Chứng khoán

Chứng khoán chao đảo cuối phiên

Đi quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, VN-Index sụt mạnh vào cuối phiên, đóng cửa giảm gần 23 điểm, mức điều chỉnh mạnh nhất gần một tháng qua.

Chỉ số của sàn HoSE mở cửa tăng điểm nhẹ rồi nhanh chóng giằng co khi thanh khoản mỏng, lực cầu không nhiều mà chủ yếu tham gia với tâm lý thăm dò. Sau 10h, thị trường bị nhuộm đỏ nhưng biên độ khá nông vì lực bán không mạnh, giao dịch trầm lắng.

Sang buổi chiều, thanh khoản có dấu hiệu cải thiện nhưng bên bán chiếm ưu thế hơn hẳn. Khoảng sau 14h, chỉ số đại diện sàn HoSE giảm mạnh hơn, lần lượt rời khỏi các mốc quan trọng 1.250 – 1.240 điểm và có lúc về sát 1.230 điểm. Thị trường có cú giằng co nhẹ trước khi bước vào phiên ATC.

VN-Index đóng cửa giảm gần 23 điểm, về khoảng 1.231,8 điểm. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất trong gần một tháng qua. Toàn sàn HoSE có đến 373 cổ phiếu giảm giá, trong khi chỉ ghi nhận 83 mã tăng.

Một số cổ phiếu giảm về giá sàn nổi bật là DGW, DBC, VTP, CSV và DPG. Trừ công nghệ và công nghiệp với đại diện là FPT và VOS, tất cả nhóm cổ phiếu còn lại đều có chỉ số ngành đi lùi.

Sắc đỏ cũng bao trùm rổ VN30 với 24 cổ phiếu giảm, đẩy chỉ số đại diện sụt hơn 20 điểm trong hôm nay. Tương tự, HNX-Index giảm gần 4 điểm và chỉ số sàn UPCoM điều chỉnh hơn 1 điểm.

Với vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn, dòng tiền giao dịch cao, ngân hàng là một trong những ngành chính làm VN-Index chao đảo. MBB là cổ phiếu mất giá nhất trong nhóm có thanh khoản cao, khi giảm 5,2%. Các mã TPB, CTG, STB, ACB, BID và MSB cũng giảm mạnh từ 3-4,6%. Ngành này góp 6 đại diện vào nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường, lần lượt gồm BID, MBB, CTG, ACB, VPB và TCB.

Bảng điện bất động sản cũng có nhiều sắc đỏ. Trong nhóm có thanh khoản lớn, HDG giảm mạnh nhất 5,7% và theo sau là TCH với 4,4%. Các mã còn lại như DIG, DXG, IDC, PDR đều giảm trên 2%.

Điểm sáng trong phiên điều chỉnh hôm nay là thanh khoản không quá cao, chỉ hơn 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với hôm qua. Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng khoảng 123 tỷ đồng. Nhưng đây vẫn là mức thấp thứ nhì trong tháng này.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến chứng khoán trượt điểm mạnh và lực cầu chưa có sự tham gia cho thấy dòng tiền còn đang chủ động đứng ngoài theo dõi trong bối cảnh chưa có tín hiệu ổn định trở lại.

Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng đối với những mã yếu, hạn chế giải ngân mua mới và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu xác nhận đảo chiều từ thị trường.

Tất Đạt

Công ty chứng khoán của Techcombank lãi lớn nhờ trái phiếu

Công ty chứng khoán của Techcombank lãi hơn 1.000 tỷ nhờ “chốt lời” danh mục trái phiếu chưa niêm yết, giúp lãi ròng 6 tháng gấp ba lần cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS, công ty con của Techcombank) – đơn vị đứng đầu về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường – ghi nhận lợi nhuận tăng vọt trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính bán niên, TCBS ghi nhận hơn 1.330 tỷ đồng lãi bán các tài sản tài chính FVTPL, trong đó hơn 1.000 tỷ lãi bán các trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đóng góp hơn 100 tỷ đồng mỗi loại.

Hoạt động môi giới cũng ghi nhận doanh thu tăng 50% cùng kỳ, đạt hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ cho vay ký quỹ (margin) còn lớn hơn, với lãi các khoản cho vay và phải thu đạt hơn 1.200 tỷ, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2023.

Trong khi các cấu phần doanh thu tăng vọt, chi phí hoạt động giảm nhẹ. Lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL bằng 50% cùng kỳ, chi phí tư vấn cũng giảm tương đương, trong khi chi phí môi giới tăng. Kết quả này giúp TCBS đạt mức lãi ròng hơn 2.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, gấp gần ba lần cùng kỳ năm 2023.

