Bất động sản

Thu thuế chuyển nhượng bất động sản ở TP HCM tăng gấp rưỡi

Người dân tranh thủ giao dịch bất động sản trước khi luật mới có hiệu lực, khiến khoản thu từ chuyển nhượng đất tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Theo số liệu từ Cục thuế TP HCM, 9 tháng, thu thuế thu nhập cá nhân và phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản đạt 6.540 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Trong đó, 75% là thu thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng địa ốc, còn lại phí trước bạ.

Hai khoản thu này tăng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, theo lý giải của ngành thuế thành phố, chủ yếu do người dân có tâm lý muốn hoàn tất giao dịch mua bán trước ngày 1/8 – thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.

Điều này thể hiện qua số thu thuế thu nhập cá nhân trong tháng 6 và 7, tăng 50-80% so với cùng kỳ. Sau 1/8, lượng người giao dịch bất động sản giảm, kéo theo số lượt nộp thuế tháng 8 sụt 32% và giảm 28% về tiền nộp.

Đến 21/9, khi UBND TP HCM cho tạm áp dụng bảng giá đất cũ, số lượt nộp thuế tăng 9% so với một tháng trước đó. Số tiền nộp cũng cao hơn 19% so với cùng kỳ, với 446 tỷ đồng. Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với khoản thu lệ phí trước bạ từ giao dịch bất động sản.




Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách khác từ đất (gồm tiền sử dụng đất, thuế đất nông nghiệp và phi nông nghiệp…) cũng tăng 58% so với cùng kỳ, đạt 10.510 tỷ đồng trong 9 tháng. Tuy nhiên, so với dự toán, tiến độ thu mới đạt 26% kế hoạch năm.

Cụ thể, thu tiền sử dụng đất đạt 5.933 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ. Trong kỳ phát sinh một số khoản nộp đột biến, như 811 tỷ đồng được Công ty Nhà Khang Phúc nộp cho dự án ở huyện Bình Chánh. Khoản thu này tăng mạnh so với năm ngoái, nhưng chưa đảm bảo tiến độ khi chỉ đạt 17% so với dự toán do Quốc hội, Chính phủ giao năm nay. Nguyên nhân là việc triển khai các dự án tại thành phố gặp nhiều khó khăn do vướng pháp lý, thủ tục đấu giá, thị trường…

Hay thu từ tiền thuê đất đạt 4.234 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Khoản này tăng do một số đơn vị địa ốc nộp tiền thuê đất một lần, như Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đất Xanh là 156 tỷ, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng giao thông 115 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, các khoản thu từ đất (gồm giao dịch bất động sản) tại TP HCM là l17.050 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong tuần đầu tháng 10, số thu này tăng thêm 17.504 tỷ đồng.

Thực tế, theo giới phân tích, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ các kênh đầu tư như chứng khoán sang bất động sản. VinaCapital dẫn các nguồn tin của họ cho rằng nhiều khả năng khối lượng giao dịch địa ốc tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu 2024.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE – đánh giá các kênh tài chính thời gian qua diễn tiến khá bấp bênh, nên nhà đầu tư có xu thế điều hướng dòng tiền. Theo ông, bất động sản luôn là lựa chọn trước nhất mỗi khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn cho tài sản hay dịch chuyển dòng tiền của họ, vì “độ an tâm khi sở hữu một ngôi nhà rất lớn”.

Quỳnh Trang

Nguồn cung cao cấp, hạng sang phủ bóng căn hộ TP HCM

Hơn 90% rổ hàng mở bán quý IV là phân khúc cao cấp, hạng sang khiến nguồn cung nhà ở TP HCM tiếp tục lệch pha, thiếu hẳn căn hộ bình dân.

Đầu tháng 11, “ông lớn” bất động sản hạng sang Masterise Homes ra mắt dự án chung cư Masteri Grand View với quy mô khoảng 616 căn hộ cao cấp thuộc đại đô thị The Global City (TP Thủ Đức). Dự án này đang chào giá ưu đãi thanh toán nhanh là 100 triệu đồng mỗi m2, nếu thanh toán với tiến độ thông thường, giá trung bình 130-140 triệu đồng mỗi m2 (chưa VAT).

Cách đó không xa, dự án Eaton Park của chủ đầu tư Gamuda Land cũng mở bán giai đoạn tiếp theo, giá thăm dò thị trường 142 triệu đồng mỗi m2 (chưa VAT). Dự án có khoảng 1.968 căn hộ diện tích 45-145 m2. Một căn hộ tại đây sẽ có giá bán thấp nhất tầm 7 tỷ đồng, trung bình từ 10-12 tỷ đồng và cao nhất là gần 20 tỷ đồng.

Trước đó, khi chào bán lần đầu, dự án này có giá gần 130 triệu đồng mỗi m2, được nhận định là khá cao, nhưng 900 căn vẫn giao dịch thành công. Đây có thể là động lực khiến chủ đầu tư mở bán giai đoạn 2 với giá điều chỉnh tăng cao.

