Bất động sản

Ưu, nhược điểm khi chọn sơn nhà tone trắng

Tone trắng giúp mở rộng không gian, không lo lỗi mốt, phù hợp nhiều phong cách thiết kế, nhưng đòi hỏi vệ sinh định kỳ, theo chuyên gia.

Theo KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty cổ phần Thiết kế – Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt), màu sơn trắng được sử dụng phổ biến trong kiến trúc và nội thất nhưng không phải công trình nào cũng thích hợp, bởi chúng có những ưu và nhược điểm riêng.

Ưu điểm

– Mở rộng không gian: Màu sơn trắng có khả năng mở rộng không gian hiệu quả, khiến căn phòng trở nên rộng, cao hơn. Khi có ánh sáng tự nhiên từ cửa chính hay cửa sổ chiếu vào, màu trắng phản chiếu mạnh sẽ làm mọi ngóc ngách đều sáng, thông thoáng và rộng rãi. Gam màu này cũng tạo nên sự liền mạch, trong sáng cho ngôi nhà.

– Không sợ lỗi mốt: Các màu sơn nhạt như màu trắng kem sữa, màu hồng pastel, màu xanh nhạt… là màu sơn không bao giờ lỗi mốt. Do vậy, những tone màu này cũng trở thành lựa chọn an toàn cho những gia chủ yêu thích sự bền bỉ.

– Phù hợp với đa dạng phong cách thiết kế: Sơn màu trắng sữa mang đến cảm giác thanh lịch nên phù hợp với cả công trình kiến trúc cổ điển và hiện đại, hướng đến vẻ đẹp vượt thời gian.

Căn phòng được sơn màu trắng sẽ gọn gàng và sáng hơn nhiều so với những gam màu mạnh hay gam trầm tối. Những gia chủ yêu thích phong cách đơn giản rất ưa chuộng gam màu này.

– Hợp với nhiều trường phái kiến trúc: Màu trắng hoàn toàn phù hợp với nhiều trường phái kiến trúc khác nhau, cũng như những công trình có mục đích sử dụng đa dạng. Tone màu này được coi là lựa chọn phù hợp với ngôi nhà mang hơi hướng cổ điển. Khi kết hợp với nội thất gỗ màu tối, căn phòng sẽ thực sự toát nên phong cách cổ điển xưa cũ rất rõ nét.

– Dễ phối hợp với nhiều màu sắc, làm nổi bật nội thất: Màu sơn trắng dễ phối hợp và làm nổi bật màu sắc của nội thất như bàn, ghế, tủ… tạo không gian hài hòa cho tổng thể công trình. Đặc biệt, màu sơn trắng kem sữa còn giúp tôn lên vẻ đẹp nội thất của căn nhà, giúp gia chủ thuận tiện trong việc thi công mà không lo sơn nội thất màu trắng sữa và màu sơn tường không hài hòa với nhau.

– Tính đa dụng cao: Có thể sử dụng cho nhiều không gian khác nhau như thi công mặt tiền, phòng khách, phòng bếp hay phòng ngủ.

Đối với thi công trong phòng khách, màu sơn trắng kem sữa có khả năng đánh lừa thị giác, tạo nên không gian thoáng đãng, thoải mái.

– Hài hòa với thiên nhiên: Tường nhà màu trắng sẽ giúp ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên, dễ bắt sáng, giúp cây cỏ trồng xung quanh và cả trong nhà phát triển tốt.




Ảnh: KDesign

Ảnh: KDesign

Nhược điểm

Màu sơn trắng rất dễ bị bẩn, đặc biệt là trên những bề mặt phổ biến như tường, cửa, cầu thang… Nếu gia chủ không lau chùi kịp thời và thường xuyên, màu sơn sẽ bị ố vàng, kém sáng bóng.

Nếu vẫn muốn sử dụng màu sơn trắng sữa, gia chủ cần thực hiện vệ sinh định kỳ như sử dụng chất tẩy rửa phù hợp và không gây hại cho màu sơn, lau chùi bề mặt đều đặn bằng vải mềm để không gây trầy xước hoặc hư hỏng lớp sơn, giữ lớp sơn luôn mới và đẹp.

Thu Hương

Mở bán 81 căn hộ tại Melia Hồ Tràm

Bà Rịa – Vũng TàuCác căn hộ nghỉ dưỡng mặt tiền biển diện tích đa dạng từ 47 đến 88 m2, mang lại cơ hội sở hữu second home cho nhà đầu tư.

Theo đại diện chủ đầu tư, các căn hộ đều đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào hoạt động, cho phép người mua tận hưởng không gian nghỉ dưỡng hiện đại ngay từ ngày đầu sở hữu. Mỗi căn đều có ban công thoáng rộng, cửa kính lớn hướng ra biển, mang lại cảm giác đắm mình vào thiên nhiên xanh mát.

“Các tiện nghi tại đây được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế của Meliá Hotels International, tạo nên sự đẳng cấp và tiện nghi trong từng chi tiết”, đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.




MELIA HỒ TRÀM – MỞ BÁN 81 CĂN HỘ BIỂN SANG TRỌNG

Khu phức hợp Meliá Hồ Tràm Beach Resort. Ảnh: Meliá Hồ Tràm

Khi sở hữu một căn hộ tại đây, chủ sở hữu nhận được 40 đêm nghỉ miễn phí và hưởng lợi nhuận cam kết lên đến 5% mỗi năm. Với cam kết này, Meliá Hồ Tràm tạo điểm đến lý tưởng để nghỉ ngơi, đồng thời mở ra khoản đầu tư sinh lời hiệu quả.

Nằm cạnh cầu ngắm biển Hamptons Pier, khu nghỉ dưỡng có kết nối giao thông thuận tiện. Khi các dự án hạ tầng như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ TP HCM xuống dự án một cách đáng kể.

Meliá Hồ Tràm Beach Resort tọa lạc trên diện tích 31 ha và sở hữu bờ biển dài 1,1 km, với mật độ xây dựng thấp, cảnh quan mảng xanh chiếm khoảng 85%. Cư dân chủ được tận hưởng không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên và đắm mình trong không khí trong lành của biển.




