Chứng khoán

Chứng khoán có dấu hiệu dò đáy

Giới chuyên gia cho rằng 1.200 điểm đã là ngưỡng hỗ trợ cứng cho đợt giảm giá và lực cầu bắt đáy sẽ quyết định xu hướng cho chứng khoán.

VN-Index giảm 1,8% trong tháng 10. Sang tháng này, thị trường cũng rơi khoảng 3,8%. Trong đó đợt điều chỉnh từ cuối tuần trước lan sang ba phiên đầu tuần này ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung. Chứng khoán lùi dần về ngưỡng hỗ trợ quan trọng cả về mặt kỹ thuật lẫn tâm lý nhà đầu tư – mốc 1.200 điểm. VN-Index về ngang vùng giá hồi đầu tháng 8. Thanh khoản xuống mức thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi mặt bằng giá hấp dẫn hơn trước khi quyết định giải ngân tiếp tục.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng diễn biến này không quá bất ngờ. Nếu theo dõi trong cả năm nay, thị trường đã có cơn sóng lớn vào đầu năm nhưng nhanh chóng kết thúc vào tháng 3 và có vài điểm nhấn đến tháng 6. Sau đó, từ tháng 6-11, chứng khoán luôn trong xu hướng giảm.

“Dựa trên nhiều phương pháp bắt đáy, cơ hội đang đến rất gần cho nhà đầu tư”, ông nêu quan điểm.

Chuyên gia này chỉ ra thị trường đang có một số dấu hiệu thể hiện điều này. Đầu tiên là P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu). Trong bất kỳ thị trường xấu, dù đến mức nào, định giá theo P/E cũng chỉ về mức 10-11 lần. Điều này xảy ra ở năm 2016, trước khi bước vào sóng tăng mạnh 2016-2017 hay lần thứ hai vào năm 2020, trước đợt sóng Covid và lần thứ ba là năm 2022 khi có câu chuyện về trái phiếu. Hiện tại, VN-Index đang ở mức 11 lần theo P/E.

Nếu dựa trên định giá P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách), thị trường sẽ có một số điểm hỗ trợ cứng tại 1.155 điểm. Nếu thị trường về khu vực này, ông Đức cho rằng sẽ có sóng hồi.

Phương pháp cuối cùng là dựa vào chỉ số sợ hãi (RSI). Số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên mức 20-25% là ngưỡng sợ hãi cao độ của thị trường. Trước đợt giảm hiện tại, đồ thị đang ở mức 10% và ông cho rằng sau phiên 19/11 có thể đã dâng lên 20% và sẽ nhanh chóng lên 25-30%. Nhìn vào lịch sử, trong thị trường hoảng loạn gần nhất vào năm 2022, số lượng cổ phiếu giao dịch dưới RSI 30 lên đến 50%. Trong bối cảnh bình thường, tỷ lệ này dâng lên 30% đã xuất hiện sóng hồi.

Ở khu vực 1.200 điểm, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tín hiệu hỗ trợ chưa rõ nét. Tuy nhiên nếu bước vào vùng quá bán dưới ngưỡng kể trên, thị trường sẽ có thể kiểm tra động lực hỗ trợ của dòng tiền. “Tín hiệu cung cầu trong vùng quá bán này sẽ có tác động đến diễn biến tiếp theo của chứng khoán”, nhóm phân tích VDSC dự báo.

Những nhận định trên dần được kiểm chứng trong phiên giao dịch hôm nay. Trong buổi sáng, VN-Index bị đẩy về thủng mốc 1.200 điểm khi lực bán ồ ạt xuất hiện. Tuy nhiên, thị trường không quá hoảng loạn mà đã cải thiện sau đó chỉ một tiếng khi lực cầu bắt đáy gia nhập khá tích cực.

Cuối phiên, chỉ số được nâng lên trên 1.216 điểm, tức tăng hơn 11 điểm. Thanh khoản cải thiện tốt khi ghi nhận hơn 17.800 tỷ đồng, cao hơn 34% so với hôm qua.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI hướng lên từ vùng thấp, tuy nhiên chỉ báo MACD (đường trung bình động hội tụ phân kỳ) chưa cho tín hiệu tạo đáy cho thấy xác suất rung lắc vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Tuy nhiên với việc thanh khoản đã có sự gia tăng đáng kể và sự tham gia chủ động của lực cầu, nhóm phân tích này kỳ vọng thị trường sẽ đi ngang tích lũy để củng cố lại động lực và dần cân bằng trở lại.




Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM) trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM) trong một phiên giảm điểm hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Ở tầm nhìn dài hạn, Dragon Capital cho rằng khả năng chứng khoán giảm thêm không cao. Công ty quản lý quỹ này đánh giá đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt kết quả tích cực. Riêng 80 công ty thuộc danh mục theo dõi của họ đã ghi nhận mức tăng trưởng ròng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trên cho thấy khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán và củng cố kỳ vọng tăng trưởng 16-18% vào năm sau. Nhóm doanh nghiệp kể trên cũng đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 11,6 lần so với mức trung bình 13,9 lần trong 5 năm qua. Kết hợp với quan điểm tích cực của nhà đầu tư trong nước, Dragon Capital vẫn lạc quan về tình hình thị trường trong tương lai.

Cho rằng cơ hội đang đến, nhưng chuyên gia VPBankS cũng lưu ý điều quan trọng là bắt đáy theo phương thức nào. Dựa trên quy tắc đầu tư của William O’ Neil, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng có một số điểm phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ nhất, không nên bắt đáy đối với cổ phiếu thị giá quá thấp. Trong trường hợp chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu chất lượng cao thường có giá khoảng 15.000 đồng trở lên. Nhà đầu tư nên mua cổ phiếu nằm trong các ngành tăng trưởng hàng đầu.

Thứ hai, cắt lỗ mỗi khi vượt 8% so giá mua cổ phiếu và không có ngoại lệ. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng cần tuân thủ các quy tắc bán để biết khi nào nên chốt lời.

Quy tắc tiếp theo là nên mua khi chỉ số thị trường tăng điểm, giảm đầu tư và tăng tiền mặt khi thị trường giảm. Quan trọng là đừng đoán đáy hoặc mua vào khi giá giảm, đừng tranh luận với thị trường và hãy quên đi sự tự hào và cái tôi của mình.

Còn VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tận dụng các nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần cho mục tiêu đầu tư trung – dài hạn. Trọng tâm là những cổ phiếu đã duy trì được xu hướng và bật tăng mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ hoặc đáy chiết khấu sâu với dư địa hồi phục còn nhiều. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên hạn chế gia tăng tỷ trọng ở những mã đang kiểm định vùng đỉnh hay chưa thu hút được lực cầu tích cực.

“Nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng chốt lời hay cắt lỗ đã đặt ra trong bối cảnh thị trường chưa vẫn chưa phát đi tín hiệu xác nhận tạo đáy dài hạn”, các chuyên gia lưu ý.

Tất Đạt

DNSE được vinh danh về giao dịch chứng khoán phái sinh

Lâm ĐồngDNSE được vinh danh top 10 thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh trong Hội nghị thành viên 2024 của VSDC, diễn ra tại Đà Lạt.

Đây là sự kiện thường niên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) nhằm tổng kết, đánh giá quá trình triển khai nghiệp vụ và phối hợp công tác giữa đơn vị với các thành viên. Đồng thời, hội nghị cũng thảo luận những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, các vấn đề hạ tầng công nghệ của thị trường.




Bà Phạm Thị Thanh Hoa - Tổng giám đốc DNSE (thứ 4 từ trái sang) cùng đại diện các công ty nhận kỷ niệm chương thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh 2024. Ảnh: DNSE

Bà Phạm Thị Thanh Hoa – Tổng giám đốc DNSE (thứ 4 từ trái sang) cùng đại diện các công ty nhận kỷ niệm chương thành viên tiêu biểu trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh 2024. Ảnh: DNSE

DNSE đã tập trung đưa chứng khoán phái sinh trở thành động lực tăng trưởng chính trong năm nay, từ đó, đạt được những kết quả rõ rệt thời gian qua. Sau một năm ra mắt, sản phẩm chứng khoán phái sinh bứt phá rõ nét, giúp DNSE lọt top 4 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh vào quý II và lên top 3 thị phần trong quý III (chiếm 5,3% thị phần), theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).




DNSE vươn lên top 3 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh, tính tới quý III. Nguồn: DNSE

DNSE vươn lên top 3 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh, tính tới quý III. Nguồn: DNSE

Bà Phạm Thị Thanh Hoa – Tổng giám đốc DNSE chia sẻ, công ty luôn nỗ lực tối đa trong công tác phối hợp xử lý nghiệp vụ với VSDC nhằm đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ an toàn, hiệu quả, kịp thời bảo vệ và thực hiện quyền lợi của nhà đầu tư.

“Những thành quả vượt trội của DNSE trong nghiệp vụ giao dịch chứng khóan phái sinh đã được ghi nhận với danh hiệu này. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục đào sâu nghiên cứu, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến lợi ích ngày càng cao cho khách hàng”, bà Hoa chia sẻ về thành tựu này.




