Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

‘Đa số nhà đầu tư chứng khoán đang mất nhiều hơn được’

Loạt cổ phiếu giảm 15-30% trong tuần thứ hai liên tiếp VN-Index lao dốc khiến danh mục của nhiều nhà đầu tư đỏ lửa, theo chuyên gia Chứng khoán Tân Việt.

Thị trường chứng khoán tuần qua chịu áp lực xả hàng quyết liệt với 4 trong số 5 phiên giao dịch tràn ngập sắc đỏ, trong đó có một phiên giảm mạnh nhất hai tháng trở lại đây. VN-Index đóng cửa tại 1.458,56 điểm, mất gần 44 điểm so với cuối tuần trước và nối dài chuỗi giảm hai tuần liên tiếp.

Thanh khoản thị trường suy yếu đáng kể khi mỗi phiên dao động 18.000-23.000 tỷ đồng, thấp hơn tuần trước có phiên trên 30.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường gần 1.000 tỷ đồng, đối lập với hành động gom hàng giá rẻ của tổ chức trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, áp lực bán đuổi của bên nắm cổ phiếu đã xuất hiện. Nhiều cổ phiếu vì thế “bốc hơi” 15-30% trong một tuần, trong khi cổ phiếu mang lại lợi nhuận 10-15% chiếm thiểu số.

“Chúng tôi thấy đa số thành phần tham gia thị trường đang chịu mất mát nhiều hơn là kiếm được lợi nhuận”, ông Du kết luận, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm đến các cổ phiếu có yếu tố cơ bản và sử dụng ít vay nợ. Đối với nhà đầu tư theo đuổi mục tiêu trung và dài hạn, chuyên gia của TVSI cho rằng đợt điều chỉnh lần này lại là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đồng quan điểm với ông Du, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư riêng lẻ tại một số mã vốn hoá trung bình, có thông tin hỗ trợ tích cực nhưng vẫn cần tránh lạm dụng đòn bẩy tài chính. Một số mã ngành thuỷ sản, nước, cao su, không công nghiệp như LHG, PHR, BEW, FMC, VHC…có thể cân nhắc.

Lý do nhóm này khuyến nghị thận trọng vì đánh giá thị trường đang trong giai đoạn kém lạc quan. Việc thiếu thông tin tích cực cộng thêm thanh khoản èo uột có thể kích hoạt tâm lý e ngại rủi ro, không muốn nắm giữ cổ phiếu và dẫn đến chuỗi giảm kéo dài.

“Nhà đầu tư trong giai đoạn này cần tuyệt đối tuân thủ kỷ luật, cụ thể là kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo vệ thành quả và không giải ngân với tỷ trọng lớn khi xu hướng vẫn chưa rõ ràng và có khả năng xuất hiện nhiều điều chỉnh nếu chỉ số không thể bứt phá để quay lại 1.480 điểm”, báo cáo của VCBS viết.

Tương tự TVSI và VCBS, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Đông Á và Chứng khoán MB cũng dự đoán đợt điều chỉnh VN-Index chưa kết thúc do một số tài khoản sử dụng đòn bẩy cao phải bán ra để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Dòng tiền nhiều khả năng đi tìm những cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hoá. Do đó, việc giải ngân cho danh mục trung hạn có thể được thực hiện nhưng với nhà đầu tư muốn lướt sóng ngắn hạn thì nên hạn chế để giảm thiệt hại và dành sức mua chờ thị trường đi qua vùng nhiễu động.

Phương Đông

Cổ phiếu nhóm CII tăng trần

Thông tin hai doanh nghiệp còn lại trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm có thể không bỏ cọc đẩy giá cổ phiếu bất động sản có dự án tại khu vực này, như CII, NBB tăng trần.

Thị trường giữ xu hướng tích cực với lực đỡ của nhóm bất động sản, tài chính và bán lẻ. VN-Index mở phiên trên tham chiếu, giữ sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch dù biên độ chỉ ở ngưỡng một chữ số.