Đến cuối quý II, tổng tài sản của công ty chứng khoán này đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng gần 19% so với đầu năm. Trong đó, hai khoản mục tăng mạnh nhất là các khoản cho vay và danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Ở hoạt động môi giới chứng khoán, cho vay margin của TCBS đến cuối quý II tăng lên gần 24.200 tỷ đồng, so với mức hơn 16.000 tỷ vào đầu năm.

Trong danh mục AFS, quy mô trái phiếu chưa niêm yết tại công ty con của Techcombank tăng hơn 4.000 tỷ so với đầu năm, lên 16.471 tỷ đồng. Cổ phiếu niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lần lượt là 1.126 tỷ và 408 tỷ đồng, tạm thời lỗ nhẹ theo giá trị đánh giá lại.

Đến cuối quý II, công ty chứng khoán này sở hữu gần 10% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Dream City Villas Hưng Yên và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển NewCo, với tổng giá trị đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp này cũng là các thành viên hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nửa đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt. Thị trường ghi nhận hơn 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, trị giá 110.200 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ 2023. Bên mua chủ yếu là tổ chức, với gần 95% khối lượng phát hành trên thị trường sơ cấp, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%).

Minh Sơn

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai mất thanh khoản

Mã QCG chỉ giao dịch gần 60.000 cổ phiếu trong phiên 22/7, với dư bán sàn khi đóng cửa hơn 6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai giao dịch với khối lượng trung bình hơn 1 triệu cổ phiếu trong một năm gần đây. Nhưng sau khi CEO Nguyễn Thị Như Loan bị bắt hôm 19/7, mã này “trắng bảng bên mua”, thanh khoản giảm mạnh.

Trong phiên hôm nay, cổ phiếu QCG của doanh nghiệp này khớp lệnh chưa tới 60.000 đơn vị. Đến cuối phiên, trên 6 triệu cổ phiếu được treo bán giá sàn trong tình trạng “trắng bảng bên mua”. Mã này giảm gần 7%, xuống 8.440 đồng một cổ phiếu. Đây là phiên thứ hai mã QCG giảm sàn.

Hôm nay cũng là phiên biến động mạnh của thị trường chứng khoán, với sắc đỏ chiếm áp đảo. VN-Index mở cửa gần tham chiếu, rơi hơn 10 điểm sau vài phút đầu giờ, xuống dưới 1.255 điểm. Chỉ số của sàn HoSE được kéo lại vào giữa phiên sáng, có lúc trở lại sắc xanh. Tuy nhiên, đà giảm trở lại ngay sau đó.

VN-Index rơi liên tục khi áp lực bán tăng vọt. Chỉ số của sàn HoSE mất gần 20 điểm, lùi về dưới ngưỡng 1.250 điểm vào cuối phiên giao dịch sáng. Thị trường nối dài sắc đỏ sang phiên chiều khi rơi thêm một nhịp ngay khi mở cửa, về vùng 1.245 điểm. Chỉ số giằng co ở vùng giá thấp trong 30 phút đầu phiên chiều trước khi dần hồi phục.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 10 điểm (0,8%) xuống 1.254,64 điểm. VN30-Index hạ hơn 3 điểm nhờ lực đỡ của nhóm ngân hàng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm quanh ngưỡng 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 24.000 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là trên 21.000 tỷ, tăng hơn 3.400 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng khoảng 440 tỷ đồng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 96 cổ phiếu tăng giá, so với 350 mã giảm giá.

MSN là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,4 điểm khi mã này tăng 1,7% lên 72.200 đồng. Ngược lại, GVR là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 5%.

Trong nhóm vốn hóa lớn, ngoài MSN, ngân hàng là nhóm trụ đỡ cho thị trường. HDB, TPB, TCB tăng hơn 1%, CTG, VCB chốt phiên trên tham chiếu. Ngược lại, GVR, BVH, FPT, PLX, GAS chìm trong sắc đỏ.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã bảo hiểm, hóa chất, dầu khí, chứng khoán hay một số cổ phiếu bất động sản chịu áp lực. Những mã này giảm phổ biến 1-3%. Một số mã khác như HVN, HHS giảm kịch sàn.

Minh Sơn

Vì sao cổ phiếu ngân hàng ngừng hút dòng tiền?