Bà Phạm Thị Thanh Hoa - Tổng giám đốc DNSE (bên phải) nhận kỷ niệm chương tại sự kiện. Ảnh: DNSE

Bà Phạm Thị Thanh Hoa – Tổng giám đốc DNSE (bên phải) nhận kỷ niệm chương tại sự kiện. Ảnh: DNSE

DNSE tập trung đẩy mạnh những lợi thế sản phẩm chứng khoán phái sinh như trải nghiệm tốc độ nhanh, ổn định, hệ thống quản trị cho vay thông minh, tỷ lệ cọc mở hợp đồng hấp dẫn… Trong đó, các tính năng chốt lời, cắt lỗ tự động theo chiến thuật tùy chọn là những công cụ nhận được phản hồi tích cực của DNSE, hỗ trợ nhà đầu tư phản ứng kịp thời với mọi biến động của thị trường, tối ưu hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán công nghệ này ứng dụng hệ thống quản trị và cho vay margin theo từng giao dịch riêng lẻ – Margin Deal, giúp nhà đầu tư quản lý danh mục minh bạch, hiệu quả. Với việc kết nối với TradingView – nền tảng giao dịch và phân tích kỹ thuật chuyên sâu, nhà đầu tư có thể giao dịch phái sinh trên TradingView bằng chính tài khoản chứng khoán DNSE, sử dụng nhiều tính năng khác như “siêu biểu đồ”, công cụ chỉ báo kỹ thuật, tùy chỉnh chiến lược giao dịch…




DNSE sở hữu một nền tảng giao dịch phái sinh nhanh gọn, các công cụ hỗ trợ thông minh. Ảnh: DNSE

DNSE sở hữu một nền tảng giao dịch phái sinh nhanh gọn, các công cụ hỗ trợ thông minh. Ảnh: DNSE

Theo số liệu báo cáo tổng kết tại Hội nghị thành viên VSDC 2024, tại ngày 31/10, tổng số tài khoản nhà đầu tư được quản lý thông tin là hơn 9,21 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 triệu so với ngày 31/10/2023). Trong đó, số tài khoản tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh là hơn 1,787 tài khoản, tăng hơn 355.000 so với ngày 31/10/2023.

Với dư địa tăng trưởng rộng mở của hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh, cùng với những lợi thế về công nghệ, DNSE có nhiều tiềm năng phát huy thế mạnh trong mảng nghiệp vụ này, từ đó, bứt phá trong hoạt động phát triển kinh doanh.

Thiên Minh

VN-Index phục hồi sau khi chạm 1.200 điểm

Chỉ số của sàn HoSE về dưới 1.200 điểm ở phiên sáng nay, nhưng bật ngược trở lại trong phiên chiều khi lực cầu bắt đáy tăng nhanh.

Diễn biến chứng khoán phiên 20/11 là hai thái cực. Thị trường thận trọng ở phiên sáng khi VN-Index chìm trong sắc đỏ và tâm lý tích cực trong phiên chiều khi dòng tiền bắt đáy vào nhanh.

Chỉ số của sàn HoSE mở cửa dưới tham chiếu, liên tục đi xuống sau ATO. Áp lực bán chiếm ưu thế trong khi lực đỡ yếu khiến chỉ số chính lùi về dưới ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, đà giảm liên tục trong hơn một tháng, với VN-Index mất hơn 7%, cũng đưa giá nhiều cổ phiếu về vùng hỗ trợ cứng. Lực cầu bắt đáy vì thế cũng tăng nhanh sau khi VN-Index bị ép về dưới ngưỡng tâm lý.

Thị trường bắt đầu hồi trở lại từ cuối phiên sáng khi lực mua vào mạnh hơn. Giá nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm, vượt trở lại tham chiếu trước giờ nghỉ trưa. Sang phiên chiều, lực mua tiếp tục tăng giúp VN-Index có thời điểm bật lên trên 1.220 điểm, trước khi thu hẹp một phần lúc đóng cửa.

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.216,54 điểm, tăng 11,39 điểm (0,95%) so với phiên trước. VN30-Index tăng 12,6 điểm (1%), lên 1.271,73 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên trong sắc xanh.

Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, đạt hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 17.800 tỷ, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, phiên thứ 20 liên tiếp.

Cuối phiên, sàn HoSE có 250 cổ phiếu tăng giá, so với 148 mã giảm giá.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,17 điểm khi mã này tăng lên 43.300 đồng. Ngược lại, MWG là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi đóng cửa giảm 1,22%, xuống 56.800 đồng.

Trong VN30, sắc xanh chiếm áp đảo với 24/30 mã đóng cửa trên tham chiếu. BCM, VHM, TCB chốt phiên cùng tăng hơn 2%, CTG, SSI, FPT, MBB, TPB, STB có thêm hơn 1%. Ngược lại, MWG, GAS đóng cửa trong sắc đỏ; HDB, SSB, VIC và VRE đứng tham chiếu.