Sau đà tăng mạnh phiên đầu tuần, lực cầu các mã dẫn dắt có phần thận trọng hơn, không còn đẩy giá quyết liệt. Thay vào đó, dòng tiền mang tính phân hóa cao, tập trung vào một số nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng. Trong đó, CII là cái tên gây bất ngờ nhất.

Mã này mới bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, hay nói cách khác là không được các công ty chứng khoán cho vay. Tuy nhiên, thông tin hai doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá kỷ lục đất Thủ Thiêm có thể không bỏ cọc khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng hưởng lợi của CII trong tương lai. Mã này và công ty con NBB tăng vọt lên mức giá trần với thanh khoản đột biến.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn công ty chứng khoán Yuanta, quận 1, TP HCM, vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn công ty chứng khoán Yuanta, quận 1, TP HCM, vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Các mã cổ phiếu bất động sản khác giao dịch phân hóa. Trong nhóm vốn hóa lớn, NVL, VIC, VHM, PDR giữ sắc xanh, trong khi KDH giảm gần 1%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, CEO, SCR, HQC, NLG chốt phiên trong sắc đỏ, còn QCG, DIG vẫn tăng giá.

Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giao dịch tích cực, nhưng biên độ tăng chỉ quanh ngưỡng 1-2%. TPB, STB là hai mã tăng tốt nhất nhóm ngân hàng, theo sau là ACB, TCB, MBB, CTG, VPB. HDB, VCB chốt phiên tại tham chiếu còn BID giảm nhẹ.

VN-Index chốt phiên có thêm hơn 8 điểm, vượt ngưỡng 1.500 điểm. Trong khi đó, VN30-Index tăng gần 11 điểm lên 1.513 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng, ghi nhận hơn 28.400 tỷ đồng trên HoSE. Sắc xanh chiếm ưu thế với 264 mã tăng giá, so với 190 mã giảm. Nhóm VN30 giao dịch gần 8.000 tỷ đồng, với 22/30 mã bluechip vượt tham chiếu.

Minh Sơn

Chứng khoán ngắt chuỗi tăng

VN-Index giảm lần đầu sau chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp trước đó khi áp lực chốt lời xuất hiện ở những nhóm dẫn dắt.

Thị trường tiếp tục khởi sắc vào đầu phiên hôm nay, nối tiếp chuỗi tăng điểm trước đó. VN-Index bật lên sau ATO, nới rộng biên độ tăng lên ngưỡng hai chữ số vào cuối giờ sáng. Sắc xanh chiếm ưu thế với sự dẫn dắt tiếp tục của nhóm bất động sản, bán lẻ và tài chính. Ở nhóm vốn hóa thấp hơn, nhiều cổ phiếu có câu chuyện riêng, như HQC, tăng kịch trần.

Tuy nhiên, sang đầu phiên chiều, áp lực bán bắt đầu tăng lên. Lệnh bán ra nhanh hơn, liên tục ép giá đẩy nhiều cổ phiếu về dưới tham chiếu. Các mã dẫn dắt gần đây như bất động sản, tài chính, là mục tiêu bị chốt lời, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số của sàn HoSE liên tục giảm.

Chốt phiên, VN-Index mất 1,4 điểm (0,1%) xuống 1.502 điểm, dù trước đó có thời điểm vượt 1.513 điểm. VN30-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn, mất gần 8 điểm, về ngưỡng 1.505 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giữ sắc xanh, còn UPCOM-Index lùi về dưới tham chiếu.

VN-Index ngắt chuỗi tăng sau phiên 23/3. Ảnh: VNDirect

VN-Index ngắt chuỗi tăng sau phiên 23/3. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm ưu thế vào cuối phiên với 260 mã giảm trên HoSE, so với 192 mã tăng. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 22/30 mã bluechip chốt phiên dưới tham chiếu.

Trong nhóm VN30, GAS, VIC và VHM là ba mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường. GAS chốt phiên giảm 2,3%, còn VIC và VHM cùng giảm 1%. Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhóm giảm, với HDB, TPB giảm trên 1%, MBB mất 0,9%, TCB, CTG, VPB, ACB, BID chốt phiên trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, POW, SAV, GVR là ba mã tích cực nhất khi chốt phiên có thêm hơn 2%, các mã còn lại trong nhóm tăng của VN30 chỉ vượt nhẹ tham chiếu.