Gamuda Land còn có thêm một dự án khác là Elysian vừa khởi công tại TP Thủ Đức, quy mô 1.398 căn hộ. Theo các đơn vị nghiên cứu dự báo, giá bán dự án này sẽ không dưới 100 triệu đồng mỗi m2.

Hay dự án The Opus One, phân khu căn hộ cao tầng thuộc đại đô thị Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức) với 2.000 sản phẩm cũng có kế hoạch mở bán tháng 11. Mức giá được các sàn chia sẻ là từ 82 triệu đồng mỗi m2. Như vậy một căn hộ phổ biến diện tích 53-76 m2 sẽ có giá thấp nhất dao động 5-7 tỷ đồng.




Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 8/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 8/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Ghi nhận của VnExpress cho thấy hai tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường đẩy dự án ra thị trường, nguồn cung cải thiện rõ rệt so với quý trước đó. Tuy nhiên, 90% rổ hàng rơi vào phân khúc cao cấp, giá từ 80 triệu đồng mỗi m2. Một số dự án có giá dự kiến trên dưới 60 triệu đồng mỗi m2 như Fiato Uptown, MT Eastmark City, D-Homme… nhiều khả năng chưa mở bán trong quý này.

Báo cáo từ đơn vị nghiên cứu thị trường Avison Young Việt Nam cũng cho hay gần 90% rổ hàng mở bán trong 3 tháng cuối năm đều có giá từ 3.000-5.000 USD (tương đương 60-120 triệu đồng) mỗi m2, thuộc dòng sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, phân khúc bình dân tiếp tục vắng bóng.

Theo số liệu từ One Housing – công ty tư vấn bất động sản thuộc Techcombank, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ TP HCM quý III cũng lên hơn 80 triệu đồng mỗi m2. Riêng TP Thủ Đức là gần 100 triệu đồng mỗi m2.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing, nhìn nhận thị trường căn hộ TP HCM hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới. Các dự án cũ tạm ngừng triển khai trước đây bắt đầu tái khởi động và đều có giá dự kiến tăng cao gấp 2-3 lần so với mức đã mở bán trước. Ngoài ra, phần lớn các dự án chuẩn bị mở bán tại khu vực này cũng đều có giá dự kiến trên 100 triệu mỗi m2.

Theo ông Trung, các chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án đều đang tập trung làm nhà ở cao cấp, hạng sang bởi họ cần tối ưu lợi nhuận khi chi phí đầu tư dự án, nhất là giá đất đã gia tăng. Hơn nữa, phần lớn dự án mới triển khai tại TP HCM đều thuộc các đại đô thị với các sản phẩm hiện hữu có mặt bằng giá cao. Vì vậy, những tòa nhà mới sẽ khó có mức giá thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Batdongsan, cho rằng xu hướng tăng giá bất động sản là điều khó tránh. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thị trường TP HCM đang quá ít dự án triển khai, lượng dự án được cấp phép thì nhỏ giọt. Cung hạn chế nhưng nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn nên cuộc chơi gần như là do các chủ đầu tư lớn dẫn dắt giá bán. Nguồn cung nhà ở lệch hoàn toàn vào loại hình cao cấp, giá vượt mức thu nhập bình quân và đang cướp đi cơ hội sở hữu nhà của nhiều người trẻ.

Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills Cao Thị Thanh Hương cũng nói rằng thị trường nhà ở TP HCM đang lệch pha nghiêm trọng. Cụ thể, nguồn cung giá hợp lý (dưới 3 tỷ đồng) từ 60% năm 2016 giảm xuống còn 35% năm 2024, căn hộ sơ cấp dưới 2 tỷ đồng biến mất hoàn toàn.

“Nếu có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mội tháng, người TP HCM cũng cần hơn 30 năm để có thể mua một căn nhà với điều kiện giá không tiếp tục tăng. Nhưng điều này là phi thực tế”, bà Hương nói thêm.

Tình trạng chung cư cao cấp “chiếm sóng” thị trường vẫn khó có thể cải thiện trong ngắn hạn. Các đơn vị dịch vụ tư vấn, nghiên cứu thị trường dự báo căn hộ cao cấp sẽ vẫn áp đảo. Theo OneHousing, nguồn cung chung cư có xu hướng tăng, lên đến 12.000 căn trong năm 2025 và 16.000 căn năm 2026, nhưng vẫn chủ yếu là sản phẩm giá cao, tập trung ở khu vực TP Thủ Đức. Điều này khiến tình trạng lệch pha trên thị trường nhà ở TP HCM dự báo ngày càng trầm trọng.

Phương Uyên

Sun Group ra mắt 469 kiểu nhà phố, biệt thự, tầng hầm cao 4m

Hà NamPhân khu nhà phố, biệt thự Kim Tiền tại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City Hà Nam nổi bật với 469 dáng hình kiến trúc cùng mức giá cạnh tranh.