Minh Sơn

Khối ngoại bán ròng mạnh khi chứng khoán về vùng 1.200 điểm

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 1.700 tỷ đồng, mạnh nhất ba tuần qua, khi VN-Index giảm gần 12 điểm về sát mốc hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại bán ròng khoảng 1.660 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 19 liên tiếp họ ưu tiên xả hàng và mức rút vốn này mạnh nhất ba tuần gần đây.

Tâm điểm bán ròng nằm ở hai mã VHM và FPT. Song song đó, thị trường còn có ba mã khác bị nhà đầu tư nước ngoài rút hơn trăm tỷ gồm HDB, HPG và SSI.




Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Dòng vốn ngoại chảy khỏi chứng khoán bị giới chuyên gia và các đơn vị phân tích liệt vào những áp lực cực đoan cho thị trường suốt thời gian qua. Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất khiến họ muốn đổ tiền về các nước phương Tây, nhất là Mỹ, để giảm thiểu rủi ro. Làn sóng cổ phiếu công nghệ bùng nổ tập trung ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng ảnh hưởng tới việc điều tiết dòng tiền. Ngoài ra, chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng trong khi xu hướng chung của nhóm này là rút vốn bớt khỏi các thị trường cận biên.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh VN-Index tiếp tục điều chỉnh. Trừ những phút đầu phiên ATO, đồ thị chỉ số này đi dưới tham chiếu gần như cả ngày. Trong buổi sáng, biên độ giảm ít hơn khi vẫn xuất hiện trợ lực từ một số mã riêng lẻ như VHM, BID, GAS, PLX, NVL… Nhưng càng về chiều, chứng khoán càng điều chỉnh mạnh.

“Hiện tượng ATC” tái xuất đẩy VN-Index rơi gần 12 điểm về sát 1.205 điểm. Sau bốn phiên giảm liên tiếp, chứng khoán đang lùi dần về mốc hỗ trợ quan trọng cả về mặt kỹ thuật lẫn tâm lý nhà đầu tư – mốc 1.200 điểm. VN-Index đang về ngang vùng giá hồi đầu tháng 8.

Hôm nay sàn HoSE có 287 cổ phiếu giảm, trong đó có 7 mã về giá sàn, nổi bật nhất là CMG và QCG. Ở chiều ngược lại, thị trường chỉ có 83 cổ phiếu tăng, vẫn có 4 mã lên mức kịch trần nhưng toàn bộ đều giao dịch nhỏ giọt.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gây sức ép cho chứng khoán. Rổ VN30 ghi nhận 23 mã đi lùi khiến chỉ số đại diện điều chỉnh hơn 11 điểm. FPT, VCB, BCM và GVR là những cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index.

Điểm đáng chú ý trong phiên đỏ lửa hôm nay là thanh khoản chưa tới 13.250 tỷ đồng. Mức này thấp hơn hôm qua 2.300 tỷ và ít nhất trong gần hai tuần qua. Điều này cho thấy nguồn cung cổ phiếu giá thấp không xuất hiện quá nhiều trong phiên. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi mặt bằng giá hấp dẫn hơn trước khi quyết định giải ngân tiếp tục.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp, dưới 30%. Những ai có khẩu vị rủi ro cao có thể chọn lọc những cổ phiếu duy trì được diễn biến tích cực so với thị trường chung và chỉ giải ngân thăm dò cho mục tiêu đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên các chuyên gia VCBS cũng lưu ý việc nên tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư theo các ngưỡng chốt lời hoặc cắt lỗ đã đặt ra trong giai đoạn này.

Tất Đạt

Vinhomes hoàn thành một nửa kế hoạch mua cổ phiếu quỹ

Từ ngày 23/10 đến nay, Vinhomes mua gần 175 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 47% kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Kết thúc phiên hôm nay, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) mua vào hơn 12,3 triệu cổ phiếu. Đây là phiên thứ 19 liên tiếp, doanh nghiệp này gom cổ phiếu của chính mình sau khi đăng ký mua vào 370 triệu đơn vị. Lũy kế từ ngày 23/10 tới nay, Vinhomes đã mua vào gần 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương 47,2% kế hoạch.

Trong giai đoạn này, giá thị trường của VHM đã giảm hơn 13% từ 47.000 đồng về 40.800 đồng một cổ phiếu. Ước tính theo giá đóng cửa bình quân, công ty đã chi gần 7.418 tỷ đồng để thực hiện.

Hồi giữa tháng trước, Vinhomes đăng ký mua tối đa 370 triệu cổ phiếu, tương đương 8,5% tổng lượng chứng khoán của công ty đang lưu hành. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 23/10 đến ngày 21/11. Như vậy, họ còn 3 phiên để gom thêm hơn 195 triệu cổ phiếu theo đúng kế hoạch.

