơn 3,2%, lên 32.000 đồng. Trong VN30, hai mã khác tăng đột biến là VRE và MWG, với biên độ đều trên 5%. Một số cổ phiếu khác như VPB, SHB, MSN, STB cũng khởi sắc.

Ngược lại, TCB là mã giảm mạnh nhất khi đóng cửa mất 3%, POW giảm trên 2%, còn FPT, BCM thấp hơn tham chiếu hơn 2%.

Minh Sơn

Chứng khoán giảm mạnh cuối tuần

Kịch bản VN-Index đổ đèo vào cuối tuần tiếp tục lập lại khi gần ba phần tư cổ phiếu trên sàn đồng loạt giảm khiến thị trường sụt gần 14 điểm.

Đồ thị chỉ số sàn HoSE đi quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên hôm nay. Mở cửa, chỉ số này ghi nhận sắc xanh trong khoảng 30 phút nhưng lực cầu yếu đẩy thị trường sớm vào cơn rung lắc. Trong buổi sáng, VN-Index dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản nhiều lúc còn thấp hơn phiên hôm qua. Trước khi nghỉ trưa, chỉ số này đã chìm vào sắc đỏ.

Sang buổi chiều, thị trường tiếp tục điều chỉnh nhưng vẫn giữ biên độ khá nông. Sau 14h, lực cầu xuất hiện ở một số cổ phiếu riêng lẻ giúp cải thiện điểm chung. Nhưng chỉ vài phút sau đó, lệnh bán xuất hiện ồ ạt. Nhà đầu tư thi nhau đặt giá bán dưới tham chiếu kéo chỉ số chung rơi một mạch về dưới 19 điểm.

Dần cải thiện trong những phút cuối phiên, VN-Index đóng cửa ở trên 1.245 điểm, giảm gần 14 điểm so với hôm qua. Gần 72% cổ phiếu mang sắc đỏ. Rổ VN30 cũng ghi nhận 18 mã giảm giá. Sàn Hà Nội và UPCoM cũng đi lùi.

Toàn bộ nhóm ngành đều có chỉ số giảm, trong đó nặng nề nhất là các cổ phiếu hóa chất, dầu khí, công nghệ. Còn xét theo từng mã riêng lẻ, GVR là nhân tố làm giảm điểm VN-Index nhiều nhất, theo sau là các cổ phiếu BID, HPG, FPT, VPB, HVN.

Thanh khoản cải thiện gần 5.700 tỷ so với hôm qua, lên mức hơn 20.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng ở phiên thứ 17, biên độ hôm nay nhích lên khoảng 1.170 tỷ đồng.

Kịch bản thị trường chứng khoán điều chỉnh trong phiên thứ sáu tiếp tục lặp lại ở tuần thứ ba liên tiếp. Chỉ số đại diện sàn HoSE hiện bị kéo về mức thấp nhất khoảng một tháng rưỡi qua. Áp lực bán tăng mạnh những phút cuối phiên có thể được giải thích phần nào khi hôm nay là phiên chốt NAV (giá trị tài sản ròng) của quý II cũng như nửa đầu năm.

Nhiều công ty chứng khoán cho rằng vùng 1.235-1.250 điểm sẽ là khu vực hỗ trợ quan trọng cho thị trường. Quan điểm này được củng cố trong phiên hôm nay khi lực cầu lập tức xuất hiện nâng đỡ VN-Index lúc chỉ số này rơi về sát 1.240 điểm.

Tuy nhiên các nhóm phân tích cũng lưu ý, nhà đầu tư cần chuẩn bị trước cho kịch bản chứng khoán mất ngưỡng hỗ trợ trên. Lúc đó, họ cần hành động nhanh chóng, giảm tỷ trọng về mức an toàn nhằm tránh thiệt hại.

Tất Đạt

Thanh khoản chứng khoán lao dốc

Thanh khoản sàn HoSE hôm nay chỉ hơn 15.100 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 khi nhà đầu tư thận trọng trước diễn biến xấu đi của VN-Index.

Sau nhiều phiên tăng nhẹ rồi giảm mạnh và thiếu hẳn nhóm ngành dẫn dắt, nhà đầu tư tham gia thị trường với tâm lý thận trọng. Trong giờ đầu mở cửa hôm nay, các lệnh mua bán được đưa ra tương đương như hôm qua. Nhưng từ 10h30, lực cầu giảm hẳn. Đến hết buổi sáng, thanh khoản sàn HoSE chỉ tương đương 72% so với cùng kỳ phiên trước.

Buổi chiều thường thu hút dòng tiền đổ vào thị trường dồn dập hơn nhưng hôm nay, thanh khoản chỉ nhích từng chút một và luôn giữ mức thấp hơn hôm qua 2.000-3.000 tỷ.

Đóng cửa, tổng giá trị giao dịch trên thị trường TP HCM chỉ đạt hơn 15.100 tỷ đồng, giảm hơn phiên trước khoảng 5.600 tỷ. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5, tức gần hai tháng.

Thanh khoản sụt giảm mạnh trong phiên VN-Index chủ yếu mang sắc đỏ. Nửa đầu buổi sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE rung lắc quanh tham chiếu. Sau đó, chỉ số này đi lùi liên tục, có lúc giảm gần 4 điểm. Sắc đỏ tiếp tục bao trùm trong phiên chiều, trừ đợt cải thiện nhẹ sau 14h.

VN-Index chốt phiên ở trên 1.259 điểm, giảm hơn 2 điểm. Toàn sàn có 214 cổ phiếu giảm giá, cách biệt 39 cổ phiếu so với chiều ngược lại.