Sau khi giới thiệu dòng căn hộ cao tầng, Sun Group tiếp tục ra mắt 469 mẫu nhà phố, biệt thự độc bản tại phân khu Kim Tiền mang cảm hứng kiến trúc Đông Dương lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa, không lặp lại với không gian sống được cá nhân hóa. Phân khu này cũng đa dạng sản phẩm cho khách hàng lựa chọn như townhouse mặt tiền 4 m (56-60 m2), townhouse mặt tiền 8 m (160 m2), villa mặt tiền 10-11m (175-200 m2).




Phối cảnh khu townhouse mặt tiền 4m với chiều cao 3,5 tầng. Ảnh: Ánh Dương

Phối cảnh khu townhouse mặt tiền 4m với chiều cao 3,5 tầng. Ảnh: Ánh Dương

Ông Hoàng Tùng Anh, Công ty Bất động sản Four Home, chi nhánh Hà Nam bày tỏ sự ấn tượng với thiết kế sáng tạo, không trùng lặp của dãy nhà phố tại dự án. “Đây là sự đầu tư khác biệt của Sun Group, dù chi phí tốn kém. Đội ngũ tư vấn thiết kế quốc tế đã phải tốn nhiều thời gian công sức mới có thể đáp ứng nhu cầu này của chủ đầu tư”, ông Tùng Anh nói.

Ngoài ra, điểm khác biệt của phân khu Kim Tiền là 100% căn có tầng hầm cao gần 4m, công năng đa dạng. Gia chủ có thể bài trí không gian riêng theo sở thích cá nhân như phòng karaoke, quầy bar, hầm rượu, bếp ướt… để mời bạn bè, người thân đến vui chơi, giải trí ngay tại nhà nhưng không để tiếng ồn ảnh hưởng tới xung quanh.




Trục đại lộ lễ hội sẽ là không gian tổ chức các sự kiện lớn tại Sun Urban City. Ảnh: Ánh Dương

Trục đại lộ lễ hội sẽ là không gian tổ chức các sự kiện lớn tại Sun Urban City. Ảnh: Ánh Dương

Phân khu này cũng sở hữu vị trí thuận lợi bậc nhất dự án, vừa kết nối với Hà Nội và các tỉnh lân cận qua các tuyến đường lớn như quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, vành đai 5…, vừa hưởng lợi với các tuyến đường nội khu đang cấp tập hoàn thiện. Nơi đây còn kề cận công viên lễ hội cùng trục đại lộ rộng 150 m, dài 1,5 km – sân khấu của các lễ hội, show trình diễn nhạc nước, các màn bắn pháo hoa trong tương lai, đồng thời rất gần Quảng trường trống Đọi Tam…

Ông Vũ Văn Hiến, Công ty cổ phần dịch vụ & địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, một căn nhà phố phân khu Kim Tiền diện tích tiêu chuẩn khoảng 56-60 m2 giá 5-6 tỷ đồng, cao tới 4 tầng nổi và một tầng hầm, sau khi hưởng mức chiết khấu cao nhất, nếu khấu trừ chi phí đầu tư hạ tầng, đầu tư tiện ích, thi công xây dựng, thì giá đất khoảng 25-30 triệu đồng một m2.

“Đây là mức giá cạnh tranh so với giá đất Hà Nội và các khu vực lân cận vùng Thủ đô như Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng…. Sun Group hướng tới đầu tư dự án dành cho người có nhu cầu ở thực, tạo điều kiện an cư cho tất cả người dân”, ông Hiến nói thêm.




Khong-gian-xanh-ngap-tran-Sun-Urban-City-noi-cu-dan-thu-gian-nghi-ngoi

Sun Urban City Hà Nam dành tới 200 ha cho không gian cây xanh, mặt nước. Ảnh: Ánh Dương

Không chỉ hưởng lợi từ 200 ha cảnh quan cây xanh, mặt nước của toàn đô thị, cư dân tại phân khu Kim Tiền còn sở hữu hệ thống tiện ích nội khu đẳng cấp, gồm tổ hợp thể thao với chòi nghỉ, sân chơi trẻ em, sân tập thể dục… Các khu vườn cảnh quan gắn với lịch sử vùng đất núi Đọi sông Châu như vườn Đại Hoàng, vườn Điền Viên, vườn Kim Bảng…

Đánh giá cao phân khu Kim Tiền với sổ đỏ vĩnh viễn, hưởng lợi từ hạ tầng chung của khu đô thị cùng hệ thống tiện ích 5 sao, ông Thành Văn, một khách hàng đến từ Phủ Lý cũng mới chốt một căn làm quà cưới cho con trai.

Chủ đầu tư cho biết, phân khu thấp tầng sẽ được hoàn thiện bàn giao cuối năm 2025 tạo điều kiện cho người dân sớm an cư. Tiến độ cảnh quan cũng được đẩy nhanh để người dân nhận nhà sớm trải nghiệm các tiện ích như trục đại lộ lễ hội, show nhạc nước và công viên nước Sun World lần lượt ra mắt vào dịp Tết âm lịch 2025 và dịp lễ 30/4/2025.

Ngoài ra, từ nay đến 24/11, mức chiết khấu tối đa khi thanh toán sớm có thể lên tới 18%, áp dụng cho những khách hàng đầu tiên, không nhận hỗ trợ đòn bẩy tài chính và thanh toán sớm đến 95%. Bên cạnh đó, khách chọn vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất tới 24 tháng.