MELIA HỒ TRÀM – MỞ BÁN 81 CĂN HỘ BIỂN SANG TRỌNG - 1

Hồ bơi vô cực rộng hơn 1.500 m2. Ảnh: Meliá Hồ Tràm

Meliá Hồ Tràm là một trong những đơn vị đồng hành cùng DNSE Aquaman 2024 với các vận động viên trong hành trình chinh phục thử thách. Nhờ vị trí thuận lợi, gần nhất với khu vực thi đấu tại bãi biển Hamptons Plaza Hồ Tràm, Melia sẽ mang đến cho các vận động viên và gia đình những giây phút thư giãn trọn vẹn với không gian nghỉ dưỡng bên bờ biển.

Các vận động viên và gia đình sẽ được trải nghiệm chuỗi tiện ích như: dịch vụ wellness toàn diện, spa phục hồi chuyên biệt, các hoạt động giải trí, hồ bơi vô cực hướng biển, cùng ẩm thực tinh tế từ các nhà hàng cao cấp.

Hoài Phương

– Thông tin về giá bán và chính sách bán hàng liên hệ phòng kinh doanh: 0907508668
– Website: thehamptons-hotram.com

Nguồn cung biệt thự, liền kề mở rộng ra ven trung tâm Hà Nội

Giỏ hàng biệt thự, liền kề sơ cấp có xu hướng tăng ở phía Nam và phía Bắc Hà Nội trong bối cảnh quỹ đất nội thành ngày càng hạn chế.

Quý III, thị trường bất động sản thấp tầng ở Hà Nội ghi nhận nhiều cải thiện tích cực về nguồn cung và nhu cầu đầu tư. Một số chủ đầu tư đã liên tục tung ra các giỏ hàng mới, tập trung ở các khu vực ngoại thành.

Tại phía Bắc, hơn 200 căn nhà thấp tầng thuộc dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2 vừa được mở bán ở huyện Mê Linh, giỏ hàng chủ yếu gồm nhà vườn, biệt thự song lập, đơn lập xây thô hoàn thiện mặt ngoài. Trước đó, dự án này cũng đã bán gần 600 sản phẩm thấp tầng. Tương tự ở quận Hà Đông, giỏ hàng Solasta Mansion và An Quý Villa của chủ đầu tư Nam Cường cũng được chào bán trong quý với gần 200 căn.

Tại phía Nam, chủ đầu tư Him Lam đã mở bán hơn 150 căn liền kề, shophouse ở dự án Him Lam Thường Tín. Trong quý IV, Him Lam tiếp tục ra mắt dự án Him Lam Boulevard với giỏ hàng 98 căn shophouse, liền kề ở trung tâm huyện Thường Tín. Dự án nằm trên trục đường Lý Tử Thần, cách Vành đai 4 khoảng 1 km đồng thời kết nối với tuyến cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ. Đại diện Won Direct, đơn vị phát triển dự án cho biết, phần lớn giỏ hàng là sản phẩm 75 m2, mặt tiền 5 m, cao 4 tầng một tum, giá bán cạnh tranh với khu vực. Dự án này dự kiến bàn giao vào quý III năm sau.

Hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Savills cho biết nguồn cung nhà ở thấp tầng trong quý III có nhiều cải thiện, tập trung ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Cụ thể, nguồn cung mới trong quý tăng 38% so với quý trước đó, chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu tại huyện Thường Tín, Mê Linh và quận Hà Đông. Trong đó biệt thự, liền kề là loại hình chiếm ưu thế, mỗi loại chiếm khoảng 38% nguồn cung sơ cấp.

Theo đơn vị này, nhu cầu đầu tư nhà liền thổ đang cải thiện tích cực với tỷ lệ hấp thụ đạt 48%, tăng 30% so với quý trước và cả cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng đến từ dự án Thanh Lâm Đại Thịnh 2, với 85% nguồn cung mới đã được giao dịch, chiếm 37% lượng giao dịch trong quý. Các dự án An Quý Villa, Solasta Mansion và Him Lam Thường Tín cũng đóng góp cho sự cải thiện này.




Trung tâm huyện Thường Tín nhìn từ trên cao. Ảnh: TSL

Trung tâm huyện Thường Tín nhìn từ trên cao. Ảnh: TSL

Trước nhu cầu có xu hướng gia tăng ở vùng ven, hãng dịch vụ bất động sản Avison Young cho biết mặt bằng giá sơ cấp nhà liền thổ tại Hà Nội đã tăng trưởng khoảng 5-10% trong quý vừa qua, đạt trung bình 5.000-7.000 USD (khoảng 125-175 triệu đồng) một m2. Ở khu vực ven trung tâm, nhu cầu với biệt thự, liền kề cải thiện cũng thúc đẩy giá bán trên thị trường thứ cấp tăng khoảng 5-10%.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young, đánh giá một số dự án biệt thự, liền kề khu vực ven trung tâm được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi vị trí thuận tiện, gần các công trình hạ tầng như đường vành đai, cầu, sân bay… Ngoài ra, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh với mục tiêu đạt trên 50% đến 2030, cùng với quỹ đất dần hạn hẹp ở nội thành đã thúc đẩy nhu cầu mở rộng hệ thống giao thông công cộng. Việc cải thiện hạ tầng giao thông đã tác động đến bức tranh bất động sản nhà ở, thúc đẩy xu hướng ly tâm của các khu đô thị.

Theo ông David, trước đây các dự án thấp tầng thường tập trung xung quanh khu vực Vành đai 3, giờ nguồn cung đang dần mở rộng đến khu vực Vành đai 4. Điều này cho thấy xu hướng tương lai của loại hình thấp tầng tại Hà Nội là mở rộng ở khu vực ven trung tâm gắn với phát triển hạ tầng. Thời gian tới, xu hướng mở rộng nguồn cung nhà thấp tầng sẽ tiếp tục lan rộng ở các khu vực ven trung tâm, nhất là ở những huyện được định hướng lên quận. Trong đó, Đông Anh sẽ chiếm phần lớn nguồn cung tương lai, theo sau là huyện Mê Linh, Thường Tín và quận Hà Đông.