Thị trường bị ảnh hưởng nhiều bởi BID, TCB, PLX, POW. Trong khi đó, sắc xanh tiếp tục xuất hiện ở những cổ phiếu riêng lẻ, nổi bật có MWG, DIG, DCM, HDB.

Khối ngoại kéo dài đà xả hàng lên phiên thứ 16. Hôm nay họ bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng, gần gấp đôi so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thu hồi vốn ở quỹ FUEVFVND và các mã FPT, TCB, POW, VPB.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dòng tiền có tín hiệu chững lại cho thấy nhà đầu tư đang chủ động đứng ngoài quan sát nhiều hơn. Theo nhóm phân tích này, nếu thị trường vẫn tiếp tục tích lũy với thanh khoản thấp từ 3-5 phiên, VN-Index sẽ thiết lập nền tích lũy mới ở vùng cao và là tiền đề để kỳ vọng diễn biến tích cực hơn sẽ trở lại.

Tất Đạt

Novagroup tiếp tục bán hàng triệu cổ phiếu NVL

Cổ đông lớn Novagroup đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu của Novaland (NVL), kéo dài đợt thoái vốn liên tục của nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn.

Theo công bố thông tin mới đây, Novagroup đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Novaland từ ngày 27/6 đến ngày 12/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích là cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 17,89% xuống còn 17,79%. Tính theo giá chốt phiên 25/6, cổ đông lớn này có thể thu về khoảng 26,8 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả Novagroup và Novaland. Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL. Cùng trong tháng 6, Novagroup đã bán gần 9,2 triệu đơn vị với mục đích tương tự lần giao dịch sắp tới.

Trong phiên họp thường niên cuối tháng 4, ông Dương Văn Bắc – Giám đốc Tài chính Novaland – từng khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào” dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL.

“NovaGroup và ông Bùi Thành Nhơn đã quay lại trực tiếp điều hành Novaland, đúng với thông điệp từng tuyên bố là đối diện với khó khăn, thử thách, không né tránh”, ông Bắc chia sẻ.

Việc NovaGroup đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu NVL, theo lãnh đạo này, là hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó, một lượng cổ phiếu đáng kể mà tập đoàn này nắm giữ bị bán giải chấp nhằm giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số gói trái phiếu bán lẻ.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Các dự án tạo doanh thu thời gian tới là Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TP HCM.

Dẫu vậy trong quý đầu năm, họ lỗ hơn 600 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Tất Đạt

Cổ phiếu Vincom Retail dẫn dắt thị trường

Sau nhiều phiên rơi về sát vùng đáy, cổ phiếu VRE tăng kịch trần từ sớm với thanh khoản lớn, dẫn đầu nhóm kéo điểm cho VN-Index hôm nay.

VRE trải qua 8 phiên điều chỉnh liên tiếp, chốt phiên hôm qua ở 19.950 đồng – sát vùng đáy lịch sử hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên, mã chứng khoán của Vincom Retail nhanh chóng đảo chiều ở phiên giao dịch hôm nay.

Sau 30 phút đầu, cổ phiếu này tiến vào nhịp tăng liên tiếp khi lực cầu bắt đáy xuất hiện dồn dập. Đến khoảng 10h25, VRE chạm giá trần 21.300 đồng một đơn vị. Sắc tím được giữ trong khoảng 15 phút, sau đó rung lắc đến đầu giờ chiều. Cổ phiếu này trở lại mức trần sau 13h30 và ổn định đến khi chốt phiên.

Thanh khoản VRE đứng thứ nhì thị trường với hơn 537 tỷ đồng, bên mua chủ động chiếm đến hai phần ba tổng giao dịch. Cổ phiếu này đóng cửa với dư mua khoảng 412.800 đơn vị.

Với diễn biến trên, VRE dẫn đầu những mã góp mức tăng nhiều nhất giúp thị trường cải thiện điểm số.

Sau phiên lao dốc hôm qua, đồ thị VN-Index rung lắc gần như cả ngày với biên độ hẹp. Chỉ số này giữ sắc xanh phần lớn buổi sáng, nhưng tăng không mạnh, sau đó lùi về dưới tham chiếu sát giờ nghỉ trưa. Sắc đỏ được giữ trong khoảng 30 phút đầu giờ chiều, chỉ số trở lại trên tham chiếu rồi tiếp tục bị nhuộm đỏ trước khi vào phiên ATC. Cuối phiên, thị trường có sự cải thiện.

VN-Index đóng cửa ngày trên 1.256,5 điểm, tăng hơn 2,4 điểm. Toàn sàn có 238 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn 77 mã so với bên giảm.

Thị trường tiếp tục thiếu nhóm ngành dẫn dắt mà động lực tăng dàn trải ra những mã riêng lẻ. Ngoài VRE, các cổ phiếu HVN, GVR, VHM cũng có đóng góp tích cực. Tuy nhiên, một số cổ phiếu bluechip tiếp tục giảm theo quán tính, gây áp lực lên chỉ số chung.

Trong khi điểm số cải thiện, thanh khoản hôm nay lại giảm gần 10.300 tỷ về khoảng 21.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, tham gia giao dịch để thăm dò sau phiên giảm mạnh trước đó.

Khối ngoại tiếp tục xả hàng nhưng cường độ đã sụt hai phiên liên tiếp. Hôm nay họ bán ròng hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là quỹ FUEVFVND và hai mã FPT, MWG.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng những nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu lại danh mục, bán nốt những mã không còn động lực tăng và phá vỡ khu vực hỗ trợ. Đồng thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân tỷ trọng nhỏ (khoảng 30%) với những cổ phiếu duy trì được xu hướng và không có biến động lớn.

Tất Đạt