Theo nghị quyết công bố vào đầu tháng 8, Hội đồng quản trị VHM cho rằng thị giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thực. Do đó, công ty muốn mua lại cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi của chính họ và cổ đông. Giới chuyên môn đánh giá đây là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Công ty khẳng định kế hoạch trên sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án.




Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến giá cổ phiếu Vinhomes ngày 14/10. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến giá cổ phiếu Vinhomes ngày 14/10. Ảnh: An Khương

Trong quý III, Vinhomes đạt doanh thu hợp nhất hơn 33.320 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt gần 70.000 tỷ đồng, giảm một phần tư.

Sau khi trừ các chi phí, chủ đầu tư này lãi sau thuế khoảng 20.600 tỷ đồng sau 9 tháng. Theo Vinhomes, kết quả này được hỗ trợ bởi việc bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park 2-3 và ghi nhận kết quả kinh doanh tại dự án Vũ Yên, Hải Phòng trong kỳ. Tuy nhiên, mức lãi này chỉ bằng khoảng 63,5% cùng năm ngoái do lợi nhuận quý I khá thấp với chỉ 904 tỷ đồng.

Vinhomes cho biết đến hết quý III, công ty còn hơn 123.000 tỷ đồng doanh số chưa ghi nhận nhờ kết quả bán hàng khả quan tại các đại đô thị. “Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kết quả kinh doanh của Vinhomes trong thời gian tới”, chủ đầu tư này cho hay.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinhomes lần lượt đạt 524.684 tỷ và 215.966 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều tăng khoảng 18% so với đầu năm. Doanh nghiệp này đang có 20.621 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Tất Đạt

Cổ phiếu nhóm Hoàng Huy tăng mạnh

Chứng khoán biến động, có lúc bị kéo về gần ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi lại, với dòng tiền tập trung vào một số nhóm cổ phiếu riêng.

Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ, với khoảng trống thông tin, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến tỷ giá. VN-Index lên gần 1.220 điểm sau ATO nhưng bị kéo về dưới tham chiếu ngay sau đó. Lực bán áp đảo ngay khi mở cửa, trọng tâm ở các nhóm trụ như ngân hàng, khiến diễn biến thị trường kém tích cực.

Chỉ số của HoSE giảm liên tục trong phiên sáng, về gần ngưỡng 1.200 điểm trước giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh liên tục gần đây bắt đầu hấp dẫn những nhà đầu tư có tầm nhìn trung-dài hạn. Lực cầu bắt đáy cũng vào nhanh hơn trong phiên chiều, giúp nhiều mã thu hẹp một phần sắc đỏ.

Đến 13h30, VN-Index hồi trở lại trên ngưỡng 1.210 điểm, tiếp tục đi lên khi dòng tiền hướng vào một số nhóm cổ phiếu riêng, như phân khúc bất động sản, nhóm Hoàng Huy, chứng khoán. Trong các nhóm trụ, một số mã ngân hàng phục hồi, giúp kéo chỉ số trở lại tham chiếu.

VN-Index bật lên 1.225 điểm trước khi thu hẹp về ngưỡng 1.217 khi đóng cửa, giảm 1,45 điểm so với phiên trước. VN30-Index cũng thu hẹp đà giảm về còn 1.270 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index vượt tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa lớn, TPB đứng đầu với mức tăng 2,6%, SSI, VHM có thêm hơn 1%, STB, GAS, CTG, POW, ACB, VIB đóng cửa trong sắc xanh. Ngược lại, PLX, MWG, BCM, VJC, BVH giảm trên 1%.

Ở phân khúc vốn hóa trung bình, nhiều nhóm cổ phiếu được dòng tiền đẩy giá khi thị trường phục hồi trong phiên chiều. Nhóm Hoàng Huy đồng loạt tăng mạnh, với TCH tăng kịch trần còn HHS có thêm hơn 5%.

Nhóm bất động sản cũng được chú ý với đà tăng của một số mã như QCG, HQC, DXG, PDR, NVL. Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng tương tự, với VCI, VIX, FTS đều vượt tham chiếu khi đóng cửa.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.200 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE chiếm hơn 15.500 tỷ đồng thanh khoản, giảm hơn 3.000 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 31/10 và là phiên thứ 18 liên tiếp nhóm này bán ròng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 184 cổ phiếu tăng giá, so với 181 mã giảm giá.

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 0,6 điểm khi mã này tăng lên 40.800 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất, sụt gần 1% xuống 91.000 đồng.

Minh Sơn

Chứng khoán đang mất sức hút với nhà đầu tư

Không xuất hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn trong khi rủi ro vẫn đang thường trực khiến nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường chứng khoán, theo chuyên gia.

Từ đầu tháng 10 tới nay, chứng khoán không ghi nhận phiên giao dịch nào có tổng thanh khoản vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Thị trường có nhiều phiên “ru ngủ” nhà đầu tư khi dòng tiền tham gia nhỏ giọt, hiếm xuất hiện nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt và tạo xu hướng lâu dài.

Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE trong quý III chỉ đạt 14.157 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 20% so với quý trước đó. Mức này cũng thấp nhất kể từ quý II/2023. Chỉ tính khớp lệnh, có hơn 83% lượng cổ phiếu ghi nhận sụt giảm về thanh khoản trung bình.

Chứng khoán lình xình với tâm lý bên mua giao dịch chủ yếu để thăm dò, trong khi bên bán chưa tìm được lý do để chốt lời một cách ồ ạt. Do đó, nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường, thậm chí tắt ứng dụng, không quan tâm bảng điện.

Khảo sát của VnExpress với gần 3.000 độc giả từ ngày 12-16/11 cho thấy, hơn 41% người được hỏi cho biết họ không có tiền đầu tư. Với những ai đang cầm vốn trong tay, câu trả lời phổ biến nhất là chưa nhìn thấy cơ hội hấp dẫn với gần 700 câu trả lời.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng bên cạnh các câu chuyện triển vọng, thị trường vẫn có những yếu tố gây mất điểm trong mắt các nhà đầu tư gồm xu hướng bán ròng liên tục của khối ngoại, các rủi ro địa chính trị, e ngại về nợ xấu của hệ thống ngân hàng và sự hấp dẫn hơn của các kênh đầu tư khác.

Tính từ tháng 4/2023 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 19 trên 20 tháng với tổng giá trị khoảng 4,4 tỷ USD khi tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất USD – VND nới rộng bởi chính sách tiền tệ trái chiều giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc liên tục lỡ hẹn với nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi cũng khiến cho Việt Nam giảm sức hút. Trong bối cảnh rủi ro gia tăng và mặt bằng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới còn ở mức cao, dòng vốn sẽ có xu hướng “risk-off” (tức rủi ro được cảm nhận ở mức cao), từ đó bán ròng khỏi các tài sản rủi ro hay các thị trường cận biên như Việt Nam.

Thêm vào đó, bà Liên cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử cũng có thể gây các ảnh hưởng trái chiều đến triển vọng kinh tế – chính trị của Việt Nam trong 4 năm tới. Bởi cách thức điều hành của ông Trump được cho là khó đoán và tập trung vào lợi ích của nước Mỹ, vì vậy ảnh hưởng không chỉ đến thương mại mà còn các chính sách tiền tệ và tài khóa khác của Việt Nam.

“Các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàngbất động sản đã nóng lên từ đầu quý III đến nay, khiến nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, làm cho chứng khoán trở nên kém hấp dẫn”, chuyên gia nói thêm.

Góc nhìn tương tự cũng được nhóm phân tích của SGI Capital, công ty quản lý quỹ The Ballad Fund, nêu trong báo cáo mới đây. Họ quan sát thấy dòng tiền trong nước sau nhiều tháng không có lãi đang tiếp tục xu hướng rút ra để chuyển qua kênh bất động sản. Khoảng 12% độc giả tham gia khảo sát của VnExpress cũng cho biết họ đang chuyển từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác.

“Những cơ hội phân hóa đơn lẻ vẫn đang diễn ra nhưng ở quy mô và số lượng hạn hẹp không thay đổi bối cảnh khó kiếm tiền của chứng khoán đã kéo dài 6 tháng qua”, SGI Capital nêu quan điểm.




Nhà đầu tư đang theo dõi bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Khó kiếm lời cũng là lý do phổ biến không kém với độc giả VnExpress khi được hỏi vì sao đứng ngoài thị trường. Khoảng 685 người cho biết danh mục đầu tư của họ đang thua lỗ mặc dù VN-Index đã tăng gần 14% tính từ đầu năm đến hết quý III và khoảng 7,8% nếu tính đến phiên cuối tuần trước.

Trưởng phòng Phân tích PHS giải thích mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý 1 (tăng 13,6%). Trong khi đó, tính từ đầu quý II đến nay, thực tế chỉ số này đang ghi nhận hiệu suất âm 3% với diễn biến sideway (xu hướng đi ngang) biên độ rộng khi liên tục kiểm tra đỉnh 1.300 điểm thất bại.

Theo số liệu của PHS đến cuối quý III, dư nợ cho vay margin của thị trường vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi lập đỉnh vào quý I. Điều này cho thấy rằng nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy nhiều hơn. Trong trường hợp họ tham gia mua đuổi tại vùng kháng cự 1.300 điểm và kết hợp sử dụng đòn bẩy, khả năng thua lỗ nặng là điều có thể xảy ra.