Sun Group ra mắt hơn 400 kiểu kiến trúc nhà phố, biệt thự

Sun Group ra mắt hơn 400 kiểu kiến trúc nhà phố, biệt thự

Giới thiệu phân khu Kim Tiền dự án Urban City Hà Nam. Nguồn: Sun Group

Song Anh

Nhiều dự án bất động sản ‘đắp chiếu’ ở TP HCM hồi sinh

Nhiều dự án bất động sản ở TP HCM nằm “đắp chiếu” cả chục năm do thiếu vốn, vướng pháp lý, hiện được chủ đầu tư lên kế hoạch tái khởi động.

Mới đây Công ty cổ phần bất động sản Đông Dương – thành viên Tập đoàn Hoàng Quân – bắt tay với Công ty địa ốc Hồng Quang khởi động lại dự án Khu công viên trung tâm công cộng và dân cư 13A sau nhiều năm bất động vì chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính.

Khu dân cư 13A (tên thương mại là khu dân cư Hồng Quang) có quy mô 37 ha, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, được triển khai từ năm 2000 với quy mô gần 2.000 căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền và biệt thự. Từ năm 2006 đến nay, dự án này chỉ mới bàn giao đất cho các công trình nhà ở thấp tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ dân sinh chưa hoàn thiện. Một số khu vực đường xá có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ quên và rất ít dân cư về sinh sống.

Giai đoạn đầu sau tái khởi động, Công ty Đông Dương sẽ đầu tư 1.750 tỷ đồng triển khai phân khu cao tầng trên khu đất hơn 26.500 m2, gồm 5 block căn hộ thương mại, quy mô khoảng 600 sản phẩm. Dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, đang chuẩn bị thủ tục để khởi công xây dựng đầu năm 2025.

Một dự án khác cũng chuẩn bị khởi động lại sau 6 năm “ngủ đông” là Gem Riverside của Tập đoàn Đất Xanh. Đây là dự án trọng điểm từng được công ty này mở bán năm 2018, với giá trung bình 33-40 triệu đồng mỗi m2. Do vướng pháp lý nên sau đó Đất Xanh phải dừng triển khai, tiến hành điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng. Đến tháng 10, dự án này vừa được cấp phép xây dựng trở lại với tên gọi mới là Dat Xanh Home Riverside.

Chủ đầu tư cho biết dự kiến bắt đầu xây dựng từ quý I/2025, sau khi hoàn thành đàm phán với khách hàng cũ và đủ điều kiện sẽ mở bán trong quý II năm sau. Dự án này được đánh giá sẽ mang lại nguồn thu ước đạt 28.000 tỷ đồng cho Đất Xanh.

Hay trên khu vực quận 8, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu căn hộ cao tầng NBB Garden III sau nhiều năm đứng yên chờ pháp lý.

Dự án NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có diện tích 81.550 m2, quy mô hơn 2.100 sản phẩm căn hộ, nhà liền kề, shophouse. Dự án này được chủ đầu tư lên kế hoạch triển khai từ năm 2008, nhưng gặp vướng vì đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội… nên không được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sau khi được cho phép triển khai trở lại, tổng vốn đầu tư dự án sẽ vào khoảng 4.400 tỷ đồng và cơ cấu sản phẩm cũng thay đổi so với các thông tin trước đó.




Dự án Gem Riverside tại TP Thủ Đức, ảnh: Đất Xanh.

Dự án Gem Riverside tại TP Thủ Đức. Ảnh: Đất Xanh

Ngoài ra, nhiều dự án khác tại thành phố cũng đã giải quyết xong khó khăn pháp lý, bắt đầu tái khởi động bán hàng trong quý IV như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8) và Lavida Plus (quận 7)…

TP HCM mới đây cũng cho biết đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản, nổi bật trong số đó như The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm… Đây đều là những dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, quy mô dự án lớn với nguồn cung đa dạng. Việc hoàn tất pháp lý sẽ tạo điều kiện để những dự án sớm tái khởi động và tìm kiếm nguồn vốn mới.

Đánh giá về việc tái khởi động các dự án bị đình trệ thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho biết nguồn cung nhà ở của thành phố sẽ có thêm 148.000 sản phẩm nếu 148 dự án đang vướng mắc pháp lý được tháo gỡ khó khăn. Những dự án cũ này không chỉ “làm giàu” hơn nguồn cung nhà ở của thành phố trong các năm tới mà còn giúp giải cơn khát nhà ở đã “đeo bám” thành phố hơn 4 năm qua.

“Đây cũng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản”, ông Châu nhìn nhận.

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án cũ và lên kế hoạch bắt tay để triển khai các dự án bị bỏ hoang trước đây. Diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Các chuyên gia của VARS dự đoán sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Những chủ đầu tư có quỹ đất đang chịu áp lực về tài chính sẽ tìm đến những “tay chơi” có dòng tiền. Còn doanh nghiệp mới thông qua hoạt động liên kết, mua bán sáp nhập để tiếp cận quỹ đất đẹp ngày càng khan hiếm tại TP HCM trong thời gian tới.

