Bất động sản

‘Bốn nhà phải chung tay mới đẩy thông nhà ở xã hội’

Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân phải chung tay mới mong hiện thực hóa giấc mơ phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực.

Tại Talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực” do Tập đoàn Hoàng Quân và báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 17/11, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết tiến độ triển khai đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang rất chậm.




Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phương Uyên

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Phương Uyên

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2021 có 16 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay mới 10% trong đó được triển khai, số lượng dự án hoàn thành đạt 4% kế hoạch. Giai đoạn 2021-2025, cả nước dự kiến cần 1,1 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn (được 36%). Giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu là hơn 1,3 triệu căn và khả năng đáp ứng dự kiến khoảng 0,6 triệu căn (được 46%).

Tình hình triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng chỉ mới giải ngân 1.783 tỷ đồng (tương đương 1,5% quy mô gói), trong đó dư nợ từ người mua nhà đi vay chỉ 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ ra 5 điểm nghẽn của nhà ở xã hội gồm quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay thủ tục triển khai nhà ở xã hội đã được “cởi trói” phần nào nhưng vẫn còn vướng cơ chế, quy trình khi mỗi địa phương thực hiện một kiểu, hồ sơ phê duyệt phức tạp, kéo dài làm nản lòng doanh nghiệp.

Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận định làm nhà ở xã hội khó hơn là nhà thương mại, bởi nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu là các gói tín dụng ngắn và trung hạn, mang tính thời điểm, không bền vững. Cơ chế triển khai vẫn là doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư nhưng bị giới hạn lợi nhuận tối đa 10% trong khi thủ tục, quy chế khó hơn làm nhà thương mại.

“Nhiều chủ đầu tư không mặn mà, chọn phân khúc này phần nhiều là sự san sẻ với xã hội”, ông Hiếu nói.

Quan trọng là tìm quỹ đất làm nhà ở xã hội rất khó, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Ngay cả ở các tỉnh cũng có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất do địa phương chưa quan tâm, chủ động dành quỹ đất cho loại hình này khi quy hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng một “điểm nghẽn” lớn khác là lãi suất vay. Nhà ở xã hội là sản phẩm mà Chính phủ mong muốn phát triển dành riêng cho nhóm người có thu nhập thấp. Nhưng thu nhập thấp khó đi vay mua nhà khi lãi suất lên đến 6,6%, mức này thậm chí cao hơn cả lãi vay ưu đãi nhiều nhà băng áp dụng cho mua dự án thương mại.

“Từ 4,8% tăng lên 6,6% là mức tăng khá cao. Lãi tăng đồng nghĩa chi phí mua nhà tăng và người dân càng khó tiếp cận”, ông Châu nhận xét.

Thạc sĩ Trần Hoàng Nam, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, nêu ý kiến về câu chuyện đầu ra. Nhiều địa phương, người dân muốn mua nhà ở xã hội thì không có, nhưng không thiếu dự án bán chẳng ai quan tâm. Các nhà phát triển cần xem xét lại chất lượng nhà ở xã hội, không giữ tâm lý làm nhà ở xã hội là phải ở vùng sâu vùng xa, vị trí xấu, không cần tiện ích, dịch vụ hay chất lượng sống cao. Nếu làm dự án ở nơi không thuận lợi giao thông, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế dân sinh không tốt… thì làm cũng bỏ phí. Rõ ràng nhất là hàng nghìn căn nhà tái định cư hoang phế những năm qua.




Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện talkshow ngày 17/11. Ảnh: Phương Uyên

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện talkshow ngày 17/11. Ảnh: Phương Uyên

Bàn về giải pháp để đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội có thể đi vào hiện thực, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần có sự chung tay của “bốn nhà” gồm: nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Trong đó nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về phía nhà băng nên xem xét lại câu chuyện lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự “ưu đãi” với nhóm thu nhập thấp. Nhà phát triển dự án dừng tư duy “làm cho xong” mà phải “làm cho tới”. Bởi nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…

Còn với nhà dân (người mua nhà ở xã hội), bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi.

Về nâng chất lượng cho nhà ở xã hội, Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực trong việc thay đổi quan điểm về làm nhà ở xã hội. Hướng đến phát triển loại hình này có chất lượng tương đương nhà thương mại. Hoàng Quân cũng vừa giới thiệu bộ tiêu chuẩn E.S.H.C (tiêu chuẩn về phát triển nhà ở xã hội chất lượng cao) sẽ được áp dụng tại tất cả dự án của doanh nghiệp thời gian tới.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường sớm giúp các địa phương triển khai quy chuẩn về nhà ở xã hội, đưa hoạt động phát triển loại hình này vào kế hoạch trong năm tới, tránh hiện tượng mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Để đạt được mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thể chế, quy hoạch lại quỹ đất, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân.