Nhóm phân tích của SGI Capital cũng ghi nhận áp lực rút vốn khiến số dư tiền mặt giảm hai quý liên tiếp và margin tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đến cuối quý III đạt khoảng 236.378 tỷ, tích thêm gần 9.100 tỷ so với quý II và đã tăng suốt 6 quý qua. Trong khi đó, số dư tiền gửi trong tài khoản các nhà đầu tư giảm gần 3.800 tỷ, quý thứ hai liên tiếp, về khoảng 91.594 tỷ đồng. SGI Capital cho rằng, điều này tiềm ẩn rủi ro cho thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, công ty quản lý quỹ này cho rằng quá trình các rủi ro tiềm ẩn bộc lộ sẽ dẫn tới các nhịp điều chỉnh cần thiết và rồi sẽ giảm bớt rủi ro cho chứng khoán. Từ đó, thị trường có thể tạo ra nhiều cơ hội đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay trở lại.

Bà Mỹ Liên cũng nghĩ dấu hiệu rõ nhất trong thời gian tới là cải thiện về mặt thanh khoản, đồng nghĩa với việc dòng tiền quay trở lại và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện. Đây sẽ trở thành lực đỡ rất lớn khi mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng khá thấp. Nếu thanh khoản cải thiện cùng lúc với việc khối ngoại ngưng bán ròng và chuyển sang mua trở lại, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc xem như một chỉ báo tốt.

Tất Đạt

23 cá nhân bị cấm giao dịch chứng khoán hai năm

Uỷ ban Chứng khoán cấm 23 cá nhân giao dịch chứng khoán 2 năm vì cho mượn tài khoản để thao túng cổ phiếu của Khang Minh Group.

Theo Uỷ ban Chứng khoán, 23 cá nhân này đã cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng thị trường (thao túng giá cổ phiếu GKM) từ 2/8/2021 đến 28/1/2022.

Giao đoạn này, cổ phiếu GKM của Khang Minh Group đã tăng từ 7.450 đồng lên tới 39.390 đồng, tương đương hơn 5 lần. Đây cũng là đợt tăng mạnh nhất của GKM kể từ khi niêm yết.

Qua kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan này quyết định phạt các nhà đầu tư bằng hình thức cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 14/11. Đồng thời, 23 cá nhân trên cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại các doanh nghiệp ngành chứng khoán, quản lý quỹ trong 2 năm.

Khang Minh Group tiền thân là Công ty cổ phần Gạch Khang Minh, được thành lập năm 2010. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng, thạch cao cung cấp cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Giá cổ phiếu GKM hiện ở mức 6.900 đồng, giảm 80% so với đầu tháng 9.

Còn ông Nguyễn Việt Hà cũng từng bị Uỷ ban Chứng khoán phạt 1,5 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu GKM hồi cuối năm ngoái. Cùng với đó, ông Hà không được giao dịch chứng khoán và đảm nhận chức vụ tại doanh nghiệp ngành chứng khoán trong 2 năm kể từ 9/10.

Ông Nguyễn Việt Hà gia nhập HĐQT Khang Minh Group từ tháng 5/2021 và đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc tháng 10/2022. Đến 10/10/2023, ông bị công ty miễn nhiệm hai chức danh này.

Anh Tú

Hơn 300 cổ phiếu trên sàn HoSE giảm giá

Trong phiên điều chỉnh thứ hai liên tiếp, VN-Index đi dưới tham chiếu gần như cả ngày, chốt phiên giảm hơn 13 điểm với 305 cổ phiếu sụt giá.

Sau 15 phút ATO đi ngang, chứng khoán rơi về dưới tham chiếu cả ngày. Nửa đầu buổi sáng, biên độ giảm chưa quá sâu khi thanh khoản còn thưa thớt, không xuất hiện nhóm dẫn dắt thị trường. Từ 10h30 trở đi, lực bán áp đảo xuất hiện ở nhóm ngân hàng và chứng khoán khiến chỉ số chung lùi ngày càng sâu, có lúc về sát 1.217 điểm, tức giảm gần 15 điểm.

Sang buổi chiều, thị trường có dấu hiệu cải thiện khi rút ngắn khoảng cách với tham chiếu. Tuy nhiên áp lực bán trở lại mạnh mẽ sau 14h khiến chỉ số của sàn HoSE diễn biến xấu đi.

Chốt phiên, VN-Index mất mốc hỗ trợ quan trọng và lùi về 1.218,6 điểm, giảm hơn 13 điểm so với hôm qua. Đóng cửa tuần này, chứng khoán rơi gần 34 điểm khi có đến bốn phiên đi lùi.

Toàn sàn HoSE có đến 305 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, chiếm hơn 71%. Có thời điểm, tỷ lệ này dâng lên hơn 84%. Thị trường có 6 mã về giá sàn, chủ yếu là nhóm vốn hóa nhỏ với thanh khoản lẻ tẻ. Ở chiều ngược lại, sàn này vẫn ghi nhận 3 mã tăng hết biên độ, nổi bật nhất là VTP tiếp tục ngược dòng.

