In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!
Nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, ông Nguyễn Đức Thụy đăng ký bán toàn bộ hơn 87 triệu cổ phiếu THD trong tháng 6, với giá trị thị trường hiện tại hơn 5.000 tỷ đồng.
Thông báo giao dịch cổ phiếu của Bầu Thụy vừa được Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) công bố. Số cổ phiếu trước khi giao dịch tương đương gần 25% vốn của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Đức Thụy thường được gọi là Bầu Thụy, sinh năm 1976, tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại trường ĐH Colorado State. Ông từng là Chủ tịch Tập đoàn Thai Group, Công ty cổ phần Thaiholdings, Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên và Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc.
Tại Thaiholdings, Bầu Thụy hiện không còn giữ chức vụ nào. Tuy nhiên, ông là người sáng lập và một trong những cổ đông lớn nhất của công ty. Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện tại của Thaiholings là ông Nguyễn Văn Thuyết, em trai Bầu Thụy.
Giao dịch của Bầu Thụy diễn ra sau khi doanh nghiệp này mới thông qua phương án điều chỉnh lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính năm 2021. Việc điều chỉnh này liên quan đến một giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo công văn của Cục cảnh sát điều tra C03, Thaigroup, công ty con của Thaiholdings, phải hoàn trả 840 tỷ đồng đã giao dịch với Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến thương vụ bán cổ phần tại Bình Minh Group – chủ sở hữu của dự án 11A Cát Linh, Hà Nội.
Thaigroup sẽ nhận lại cổ phần của Bình Minh Group sau khi hoàn trả tiền, kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án. Việc hoàn trả tiền khiến lợi nhuận của Thaiholdings năm 2021 phải điều chỉnh giảm từ 1.156 tỷ xuống 424 tỷ đồng.
Dự án 11A Cát Linh có vị trí đắc địa tại Hà Nội, với diện tích hơn 2.500 m2, nằm tại nút giao Cát Linh và Đặng Trần Côn. Năm 2021, việc bán cổ phần tại Bình Minh Group choTân Hoàng Minh đóng góp hơn một nửa khoản lợi nhuận sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng của Thaiholdings.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu THD hiện giao dịch ở mức thị giá 57.500 đồng, tương ứng với giá trị phần cổ phiếu sở hữu của Bầu Thụy ở mức hơn 5.000 tỷ đồng.
Mã này có thời điểm là cổ phiếu đắt nhất sàn HNX với mức gần 280.000 đồng, xác lập vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, thị giá của THD đã liên tục giảm kể từ đầu năm nay. Hiện tại, giá cổ phiếu này đã mất gần 80% so với mức đỉnh.
SSI Research và Yuanta cùng dự báo FTSE Vietnam Index có thể thêm SHB, NLG, trong khi V.N.M ETF có thể mua mới FTS, SHB và VCG.
Các quỹ ETF ngoại chuẩn bị thực hiện tái cơ cấu danh mục kỳ quý II/2022. Hai nhóm chỉ số của FTSE và MVIS sẽ hoàn thành cơ cấu danh mục vào ngày 17/6, trong khi các chỉ số của MSCI có lịch cơ cấu sớm hơn, vào ngày 31/5.
Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, NLG của Công ty Đầu tư Nam Long và VHC của Vĩnh Hoàn có thể được thêm vào FTSE Vietnam Index trong kỳ cơ cấu này do đã đạt đủ các yêu cầu. Trong khi đó, mã APH của An Phát Holdings có thể bị loại do không duy trì được giá trị vốn hóa.
Tổng tài sản của FTSE Vietnam Swap UCITS ETF tại ngày 23/5 đạt 275 triệu USD. Trong kỳ cơ cấu tới, ETF này có thể được mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu SHB, gần 1,7 triệu cổ phiếu NLG và hơn 700.000 cổ phiếu VHC.