Phương Uyên

Vinpearl thành công ty đại chúng

Vinpearl vừa trở thành công ty đại chúng – động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ngày 15/11, Uỷ ban Chứng khoán thông báo xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vinpearl. Đây là công ty con của Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,55%, có địa chỉ đăng ký tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hoà.

Việc Vinpearl trở thành công ty đại chúng là động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tại phiên họp thường niên của Vingroup hồi tháng 4, lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để niêm yết cổ phiếu Vinpearl trong năm nay.

Vinpearl là một trong những thương hiệu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu, từng có 45 cơ sở thuộc thương hiệu Vinpearl tại 17 tỉnh, thành phố. Hiện tại, theo thông tin công bố trên website, Vinpearl còn 10 khu khách sạn, resort tại Phú Quốc, Nha Trang, Hội An và Quảng Ninh.

Nửa đầu năm nay, Vinpearl lãi sau thuế gần 2.580 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ 2023. Vingroup cho biết trong quý II/2024, hệ thống này bán được gần 452.000 phòng, tăng 25%. Doanh thu của VinWonders và Vinpearl Golf cũng tăng lần lượt 52% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt trên 31.500 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,15 lần, tương ứng với nợ phải trả xấp xỉ 36.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Như vậy, quy mô tài sản của Vinpearl đạt khoảng 67.750 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).

Trước đây, Vinpearl từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với mã VPL từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup, nên cổ phiếu VPL đã được hoán đổi thành cổ phiếu VIC.

Anh Tú

Hà Nội sẽ có thêm gần 6.000 căn nhà xã hội từ nay đến năm sau

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà xã hội dự kiến hoàn thành từ nay đến năm sau.

Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Giai đoạn 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và ba dự án hoàn thành một phần.

Sở cho biết từ nay đến năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000 m2 sàn.

Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200 ha, cung ứng hơn 12.000 căn.

Dự án Vị trí Quy mô Số lượng căn hộ
Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 Xã Tiên Dương, huyện Đông An 39 ha 3.000
Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2 Xã Tiên Dương, huyện Đông An 44 ha 3.200
Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi Xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm 38 ha 2.400
Khu nhà ở xã hội tập trung Xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh 81 ha 3.600

Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Thủ đô cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê. Sở Xây dựng đã được giao lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, trình chấp thuận trong năm 2024. Trong năm 2026, hai toà nhà A2, A3 dự kiến hoàn cải tạo, nâng cấp, còn toà A4 hoàn thành xây dựng chậm nhất trong năm 2027.

Ba toà nhà tại Khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ tháng 8/2019. Dự án này vốn được phê duyệt từ năm 2009 bằng nguồn vốn trung ương, gồm 6 toà nhà cao 19 tầng, một tầng hầm, dự kiến đáp ứng nhu cầu cho hơn 21.300 sinh viên. Đến nay, ba toà A1, A5, A6 đã hoàn thành, đáp ứng cho 10.800 học sinh, sinh viên. Riêng toà A2 và A3 đã xây xong phần thô, nhà A4 chưa triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất bổ sung khoảng 15 khu đất quy mô lớn để đầu tư dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 2.000 căn mỗi khu. Trong đó, 2-3 khu cần quy hoạch gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công.

Theo các chuyên gia, nhà ở bình dân, nhà xã hội chính là “tia hy vọng” giúp cân bằng giá nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và lành mạnh. Hồi tháng 5, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố cam kết khởi công ít nhất 1 dự án ở xã hội trước ngày 1/10. Đến nay, tình trạng phát triển nhà xã hội tại thủ đô vẫn chậm, mới đạt 9% chỉ tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025.

Ngọc Diễm

Đất đấu giá huyện Thanh Oai trúng cao nhất hơn 90 triệu đồng một m2

Đất đấu giá tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai vừa ghi nhận mức trúng cao nhất 90,3 triệu đồng một m2.

Sau 2 tháng tạm dừng, Thanh Oai – địa phương là điểm nóng về đấu giá đất ở Hà Nội hồi đầu tháng 8 – đã tổ chức lại hoạt động bán đấu giá đất. Ngày 15/11, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện này đã tổ chức phiên đấu giá 25 lô đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

25 lô đất có ký hiệu từ 93-117, diện tích nhỏ nhất gần 84 m2 và lớn nhất hơn 143 m2. Giá khởi điểm các lô này từ 5,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền cọc 88-151 triệu đồng mỗi lô. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng mỗi m2.

Phiên đấu giá này đã thu hút hơn 100 nhà đầu tư tham gia, giảm mạnh so với sự kiện hồi tháng 8. Khi đó, buổi đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao có khoảng 1.500 người tham dự, đẩy giá trúng cao nhất lên hơn 100 đồng một m2.