Với nhóm bất động sản vốn hóa trung bình và thấp, sắc đỏ có phần ưu thế. CII và NBB, sau phiên tăng trần hôm qua, đều điều chỉnh trong phiên hôm nay, chốt phiên giảm 1,3% và 3,3%. SCR, CEO cũng dừng dưới tham chiếu. Ngược lại, DIG, NLG, ITA giao dịch tích cực, HQC và QCG cùng tăng kịch trần nhờ câu chuyện riêng.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 28.000 tỷ đồng, riêng nhóm VN30 giao dịch hơn 8.400 tỷ. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào DGC, MSN, HPG, STB, KBC, VIC.

Minh Sơn

Cổ phiếu nhóm An Phát đồng loạt tăng trần

Thị trường tiếp tục xu hướng giằng co quanh 1.500 điểm, với các mã vốn hóa lớn dao động trong biên độ hẹp, “sân khấu” chuyển sang các nhóm vốn hóa thấp hơn.

Vùng 1.500 điểm vẫn là rào cản cho bước tiến của thị trường. Nối tiếp hai phiên gần đây, VN-Index tiếp tục xu hướng giằng co trong biên độ hẹp. Các mã trụ không có nhiều đột biến, luân phiên tăng giảm khiến chỉ số gần như đi ngang. Thay vào đó, “sân khấu” được nhường cho các nhóm vốn hóa thấp hơn.

Trong nhóm bất động sản, HQC và QCG tiếp tục là hai mã được chú ý. Sự xuất hiện của nhóm Louis khiến nhiều nhà đầu tư đổ dồn về HQC với kỳ vọng lướt sóng ngắn hạn. Với QCG, thông tin về việc không khởi tố trong vụ tranh chấp với Sunny Island giúp mã này tiếp tục được mua vào mạnh.

Ngoài hai mã này, nhóm cổ phiếu liên quan đến An Phát Holdings bất ngờ nổi sóng trong phiên hôm nay. AAA, APH, NHH hay HII đều chốt phiên tăng hết biên độ với dư mua giá trần từ vài chục nghìn đến vài triệu cổ phiếu.

Diễn biến phân hóa này khiến VN-Index giảm hơn 4 điểm cuối phiên (0,27%) lùi về dưới ngưỡng 1.500 điểm. VN30-Index giảm hơn 8 điểm (0,54%) xuống 1.497,44 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index vượt nhẹ tham chiếu.

VN-Index chốt phiên 24/3 dưới 1.500 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 24/3 dưới 1.500 điểm. Ảnh: VNDirect

Trạng thái thị trường giữ ở mức cân bằng với số mã tăng và giảm đều ghi nhận hơn 220 mã. Riêng nhóm VN30, sắc đỏ có phần ưu thế hơn với 21/30 mã dưới tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa lớn, PDR là mã tăng tốt nhất với biên độ 4%, VJC có thêm hơn 2%, PNJ tăng 1,8%, các mã còn lại vượt nhẹ tham chiếu. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VHM, VCB, GVR, NVL, STB giảm hơn 1%, SSI, HPG, CTG mất 0,9%.

Thanh khoản thị trường giảm hơn 10% so với hai phiên trước, ghi nhận hơn 24.800 tỷ đồng trên HoSE, với nhóm bluechip giao dịch gần 6.300 tỷ. Khối ngoại hôm nay bán ròng với quy mô hơn 100 tỷ đồng.

Minh Sơn

Cổ phiếu nhóm FLC bị bán tháo

VN-Index chốt phiên 28/3 giảm hơn 15 điểm, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo ồ ạt, trong đó các mã liên quan FLC dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu.