Phương Uyên

Tám dự án bất động sản ở TP HCM được gỡ vướng pháp lý

Gần một năm rưỡi qua, TP HCM có 8 dự án bất động sản được gỡ vướng pháp lý và 22 dự án đang tiếp tục xử lý theo quy định.

Báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý III cho biết từ tháng 5/2023 đến nay, thành phố đã xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc. Trong đó có 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn, 22 dự án đang tiếp tục tham mưu xử lý theo quy định.

8 dự án được gỡ vướng gồm: Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát; Khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tân Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City) của Công ty cổ phần Gamuda Land; Khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty cổ phần Western Sài Gòn; Dự án khu nhà ở cao tầng Sông Đà – Thăng Long, quận 7 của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons; Khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.




khu phức hợp Sóng Việt (TP Thủ Đức) . Ảnh: Thanh Tùng

Khu phức hợp Sóng Việt (TP Thủ Đức). Ảnh: Châu Long

Các dự án còn lại, UBND TP HCM cho biết tiếp tục giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giải quyết.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, từ năm 2022 đến nay, thành phố đã có 64 dự án bất động sản của 57 doanh nghiệp bị vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm: các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và các dự án nhà ở thương mại bị rà soát, thanh tra, kiểm tra.

Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ khó khăn. Đến tháng 5/2023, Tổ công tác của TP HCM về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản được thành lập. Từ đó đến tháng 7/2023, Tổ công tác đã xem xét giải quyết cho 30 dự án bất động sản.

Cũng trong 9 tháng qua, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án nhà ở thương mại (trong đó có 1 dự án nhà ở xã hội); 2 dự án được cấp phép xây dựng với quy mô 31.000 căn hộ thương mại đang triển khai…

TP HCM đánh giá thị trường bất động sản trên địa bàn đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương từ đầu năm nay. Tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.

Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó nguồn thu liên quan đến lĩnh vực đất đai khoảng 5.900 tỷ đồng, thấp hơn Hà Nội khoảng 27.000 tỷ đồng. Dù gặp khó khăn nhưng so với dự toán được giao, thu ngân sách của TP HCM vẫn hoàn thành và dự kiến vượt 2% kế hoạch đề ra.

Thành phố dự kiến thị trường bất động sản sẽ tiếp đà phục hồi nhưng diễn biến chậm. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết sau khi bảng giá đất mới được ban hành nhưng sẽ không có biến động mạnh. Nguồn cung mới dần được bổ sung góp phần tăng lượng giao dịch trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư vẫn được đánh giá là tiềm năng nhất do nguồn cung tăng chậm và nhu cầu cao.

Phương Uyên

Được và mất khi bố trí thang máy trong nhà

Tuy tốn kém thêm chi phí, diện tích, thang máy trong nhà lại giúp gia chủ thuận tiện di chuyển, tối ưu không gian.

Nhiều người phân vân có nên lắp đặt thang máy trong nhà, nhưng do thói quen sinh hoạt và điều kiện của mỗi gia đình khác nhau, nên có thể dựa trên một số khía cạnh sau để cân nhắc:

Mất

– Đầu tiên là mất tiền, nhưng không chỉ là mất tiền mua hệ thang máy mà gia chủ sẽ phải chi cho các hạng mục gồm: phí mua thang, xây dựng – lắp đặt, bảo trì… Cụ thể:

Chi phí mua thang máy: một bộ thang máy bình thường ngoài thị trường có mức giá dao động gần 300 triệu đồng đến trên một tỷ đồng, tùy theo phân khúc, công nghệ… Nhìn chung, khoảng 300-400 triệu đồng là đã có một bộ thang máy chạy tốt.

Xây dựng, lắp đặt hố thang máy: Tùy theo chủng loại thang, hố xây kín hoặc lắp dựng khung kính, hay theo thiết kế nên khó dự trù được con số chính xác. Tuy nhiên để dễ hiểu, có thể coi phát sinh chi phí này tương đương mức đầu tư xây dựng bình quân trên m2 của ngôi nhà. Giả sử ngôi nhà cao 3 tầng, chi phí xây dựng hố thang máy khoảng 100-150 triệu đồng.

Ngoài ra, gia chủ cần dự trù thêm khoản chi phí bảo trì, bảo dưỡng thang máy định kỳ để đảm bảo thang hoạt động tốt, an toàn khi sử dụng.




Thang máy trong nhà phố. Ảnh: Nhà của gió

Thang máy trong nhà phố. Ảnh: Nhà của gió

– Mất diện tích: Cụ thể là diện tích đất, diện tích sử dụng phải nhường cho thang máy. Hố thang cơ bản khoảng 4 m2. Với các hệ thang máy kính thì sẽ nhỏ hơn, hoặc một số chủng loại thang máy diện tích rất nhỏ, tuy nhiên loại đó không phổ biến. Ví dụ khu vực công trình giá trị 100 triệu đồng một m2 đất, sẽ mất 400 triệu đồng cho phần đất xây dựng thang máy.