Tuy nhiên, nguồn cung mới cải thiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, theo chuyên gia. Tình trạng khan hiếm nguồn cung tiếp tục diễn ra do ngày càng ít dự án được phê duyệt mới, quỹ đất nội thành đã dần cạn kiệt, dẫn đến nhu cầu và giá bán có xu hướng tăng trên thị trường thứ cấp.

Ngọc Diễm

Quốc hội yêu cầu ‘đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại’

Quốc hội yêu cầu tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân và đưa bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, đẩy giá.

Nội dung này được nêu tại Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, vừa được Quốc hội thông qua chiều 23/11.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành và địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung bất động sản giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.

“Có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo sốt giá”, Nghị quyết nêu.




Bất động sản khu Đông TP HCM ở TP Thủ Đức, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM ở TP Thủ Đức, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản, tăng cường phân tích, dự báo để điều tiết, lành mạnh hóa thị trường trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường; ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Chính phủ nghiên cứu, ban hành mới các luật về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước.

Bộ ngành được giao xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản có sự liên thông, chia sẻ, tích hợp giữa các hệ thống đăng ký thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dễ tiếp cận các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.

Chính phủ giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm dự án bất động sản gặp khó khăn, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài; đánh giá đầy đủ lợi ích – chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Quốc hội cũng lưu ý trong những dự án này, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; song không hợp thức hóa các vi phạm.

Sơn Hà

Đề nghị làm rõ đề xuất xây biệt thự ven hồ Than Thở, Đà Lạt

Đề nghị trên được Bộ Xây dựng nêu trong văn bản nêu ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở, phường 12, TP Đà Lạt.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Dự án do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư. Được thành lập từ năm 1994, doanh nghiệp này có ngành nghề chính là đại lý du lịch, kinh doanh bất động sản.

Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở có quy mô 118 ha, trong đó gần 32 ha là khu vực bảo vệ di tích, còn lại là khu vực nâng cấp, tôn tạo và khai thác. Tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, tiến độ triển khai trong 3 năm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành một khu vực du lịch tầm quốc tế và khu vực, đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn 5 sao.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, công ty Thuỳ Dương đề xuất tăng vốn đầu tư lên hơn 4.500 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án được đề xuất tách thành hai giai đoạn (từ 2024 đến 2027). Doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn.

Trong văn bản nêu ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho rằng dự án có mục tiêu nâng cấp, phục hồi cảnh quan hồ nhưng lại lồng ghép xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, khu liền kề nghỉ dưỡng, khách sạn. Bởi theo giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, khu vực quy hoạch dự án khoảng 118 ha không bao gồm việc xây dựng các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng (công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn…).

Hiện nay, trong 118 ha đất thuộc dự án có khoảng 39 ha đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP Đà Lạt phê duyệt cũng không quy hoạch các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng… Với phần diện tích còn lại (ngoài 39 ha) không có thông tin về quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Bộ cho biết “chưa đủ cơ sở đánh giá” mức độ phù hợp của việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án, trong đó có việc bổ sung xây dựng các công trình đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng gồm nhà thấp tầng và khách sạn, so với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị tại khu vực. Cơ quan này cũng đề nghị làm rõ cơ cấu, số lượng sản phẩm, xác định phương án, hình thức kinh doanh đối với các công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn kinh doanh du lịch hoặc để bán, cho thuê.




Một góc hồ Than Thở nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Một góc hồ Than Thở nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Liên quan đề xuất nâng tổng mức đầu tư dự án từ gần 30 tỷ đồng lên hơn 4.500 tỷ đồng, Bộ đề nghị rà soát hồ sơ đề xuất điều chỉnh dự án để đảm bảo chủ đầu tư có đủ vốn chủ sở hữu. Bởi theo quy định, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên. Theo báo cáo tài chính của công ty Thuỳ Dương, hiện vốn chủ sở hữu tại ngày 30/4/2024 đạt gần 689 tỷ đồng.

Công ty Thuỳ Dương được yêu cầu bổ sung tài liệu khảo sát hiện trạng để có cơ sở đánh giá sự cần thiết với việc nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở tại khu vực 1 và 2, đồng thời cần làm rõ hạng mục công trình đầu tư xây dựng mới và hạng mục xây dựng tu bổ, tôn tạo.

Bộ cũng nêu việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 (hơn 22 ha đất cho lưu trú, nghỉ dưỡng) cần có văn bản ý kiến chấp thuận của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hóa.

Hồ Than Thở nằm giữa khu rừng thông hoang sơ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía Đông, theo trục đường Quang Trung – Hồ Xuân Hương. Trước kia, khu vực này có một cái ao gọi là Tơ Nô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5 ha, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, tạo thành hồ như hiện nay. Từ năm 1997, khu vực hồ và rừng thông bao quanh được xây dựng thành khu du lịch, thu hút nhiều du khách khi đến Đà Lạt.

Ngọc Diễm

‘Thủ tục làm nhà ở xã hội quá nhiêu khê’

Thủ tục làm nhà ở xã hội có thể kéo dài 4-5 năm, qua thẩm định của hơn 10 đơn vị khiến thời gian triển khai kéo dài, lợi nhuận không còn hấp dẫn, theo chuyên gia.

Giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu phát triển từ 26.000-35.000 căn nhà ở xã hội, thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nêu tại tọa đàm “Nhà ở xã hội, đột phá từ chính sách mới” do báo Người lao động tổ chức ngày 21/11.

Tuy nhiên, theo ông Cường, từ năm 2021 đến tháng 9 năm nay, thành phố mới hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) quy mô 2.745 căn hộ, đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ, tức mới hoàn thành được 20% chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố gặp khó vì vướng mắc quy trình. Nhà đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Riêng quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đã mất từ 1-2 năm do phải lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan. Sự chồng chéo giữa các bước dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án.

Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Lộc cho biết một trong những trở ngại lớn là thời gian để chọn nhà đầu tư kéo dài gần bằng thời gian lập hồ sơ và triển khai xây dựng. Sau khi Nghị định 115 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ phải được lập lại theo quy định mới, gây thêm sự trì hoãn.

Ngoài ra, ông nói việc xác định vị trí xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình phát triển nhà ở gặp nhiều bất cập. Các vị trí ưu tiên được đưa ra nhưng thực tế không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp hay người lao động. Còn khi nhà đầu tư đề xuất vị trí nằm ngoài danh mục quy hoạch, việc xử lý trở nên phức tạp và tốn thời gian.




Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM. Ảnh: BTC

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP HCM, chỉ ra các dự án đã được chấp thuận chủ trương nhưng quy trình thẩm định và phê duyệt thủ tục thường kéo dài, có dự án mất từ 4-5 năm vẫn chưa hoàn thành. Điều này làm tăng chi phí và giảm sức hút của các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra sau khi được phê duyệt, giá mua nhà ở xã hội thường không đồng nhất với phương án ban đầu, gây khó khăn cho chủ đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp không có vốn đối ứng đủ mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, chia sẻ lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Tính bình quân trong 7 năm thì mỗi năm chỉ đạt khoảng 1,3-1,5% lợi nhuận, không đủ tài chính để tái đầu tư. Không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án xong là không muốn tiếp tục.

“Chính sách mới có sự động viên tinh thần và sự quan tâm rất tốt, nhưng các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề vẫn chưa rõ ràng”, ông Nghĩa cho hay.

Bàn về giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa mong muốn có những quy định rõ ràng hơn, tránh phát sinh bất cập giữa luật cũ và mới trong khâu hậu kiểm. Trong bối cảnh quỹ đất của TP HCM hạn chế, cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động. Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của TP HCM và có thể triển khai ngay.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, cũng cho rằng Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa quy trình phê duyệt và rút ngắn thời gian triển khai dự án. Việc quy hoạch đất sạch ở các khu vực có nhu cầu lớn, như khu công nghiệp hoặc khu chế xuất rất cần để đảm bảo tiện lợi cho người lao động.

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố đang gấp rút hoàn thiện tờ trình để Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến hoàn tất trong tháng 11. Thành phố sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở xã hội.

Về giải quyết quá trình phê duyệt phức tạp, TP HCM đã lập tổ công tác đặc biệt do đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, cùng đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành. Ngoài ra, UBND TP HCM đang phối hợp với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân, người lao động.

Sở Xây dựng cũng đã tổng hợp ý kiến từ các đơn vị, đề xuất tích hợp các bước thủ tục đầu tư hiện tại lại với nhau, nhằm rút ngắn thời gian xử lý. Theo đó, việc rà soát pháp lý sẽ được thực hiện trước, tạo cơ sở để tích hợp ba bước thủ tục hiện tại thành một bước duy nhất. Sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.

Phương Uyên

Nhiều dự án chung cư ở tỉnh tăng giá mạnh

Giá bán sơ cấp của nhiều dự án chung cư triển khai ở thị trường các tỉnh phía Nam ghi nhận đà tăng nhanh, trung bình từ 5-10% chỉ trong vài tháng.

Cuộc đua chào giá cao đang lan rộng ở các tỉnh vệ tinh của TP HCM, nơi vốn tập trung hàng bình dân giai đoạn trước 2023. Ghi nhận từ VnExpress cho thấy nhiều chung cư đang triển khai tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu đã có động thái tăng giá bán sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) trong quý IV.

Cụ thể, dự án Fiato Airport City (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đầu năm có giá thấp nhất 31 triệu đồng mỗi m2, cao nhất 35 triệu, tức trung bình 33,5 triệu đồng. Hiện tại, giá thấp nhất đã lên 33 triệu đồng, cao nhất 38 triệu (tăng gần 9%).

Hay dự án Picity Sky Park (Bình Dương), quý I, giá bán trung bình 48 triệu đồng mỗi m2, cao nhất 51 triệu đồng; đầu tháng 11 giá trung bình ghi nhận 54,7 triệu đồng mỗi m2, cao nhất gần 60 triệu đồng, tăng 13%.




Một dự án chung cư triển khai tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh:

Một dự án chung cư triển khai tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: C-Holdings

Dự án Vũng Tàu Centre Point (TP Vũng Tàu) đầu năm ghi nhận mức giá trung bình 55 triệu đồng mỗi m2, hiện tăng lên 58 triệu đồng, cao nhất là 61 triệu đồng mỗi m2 (tăng 6%). Một số dự án khác ở thị trường tỉnh cũng ghi nhận đà tăng nhanh trong vài tháng qua như Saigonres Tower tăng 16%, The Maris Vũng Tàu tăng 12%, CSJ Tower tăng 11%, Osimi Phú Mỹ tăng 10%, Cao ốc OSC Land tăng 9%, Sycamore, Rivera tăng từ 5-8%… so với đầu năm.

Không chỉ những dự án hiện hữu tăng giá, nguồn cung mới sắp bổ sung vào thị trường trong quý cuối năm cũng có mức giá cao. Một loạt dự án mới trên khu vực TP Dĩ An, Thuận An giáp ranh TP HCM chuẩn bị chào bán đang nhận booking với giá từ 45-55 triệu đồng mỗi m2. Loại căn 2 phòng ngủ diện tích từ 60 m2 (gồm thuế phí) sẽ có giá trên dưới 3 tỷ đồng.

Còn trên khu vực tỉnh Long An, hai dự án chung cư đang chuẩn bị ra mắt có giá từ 28-33 triệu đồng mỗi m2, trong khi năm ngoái, giá tại khu vực này chỉ quanh 23 triệu đồng. Đồng Nai khá ít dự án chung cư nhưng mặt bằng giá cũng đang tăng lên mức 38 triệu đồng mỗi m2 thay cho khoảng 32 triệu đồng từng chào bán đầu năm.