Kết thúc sự kiện cuối ngày hôm qua, cả 25 lô đất đều được bán thành công. Lô trúng cao nhất ghi nhận ở mức 90,3 triệu đồng một m2 – gấp 17 lần giá khởi điểm. Hai thửa đất trúng với giá này có diện tích gần 114 m2 và 129 m2, tương ứng tổng giá trị 10,3 tỷ và 11,7 tỷ mỗi lô

Lô thấp nhất trúng tại buổi đấu giá ngày 15/11 trúng với 45,3 triệu đồng một m2. Mức giá này gấp 8,5 lần giá khởi điểm.

Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, so với 68 thửa đất đấu giá hồi tháng 8, 25 thửa đất vừa bán có vị trí đẹp hơn. Vì vậy, mức trúng cao nhất 90,3 triệu đồng một m2 có thể coi là đã hạ nhiệt so với cách đây 2 tháng.

Thanh Oai là huyện phía Nam, cách trung tâm TP Hà Nội hơn 20 km, với dân số hơn 200.000 người. Huyện này cũng chưa có khu đô thị quy mô lớn nào được hoàn thành.

Lượng người tham gia đấu giá ở các huyện ven Hà Nội giảm mạnh trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái để hạ nhiệt hoạt động này. Nhiều địa phương từ cuối tháng 8 cũng đã phải tạm dừng tổ chức đấu giá đất để rà soát pháp lý. Đầu tháng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.

Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Anh Tú

Nhà phố 40 m2 lấy cảm hứng từ bảo tàng nghệ thuật

Ngôi nhà có quy mô một tầng và gác lửng, được xây dựng trên khu đất rộng 40 m2 tại Morelia (Mexico).

Lấy cảm hứng từ bảo tàng Paula Rego – một công trình nổi tiếng của Bồ Đào Nha, ngôi nhà là sự kết hợp giữa các yếu tố: kiến trúc, ánh sáng và không gian, nhằm tạo nên một chốn về tối giản, bình yên cho gia chủ.

Kiến trúc và mặt tiền ngôi nhà nổi bật bởi hình khối đơn giản, sơn một màu.

32 năm Nam Long kiến tạo đô thị Việt

Bắt đầu làm nhà ở từ 1996, đến nay, Nam Long đã kiến tạo 11 khu đô thị khắp cả nước, mang không gian sống tiện nghi đến hàng chục nghìn cư dân.

Công ty TNHH Xây dựng Nam Long thành lập ngày 16/11/1992, mang theo kỳ vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực địa ốc. 4 năm sau khi thành lập, ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị, lần đầu trình bày cụm từ “Chương trình nhà Nam Long” với cơ quan chức năng, kiến trúc sư. Đó là lần đầu tiên doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về việc sẽ tập trung phát triển các khu đô thị, đặt nền móng cho sự hình thành của một tập đoàn bất động sản như hiện nay.




Nam Long công bố chương trình nhà ở năm 1996. Ảnh: Nam Long

Nam Long công bố chương trình nhà ở năm 1996. Ảnh: Nam Long

Học hỏi từng bước để phát triển đô thị

Chương trình nhà Nam Long được hiện thực hóa khá nhanh. Năm 1996, dự án An Lạc ở Bình Chánh, TP HCM ra đời với mô hình quần thể dân cư. Sơ khai dạng phân lô bán nền nhưng doanh nghiệp đã khoan giếng làm nhà máy lọc nước, xây đường giao thông hoàn chỉnh cho những cư dân tương lai.

Từ năm 1998, những dãy nhà theo chương trình nhà Nam Long đã lần lượt ra mắt thị trường và mọc lên theo tư duy quần thể đô thị gồm Phú Thuận, Tân Thuận Đông, khu dân cư Phước Long B, An Thạnh, Cần Thơ… Tiếp đó, các khu biệt thự như Thảo Nguyên Sài Gòn, Nam Phú… ghi dấu ấn thời điểm ra mắt khi tạo mô hình kết hợp nhà ở – sinh thái và tiện nghi hiện đại.

Năm 2003, đơn vị lên ý tưởng phát triển một khu đô thị tích hợp vệ tinh giãn dân cho TP HCM. Mục tiêu là phát triển dự án ở một tầm vóc mới, khác biệt hơn với quy mô lên hàng trăm ha – điều Nam Long chưa từng trước đây.

Để hiện thực hóa ý tưởng này, đội ngũ lãnh đạo Nam Long đã đi tham quan rất nhiều đô thị trên trên thế giới, đặc biệt là các nước có mô hình phát triển gần với Việt Nam như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Từ những chuyến đi này, ông Nguyễn Xuân Quang định hình được đường hướng phát triển dự án. Trong đó, khu đô thị cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ có trường học, công viên, cửa hàng, hồ bơi… bên cạnh không gian nhà ở.