Cuối tuần trước, trong báo cáo dự báo về thị trường tuần này, hầu hết các công ty chứng khoán nghiêng về phương án thị trường đi ngang. Tuy nhiên, kịch bản này chưa tính tới biến động bất ngờ khi xuất hiện những thông tin về Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Thị trường mở phiên hôm nay trong sắc đỏ với đà giảm của nhóm này, cùng với các mã khác trong nhóm bất động sản và đầu cơ. Áp lực bán tháo ồ ạt khiến các mã trong nhóm FLC giảm kịch sản khi thị trường mở cửa, với dư bán từ vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu. Những mã bất động sản khác như CII, QCG, DIG, HQC, SCR, NBB, NLG, CEO không nằm ngoài xu hướng.

Tuy nhiên, lực giảm trong phiên sáng không quá mạnh, một phần được đỡ lại bởi nhóm vốn hóa lớn. Đà tăng của nhóm dầu khí, bán lẻ hạn chế phần nào áp lực cho chỉ số.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-03-7333-6844-

Cổ phiếu nhóm FLC dư bán sàn lúc 13h35 ngày 28/3. Ảnh: VNDirect

Sang đầu phiên chiều, áp lực bán một lần nữa gia tăng. Lực bán nhanh, quyết liệt, với nỗ lực thoát hàng bằng mọi giá khiến đà giảm lên ngưỡng hai chữ số. Thị trường có nhịp bật lên vào giữa phiên chiều nhưng chỉ giúp thu hẹp một phần đà giảm. Áp lực bán tháo tại nhóm cổ phiếu bất động sản và đầu cơ vẫn là yếu tố chính ghìm đà phục hồi.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483,18 điểm. VN30-Index giảm hơn 14 điểm (0,95%) xuống 1.484,16 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 1,5% còn UPCOM-Index giảm gần 1%.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-03-3318-7571-

VN-Index chốt phiên 28/3 giảm hơn 15 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm áp đảo vào cuối phiên, với 315 mã giảm trên HoSE, trong đó ghi nhận 16 mã giảm sàn, so với 142 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 24/30 mã bluechip giảm giá.

Áp lực bán tháo với một số mã bất động sản được duy trì đến cuối phiên, trong khi một số mã đã ghi nhận lực cầu bắt đầu. Nhóm FLC là tâm điểm chú ý khi giữ nguyên trạng thái “trắng bảng bên mua”, khối lượng dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên xấp xỉ 140 triệu cổ phiếu. Trong đó, dư bán sàn của FLC và ROS ghi nhận gần 60 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm FLC, tình trạng giảm kịch biên độ cũng diễn ra với một số mã khác. HQC trong trạng thái tương tự, dư bán sàn hơn 12 triệu cổ phiếu, QCG, NBB, DIG chốt phiên mất gần 7%, CII giảm trên 6%, SCR, NLG giảm xấp xỉ 5%.

Trong nhóm vốn hóa lớn, số mã tăng chỉ còn ba mã vào cuối phiên, với MWG tăng 3,7%, FPT có thêm 2,5%, SAB vượt tham chiếu. Ngược lại, các mã ngân hàng, bất động sản bị áp lực bán mạnh. STB mất 5,3%, BID giảm hơn 4%, HDB, VPB, CTG, TPB, ACB giảm trên 1%, các mã ngân hàng khác cũng chốt phiên dưới tham chiếu.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức cao, với giá trị giao dịch hơn 32.700 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 9.000 tỷ. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng, nhưng giá trị chưa tới 100 tỷ đồng.

Minh Sơn

Xem diễn biến chính

Cổ phiếu FLC vẫn ‘trắng bảng bên mua’

Khối lượng dư bán sàn của FLC và ROS vẫn ghi nhận vài chục triệu cổ phiếu, nhưng các mã vốn hóa thấp hơn như AMD, KLF và HAI đã có lực cầu bắt đáy.

Giao dịch của nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục xu hướng tiêu cực. Các mã này mở phiên trong trạng thái “trắng bảng bên mua” với dư bán sàn còn cao hơn phiên hôm qua. FLC có thời điểm dư bán hơn 84 triệu cổ phiếu, ROS (hơn 40 triệu đơn vị) còn AMD, KLF, HAI (hơn 10 triệu cổ phiếu).