Bên cạnh đó, gia chủ cần tính toán thêm cả phần diện tích phải làm hành lang trước cửa thang máy. Phần này tùy theo từng cách bố trí, đôi khi công trình có thể thiết kế sảnh thang máy quay vào chung diện tích với sảnh thang bộ, hoặc có thang máy rồi nên thang bộ chấp nhận làm nhỏ đi để tiết kiệm diện tích.

Được

– Sự tiện lợi: Một gia đình thường có ông bà, ba mẹ ở cùng hoặc thi thoảng đến chơi, hay chính bản thân gia chủ sau này cũng sẽ già đi. Việc có thang máy trong nhà sẽ giúp người lớn tuổi thuận tiện di chuyển giữa các tầng. Hoặc khi cần bê đồ nặng, đưa mâm cỗ lên phòng thờ tầng trên, sẽ dễ dàng hơn đi thang bộ rất nhiều.

– Tận dụng hiệu quả diện tích: Ngay cả khi chủ nhà còn trẻ khỏe, nhưng rõ ràng là việc phải thường xuyên chạy lên – xuống giữa tầng một và tầng 3-4… cũng khiến nhiều người cảm thấy ngại ngần. Nếu không có thang máy, khả năng những phòng ở tầng cao sẽ thường xuyên bị bỏ không.

Thử ví dụ một ngôi nhà lô phố, nếu thiết kế vườn trên mái sẽ giúp gia chủ có thêm không gian riêng tư ngồi thư giãn, ngắm cảnh. Nếu bố trí thang máy trong nhà, chắc chắn khu vườn này sẽ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả hơn.

KTS Trịnh Hải Long – Nguyễn Minh Thủy
Văn phòng kiến trúc Nhà của gió

Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi gần 500 ha dự kiến vận hành từ 2025

Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) thuộc Khu kinh tế Dung Quất dự kiến đưa vào kinh doanh từ quý IV/2025.

Thông tin được Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi đang tham vấn ý kiến.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1) thuộc khu kinh tế Dung Quất, nằm trên địa bàn hai xã Bình Thanh, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn. Vị trí này cách cảng Dung Quất khoảng 23 km và sân bay Chu Lai 33 km về phía Bắc.

Dự án có quy mô gần 500 ha, một mặt giáp Quốc lộ 1A. Hiện trạng khu vực triển khai dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, sông ngòi, thuỷ lợi. Dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 154 ha đất trồng cây lâu năm, gần 145 ha đất trồng lúa, hơn 60 ha đất rừng sản xuất… Ngoài ra, khoảng 17 ha đất ở nông thôn dự kiến bị ảnh hưởng với khoảng 130 hộ dân đang sinh sống.

Hiện Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và UBND huyện Bình Sơn đã xây dựng Khu tái định cư Bình Long gần 15 ha và khu nghĩa trang nhân dân Phượng Hoàng (giai đoạn 2) gần 5 ha để đáp ứng tiến độ dự án VSIP II Quảng Ngãi và khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Bình Thanh.




Vị trí khu vực quy hoạch dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Ảnh: ĐTM

Vị trí khu vực quy hoạch dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1). Ảnh: ĐTM

Theo quy hoạch, khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi gồm các hạng mục chính như khu công trình dịch vụ, công trình sản xuất, kho tàng, hạ tầng kỹ thuật… Dự án sẽ phát triển đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường gắn với khu đô thị – dịch vụ hỗ trợ. Các ngành được ưu tiên thu hút đầu tư gồm sản xuất ôtô, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến, chế tạo…

Tổng vốn đầu tư dự án gần 3.800 tỷ đồng. Quy mô công nhân dự kiến khoảng 49.000 lao động.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư cho biết giai đoạn thi công trong vòng 60 tháng (5 năm). Từ quý IV/2025, dự án có thể đưa vào vận hành, kêu gọi đầu tư và giao đất cho chủ dự án thứ cấp.

Hiện VSIP có hơn 14 dự án khu công nghiệp vận hành trên toàn quốc, tính từ 1996 đến nay. Bên cạnh Quảng Ngãi, thời gian qua, chủ đầu tư này cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm khu công nghiệp ở Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bình Thuận.

Với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hiện có 5 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có một khu kinh tế Dung Quất với quy mô hơn 45.000 ha. Theo quy hoạch tới 2030 được Chính phủ duyệt, Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Đình Trí

Phú Quốc sắp xây bệnh viện quốc tế, quảng trường biển

Kiên GiangQuảng trường biển tại Bãi Đất Đỏ và bệnh viện quốc tế An Thới sẽ là hạng mục mới được Phú Quốc triển khai.

Khu vực Bãi Đất Đỏ tại xã An Thới được lãnh đạo địa phương đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Hiện khu vực này còn hoang sơ, đường đi bùn lầy, hàng quán tự phát, tạm bợ, lấn chiếm biển.