Diễn biến tăng giá trên cũng được các công ty nghiên cứu thị trường đề cập. Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10 của DKRA Group cho biết mặt bằng giá bán sơ cấp căn hộ tại TP HCM và các tỉnh vệ tinh tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực của chi phí đầu vào. Một số dự án đang triển khai ở tỉnh giáp ranh TP HCM ghi nhận mức tăng 3-8% so với giá công bố từ 3-6 tháng trước. Mức giá cao nhất của chung cư ở Đồng Nai ghi nhận là 41 triệu đồng mỗi m2, Bình Dương 59 triệu đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu là 61 triệu, còn Long An là khoảng 29 triệu đồng.

“Nhìn chung mức giá này đã nhích lên tầm 6-10 triệu đồng mỗi m2 so với mặt bằng đầu năm”, DKRA Group nhìn nhận.

Còn theo số liệu từ chuyên trang Batdongsan, trong tháng vừa qua, giá bán chung cư tỉnh Bình Dương tăng 7%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 6%, Đồng Nai lên 4% so với quý I. Thị trường cũng ghi nhận một số dự án có vị trí tốt điều chỉnh giá bán sơ cấp tăng từ 1,5-3 triệu đồng mỗi m2 so với đợt mở bán cách đó 6 tháng.

Đánh giá động thái điều chỉnh giá bán của chung cư tỉnh ven, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, nhận định giá sơ cấp tăng do chi phí đầu vào tăng, chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá thành để cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, hầu hết tỉnh đều đã công bố bảng giá đất mới với mức tăng trung bình 20-30%, những chủ đầu tư đang tính tiền sử dụng đất phải điều chỉnh lại giá bán cho phù hợp. Số khác sẽ nắm bắt tâm lý khách hàng để điều chỉnh tăng theo mức biến động của thị trường thứ cấp.

“Thị trường bất động sản đang có rất nhiều yếu tố thúc đẩy giá nhà tăng, còn những yếu tố để kiềm hãm chưa phát huy hiệu quả”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Tư vấn bất động sản Hồng Lĩnh, phân tích nguồn cung mới còn kém đa dạng, co cụm ở vài dự án và trong tay một số chủ đầu tư, khiến giá bán mới bị đẩy lên cao. Cuộc chơi trên thị trường vì thế cũng kém cạnh tranh. Bên cạnh đó, để kích cầu sức mua, các chủ đầu tư đang tung ra nhiều chính sách bán hàng hỗ trợ tài chính, dòng tiền, chiết khấu cao…

“Tất cả chi phí trên đều cấu thành vào giá bán và người mua nhà sẽ phải gánh cả những khoản này”, ông Thanh nhìn nhận.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng chi phí sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, nhân công tăng phần nào ảnh hưởng đến giá bán dự án mới. Với chi phí xây dựng và các quy định, thuế mới hiện nay, các sản phẩm từ chung cư, đất nền đến nhà phố do các chủ đầu tư lớn triển khai buộc phải tăng giá để tránh lỗ.

Ngoài ra, theo ông Hòa, giá bất động sản TP HCM tăng mạnh cũng tạo đà đẩy mặt bằng giá các dự án vị trí tiệm cận tăng theo. Trong khi nguồn cung vừa túi tiền không được chủ đầu tư mặn mà, càng làm tình trạng lệch pha trên thị trường nhà ở thêm trầm trọng.

Ông Hòa dự báo thị trường sơ cấp sẽ phải tăng giá tiếp trong thời gian tới, kéo theo thị trường thứ cấp với các sản phẩm cũ cũng dần thay đổi biểu giá để bắt kịp xu hướng chung, thu hẹp cơ hội sở hữu nhà ở của phần đông người dân.

Phương Uyên

Hà Nội đấu giá tiếp hàng trăm lô đất khởi điểm 1,5 triệu một m2

Tháng 12, Hà Nội tiếp tục đấu giá gần 400 lô đất tại các huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai và Hoài Đức với giá khởi điểm từ 1,5 triệu đồng một m2.

Ba tháng qua, nhiều phiên đấu giá đất tại huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức gây xôn xao thị trường khi giá trúng gấp nhiều lần khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng một m2. Các địa phương này sau đó dừng tổ chức đấu giá để rà soát điều kiện pháp lý, theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Sau thời gian rà soát, từ giữa tháng 9 đến nay, nhiều huyện bắt đầu đấu giá đất trở lại. Riêng 4 huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai và Hoài Đức sẽ đấu giá gần 400 lô đất trong tháng 12.

Cụ thể, tại huyện Mê Linh, 33 lô đất thuộc hai thôn Đông Cao, Tráng Việt, xã Tráng Việt được bán đấu giá trong tháng cuối năm, chia thành ba đợt. Các lô liền kề có diện tích 87-1.111 m2 với tổng giá trị khoảng 132 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng, tính theo giá khởi điểm 1,5 triệu đồng một m2. Người tham gia phải đặt trước 26-336 triệu đồng mỗi thửa. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 5 vòng bắt buộc, với bước giá 5-6 triệu đồng mỗi m2.

Huyện Mỹ Đức cũng đấu giá gần 200 thửa đất đầu tháng 12. Trong đó khu Đông Dư, thôn Trì và khu Đông Rì – Bờ Và, thôn Nội có 93 lô đất diện tích 100-178 m2. Giá mỗi lô khoảng 213 triệu đồng đến 377 triệu đồng, tính theo mức khởi điểm 2,1 triệu đồng mỗi m2. Còn khu Mái Sau, Thôn Trì có 22 thửa sẽ lên sàn đấu với giá khởi điểm 1,7 triệu đồng mỗi m2. Với diện tích 93-147 m2, khoản tiền đặt trước chỉ dao động 32-50 triệu đồng.

Cùng ngày, huyện này tổ chức đấu giá 82 thửa đất liền kề tại khu lô 3 Đồng Chùa, xã An Mỹ với giá khởi điểm 2,1 triệu đồng mỗi m2. Các lô có diện tích 74-284 m2, tổng giá trị 157-603 triệu đồng.