Từng dẫn dắt thị trường vào đầu năm, cổ phiếu ngân hàng thời gian qua diễn biến kém khả quan, thị giá đi lùi, khó hút dòng tiền và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), tăng trưởng quý I của VN-Index phần lớn được thúc đẩy bởi ngành ngân hàng khi đóng góp hơn 56% tổng lợi nhuận. Nhiều cổ phiếu nhóm này lập đỉnh hoặc cần kề vùng giá cao nhất lịch sử như VCB, BID, ACB, HDB, MBB, CTG hay LPB.

Tuy nhiên, bước sang quý II, bảng điện ngành ngân hàng bắt đầu chuyển biến xấu. Nhiều cổ phiếu có thị giá đi lùi, riêng trong tháng 4 có mã giảm đến 16%. Trong tháng 6, ngành này dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chứng khoán. Tính chung cả quý, hiệu suất nhóm ngân hàng sụt 6,8%, khiến mức trung bình 6 tháng chỉ đạt 11,4% – cao hơn không nhiều so với chỉ số VN-Index.

Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư gần đây, ông Đinh Đức Minh – Giám đốc đầu tư và nhà điều hành quỹ của VinaCapital – giải thích nguyên nhân chính là do sự kỳ vọng của thị trường vào ngành ngân hàng “không sai nhưng có lẽ hơi sớm”.

Đầu năm, nhiều bên dự báo các nhà băng đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tỷ lệ nợ xấu đã lập đỉnh. Kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2023 cũng cho thấy nợ xấu và chi phí đều giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ngành này sụt giảm từ mức 2,24% cuối quý III về 1,93% trong quý IV/2023. Điều này giúp bức tranh lợi nhuận các nhà băng bớt ảm đạm.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I/2024 lại thể hiện tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng tăng trở lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm đi. Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu tới hết tháng 3 là 224.146 tỷ đồng, cao hơn 14% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân liên quan nhiều đến hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản, gồm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng toàn ngành đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu bình quân hệ thống ngân hàng ở thời điểm cuối quý I là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối 2023. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, khoảng 2,4% tính tới cuối tháng 5, trong đó hai tháng đầu năm ghi nhận mức âm. Các số liệu trên đẩy cổ phiếu ngành này diễn biến không tích cực trong quý II.

Tương tự, ông Nguyễn Đại Hiệp – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – cho rằng bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng vừa qua cũng chưa thực sự khả quan. Lãi trước thuế (theo thống kê 28 nhà băng) chỉ tăng 11% so với cùng kỳ và có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng.

Tuy nhiên, bà Lê Thu Uyên – Chuyên gia phân tích phụ trách ngành ngân hàng của Chứng khoán VPBank (VPBankS) – lại cho rằng hiệu suất chung toàn ngành giảm hơn thời gian trước, nhưng vẫn có những cổ phiếu tăng từ 40% trở lên như LPB, TCB hay VAB. Theo chuyên gia này, thay vì lan tỏa toàn bộ ngành, dòng tiền hiện tập trung ở một vài cổ phiếu có kỳ vọng tốt hơn mặt bằng chung.

Nhân viên đang kiểm đếm tiền tại quầy giao dịch của một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Nhân viên đang kiểm đếm tiền tại quầy giao dịch của một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Diễn biến trên của thị trường liên quan đến triển vọng lợi nhuận quý II nhiều ngân hàng không quá khả quan và phân hóa rõ rệt. VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế ngành này nhìn chung sẽ tăng trưởng, nhưng không mạnh mẽ và rất phân hóa. Sự phục hồi tích cực của “cổ phiếu vua” chỉ xuất hiện ở các ngân hàng có thị phần cho vay lớn, người dân sử dụng nhiều tài khoản thanh toán như VCB, BID, VPB và TCB.

Về thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tín dụng trong quý II có thể tích cực hơn đầu năm do tính chất mùa vụ và phục hồi tiêu dùng vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, ngành này còn kỳ vọng vào thu nhập ngoài lãi, nhất là hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) khi Thông tư 34/2024 cho phép các ngân hàng được bán bảo hiểm liên kết đầu tư.

Tuy nhiên, VPBankS lưu ý biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sau khi hồi phục ở quý I, có thể tiếp tục đi ngang trong quý II do chịu áp lực lãi suất cho vay giảm thêm để hỗ trợ khách hàng, trong khi huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các đơn vị. Ngoài ra, chi phí dự phòng sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung do nợ xấu vẫn cao, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục tăng và các ngân hàng chọn phương án chủ động trích lập sớm.