Khu đô thị đầu tiên, cũng là lớn nhất hiện nay của Nam Long là Waterpoint 355 hecta, tọa lạc tại Bến Lức, Long An. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, địa điểm xây dựng đáp ứng các tiêu chí về kết nối, tiềm năng… để trở thành một đô thị vệ tinh cho TP HCM.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, thời điểm đó, đã mời những người xuất sắc khu vực kết hợp cùng các đối tác tư vấn toàn cầu để tổ chức cuộc thi quy hoạch quốc tế.




Đại diện Conybeare Morrison (CM+) từ Australia trình bày phương án quy hoạch Waterpoint năm 2005. Ảnh: Nam Long

Đại diện Conybeare Morrison (CM+) từ Australia trình bày phương án quy hoạch Waterpoint năm 2005. Ảnh: Nam Long

Xuất thân là kiến trúc sư, nhà quy hoạch, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng để phát triển một đô thị có giá trị vượt thời gian, đảm bảo nhiều thế hệ tiếp nối an cư, dự án cần có một môi trường sống bền vững. Bên cạnh yếu tố tài chính, điều quan trọng thời điểm đó là phải làm công tác quy hoạch đạt chuẩn, phải có các kiến trúc sư, nhà phát triển, nhà tư vấn có tầm nhìn và kinh nghiệm. Vì lẽ đó, việc chuẩn bị phát triển Waterpoint lên đến hàng thập kỷ. “Chúng tôi chịu rất nhiều sức ép từ nhà đầu tư vào những lúc thị trường khó khăn nhưng vẫn kiên định xây dựng nền tảng này một cách bài bản và chuyên nghiệp nhất”, người đứng đầu tập đoàn nói.

Từ quá trình triển khai Waterpoint, Nam Long tích lũy được nhiều kinh nghiệm và nhân rộng ra nhiều dự án khác nhau. Ngoài Waterpoint, Nam Long đang triển khai đồng loạt các khu đô thị quy mô lớn nhỏ tại nhiều tỉnh thành như Izumi City (170 ha, Đồng Nai), Mizuki Park (26 ha, TP HCM), Nam Long Central Lake (43,8 ha, Cần Thơ), Nam Long Đại Phước (45 ha, Đồng Nai)…

Doanh nghiệp cũng đã mời về nhiều thành viên hội đồng quản trị độc lập và ban tổng giám đốc có kinh nghiệm quốc tế về quản trị, phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn từ Mỹ, Malaysia, Singapore… để định hướng, ứng dụng những mô hình mới thế giới. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên kế thừa được đào tạo để có năng lực và khả năng cốt lõi để “làm đô thị một cách chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn”.




Waterpoint - khu đô thị tích hợp lớn nhất của Nam Long thời điểm hiện nay. Ảnh: Nam Long

Waterpoint – khu đô thị tích hợp lớn nhất của Nam Long thời điểm hiện nay. Ảnh: Nam Long

Ông Lucas Loh – người từng có hơn 20 năm quản lý tập đoàn bất động sản danh tiếng của Singapore, là một trong số nhiều lãnh đạo cấp cao về cùng “thuyền” với Nam Long. Hiện tại, ông giữ chức tổng giám đốc tập đoàn. Vị lãnh đạo cho rằng có cùng tầm nhìn với doanh nghiệp và tin tưởng có thể dùng kinh nghiệm tích lũy để đóng góp cho phát triển đô thị tại Việt Nam.

Theo ông, bên cạnh việc phát triển nhà ở, Nam Long phải phát triển hệ sinh thái bất động sản thương mại với các tiện ích – dịch vụ tốt hơn để đáp ứng với nhu cầu ngày một cao hơn của người dân. “Điều này cần một hệ năng lực khác ở con người Nam Long mà tôi cần phát triển lâu dài”, ông Lucas Loh khẳng định.

Phát triển những khu đô thị đáng sống

Không ngay lập tức xây dựng trường học, bệnh viện… như chiến lược của một số chủ đầu tư khác, Nam Long có chiến lược riêng – hợp tác với đối tác chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực để phát triển tiện ích.

Trong năm qua, mảng phát triển bất động sản thương mại và dịch vụ của Nam Long bắt tay với Tập đoàn Khai Sáng (giáo dục), SanHà, Kingfoodmart (siêu thị), bệnh viện Sài Gòn MTV, các doanh nghiệp F&B như Trung Nguyên, nhà hàng địa phương uy tín… để đưa về vận hành trong các khu đô thị tích hợp.




Trường Nội trú Song ngữ quốc tế Emasi Plus quy mô 1.800 học sinh đã khai giảng niên khóa đầu tiên từ tháng 8/2024 tại Waterpoint.