Dịch vụ tài chính, ngành rất nhạy cảm trước những biến động thị trường, là nhóm ảnh hưởng xấu nhất tới chứng khoán hôm nay. Loạt mã trụ của ngành như SSI, VCI, HCM, VIX, VND hay FTS đồng loạt giảm 2-3%. Sắc đỏ lan rộng gần hết bảng điện.

Ngoài ra, thị trường còn chịu sức ép lớn từ nhóm vốn hóa lớn. BID là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index, theo sau có FPT, VNM, CTG, HPG… Ở rổ VN30, chỉ số đại diện sụt hơn 15 điểm với 26 mã giảm.

Thanh khoản sàn HoSE cải thiện hơn 2.500 tỷ lên mức 18.650 tỷ đồng. Điều này cho thấy lực bán ra đã có dấu hiệu mạnh lên.

Khối ngoại hôm nay bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, phiên thứ 17 liên tiếp. Trong đó, VHM bị nhà đầu tư nước ngoài xả hàng hơn 700 tỷ, theo sau còn có FPT, SSI, VNM.

Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực trước bối cảnh tỷ giá tiếp tục lập đỉnh. Ngân hàng đã nâng giá bán USD lên mức 25.512 đồng, cao nhất từ trước đến nay. Diễn biến này thuận theo chỉ số Dollar Index. Việc ông Donald Trump tái đắc cử dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư toàn cầu về nguy cơ lạm phát tăng cao, do mức thuế thương mại cao hơn với Trung Quốc, cũng như rủi ro gia tăng thâm hụt tài chính và mức nợ của Mỹ.

Theo quan sát của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) trong ngắn hạn, áp lực bán mạnh đang mở rộng qua nhiều mã, nhóm mã có tính chất đầu cơ. Một phần nguyên nhân do áp lực bán ròng của khối ngoại và tỷ lệ dư nợ magrin, cắt lỗ ngắn hạn ở các mã hay nhóm mã này.

Nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục chốt lời với những mã đã đạt mục tiêu để bảo toàn lợi nhuận. Tuy nhiên nếu có khẩu vị rủi ro cao, họ vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu duy trì được vận động ổn định, giữ vững vùng hỗ trợ và cho tín hiệu thu hút dòng tiền, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường chung. Tuy nhiên VCBS nhấn mạnh cần tuân thủ ngưỡng cắt lỗ hay chốt lời để bảo toàn vốn.

Tất Đạt

Chứng khoán giảm mạnh cuối phiên

Áp lực bán tháo tăng vọt trong phiên chiều khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện, VN-Index chốt phiên 14/11 mất hơn 14 điểm.

Chứng khoán khởi đầu phiên hôm nay với sự thận trọng, dù thị trường có pha đảo chiều trước giờ đóng cửa phiên hôm qua. Tỷ giá tiếp tục tăng đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. VN-Index vì thế mở cửa dưới tham chiếu, với dòng tiền vào chậm.

Nhịp giao dịch giằng co được duy trì trong gần hết phiên sáng khi chỉ số của sàn HoSE biến động trong biên độ dưới 5 điểm. Sang phiên chiều, nhịp độ được đẩy cao hơn. Nhóm cầm cổ phiếu dần mất bình tĩnh khiến áp lực bán ra tăng vọt. VN-Index bắt đầu giảm mạnh sau 14h, với sắc đỏ bao trùm bảng điện.

Chỉ số của sàn HoSE rơi liên tục theo thời gian giao dịch, chốt phiên giảm hơn 14 điểm (1,14%) về sát ngưỡng 1.230 điểm. VN30-Index giảm hơn 17 điểm (1,33%) còn 1.286 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cũng chung tình trạng.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 18.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 16.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 941 tỷ đồng, phiên thứ 16 liên tiếp nhóm này bán ròng.

Cuối phiên, sàn HoSE chìm trong sắc đỏ, với 82 cổ phiếu tăng giá, so với 284 cổ phiếu giảm giá.

BCM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,18 điểm khi mã này đóng cửa trong sắc xanh, lên 68.600 đồng. Ngược lại, HPG là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất với hơn 1,1 điểm khi mã này giảm xuống 26.300 đồng.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính.

Trong VN30, 7 cổ phiếu ghi nhận mức giảm trên 2%. Trong đó, SSI giảm gần 3%, HPG, STB, TPB, GVR mất trên 2%, Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác, như VPB, HDB, TCB, MBB, ACB, BID giảm trên 1%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ cũng bao trùm nhiều nhóm ngành chính. Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán đều ghi nhận mức giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, HAG, QCG và một số nhóm khác như vận tải biển duy trì sắc xanh.

Minh Sơn