Đến giữa phiên sáng, một số mã trong nhóm này bắt đầu ghi nhận dòng tiền bắt đáy. Tính tới 10h, AMD, KLF và HAI đã thoát giá sàn, với thanh khoản ghi nhận hơn 10 triệu cổ phiếu mỗi mã được sang tay. Thanh khoản của FLC và ROS cũng có cải thiện với gần 2 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch và hơn 6 triệu cổ phiếu ROS. Khối lượng dư bán sàn của FLC và ROS cũng giảm bớt một phần.

Tuy nhiên, áp lực từ bên bán vẫn chiếm ưu thế, lực cầu bắt đáy chưa đủ để đảo chiều xu hướng. Đến 10h30, AMD, KLF vẫn giảm trên 6%, có lúc chạm giá sàn.

Giao dịch nhóm FLC tính tới 10h sáng ngày 29/3. Ảnh: VNDirect

Giao dịch nhóm FLC tính tới 10h sáng ngày 29/3. Ảnh: VNDirect

Giao dịch của nhóm này bắt đầu tiêu cực từ phiên hôm qua khi xuất hiện những thông tin về Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Trái ngược với diễn biến của nhóm FLC, thị trường sáng nay giữ sắc xanh. VN-Index và VN30-Index trở lại vùng 1.490 điểm với số mã tăng chiếm áp đảo. Các mã khác trong nhóm bất động sản cũng phục hồi, với nhiều mã tiến sát giá trần.

Chốt phiên 29/3, 4/6 mã nhóm FLC giảm sàn, KLF mất gần 8% thị giá với thanh khoản hơn 28 triệu cổ phiếu, còn ART giảm gần 6% với hơn 12 triệu đơn vị được sang tay. Thanh khoản của AMD và HAI cũng đều ghi nhận trên 20 triệu cổ phiếu, song vẫn kết phiên giảm hết biên độ do lực bán áp đảo. FLC và ROS giao dịch vài triệu đơn vị mỗi mã, với dư bán cuối phiên lần lượt gần 70 triệu và 48 triệu cổ phiếu.

Trước đó, chốt phiên 28/3, nhóm FLC là tâm điểm chú ý khi giữ trạng thái “trắng bảng bên mua”, khối lượng dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên xấp xỉ 140 triệu cổ phiếu. Trong đó, dư bán sàn của FLC và ROS ghi nhận gần 60 triệu đơn vị.

Áp lực của nhóm này ảnh hưởng tới nhiều mã khác trong nhóm bất động sản. HQC hôm qua cũng trong trạng thái tương tự, dư bán sàn hơn 12 triệu cổ phiếu, QCG, NBB, DIG chốt phiên mất gần 7%, CII giảm trên 6%, SCR, NLG giảm xấp xỉ 5%.

Minh Sơn

VN-Index tiến gần ngưỡng 1.500 điểm

Thị trường bật cao trở lại sau phiên giảm hôm qua vì hiệu ứng của nhóm FLC, VN-Index có thêm gần 15 điểm.

Sắc xanh trở lại với thị trường sau phiên “sóng gió” hôm qua. VN-Index mở cửa trên tham chiếu với lực mua gia tăng ở hầu hết các nhóm dẫn dắt. Trừ nhóm FLC vẫn chịu cảnh “trắng bảng bên mua“, các mã bất động sản khác đều bật cao trở lại, nhiều mã tiến gần mức giá trần, như DIG, QCG, HQC.

Trong nhóm vốn hóa lớn, các mã ngân hàng, bán lẻ, dầu khí cũng giao dịch trong sắc xanh. Số mã giảm chỉ bằng một phần ba số tăng, chỉ một số nhóm như thép hay thủy sản gặp áp lực.

Chốt phiên, VN-Index tăng gần 15 điểm (0,98%) lên 1.497,76 điểm. VN30-Index tăng hơn 16,4 điểm (1,11%) lên hơn 1.500 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đều tăng trên 1%.

VN-Index chốt phiên 29/3 tăng gần 15 điểm lên gần ngưỡng 1.500 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 29/3 tăng gần 15 điểm lên gần ngưỡng 1.500 điểm. Ảnh: VNDirect

Số mã tăng chiếm áp đảo vào cuối phiên với 346/454 mã trên HoSE. Riêng nhóm VN30, 24/30 mã bluechip tăng giá cuối phiên.