Tuy vậy, khi tham gia thị trường chứng khoán, triển vọng lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định tất cả. Nhà đầu tư còn quan tâm đến định giá cổ phiếu. Đây là điểm tích cực dễ thấy nhất của nhóm ngân hàng. Theo VPBankS, P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng đang giao dịch quanh mức thấp hơn độ lệch chuẩn 10 năm. Chỉ số hiện tại khoảng 1,55 lần, xấp xỉ mức giảm khi dịch Covid-19 bắt đầu.

Tương tự, số liệu từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy ngành ngân hàng đang có chỉ số P/E (thị giá trên lợi nhuận cổ phiếu) là 10,3 lần và P/B là 1,7 lần. Ông Nguyễn Đại Hiệp, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân VDSC, nhận xét mức này nằm trong vùng định giá rẻ nếu xét dữ liệu từ năm 2010 đến nay. Nhìn chung, theo ông đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư mua vào khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh với nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực.

“Xác suất đạt tỷ suất sinh lời dương tại vùng định giá này sau thời gian nắm giữ một quý tới một năm hiện cao hơn tỷ suất sinh lời âm”, ông cho biết.

Hiện tại, thị trường đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và những con số có phần tích cực dần được công bố. Chẳng hạn, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) lãi ròng hơn 2.400 tỷ trong quý II, gấp hơn ba lần cùng kỳ nhờ đẩy mạnh cho vay.

Chuyên gia VDSC cho rằng, trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của thị trường sẽ gắn với nhóm “cổ phiếu vua”. Tuy nhiên, sự lan tỏa của nhóm ngành này tới các lĩnh vực khác thể hiện qua thanh khoản chung cũng là yếu tố cần theo dõi sát.

Tất Đạt

Nhà đầu tư ngoại có thể mua chứng khoán không cần ký quỹ đủ tiền

Dự thảo Thông tư về thanh toán bù trừ bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch, mở đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch và đây là điểm nghẽn được các tổ chức xếp hạng khuyến nghị Việt Nam cần gỡ bỏ trước khi nâng hạng thị trường chứng khoán vào 2025.

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch, bù trừ và thanh toán giao dịch được Ủy ban chứng khoán lấy ý kiến, quy định này đã được thay đổi. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không yêu cầu có đủ tiền khi giao dịch mua cổ phiếu. Công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro để xác định mức tiền ký quỹ khi đặt lệnh mua.

Trường hợp tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ, nghĩa vụ trả phần còn lại được chuyển cho công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán được bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống với số cổ phiếu đã về tài khoản trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền thanh toán.

Ngoài sửa điều kiện ký quỹ với giao dịch của nhà đầu tư ngoại, dự thảo mới cũng yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ý chứng khoán (VSD) phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Thông tin này phải thống nhất với nội dung công bố bằng tiếng Việt.

Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 – thị trường mới nổi.

Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế, hai nhóm vấn đề cần thay đổi của thị trường chứng khoán là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Việc hạn chế “room” ngoại chỉ nên áp dụng đối với những ngành thực sự cần thiết.

Tính toán của World Bank cho thấy nâng hạng có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới 2030.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản hai năm tới và 11 triệu tài khoản năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Minh Sơn

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai bị bán tháo

Mã QCG giảm kịch sàn trong phiên hôm nay sau thông tin cảnh sát làm việc tại nhà CEO Nguyễn Thị Như Loan, với dư bán hơn 3,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu QCG dư bán giá sàn hơn 2,7 triệu cổ phiếu tới cuối phiên sáng 19/7. Ảnh: Minh Sơn

Cổ phiếu QCG dư bán giá sàn hơn 2,7 triệu cổ phiếu tới cuối phiên sáng 19/7. Ảnh: Minh Sơn

Chứng khoán khởi đầu phiên hôm nay ở trạng thái giằng co, biến động quanh ngưỡng 1.270 điểm. Ngân hàng, bán lẻ tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường, trong khi cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán chịu áp lực. Trong nhóm bất động sản, các mã được chú ý như DIG, NVL, DXG, SCR chìm trong sắc đỏ, cá biệt cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai giảm kịch sàn với áp lực bán tháo hàng triệu cổ phiếu.

Mã này mở cửa phiên hôm nay ở mức 9.540 đồng, giảm khoảng 2,2%. Tới gần 10h, lực bán tăng vọt ép QCG chạm giá sàn. Cổ phiếu này duy trì trạng thái “trắng bảng bên mua” cho tới cuối phiên sáng.

Sang phiên chiều, trạng thái của QCG không thay đổi. Lác đác vài lệnh mua giá sàn từ vài trăm tới vài nghìn đơn vị không giúp mã này đảo ngược tình hình. Dư bán giá sàn khi đóng cửa ghi nhận gần 3,5 triệu đơn vị.