Trường Nội trú Song ngữ quốc tế Emasi Plus quy mô 1.800 học sinh đã khai giảng niên khóa đầu tiên từ tháng 8/2024 tại Waterpoint.

Trong định hướng phát triển các khu đô thị tích hợp sắp tới của Nam Long, ông Lucas Loh nhấn mạnh 3 yếu tố: phát triển môi trường sống bền vững – xây dựng cộng đồng có phong cách sống riêng – kết nối liên vùng và nội khu dễ dàng.

Sau 32 năm, với 11 khu đô thị được triển khai tại 6 tỉnh thành, Nam Long đã hình thành “công thức” để quy hoạch các dự án tiếp theo. Chủ đầu tư chú trọng tiện ích, quy hoạch bài bản, quan tâm đến sức khỏe và trải nghiệm của từng thế hệ cư dân.

Ở mỗi đô thị, đơn vị đều quy hoạch tách riêng làn đường đi bộ, làn đường xe đạp và làn đường di chuyển thông thường. Các dự án đều phải có những tiện ích như tuyến xe bus kết trung tâm thành phố, hồ bơi, khu thể dục thể thao ngoài trời, sân tennis đạt chuẩn, công viên phủ xanh. Ngoài ra, chủ đầu tư còn tạo sức sống cho dự án, kết nối cư dân qua các hoạt động văn hóa, giải trí, gắn như giải chạy, pháo hoa giao thừa, lễ hội đa sắc màu…

Từ chỗ chỉ có 7 thành viên, sau 32 năm, Nam Long ghi dấu trên thị trường bất động sản. Đội ngũ nhân sự vượt 800 người với danh mục dự án trải rộng, đáp ứng chỗ ở cho 31.000 gia đình Việt.

Theo người đứng đầu tập đoàn, trong giai đoạn tiếp theo, tối ưu hóa trải nghiệm cư dân là ưu tiên. Làm sao để người dân đến trạm xe bus trên một con đường không nắng nóng, đi siêu thị trong vài bước chân.. là những đề bài chủ đầu tư đặt ra.

“Ước mơ của con người là sức khỏe. Sức khỏe còn giá trị hơn cả tiền bạc. Phát triển được khu đô thị mà ở đó người dân khỏe mạnh, hạnh phúc, luôn nở nụ cười trên môi… là giá trị và sứ mệnh cả đời của Nam Long”, ông Nguyễn Xuân Quang khẳng định.

Hoài Phương

Nhà sáng lập Ecopark được vinh danh chủ đầu tư của thập kỷ

Nhà sáng lập Ecopark nhận giải “Chủ đầu tư của thập kỷ” tại Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru.

Lễ trao giải vừa diễn ra vào tối 15/11 tại TP HCM. Theo đại diện ban tổ chức, danh hiệu “Chủ đầu tư của thập kỷ” nhằm vinh danh những chủ đầu tư xuất sắc và đổi mới trong suốt thập kỷ qua. Tiêu chí trao danh hiệu là chủ đầu tư từng chiến thắng tại Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru, hoàn thành tối thiểu năm dự án trong 10 năm qua và có tối thiểu một dự án mới sẽ ra mắt trong năm 2024. Đồng thời, đơn vị cần trải qua quy trình đánh giá từ hội đồng giám khảo.




Đại diện nhà sáng lập Ecopark nhận giải thưởng Chủ đầu tư của thập kỷ. Ảnh: Ecopark

Đại diện nhà sáng lập Ecopark nhận giải thưởng “Chủ đầu tư của thập kỷ”. Ảnh: Ecopark

Giải thưởng năm nay tiếp tục tôn vinh trách nhiệm xã hội, đưa ra các danh hiệu liên quan đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Đây là động thái biểu dương chủ đầu tư nỗ lực thiết kế và xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng, tạo ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Đại diện nhà sáng lập Ecopark cho biết giải thưởng “Chủ đầu tư của thập kỷ” tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị của của chủ đầu tư cũng như quá trình kiến tạo các dự án trên thị trường bất động sản.

“Đây cũng là sự động viên để chúng tôi tiếp tục sáng tạo sản phẩm chất lượng, phục vụ khách hàng, cộng đồng”, đại diện nhà sáng lập Ecopark chia sẻ.




Đại diện nhà sáng lập Ecopark nhận giải thưởng Dự án có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam- dự án Ecovillage Saigon River

Đại diện nhà sáng lập Ecopark nhận giải thưởng “Dự án có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam” cho dự án Ecovillage Saigon River. Ảnh: Ecopark

Cũng trong khuôn khổ giải thưởng Việt Nam PropertyGuru, Ecovillage Saigon River của nhà sáng lập Ecopark nhận giải thưởng “Dự án có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam”.