Cả hai phiên đấu giá trên tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, bước giá 100.000 đồng một m2.

Sau 2 tháng tạm dừng, Thanh Oai – địa phương là điểm nóng về đấu giá đất ở Hà Nội hồi đầu tháng 8 – cũng tổ chức lại hoạt động bán đấu giá đất. Trong tháng 12, huyện này tổ chức ba phiên đấu giá tổng 63 lô tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, xã Đỗ Động. Các lô có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng, tương ứng khoản tiền đặt trước khoảng 92-185 triệu đồng, diện tích 87-175 m2. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 5-8 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng mỗi m2.

Huyện Hoài Đức cũng đấu giá 7 thửa đất tại ba xã Kim Chung, Lại Yên và Di Trạch trong ngày 9/12. Trong đó hai thửa tại khu Bờ Đầm, xã Lại Yên có giá khởi điểm 11 triệu đồng một m2, diện tích 68-72 m2, tương ứng khoản tiền đặt trước 149-159 triệu đồng. 5 thửa còn lại có giá khởi điểm 26,7 triệu đồng, diện tích 45-92 m2 một lô. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 7-9 triệu đồng mỗi m2.




Một khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức từng ghi nhận giá trúng cao nhất lên đến 132 triệu đồng một m2 vào tháng 8. Ảnh: Phạm Chiểu

Một khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức từng ghi nhận giá trúng cao nhất lên đến 132 triệu đồng một m2 vào tháng 8. Ảnh: Phạm Chiểu

Như vậy, các lô đất lên sàn đấu sắp tới tại Mê Linh, Mỹ Đức có mức ban đầu chỉ 1,5-2,1 triệu đồng mỗi m2. Mức này thấp hơn hẳn khởi điểm của các phiên đấu từng gây xôn xao với giá trúng cao nhất vượt trăm triệu đồng mỗi m2 trước đó. Còn huyện Thanh Oai vẫn giữ nguyên mức khởi điểm so với các phiên trước.

Mức khởi điểm được xác định bằng đơn giá tại bảng giá đất (x) hệ số điều chỉnh (K). Theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tư vấn bất động sản độc lập, giá khởi điểm thấp xuất phát từ việc thành phố chưa ban hành được bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường.

Tiền đặt cọc thấp, theo ông Thịnh, là một trong những lý do khiến nhà đầu tư đổ xô tham gia, đẩy giá trúng lên cao nhiều lần so với mặt bằng xung quanh. Theo Nghị định 10/2023, mức tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá là 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm. Tức giá khởi điểm càng thấp, số tiền đặt cọc càng nhỏ, dễ thu hút nhóm nhà đầu tư có tài chính vừa và nhỏ. Nếu không trúng, số tiền này được trả lại ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc. Trong khi đó, nếu trúng đấu giá đất, nhà đầu tư có thể lãi trăm triệu đồng từ khoản chênh sang tay.

Thực tế, sau phiên đấu giá “kỷ lục” đầu tháng 8 tại Thanh Oai, đến nay khoảng 80% người trúng đấu giá tại đây đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng một m2 không nộp tiền. Tương tự, khoảng 42% lô đất trúng đấu giá tại xã Tiền Yên, Hoài Đức cuối tháng 8 cũng chưa được nộp tiền.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính, tình trạng đẩy đất đấu giá lên cao rồi bỏ cọc tạo hệ luỵ bất ổn cho thị trường. Bởi chỉ cần bỏ 120-200 triệu đồng đặt cọc một thửa đất, nhóm nhà đầu tư có thể tạo mặt bằng giá ảo xung quanh. Việc thu lợi chỉ thuộc về một nhóm nhỏ nhà đầu tư, còn phần đông người dân có nhu cầu ở thực không thể với tay đến giấc mơ an cư.

“Dòng tiền thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác, lại thành ứ đọng trong đất”, ông Long cho biết.

Ngọc Diễm

Nhiều dự án chung cư ở tỉnh tăng giá mạnh

Giá bán sơ cấp của nhiều dự án chung cư triển khai ở thị trường các tỉnh phía Nam ghi nhận đà tăng nhanh, trung bình từ 5-10% chỉ trong vài tháng.

Cuộc đua chào giá cao đang lan rộng ở các tỉnh vệ tinh của TP HCM, nơi vốn tập trung hàng bình dân giai đoạn trước 2023. Ghi nhận từ VnExpress cho thấy nhiều chung cư đang triển khai tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu đã có động thái tăng giá bán sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) trong quý IV.

Cụ thể, dự án Fiato Airport City (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đầu năm có giá thấp nhất 31 triệu đồng mỗi m2, cao nhất 35 triệu, tức trung bình 33,5 triệu đồng. Hiện tại, giá thấp nhất đã lên 33 triệu đồng, cao nhất 38 triệu và trung bình là 36 triệu đồng (tăng gần 9%).

Hay dự án Picity Sky Park (Bình Dương), quý I, giá bán trung bình 48 triệu đồng mỗi m2, cao nhất 51 triệu đồng; đầu tháng 11 giá trung bình ghi nhận 54,7 triệu đồng mỗi m2, cao nhất gần 60 triệu đồng, tăng 13%.




Một dự án chung cư triển khai tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh:

Một dự án chung cư triển khai tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: C-Holdings

Dự án Vũng Tàu Centre Point (TP Vũng Tàu) đầu năm ghi nhận mức giá trung bình 55 triệu đồng mỗi m2, hiện tăng lên 58 triệu đồng, cao nhất là 61 triệu đồng mỗi m2 (tăng 6%). Một số dự án khác ở thị trường tỉnh cũng ghi nhận đà tăng nhanh trong vài tháng qua như Saigonres Tower tăng 16%, The Maris Vũng Tàu tăng 12%, CSJ Tower tăng 11%, Osimi Phú Mỹ tăng 10%, Cao ốc OSC Land tăng 9%, Sycamore, Rivera tăng từ 5-8%… so với đầu năm.