Một góc Bãi Đất Đỏ tại An Thới được chụp trong sáng 2/11. Ảnh: Văn Gấm

Một góc Bãi Đất Đỏ tại An Thới được chụp trong sáng 2/11. Ảnh: Văn Gấm

Quảng trường biển sẽ được quy hoạch gồm đường đi bộ kéo dài 1,3 km dọc theo bờ biển và trục quảng trường hướng biển kết nối từ đường chính. Trục quảng trường hướng biển sẽ tạo ra không gian công cộng để có thể trình diễn nhạc nước, ánh sáng, các lễ hội, carnival ngoài trời. Sau đó, du khách sẽ tới trục đi bộ sát biển, kết nối các công trình gồm nhà hát Trai tai tượng, quảng trường Sao Biển – trái tim khu vực, đặt theo tên của một trong những sinh vật biểu tượng của Phú Quốc. Ngoài ra, tại đây còn có trung tâm triển lãm quốc tế đại dương, các nhà hàng, quán bar và các không gian triển lãm ngoài trời… Tổng diện tích của dự án dự kiến lên tới 12 ha.




Quy hoạch Quảng trường biển tại An Thới trong tương lai. Ảnh 3D: Sun Group

Quy hoạch quảng trường biển tại An Thới trong tương lai. Ảnh 3D: Sun Group

Khi quảng trường biển đi vào hoạt động, Bãi Đất Đỏ có thể trở thành một trung tâm du lịch mới của Phú Quốc. Nằm cạnh hệ sinh thái vui chơi, giải trí nổi tiếng như Thị trấn Hoàng Hôn và hệ sinh thái nghỉ dưỡng tại Bãi Kem, nơi đây sẽ gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Việc cải tạo Bãi Đất Đỏ thành quảng trường biển sẽ giúp Phú Quốc có thêm một bãi biển đặc sắc, giúp du khách có thêm trải nghiệm tắm biển khi chọn Phú Quốc là điểm đến. “Bãi Đất Đỏ An Thới được cải tạo thành bãi tắm sẽ giúp đồng bộ, tạo điểm nhấn rất tốt cho bà con và du khách”, ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đánh giá khi khảo sát khu vực này sáng 2/11.

Nằm bên cạnh các tiện ích vui chơi, Bệnh viện quốc tế An Thới sẽ bao gồm các tiện ích chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn quốc tế cùng thiết kế theo phong cách Địa Trung Hải. “Dự án khi ra mắt sẽ hoàn thiện chuỗi tiện ích, tạo ra hạ tầng đồng bộ tại An Thới, đáp ứng nhu cầu bảo đảm về sức khỏe và các dịch vụ chăm sóc y tế cao cấp cho toàn bộ người dân và khách du lịch tại Phú Quốc”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Theo ông Trần Minh Khoa, hệ thống chăm sóc sức khỏe luôn là vấn đề được du khách đưa lên hàng đầu. Một trung tâm nghỉ dưỡng du lịch kết hợp với công tác chăm sóc sức khoẻ tốt sẽ tạo ra yếu tố đồng bộ để du khách yên tâm vui chơi, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Lãnh đạo địa phương đặt nhiều kỳ vọng vào dự án bệnh viện quốc tế An Thới.




Thị trấn Hoàng Hôn tại An Thới, Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng như Cầu Hôn, pháo hoa 365 ngày. Ảnh: Minh Tú

Thị trấn Hoàng Hôn tại An Thới, Phú Quốc với nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng như Cầu Hôn, pháo hoa 365 ngày. Ảnh: Minh Tú

Lãnh đạo thành phố đảo cho biết, địa phương đang giải tỏa Bãi Đất Đỏ. “Thành phố và phường An Thới đã và đang triển khai quyết liệt, để trong thời gian ngắn tới sẽ dọn dẹp bãi biển, không còn tình trạng lấn chiếm bãi biển gây tình trạng nhếch nhác”, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc nói.

Ông Khoa cũng cho biết Phú Quốc có kế hoạch đẩy mạnh việc xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước thải và dự án cấp nước sạch. Những năm tới, các dự án sẽ được triển khai rốt ráo để giữ hình ảnh Phú Quốc hấp dẫn với du khách, định hướng là điểm đến hấp dẫn mới của thế giới.




Đoàn lãnh đạo Phú Quốc khảo sát Bãi Đất Đỏ, An Thới sáng 2/11. Ảnh: Văn Gấm

Đoàn lãnh đạo Phú Quốc khảo sát Bãi Đất Đỏ, An Thới sáng 2/11. Ảnh: Văn Gấm

Việc đẩy mạnh chỉnh trang đô thị qua các dự án, tiện ích mới nhận được sự ủng hộ từ người dân An Thới. Chị Phương Hoa, chủ một mini hotel và nhà hàng tại An Thới cho biết: “Tôi tin chắc rằng Phú Quốc còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa, đặc biệt khi bộ mặt đô thị được chỉnh trang, đồng bộ. Việc có hạ tầng du lịch phát triển, sạch đẹp sẽ giúp người dân chúng tôi hưởng lợi nhiều”.