Sáng nay, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai.

Hiện cơ quan điều tra chưa công bố nội dung làm việc tại nhà bà Loan. Tuy nhiên, động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP HCM.

Trước đó, hôm 30/5, Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định “đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn với giá hơn 464 tỷ đồng đúng quy định”.

Trên thị trường, cổ phiếu QCG trong nhóm những mã biến động mạnh vài tháng gần đây. Trong hơn hai tháng, từ tháng 2 đến tháng 4, QCG tăng hơn gấp đôi từ vùng giá 8.400 đồng lên hơn 17.800 đồng. Mã này giữ vùng giá cao đến cuối tháng 5, trước khi lao dốc trở lại. Tính tới phiên sáng nay, thị giá QCG giao dịch ở mức hơn 9.000 đồng, giảm gần 50% so với mức đỉnh trước đó 3 tháng.

Chứng khoán mở cửa phiên hôm nay trong trạng thái rung lắc. Thị trường ban đầu có phần tích cực khi cổ phiếu ngành ngân hàng giữ sắc xanh. Nhưng đến cuối buổi sáng, áp lực bán tăng dần kéo VN-Index lùi về dưới tham chiếu. Sắc đỏ lan rộng hơn trong buổi chiều khiến chỉ số có lúc mất gần 14 điểm, trước khi thu hẹp mức giảm về gần 10 điểm khi đóng cửa.

Minh Sơn

Chứng khoán giảm gần 10 điểm

VN-Index chịu áp lực lớn trong buổi chiều, có lúc về sát 1.260 điểm trước khi đóng cửa sụt gần 10 điểm, với hơn hai phần ba cổ phiếu giảm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trong rung lắc. Khoảng 30 phút sau, thị trường tích cực hơn khi cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tốt. Đến cuối buổi sáng, chỉ số này lùi về dưới tham chiếu nhưng không quá sâu nhờ bộ đôi ngân hàng và chứng khoán vẫn hút dòng tiền.

Sắc đỏ kéo dài suốt buổi chiều. Sau 14h, lực bán xuất hiện dày đặc hơn, bao phủ ở nhiều mã trụ khiến chỉ số có lúc giảm gần 14 điểm về sát mốc 1.260 điểm.

Những phút cuối phiên, VN-Index cải thiện hơn và đóng cửa ở gần 1.265 điểm, sụt gần 10 điểm.

Gần 65% cổ phiếu trên sàn HoSE bị nhuộm đỏ với 5 mã giảm kịch sàn, trong đó nổi bật có VIX, HVN và QCG. Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai giảm sàn chỉ sau một tiếng đầu giao dịch khi hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên của Bộ Công an và đại diện VKS đến nhà Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan. Trong khi đó, hai mã VIX và HVN diễn biến tiêu cực chủ yếu do kết quả kinh doanh xấu đi.

Bán lẻ là nhóm duy nhất có chỉ số ngành tăng trưởng nhưng không quá cao. Bảng điện ngành này ghi nhận hai mã thanh khoản trăm tỷ là DGW và MWG, lần lượt tăng 2,1% và 0,9%. Ngoài ra, hai mã PET và FRT cũng giữ sắc xanh trên 1% so với tham chiếu.

Thanh khoản thị trường TP HCM giảm hai phiên liên tiếp. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 18.500 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 570 tỷ so với hôm qua. Thanh khoản nhiều ngày luôn ở mức thấp cho thấy thiếu sự chủ động từ bên mua, trong khi áp lực bán đang chiếm ưu thế.

Sau hai phiên mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng khoảng 350 tỷ đồng. Điều này cũng góp phần ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung. Khối ngoại xả hàng trăm tỷ đồng ở các mã FPT, VHM và TCB.

Với ba trên năm phiên điều chỉnh xen kẽ nhau, chứng khoán tuần này giảm gần 16 điểm. Mốc 1.290-1.300 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự quan trọng sắp tới cho thị trường. Các công ty chứng khoán đều lưu ý nhà đầu tư cẩn trọng trong việc sử dụng margin ở thời điểm hiện nay để tránh những rủi ro bất ngờ xảy đến.

Tất Đạt

Chứng khoán đảo chiều tăng vào cuối phiên

Giằng co quanh tham chiếu suốt buổi sáng, sau đó thủng mốc 1.260 điểm, VN-Index bất ngờ đảo chiều những phút cuối và chốt ngày tăng gần 6 điểm.