Ecovillage Saigon River rộng 55 ha được phát triển theo mô hình nghỉ dưỡng 6 sao tại gia, kết hợp cùng tổ hợp du lịch chăm sóc sức khỏe và trị liệu chuyên sâu. Dự án lấy cảm hứng từ những ngôi làng nhỏ đầy hương sắc, một thiên đường chăm sóc sức khỏe ẩn mình giữa rừng hoa rực rỡ bên dòng sông.

Được định hướng phát triển trở thành vùng đất Blue Zones thứ 6 trên thế giới, Ecovillage Saigon River kỳ vọng mở ra không gian nơi cư dân sống khỏe, trường thọ nhờ sống gần với thiên nhiên, trị liệu thân tâm trí giữa thiên nhiên nơi mình đang sống.




Đảo hoa Ecovillage Saigon River. Ảnh: Ecopark

Đảo hoa Ecovillage Saigon River. Ảnh: Ecopark

Tính đến thời điểm hiện tại, Ecovillage Saigon River sở hữu mật độ cây lớn với hơn tỷ lệ 170 cây xanh trên mỗi đầu người. Mật độ xây dựng toàn khu 15%, 30% diện tích là cây xanh và mặt nước. Với hơn 4ha diện tích cây xanh và công viên, nếu tính cả mặt sông bao quanh, dự án sở hữu hơn 32ha diện tích mặt nước đi qua dự án…

Không chỉ sở hữu mật độ cây xanh lớn, nơi đây còn được xem như một resort nghỉ dưỡng khi được bao quanh bởi đảo hoa, cảnh sắc đẹp với hơn 200 loài hoa nở bốn mùa quanh năm.




Ecovillage Saigon River nằm tại phía đông Sài Gòn, cách nhà thờ Đức Bà 18km. Ảnh: Ecopark

Ecovillage Saigon River nằm tại phía đông Sài Gòn, cách nhà thờ Đức Bà 18km. Ảnh: Ecopark

Nhà sáng lập Ecopark cũng đưa vào Ecovillage Saigon River những tiện ích đặc biệt như các tiện ích trị liệu thân, tâm, trí, tổ hợp khoáng nóng trong lòng khu đô thị với công suất 1.000 người một ngày. Riêng tại phân khu Onsen Village, khoáng nóng được dẫn vào từng căn biệt thự để cư dân có thể chủ động trải nghiệm chăm sóc sức khỏe theo bí quyết sống thọ của người Nhật.

Trải qua 21 năm hình thành và phát triển, nhà sáng lập Ecopark giành được hơn 50 giải thưởng trong nước và quốc tế. Nổi bật như khu đô thị Ecopark đạt giải “Khu đô thị phức hợp tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương” tại IPA 2018, “Khu đô thị có thiết kế cảnh quan đẹp nhất thế giới” tại IPA 2020, “Đại đô thị tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương” tại PropertyGuru Asia Property Awards 2020.

Minh Trí

Quảng Bình sẽ có khu công nghiệp hàng trăm ha gần Quốc lộ 1A

Khu công nghiệp Cam Liên ở huyện Lệ Thủy vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 450 ha.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Cam Liên, thuộc địa bàn ba xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Vị trí dự án cách Quốc lộ 1A khoảng 1,5 km.

Tổng diện tích khu công nghiệp khoảng 450 ha, trong đó có hơn 255 ha đất rừng cần chuyển đổi sang mục đích khác.

Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện không quá 60 tháng kể từ ngày được bàn giao đất. Tổng vốn đầu tư do nhà đầu tư xác định.

Quyết định cũng chấp thuận Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình là chủ đầu tư dự án. Được thành lập tháng 3/2021, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình hạ tầng và dân dụng, tư vấn môi giới.

Trước đó, vào tháng 3/2022, Capella Quảng Bình cũng đề xuất đầu tư Khu công nghiệp Cam Liên với tổng vốn đầu tư 1.840 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Quảng Bình hiện có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 6 cụm công nghiệp được thành lập. Nhiều dự án có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80% như Bắc Đồng Hới, Tây Bắc Đồng Hới, Cảng biển Hòn La. Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Quảng Bình sẽ phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích hơn 2.900 ha và dành thêm khoảng 931 ha đất dự phòng phát triển dự án.

Đình Trí

TS Cấn Văn Lực: Người dân ngại vay mua nhà vì giá quá cao

Giá bán quá cao khiến người dân ngại vay mua nhà, dẫn đến dư nợ cho vay nhà ở chỉ tăng 4,6% trong 9 tháng đầu năm, theo TS Cấn Văn Lực.