Nhóm FLC tiếp tục là nhóm giao dịch tiêu cực nhất khi 4/6 mã nhóm này chốt phiên giảm kịch sàn, KLF giảm gần 8%, ART giảm gần 6%. FLC dư bán gần 70 triệu đơn vị vào cuối phiên, trong khi ROS bán sàn hơn 48 triệu cổ phiếu. Ngoài nhóm FLC, các mã ngành thép cũng chịu áp lực, với NKG, HPG chốt phiên dưới tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản là cái tên dẫn dắt. Các mã chịu ảnh hưởng từ phiên hôm qua đều phục hồi. HQC, QCG, DIG tăng kịch trần, CEO có thêm hơn 6%, SCR, CII, NBB, NLG vượt xa tham chiếu.

Trong nhóm VN30, FPT là cái tên tích cực nhất khi tăng kịch trần. Các mã ngân hàng cũng giao dịch tích cực, với TPB có thêm hơn 2%, BID tăng 1,9%, MBB tăng 1,6%, STB, CTG, VPB chốt phiên trong sắc xanh.

Thanh khoản thị trường sụt giảm, với HoSE giao dịch chỉ gần 23.500 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch cân bằng với giá trị mua và bán đều trên 1.400 tỷ đồng.

Minh Sơn

Ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu

Ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn FLC với sở hữu hơn 30% vốn, đồng thời nắm hàng triệu cổ phiếu tại các doanh nghiệp khác.

Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”, ngày 29/3.

Bộ Công an cho hay, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty đang bị điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” trong sai phạm xảy ra ngày 10/1. Sai phạm xảy ra khi Chủ tịch FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin. Giao dịch này sau đó bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ra thông báo huỷ bỏ.

Theo báo cáo quản trị của tập đoàn này, đến hết năm 2021, ông Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% tổng số cổ phiếu của tập đoàn.

Thực tế, ngoài FLC, ông Quyết đang trực tiếp sở hữu tại nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái liên quan. Cụ thể, ông sở hữu hơn 23,7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phiếu Xây dựng FLC Faros (ROS).

Đồng thời, ông sở hữu 7,5 triệu cổ phiếu GAB của Công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, theo báo cáo tài chính quý IV của doanh nghiệp này, và hơn 3,1 triệu cổ phiếu ART của Công ty chứng khoán BOS.

Căn cứ theo thị giá cuối phiên hôm nay, tổng số cổ phần của ông Quyết có giá trị hơn 4.400 tỷ đồng, trong đó phần sở hữu tại FLC có giá trị cao nhất với hơn 2.700 tỷ đồng.

Ông Quyết và người thân cũng là một trong những cổ đông của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tại phiên họp thường niên năm 2020, đại diện FLC cho biết, cơ cấu cổ đông của hãng bay này là FLC, ông Trịnh Văn Quyết và một số cổ đông khác. Trong khi đó, theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, ông Quyết và vợ đã sử dụng hơn 200 triệu cổ phiếu của Bamboo Airways để đảm bảo cho các khoản vay.

Liên quan việc bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ngày 18/1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ tịch Tập đoàn FLC. Mức phạt 1,5 tỷ đồng là cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm nay.

Trước đó vào tháng 11/2017, ông Quyết cũng từng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường.

Minh Sơn

Ủy ban chứng khoán: Nhà đầu tư cần bình tĩnh

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Ủy ban chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích các yếu tố vĩ mô, hoạt động của doanh nghiệp để ra quyết định.

Liên quan tới việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”, Ủy ban chứng khoán tối 29/3 vừa ra khuyến nghị. Cơ quan này cho rằng, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ những yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Thực tế, trong những lần ông Quyết bị xử phạt vì hành vi bán cổ phiếu không công bố thông tin trước đó, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, thị trường thường biến động mạnh.

Ngoài khuyến nghị nhà đầu tư, Ủy ban khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc, “trên tinh thần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán”.