Chỉ số của sàn HoSE rung lắc ngay khi mở cửa. Thanh khoản mỏng, bên mua và bán thay nhau đặt lệnh lắt nhắt khiến thị trường giằng co liên tục quanh tham chiếu. Đến hết buổi sáng, tổng giá trị giao dịch chỉ tương đương hai phần ba cùng kỳ phiên trước.

VN-Index bị nhuộm đỏ trước giờ nghỉ trưa khi lực bán dần áp đảo. Thị trường có diễn biến tiêu cực hơn trong buổi chiều. Lệnh bán được đặt liên tục, tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu trụ khiến chỉ số này giảm mạnh, có lúc về sát 1.256 điểm – sụt hơn 12 điểm.

Tuy nhiên trước khi bước vào phiên ATC, chỉ số đại diện sàn HoSE bất ngờ đảo chiều. Lực cầu bắt đáy quanh vùng 1.260 điểm giúp thị trường trở lại sắc xanh. VN-Index đóng cửa ở 1.274,4 điểm, tăng thêm gần 6 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn có 285 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn hẳn 158 cổ phiếu đi lùi. Hỗ trợ tích cực cho chỉ số là các mã PLX, BID, CTG, MWG, MBB, GVR. Nếu xét theo ngành, dầu khí, bán lẻ và hóa chất có hiệu suất tốt nhất hôm nay. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT và HVN dẫn đầu nhóm gây áp lực.

Trong các nhóm hút dòng tiền, ngành chứng khoán và bất động sản có diễn biến khá tốt. Hầu hết cổ phiếu có thanh khoản trăm tỷ thuộc hai ngành này đều tăng giá, nổi bật có VIX, MBS, TCH, VRE và đặc biệt HDG tích lũy đến 5%.

Do lực cầu bắt đáy chỉ xuất hiện cuối phiên, thanh khoản thị trường TP HCM hôm nay giữ mức thấp. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 19.100 tỷ đồng, giảm đến 10.200 tỷ so với phiên trước.

Tâm lý giao dịch chứng khoán cải thiện có thể đến từ việc khối ngoại duy trì đà gom cổ phiếu ở phiên thứ hai liên tiếp. Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 975 tỷ đồng, tăng gần 86% so với hôm qua. HDB, STB, ACV, SAB, MWG và SCS lần lượt là các mã được mua ròng trên trăm tỷ.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường có tín hiệu phục hồi trong phiên chiều cho thấy nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận giải ngân ở vùng giá hiện tại. Nhóm phân tích này tiếp tục khuyến nghị cơ cấu danh mục theo hướng loại bỏ những cổ phiếu vẫn chưa kết thúc xu hướng điều chỉnh. Nếu có mục tiêu ngắn hạn, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân với tỷ trọng vừa phải để quản trị rủi ro tốt hơn.

Tất Đạt

Chứng khoán cuối năm có thể tăng nhờ định giá hấp dẫn

Mức định giá hấp dẫn, khối ngoại trở lại là lực đẩy giúp chứng khoán cuối năm tích cực, trong khi một số chuyên gia lo ngại tỷ giá và lạm phát có thể cản bước thị trường.

Tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023, VN-Index giữ sắc xanh trong nửa đầu năm nay. Dù chịu áp lực điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và giảm 1,3% vào tháng 6, chỉ số của sàn HoSE vẫn tăng hơn 10% so với đầu năm. Đà đi lên này có phần khiêm tốn so với các thị trường lớn châu Á và Phố Wall (Nasdaq, S&P 500 tăng 26,35% và 18,52%), nhưng vượt trội hơn thị trường ở nhóm cận biên hay mới nổi khác – vốn đang chịu ảnh hưởng từ áp lực bán ròng của khối ngoại.

“Từ vĩ mô cho tới các yếu tố nội tại của thị trường đều cho thấy khả năng chứng khoán tích cực hơn trong nửa cuối năm”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, nhận xét.

Tương tự, nhóm phân tích nhiều công ty chứng khoán cũng “đặt cửa” thị trường sẽ nới rộng đà tăng. Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, SSI Research cho biết nghiêng về kịch bản chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, dù các biến số rủi ro vẫn hiện diện. Định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) của VN-Index năm nay dự báo ở mức 11,5 lần, thấp hơn trung bình 5 năm (13,4 lần). “Với mức định giá này thì ‘cửa tăng’ của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang 2025”, nhóm phân tích từ SSI Research nhận xét.

Chứng khoán MiraeAsset dự báo VN-Index hướng tới ngưỡng 1.320-1.340 điểm. Thậm chí, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng chỉ số của sàn HoSE có thể cán mốc 1.400 điểm trong nửa cuối năm nay.