Không chỉ những dự án hiện hữu tăng giá, nguồn cung mới sắp bổ sung vào thị trường trong quý cuối năm cũng có mức giá cao. Một loạt dự án mới trên khu vực TP Dĩ An, Thuận An giáp ranh TP HCM chuẩn bị chào bán đang nhận booking với giá từ 45-55 triệu đồng mỗi m2. Loại căn 2 phòng ngủ diện tích từ 60 m2 (gồm thuế phí) sẽ có giá trên dưới 3 tỷ đồng.

Còn trên khu vực tỉnh Long An, hai dự án chung cư đang chuẩn bị ra mắt có giá từ 28-33 triệu đồng mỗi m2, trong khi năm ngoái, giá tại khu vực này chỉ quanh 23 triệu đồng. Đồng Nai khá ít dự án chung cư nhưng mặt bằng giá cũng đang tăng lên mức 38 triệu đồng mỗi m2 thay cho khoảng 32 triệu đồng từng chào bán đầu năm.

Diễn biến tăng giá trên cũng được các công ty nghiên cứu thị trường đề cập. Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10 của DKRA Group cho biết mặt bằng giá bán sơ cấp căn hộ tại TP HCM và các tỉnh vệ tinh tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực của chi phí đầu vào. Một số dự án đang triển khai ở tỉnh giáp ranh TP HCM ghi nhận mức tăng 3-8% so với giá công bố từ 3-6 tháng trước. Mức giá cao nhất của chung cư ở Đồng Nai ghi nhận là 41 triệu đồng mỗi m2, Bình Dương 59 triệu đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu là 61 triệu, còn Long An là khoảng 29 triệu đồng.

“Nhìn chung mức giá này đã nhích lên tầm 6-10 triệu đồng mỗi m2 so với mặt bằng đầu năm”, DKRA Group nhìn nhận.

Còn theo số liệu từ chuyên trang Batdongsan, trong tháng vừa qua, giá bán chung cư tỉnh Bình Dương tăng 7%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 6%, Đồng Nai lên 4% so với quý I. Thị trường cũng ghi nhận một số dự án có vị trí tốt điều chỉnh giá bán sơ cấp tăng từ 1,5-3 triệu đồng mỗi m2 so với đợt mở bán cách đó 6 tháng.

Đánh giá động thái điều chỉnh giá bán của chung cư tỉnh ven, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group, nhận định giá sơ cấp tăng do chi phí đầu vào tăng, chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh giá thành để cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, hầu hết tỉnh đều đã công bố bảng giá đất mới với mức tăng trung bình 20-30%, những chủ đầu tư đang tính tiền sử dụng đất phải điều chỉnh lại giá bán cho phù hợp. Số khác sẽ nắm bắt tâm lý khách hàng để điều chỉnh tăng theo mức biến động của thị trường thứ cấp.

“Thị trường bất động sản đang có rất nhiều yếu tố thúc đẩy giá nhà tăng, còn những yếu tố để kiềm hãm chưa phát huy hiệu quả”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Tư vấn bất động sản Hồng Lĩnh, phân tích nguồn cung mới còn kém đa dạng, co cụm ở vài dự án và trong tay một số chủ đầu tư, khiến giá bán mới bị đẩy lên cao. Cuộc chơi trên thị trường vì thế cũng kém cạnh tranh. Bên cạnh đó, để kích cầu sức mua, các chủ đầu tư đang tung ra nhiều chính sách bán hàng hỗ trợ tài chính, dòng tiền, chiết khấu cao…. “Tất cả chi phí trên đều cấu thành vào giá bán và người mua nhà sẽ phải gánh cả những khoản này”, ông nhìn nhận.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Đức Hòa cũng cho rằng chi phí sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, nhân công tăng phần nào ảnh hưởng đến giá bán dự án mới. Với chi phí xây dựng và các quy định, thuế mới hiện nay, các sản phẩm từ chung cư, đất nền đến nhà phố do các chủ đầu tư lớn triển khai buộc phải tăng giá để tránh lỗ.

Ngoài ra, theo ông Hòa, giá bất động sản TP HCM tăng mạnh cũng tạo đà đẩy mặt bằng giá các dự án vị trí tiệm cận tăng theo. Trong khi nguồn cung vừa túi tiền không được chủ đầu tư mặn mà, càng làm tình trạng lệch pha trên thị trường nhà ở thêm trầm trọng.

Ông Hòa dự báo thị trường sơ cấp sẽ phải tăng giá tiếp trong thời gian tới, kéo theo thị trường thứ cấp với các sản phẩm cũ cũng dần thay đổi biểu giá để bắt kịp xu hướng chung, thu hẹp cơ hội sở hữu nhà ở của phần đông người dân.

Phương Uyên

Trợ lực để Vinhomes Grand Park thành điểm đến mới của TP HCM

Lễ hội Giáng sinh với trải nghiệm trên tuyết, nhạc hội quốc tế 8Wonder có Imagine Dragons cùng loạt hoạt động vui chơi, giải trí giúp Vinhomes Grand Park tăng sức hút dịp cuối năm.

Là đại đô thị lớn bậc nhất TP HCM với diện tích 271 ha, Vinhomes Grand Park, sau hơn 5 năm ra mắt trở thành điểm đến mới, hấp dẫn bậc nhất với người dân, du khách. Sau khi hoàn thiện các phân khu, hạ tầng cơ bản, đại đô thị tiếp tục phát triển hệ tiện ích cao cấp với những cấu phần phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan, mua sắm.




Toàn cảnh Vinhomes Grand Park. Ảnh: Vingroup

Toàn cảnh Vinhomes Grand Park. Ảnh: Vingroup

Đa dạng trải nghiệm vui chơi, giải trí

Nổi bật trong số này là VinWonders Grand Park nằm trong lòng công viên trung tâm Vinhomes Grand Park rộng 36 ha – công viên trong khu đô thị lớn nhất tại TP HCM. VinWonders mang đến những trải nghiệm vui chơi đa dạng khi sở hữu 13 trò chơi dành cho gia đình, trẻ em, 20 gian hàng trò chơi có thưởng và 21 trò chơi dưới nước.