Hoàng Anh

Tiếp tục tìm nhà đầu tư khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh

Hà NộiKhu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở huyện Mê Linh tiếp tục tìm nhà đầu tư đến 20/11, vì chỉ có một đơn vị đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội gia hạn đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Mê Linh tại hai xã Mê Linh và Văn Khê, huyện Mê Linh đến 17h ngày 20/11. Lý do là chỉ có một nhà đầu tư – Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco – đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm khi hết hạn đăng ký ngày 31/8.

Taseco Land tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Bình, được thành lập năm 2009. Chủ đầu tư này đã phát triển nhiều dự án chung cư ở khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây (Hà Nội). Công ty cũng có các dự án khu đô thị, khu dân cư ở Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa…

Việc đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp nhằm xác định số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, làm căn cứ để đấu thầu rộng rãi. Do đó, việc nhà đầu tư đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm không được coi là họ trúng đấu thầu dự án. Nghị định 31 hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư 2020, Sở Kế hoạch & Đầu tư có thể gia hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nếu cần tăng thêm nhà đầu tư hoặc sửa đổi yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Khu đô thị mới Mê Linh có quy mô hơn 40 ha, dự kiến phát triển gần 700 căn thấp tầng (liền kề, biệt thự, shophouse…) cao 3-5 tầng và một tòa nhà ở xã hội 10 tầng với hơn 800 căn. Dự án cũng có khu đất cho công trình thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa thể thao. Tiến độ triển khai dự án được phê duyệt đến hết năm 2028. Quy mô dân số gần 5.100 người.

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 3.200 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 200 tỷ. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật – xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho huyện Mê Linh.

Mê Linh là một trong những thị trường bất động sản huyện ven Hà Nội từng trải qua nhiều đợt phát triển nóng. Sau khi huyện sáp nhập vào TP Hà Nội năm 2008, làn sóng xây dựng khu đô thị đã diễn ra ồ ạt tại khu vực này. Tuy nhiên đến nay nhiều dự án vẫn trong cảnh dở dang. Tháng 3/2023, UBND huyện đã đề xuất thu hồi 14 dự án chậm triển khai.

Ngọc Diễm

Đất đấu giá Hoài Đức vẫn trúng hơn 100 triệu đồng một m2

Dù lượng người tham dự giảm mạnh, đất đấu giá huyện Hoài Đức vẫn có lô trúng hơn 100 triệu đồng một m2 – gấp 14 lần giá khởi điểm.

Sáng 4/11, Trung tâm phát triển quỹ đất Hoài Đức tổ chức cuộc đấu giá 20 thửa đất (LK01 và LK02) tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Các lô đất này có diện tích 89-145 m2, đều có giá khởi điểm 7,3 triệu đồng một m2.




Ví trí khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Đỗ Nam

Vị trí khu đất đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Đỗ Nam

Cuộc đấu giá này kết thúc vào cuối giờ chiều nay. Theo đại diện đơn vị tổ chức đấu giá, lô đất có mức trúng cao nhất phiên hôm nay là 103,3 triệu đồng một m2, tương đương hơn 14 lần giá khởi điểm. Lô trúng thấp nhất có giá 85,3 triệu đồng một m2, gấp gần 12 lần giá khởi điểm.

Như vậy, so với phiên đấu giá 19 thửa đất cũng tại khu vực này cách đây gần hai tháng, giá trúng hiện có phần “hạ nhiệt hơn”. Cuộc đấu giá ngày 19/8 có đến hơn 400 nhà đầu tư tham dự, đẩy lô trúng cao nhất lên đến hơn 133 triệu đồng một m2 và hơn chục lô khác cũng trúng giá trên 100 triệu đồng một m2. Số lượng nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá hôm nay giảm mạnh khi chỉ có hơn 100 người.

Dù không cao bằng kỷ lục hôm 19/8, một số nhà đầu tư vẫn cho rằng mức giá hơn 100 triệu đồng một m2 cho khu đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cao hơn so với mặt bằng chung thị trường ở quanh khu vực này. Còn chị Duyên, một nhà đầu tư ở Hà Đông có nhiều năm kinh nghiệm đấu giá đất cho biết các lô đất trúng gần hai tháng trước hiện không có thanh khoản.

Lượng người tham gia đấu giá ở huyện Hoài Đức giảm mạnh trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái để hạ nhiệt hoạt động này. Nhiều huyện ven Hà Nội, trong đó có Hoài Đức từ cuối tháng 8 cũng đã phải tạm dừng tổ chức đấu giá đất để rà soát pháp lý. Đầu tháng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.

Cách đây hai tuần, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết hết hạn nộp tiền đợt 1 cho 19 lô đất trúng đấu giá hôm 19/8. 6 người trúng 11 thửa đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trong đó có cả lô trúng cao nhất với 133 triệu đồng một m2.

Đầu tuần tới, Hoài Đức sẽ đấu giá tiếp 32 thửa đất (LK05 và LK06) với diện tích từ 97 m2 đến 172 m2 cũng tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Khoản tiền đặt trước dao động 142-251 triệu đồng một thửa.

Từ đầu năm đến nay, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Anh Tú