Theo Giám đốc phân tích của Yuanta, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong tháng 9 sẽ tác động tích cực tới hai “cơn gió ngược” của thị trường là tỷ giá và dịch chuyển dòng vốn. “Khi sức mạnh đồng bạc xanh giảm bớt, áp lực lên tỷ giá sẽ hạ nhiệt. Đồng thời, dòng vốn có thể trở lại các thị trường đang phát triển trong bối cảnh định giá tại Phố Wall, nhiều thị trường lớn đã quá cao”, ông Thế Minh đánh giá.

Nửa đầu năm nay, dòng tiền dịch chuyển từ các thị trường mới nổi và cận biên về nơi phát triển. Tính từ đầu năm, khối ngoại rút ròng hơn 3,2 tỷ USD trên thị trường Thái Lan, Philippines trên 500 triệu USD, còn Indonesia khoảng 400 triệu USD. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục một năm qua, duy nhất tháng 1/2024 họ mua vào. Họ đã rút gần 65.000 tỷ đồng, riêng từ đầu năm đến nay là 46.000 tỷ (tương đương 1,6 tỷ USD).

“Khi áp lực tỷ giá giảm bớt và tương quan định giá trở nên hấp dẫn, dòng tiền của khối ngoại có thể trở lại”, Giám đốc phân tích của Yuanta nói thêm.

Với câu chuyện riêng của thị trường, chuyên gia này cho rằng việc định giá sẽ là một yếu tố cần quan tâm. Đặc điểm của thị trường trong nửa đầu năm là dòng tiền phân hóa. Một phần lý do VN-Index không biến động quá mạnh nhờ các nhóm cổ phiếu “trụ” như ngân hàng, chứng khoán chững giá, trong khi công nghệ, phân bón, vận tải biển đều tăng vọt. “Mặt bằng định giá có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành đem lại cơ hội lẫn rủi ro”, chuyên gia này nhận xét.

Theo đó, nếu xét ở khía cạnh “hấp dẫn để đầu tư”, những nhóm chưa tăng mạnh trong nửa đầu năm nay như tài chính có thể được chú ý và việc “kéo trụ” tạo động lực cho chỉ số. Ngược lại, những ngành định giá cao sẽ gặp áp lực.

Trong khi đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, triển vọng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng tiền trở lại kênh đầu tư chứng khoán sẽ là điểm tựa cho thị trường. Lợi nhuận toàn thị trường năm nay theo ước tính của PHS dự kiến tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Cơn sốt thị trường vàng có dấu hiệu hạ nhiệt, kênh đầu tư khác như bất động sản chưa phục hồi rõ nét. Do đó, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán trong tương lai để tìm kiếm lợi nhuận”, nhóm phân tích PHS đánh giá. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng chứng khoán được dự báo là mối quan tâm hàng đầu để thu hút vốn ngoại quay trở lại.

Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 – thị trường mới nổi. Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi vào 2025. Theo tính toán của World Bank, chứng khoán Việt có thể hút thêm 25 tỷ USD vốn ngoại tới 2030 nhờ nâng hạng.

Tương tự quan điểm của SSI và PHS, Công ty chứng khoán MiraeAsset cho rằng định giá P/E trung bình 10 năm sẽ tạo thêm dư địa cho đà tăng của chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường cần những câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu này, theo nhóm phân tích. “Chúng tôi tin VN-Index vẫn có khả năng duy trì xu hướng tăng, nhắm đến 1.320-1.340 điểm, tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình 10 năm”, nhóm phân tích của MiraeAsset bình luận.

Đại diện cho góc nhìn thận trọng là Ballad Fund, thuộc Công ty quản lý SGI Capital. Đơn vị này cho rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán đang tăng lên. Kinh tế hồi phục nhưng các động lực tăng trưởng chính vẫn yếu như đầu tư công, tín dụng ngân hàng đều tăng chậm, thị trường bất động sản thanh khoản thấp. Thêm vào đó, áp lực tỷ giá và kịch bản tăng lãi suất vẫn hiện hữu.

Riêng về chứng khoán, SGI Capital cho rằng thanh khoản giảm mạnh gần đây là chỉ báo về dòng tiền tham gia thị trường suy yếu. Lượng cho vay ký quỹ (vay margin) tại các công ty chứng khoán vượt đỉnh, trong đó có các khoản vay từ cổ đông lớn và chủ doanh nghiệp. Ngoại trừ các mã ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, theo nhóm phân tích, giá cổ phiếu phần lớn các nhóm ngành khác ở ngưỡng cao trong nhiều năm.