Đến công viên, cư dân và du khách có thể hòa mình vào không gian rộng lớn, trải nghiệm các trò chơi nhẹ nhàng như đi tàu hỏa ngắm cảnh, xe điện, đu quay ngựa gỗ, cốc xoay hay thử thách với những trò chơi mạo hiểm như vòng xoáy siêu tốc, thế giới đảo ngược, cuộc phiêu lưu kỳ thú… Công viên khi khai trương sẽ trở thành điểm đến phục vụ gia đình, du khách khắp cả nước.

Đại diện Vingroup cho biết VinWonders là dự án có mức đầu tư lớn. Điều này thể hiện tầm nhìn khác biệt trong việc mang những tiện ích đẳng cấp nâng tầm chuẩn sống cho cư dân. Đồng thời, VinWonders cũng là một trong số rất nhiều yếu tố tạo nên hấp lực cho đại đô thị phía Đông TP HCM.

Với kỳ vọng biến Vinhomes Grand Park trở thành “thỏi nam châm” hút du khách, Vingroup còn mạnh tay đầu tư thêm nhiều tiện ích khác biệt. Trong đó, mảnh ghép nổi bật trong hệ sinh thái hiện có là trung tâm thương mại Vincom Mega Mall đã đi vào vận hành. Diện tích sàn lên đến 45.000 m2 với 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, Vincom Mega Mall hiện đón hàng chục thương hiệu mua sắm, ẩm thực, giải trí khai thác kinh doanh. Địa điểm này có thể đón cùng lúc hàng chục nghìn lượt khách.




Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall đã vận hành. Ảnh: Vingroup

Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall đã vận hành. Ảnh: Vingroup

Vinhomes cũng nỗ lực đa dạng hóa trải nghiệm của cư dân, du khách bằng việc bổ sung tổ hợp thương mại dịch vụ đa dạng chủ đề, từ khu phố thương mại Ginza phong cách Nhật cho tới phố Broadway, quảng trường Golden Eagle đậm chất Mỹ, đại công viên 36 ha… Qua đó, trải nghiệm sống, vui chơi, giải trí tại đại đô thị được nâng tầm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi đối tượng.

Theo các chuyên gia, hệ thống tiện ích đầy đủ, đa dạng, phân bổ hợp lý trong không gian rộng lớn đến 271 ha là lợi thế của Vinhomes Grand Park trong hành trình kiến tạo đô thị lễ hội. Những lợi thế này còn gia tăng khi đại đô thị hưởng lợi từ hạ tầng kết nối quy mô lớn của khu vực.

Dự án nằm gần tuyến metro số 1, cao tốc Long Thành – Dầu Giây… giúp cư dân, du khách thuận tiện di chuyển vào trung tâm TP HCM, khu công nghệ cao hay kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Hiện loạt công trình hạ tầng mới như nút giao An Phú, đường Vành đai 3, sân bay Long Thành cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai, mở ra nhiều triển vọng cho khu đô thị.

Ngoài ra, tuyến xe điện VinBus vận hành từ năm 2022 là phương tiện kết nối khu đô thị đến trung tâm thành phố. Tương lai, hệ thống giao thông này tiếp tục mở rộng lộ trình đến nhiều địa điểm, tạo cơ hội để du khách di chuyển thuận lợi hơn.

Phong phú lễ hội cuối năm

Vinhomes Grand Park dịp cuối năm dự báo sẽ trở thành điểm đến của hàng trăm nghìn lượt khách khi chủ đầu tư triển khai tháng lễ hội lớn nhất từ trước đến nay.




Cư dân vui chơi tại đô thị. Ảnh: Vingroup

Cư dân vui chơi tại đô thị. Ảnh: Vingroup

Ngoài việc khai trương VinWonders, đại đô thị sẽ là nơi tổ chức đại nhạc hội 8Wonder Winter Festival vào ngày 8/12. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, khán giả sẽ được theo dõi màn trình diễn lên đến 75 phút của ban nhạc nổi tiếng Imagine Dragons – chủ nhân giải thưởng Grammy danh giá và nhiều đĩa Bạch kim. Trước đó nhiều tháng, việc Imagine Dragons đến Việt Nam đã trở thành chủ đề được quan tâm của giới trẻ. Dàn sao Việt như Soobin, Chipu, Hieuthuhai, Hurrykng cũng tăng sức nóng cho sự kiện.

Từ tháng 12, Vinhomes Grand Park còn tổ chức chuỗi sự kiện lễ hội Giáng sinh với trải nghiệm mùa đông khác biệt. Chủ đầu tư hợp tác với Apollo Entertainment mang tuyết về giữa lòng Sài Gòn với sự kiện Fantasy on Ice. Với diện tích hơn 4.000 m2 và công nghệ làm tuyết tiên tiến, Fantasy on Ice mang lại không gian Giáng sinh tuyết trắng “Ice Magic”. Du khách có thể tận hưởng cảm giác lạnh dưới 0 độ C và chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc băng hay tham gia các trò chơi trên tuyết, như cầu trượt, xây người tuyết và hòa mình vào không khí lễ hội với âm nhạc, các món ăn đặc trưng mùa Giáng sinh.

Chuỗi sự kiện còn nối dài với các màn trình diễn road show xuyên suốt tháng 12, thắp sáng cây thông Noel, đêm hội tuyết trắng… Sau tháng 12, khu đô thị tiếp tục chào đón năm mới với chuỗi hoạt động countdown, giải chạy Tết…

Đại diện Vinhomes cho biết, chuỗi sự kiện quy mô bậc nhất nằm trong nỗ lực để ghi tên Vinhomes Grand Park lên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Xa hơn, chủ đầu tư kỳ vọng đại đô thị trở thành điểm đến thường xuyên của các hoạt động vui chơi, khám phá của hơn 10 triệu dân TP HCM và các tỉnh lân cận, góp phần nâng tầm giá trị của bất động sản khu Đông thành phố.

Hoài Phương