Tương tự với Uỷ ban chứng khoán, cũng trong tối nay, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra cung cấp các thông tin về ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

“Tinh thần chỉ đạo của Bộ là thượng tôn pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.

Giao dịch nhóm FLC tính tới 10h sáng ngày 29/3. Ảnh: VNDirect

Giao dịch nhóm FLC tính tới 10h sáng ngày 29/3. Ảnh: VNDirect

Ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin. Giao dịch này sau đó bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) huỷ bỏ. Ủy ban chứng khoán thừa nhận việc huỷ giao dịch này là biện pháp “chưa có tiền lệ” nhưng buộc phải làm để “giữ kỷ cương”.

Nhiều phiên giao dịch sau ngày 10/1, cổ phiếu nhóm FLC liên tục giảm sàn. Đà giảm mạnh của nhóm này ảnh hưởng chung tới nhiều mã bất động sản và thị trường. Thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng việc mất thanh khoản của nhóm FLC là một trong những nguyên nhân khiến thị trường “vạ lây“, giảm sâu.

Gần nhất, phiên giao dịch 27/3, những thông tin ban đầu về Chủ tịch FLC đã gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Nhóm này giảm kịch sàn, trong khi nhiều mã bất động sản khác cũng bị bán mạnh. Phiên hôm nay, mặc dù thị trường chung phục hồi, nhóm FLC tiếp tục bị bán tháo với dư bán giá sàn của FLC và ROS lên tới vài chục triệu đơn vị.

Ông Quyết vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bộ Công an cho hay, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.

Minh Sơn

Him Lam bán mạnh cổ phiếu DIG

Công ty Kinh doanh địa ốc Him Lam bán hơn 15 triệu cổ phiếu DIG khi giá giảm sâu trong nửa tháng qua, thu ít nhất 1.200 tỷ đồng.

Him Lam đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) từ 10,54% còn 7,5% qua ba đợt thoái vốn từ đầu tháng đến nay.

Doanh nghiệp này bán 5,3 triệu cổ phiếu trong đợt đầu vào ngày 5-6/4. Họ bán thêm 2,41 triệu cổ phiếu hai ngày sau đó. Gần nhất là đợt bán 7,43 triệu cổ phiếu kéo dài trong ba ngày giữa tuần này.

Tính theo giá thấp nhất của mỗi đợt bán thì tổng số tiền Him Lam thu về không dưới 1.200 tỷ đồng.

Chuỗi bán tháo được kích hoạt ngay khi DIG có dấu hiệu điều chỉnh mạnh. Cổ phiếu này giảm 7 trong số 10 phiên giao dịch gần nhất, trong đó 3 phiên giảm hết biên độ. Thị giá mất gần 30%, từ vùng 97.000 xuống 69.300 đồng như hiện tại.

Trước đó vào cuối tháng 1, Him Lam cũng bán khoảng 15 triệu cổ phiếu DIG, tương đương 3% vốn, khi giá rơi từ vùng đỉnh 120.000 đồng xuống còn 78.000 đồng. Khoản tiền thu được từ đợt này cũng không dưới 1.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu DIG lao dốc bất chấp việc ban lãnh đạo doanh nghiệp này công bố kế hoạch kinh doanh tăng vọt. Cụ thể, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay đạt 5.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.900 tỷ đồng, lần lượt cao hơn năm trước 43% và 48%. Cổ tức dự kiến dao động 20-25%.