Với những hạn chế hiện hữu, chuyên gia từ SGI Capital cho rằng cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro gia tăng, nên cần thận trọng với thị trường. Công ty quản lý quỹ này đã rút khoảng 78,2% tài sản tại Ballad Fund, tương đương hơn 65 tỷ đồng. Hiện họ chỉ nắm hơn 18,2 tỷ dưới dạng cổ phiếu ở các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ hàng không, tiện tích cơ bản…

Báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tuy cùng nêu quan điểm tích cực về thị trường, đội ngũ phân tích của cả hai vẫn lưu ý về hai rủi ro chính là tỷ giá và lạm phát. Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, VDSC cho rằng thị trường nửa cuối năm vẫn giữ mức biến động như hai tháng qua. Cụ thể, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sắp tới có thể giúp VN-Index có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá và rủi ro tăng lãi suất điều hành có thể khiến chỉ số quay về ngưỡng 1.240 điểm hoặc thậm chí 1.180-1.220 điểm trong quý III.

Với các yếu tố tác động trái chiều, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. “Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân, trong khi vẫn giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.

Minh Sơn – Tất Đạt

VN-Index rơi tự do cuối phiên

Áp lực bán tăng vọt trong 30 phút cuối phiên chiều 17/7 khiến VN-Index rơi 30 điểm, từ vùng 1.290 xuống dưới 1.260 điểm, bất chấp đà tăng của nhóm ngân hàng.

Phiên giao dịch hôm nay chia làm hai giai đoạn, trước và sau 14h15. Thị trường mở cửa trong sắc xanh, giằng co quanh tham chiếu trong cả phiên sáng. Đầu phiên chiều, VN-Index đi lên nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiến qua ngưỡng 1.290 điểm. Xu hướng giao dịch có phần tích cực khi các nhóm trụ bắt đầu được dòng tiền chú ý.

Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ xảy ra trong nửa sau của phiên giao dịch, khi áp lực bán bất ngờ tăng vọt ở toàn bộ các nhóm còn lại.

Chỉ trong vài phút, chỉ số của sàn HoSE rơi tự do hơn 30 điểm, từ ngưỡng 1.290 xuống dưới 1.260 điểm. Một loạt cổ phiếu bị ép về mức giá sàn, sắc đỏ lan rộng trên toàn bảng điện.

Nhóm ngân hàng cũng thu hẹp một phần sắc xanh trước áp lực bán dâng cao. Nếu không có lực đỡ từ nhóm này, VN-Index có thể lao dốc mạnh hơn.

Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE giảm hơn 12,5 điểm (0,98%), xuống 1268,66 điểm – mức thấp nhất kể từ ngày 1/7. VN30-Index ở chiều ngược lại khi tăng hơn 2 điểm (0,16%) nhờ nhóm ngân hàng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index mất hơn 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 33.500 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 29.300 tỷ đồng, tăng hơn 14.500 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng hơn 549 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 3/5.

Cuối phiên, sàn HoSE có 109 cổ phiếu tăng giá, so với 369 mã giảm giá.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính.

Bảng điện tử hôm nay chia làm hai phần, cổ phiếu ngân hàng và phần còn lại. MBB là mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,2 điểm khi mã này tăng hơn 4% lên 24.500 đồng. Ngược lại, GVR là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất với 2,6 điểm khi đóng cửa giảm kịch sàn.

Trong VN30, toàn bộ các cổ phiếu bluechip giữ sắc xanh cũng là nhóm ngân hàng.

Ngoài MBB, TCB cũng tăng hơn 4%, HDB, BID có thêm gần 2%, STB, ACB, CTG, VIB, VCB vượt tham chiếu. Các mã này trước đó tăng với biên độ cao hơn, có mã chạm giá trần, nhưng thu hẹp khi thị trường lao dốc cuối phiên.

Ở các nhóm còn lại, sắc đỏ là gam màu chủ đạo. Trong nhóm vốn hóa lớn, GVR, POW giảm sàn, PLX mất hơn 4%, MSN, SAB giảm quanh ngưỡng 3%, BCM, VHM, FPT, VIC giảm trên 1%.

Với nhóm vốn hóa trung bình, áp lực bán tháo lan rộng khiến nhiều mã chạm giá sàn. Ở nhóm bất động sản, QCG, DIG giảm hết biên độ, PDR, NVL, DXG giảm 3-6%.

Các nhóm được dòng tiền tập trung mua vào nhiều gần đây như hóa chất, dầu khí, viễn thông đứng đầu về biên độ giảm.

Minh Sơn