Tại diễn đàn thị trường bất động sản do Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 16/11, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá thị trường bất động sản đang phục hồi nhưng còn chậm, không đồng đều giữa các phân khúc và khu vực. Ba quý đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành kinh doanh bất động sản đạt 2,7%, mặc dù năm 2022 đạt 6,2%. Còn tăng trưởng ngành xây dựng đã cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái với mức 7,5%.

Ông Lực cho biết, tính đến hết tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Mặc dù cải thiện 3,5% so với năm ngoái, ông đánh giá mức tăng này vẫn thấp. Diễn biến cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất.

Chuyên gia cho rằng lãi suất không phải nguyên nhân của tình trạng trên. Bởi thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà xuống mức rất thấp, giảm khoảng 3% so với năm ngoái. Lý do chính là giá nhà vẫn neo ở ngưỡng rất cao, dù nhiều chủ đầu tư tung ra các chính sách kích cầu, ưu đãi thời gian qua. Trong khi công việc, thu nhập của người dân thực tế vẫn rất khó khăn nên họ “ngại phải vay một khoản tiền lớn để có thể sở hữu nhà ở”.

“Nguyên nhân chính là người dân thấy giá nhà quá cao nên họ phải chọn cách trì hoãn và chờ đợi thị trường có sản phẩm giá phải chăng”, ông Lực cho hay.




TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phát biểu tại diễn đàn sáng 16/11. Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phát biểu tại diễn đàn sáng 16/11. Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng giá nhà đất quá cao cản trở quá trình phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Tại Hà Nội và TP HCM, khoảng 70% nguồn cung mới đưa ra thị trường là sản phẩm cao cấp, siêu sang. Thậm chí những căn nhà hơn 1 triệu USD xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi nhà ở bình dân biến mất.

Riêng tại TP HCM, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng trên thị trường. Sau ba năm, thành phố cũng chỉ hoàn thành một dự án nhà ở xã hội, trong khi chỉ tiêu đến năm 2025 cần hoàn thành 26.200 căn.

“Nhà cao cấp áp đảo thị trường trong khi sản phẩm bình dân vắng bóng dẫn đến thị trường phát triển thiếu ổn định và bền vững”, ông Châu nói.

TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho biết thị trường nhà ở leo thang làm khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân sụt giảm, nhất là người lao động, thu nhập thấp. Nguyên nhân một phần đến từ tình trạng đầu cơ nhà đất đã đẩy giá lên cao, phát sinh những giao dịch “lướt sóng”, thiếu minh bạch. Chưa kể, tình trạng dự án “đắp chiếu” vẫn là thách thức lớn với thị trường, khiến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà bị giảm sút.




Loạt biệt thự không người ở tại khu đô thị Lideco, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Loạt biệt thự không người ở tại khu đô thị Lideco, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất cần thiết áp dụng công cụ thuế bất động sản để hạ nhiệt giá nhà. GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khoá 15, cho rằng phải có chính sách thuế liên quan đến đất và nhà, thậm chí “càng sớm càng tốt”. Giải pháp này mang lại lợi ích kép gồm hạn chế tình trạng đầu cơ, đảm bảo cân bằng trên thị trường và thúc đẩy nhu cầu sử dụng thay vì sở hữu nhiều nhà đất rồi bỏ hoang, lãng phí.

Ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng cần thiết xây dựng và áp dụng chính sách thuế bất động sản bởi công cụ này sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng. Tuy nhiên, ông lưu ý cần có nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu giao dịch và giá bất động sản chính xác, thường xuyên cập nhật, tạo cơ sở áp dụng.

Một thăm dò mới đây của VnExpress với gần 32.000 độc giả cũng cho thấy, gần 70% phản hồi đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ đã đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, nghị quyết thí điểm này sẽ góp phần khơi thông nguồn cung ra thị trường, góp phần hạ nhiệt giá nhà ở.

Ngọc Diễm

Chiến thắng của Trump có thể trợ lực cho bất động sản công nghiệp Việt Nam

Bất động sản công nghiệp có thêm cơ hội nhờ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam được củng cố khi ông Trump làm tổng thống.

Cuối tháng 10, KCN Việt Nam khởi công dự án nhà kho xây sẵn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch VI (Đồng Nai), với diện tích sàn cho thuê giai đoạn 1 hơn 44.000 m2, dự kiến hoàn thành quý II/2023. Đại diện tập đoàn cho biết đã động thổ 4 dự án cả nước từ đầu năm đến nay, tổng diện tích 400.000 m2.

Cũng giai đoạn này, SLP Park, thuộc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) có kho ngoại quan đầu tiên của gã khổng lồ logistics Maersk tại Việt Nam. Khách hàng đầu tiên của kho là Amazon. Maersk còn cho hay sắp đưa vào bến tại cảng Lạch Huyện, đang được phát triển bởi APM Terminals và Hateco.