Phương Đông

Một doanh nghiệp sắp rót 1.000 tỷ vào công ty Bầu Đức

Ba nhóm nhà đầu tư sẽ mua vào lượng cổ phiếu 1.700 tỷ đồng của HAGL, trong đó riêng Glory Land rót gần 1.000 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu để huy động vốn (đã được cổ đông thông qua hôm 8/4). Giá chào bán là 10.500 đồng một cổ phiếu, tương đương với số tiền dự kiến thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện trong năm 2022. Danh sách nhà đầu tư được chốt chính thức gồm: Công ty TNHH Glory Land, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng – một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, Công ty Glory Land dự kiến mua vào hơn 95,2 triệu cổ phiếu phát hành (tỷ lệ 8,74%), tương đương số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đến là Công ty Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua hơn 47,6 triệu cổ phiếu HAG (tỷ lệ 4,37%), tương đương số tiền chi gần 500 tỷ đồng. Nhà đầu tư cuối cùng là ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ mua hơn 19 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,75%) với số tiền gần 200 tỷ đồng. Ông đang là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần MEOO.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Glory Land thành lập năm 2014, tiền thân là Công ty cổ phần Aamilk, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cổ đông sáng lập ban đầu của Glory Land là ba cá nhân, trong đó bà Cao Thị Ngọc Sương – vợ ông Bùi Thành Nhơn – nắm giữ 89,9%. Bà Sương từng là người đại diện pháp luật của Glory Land. Số cổ phần này sau đó được chuyển sang cho CTCP Đầu tư No Va, đại diện là ông Bùi Thành Nhơn. Nhưng No Va cho biết, hiện công ty không còn liên quan đến Glory Land.

Cuối năm 2020, doanh nghiệp này có một loạt thay đổi về tên công ty, người đại diện theo pháp luật và quy mô vốn. Tháng 12/2020, Aamilk đổi tên thành Glory Land, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 100 triệu đồng lên 398 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc doanh nghiệp là bà Bùi Thị Minh Hương, sinh năm 1961.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát (Quỹ Việt Cát) đặt trụ sở tại tầng 11, tòa nhà Doji Tower, Hà Nội. Công ty này có ba cổ đông lớn là ông Nguyễn Anh Vũ (sở hữu 58% vốn điều lệ), bà Hồ Thị Thùy Giang (24%) và bà Nguyễn Thanh Hương (18%). Ba cá nhân này từng giữ vị trí Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của Việt Cát từ tháng 11/2014 tới tháng 4/2021.

Ngoài vai trò tại Quỹ Việt Cát, ông Nguyễn Anh Vũ còn là quyền Tổng giám đốc của Công ty cổ phần West Lake Luxury, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Red River – công ty thành viên của Doji Group.

Sau khi hoàn thành đợt chào bán, vốn điều lệ của HAGL sẽ tăng từ 9.275 tỷ lên 10.893 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của bầu Đức cũng sẽ giảm từ 34,5% xuống 29,37%.

Tại đại hội cổ đông của công ty hôm 8/4, ông Đức cho biết, số tiền thu được sau đợt chào bán trên sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho các công ty con, đầu tư trồng 7.000 cây chuối và một triệu con heo. Ngoài ra, công ty sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.

Năm nay, HAGL sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn một triệu con heo thịt mỗi năm. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay.

Thi Hà – Minh Sơn

Tập đoàn FLC bị bán giải chấp cổ phiếu

Công ty Chứng khoán BOS hôm nay thông báo bán giải chấp 8 triệu cổ phiếu HAI thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.

Công ty Chứng khoán BOS cho biết, lượng cổ phiếu dự kiến bán giải chấp là con số ước tính tại thời điểm công bố thông tin. Thực tế có thể ít hoặc nhiều hơn do giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo, hoặc do chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo để đủ tỉ lệ giao dịch ký quỹ.

Thông thường, công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu khi nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) sử dụng đòn bẩy tài chính và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Việc bán giải chấp này nhằm thu hồi lại tiền mà công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư vay.

Tập đoàn FLC đang sở hữu 23,11 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,65% vốn Công ty cổ phần Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI) trước giao dịch bán giải chấp.

Động thái bán giải chấp được Chứng khoán BOS thực hiện khi cổ phiếu HAI lao nhanh từ vùng 6.800 đồng còn 4.750 đồng, tức mất 30% từ khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt đến nay.

Trong phiên bán giải chấp hôm nay, HAI giảm hết biên độ còn 4.550 đồng một cổ phiếu và khớp lệnh hơn 6,16 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán BOS và HAI đều là những công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC trước đây từng là Chủ tịch Chứng khoán BOS. Bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC hiện là Thành viên Hội đồng quản trị HAI.

Phương Đông

Latest Posts