Bất động sản công nghiệp sôi động phù hợp với xu hướng chuyển dịch sản xuất dần rõ nét. “Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng”, ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối kinh doanh quốc tế, Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam bình luận.

FDI vào Việt Nam 10 tháng qua đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện tăng 8,8%, 19,6 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều dự án lĩnh vực bán dẫn, thiết bị năng lượng (pin, tế bào quang điện, thanh silic), điện tử được đầu tư mới và mở rộng.

Diễn biến này có lợi cho những nhà phát triển bất động sản công nghiệp. Báo cáo của CBRE cho hay trong 9 tháng đầu năm, thị trường miền Nam cho thuê được gần 420.000 m2 nhà kho và 543.000 m2 nhà xưởng, gần gấp đôi cùng kỳ 2023. Tại phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy của nhà xưởng xây sẵn đạt 91%, tăng 9 điểm phần trăm. Ở phân khúc đất công nghiệp, giá thuê tiếp tục đi lên cả hai miền.




Khu công nghiệp Vsip (Bình Dương) nhìn từ trên cao, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu công nghiệp Vsip (Bình Dương) nhìn từ trên cao, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Phân tích của hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam chỉ ra trong nhiệm kỳ đầu của Trump (1/2017-1/2021), bất động sản và công nghiệp chế biến – chế tạo đã từng hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI.

Xu hướng này tăng tốc kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu vào 2018. Theo đó, 2019 là thời điểm nhiều nhà sản xuất Trung Quốc, Đài Loan tìm đến. Hãng văn phòng phẩm Trung Quốc Deli vận hành nhà máy đầu tiên vào tháng 7 tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Cùng năm, Foxconn – đối tác Apple mở rộng với việc vận hành nhà máy Fuyu Precision Component tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) và đầu tư dự án “S-Vietnam” tại Khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh). Goertek chuyên sản xuất các thiết bị điện tử và linh kiện âm thanh xây nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Ngoài ra, nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời Longi gia nhập và mua lại dự án “Vina Solar” từ Ningbo Yize vào 2020.

Giao dịch bất động sản tại Việt Nam cũng tăng. Tính từ 2017 đến giữa năm nay, số thương vụ tăng gần 20% so với thời kỳ trước khi Trump nhậm chức (2009-2016). Hầu hết giao dịch được ghi nhận ở phân khúc bất động sản công nghiệp, tiếp đến là khách sạn và văn phòng.

Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Trump, thương chiến sẽ khó đoán hơn, theo các chuyên gia. Tuyên bố áp thuế 60% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10-20% với tất cả hàng nhập khẩu có thể châm ngòi các động thái trả đũa không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các đối tác khác như Liên minh châu Âu.

Điều này có thể đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra, thúc đẩy các chiến lược đầu tư vào các nước thân cận về mặt ngoại giao và địa lý (friendshoring và nearshoring). Avison Young Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ những xu hướng này.

Tổng giám đốc David Jackson đánh giá Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ, khéo léo tận dụng các hiệp định thương mại để đa dạng hóa giao thương, phát triển thị trường bất động sản nhờ dòng vốn đầu tư mới. “Chúng tôi hy vọng kịch bản này sẽ lặp lại”, ông nói. 10 tháng đầu năm, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút FDI với gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp tận dụng được cơ hội đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến khả năng thu hút FDI. Ông Joon Suk Park dự báo đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan tiếp tục dồi dào, cùng với FDI từ một số thị trường khác. Nhưng Việt Nam còn vài bài toán phải giải quyết.

Chúng gồm cung cấp đủ nhân lực chất lượng, cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm chi phí hậu cần. Các láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia đang có nhiều động thái hỗ trợ nhà đầu tư mạnh mẽ. “Cạnh tranh là rất cao”, ông nói.

Cải thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo nguồn cung đất công nghiệp theo hướng bền vững và năng lượng tái tạo sẽ là những điểm cộng. Tại kho ngoại quan đầu tiên, Maersk ưu tiên giảm thiểu tiêu thụ điện bằng cách dùng các tấm mái lấy sáng tự nhiên, đèn LED tiết kiệm năng lượng, lắp đặt cảm biến chuyển động.

Dự án của KCN tại Đồng Nai đặt mục tiêu đạt chuẩn LEED Gold của Tổ chức Công trình Xanh Mỹ (USGBC) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế, theo Giám đốc điều hành Hardy Diec.

Bà Dương Thị Xuân Nương, Phó ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết 32 khu công nghiệp hiện hữu của tỉnh có tỷ lệ lấp đầy 86%, được khuyến nghị chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Các khu mới đã định hướng xanh từ đầu. “Thời gian tới, các đơn vị nhà xưởng nhà kho cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh để thu hút đầu tư tốt hơn”, bà nói.

Anh Kỳ