Trong khi đó, hầu hết cổ phiếu trong danh mục của FTSE ETF sẽ bị bán ra để giảm tỷ lệ. APH được dự báo bị bán ra 1,5 triệu đơn vị.
Ngoài FTSE, MVIS sẽ công bố kết quả cơ cấu danh mục quý II của MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) vào 10/6.
SSI Research dự báo không có cổ phiếu nào được thêm vào danh mục MVIS Vietnam Index ở kỳ cơ cấu lần này, trong khi mã ORS của Công ty Chứng khoán Tiên Phong và APH có thể bị loại do không thỏa mãn điều kiện về vốn hóa.
Trong báo cáo giữa tháng 5, Công ty chứng khoán Yuanta cũng đưa ra dự báo về kết quả tái cơ cấu danh mục kỳ quý II/2022 của hai quỹ này, với một số sự khác biệt so với dự báo của SSI Reseach.
Với FTSE ETF, theo ước tính của Yuanta, chỉ có SHB và NLG là hai mã đáp ứng các tiêu chí, sẽ được mua lần lượt 15,3 triệu cổ phiếu và 4,7 triệu cổ phiếu.
Ngược lại, quỹ này sẽ loại APH vì giá trị vốn hoá thấp hơn 0,5% giá trị vốn hoá thị trường của FTSE ETF. Các cổ phiếu khác trong danh mục đa phần bị bán ra để đảm bảo tỷ trọng.
Với V.N.M ETF, Yuanta dự báo quỹ này sẽ mua mới ba cổ phiếu gồm FTS, SHB, VCG. ETF này có thể mua 13,8 triệu cổ phiếu SHB với giá trị hơn 200 tỷ đồng. VCG được mua 4,5 triệu cổ phiếu, còn FTS được mua 1,8 triệu đơn vị.
Thị trường chứng khoán có xu hướng phục hồi trong tuần giao dịch gần nhất. VN-Index tăng 5 trong 7 phiên gần nhất, lên lại vùng 1.260 điểm. Nhịp tăng điểm giúp nhiều mã phục hồi, đặc biệt là nhóm ngân hàng và bất động sản.
SHB, cổ phiếu được dự báo được mua nhiều nhất trong kỳ cơ cấu sắp tới, hiện giao dịch ở mức hơn 15.000 đồng, tăng 12% so với mức đáy tuần trước. SHB cũng là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trong top đầu gần đây. Cổ phiếu thứ hai được cả SSI Research và Yuanta nhắc tới là NLG. Mã này giao dịch ở vùng giá gần 47.000 đồng, phục hồi từ mức đáy dưới 42.000 đồng xác lập cuối tháng 4.
HoSE đưa ba cổ phiếu FLC, HAI, ROS vào diện hạn chế giao dịch từ 1/6 do quá 45 ngày chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Tập đoàn FLC (FLC), Công ty Xây dựng FLC Faros (ROS) và Công ty Nông dược HAI (HAI) từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch” từ ngày 1/6. Theo đó, các mã này chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Cả ba doanh nghiệp này đều chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của các cổ phiếu này khi thời gian để nhà đầu tư mua, bán chỉ còn được thực hiện trong phiên chiều.
Thực tế, trong những phiên gần đây, thanh khoản của nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC cũng đều giảm, đi cùng với đà đi xuống của giá cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch trung bình phiên của FLC trong một tuần gần nhất đạt chưa tới 7 triệu cổ phiếu, so với mức thanh khoản trung bình hơn 18 triệu mỗi phiên trong ba tháng gần nhất. Tương tự với ROS và HAI, thanh khoản bình quân những phiên gần đây chỉ bằng chưa tới một nửa khối lượng giao dịch trung bình trong ba tháng.
Xét về thị giá, FLC sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 1 đã liên tục lao dốc, liên quan đến thông tin bán chui cổ phiếu và việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”. Đến cuối phiên 25/5, thị giá FLC chỉ còn hơn 6.600 đồng, giảm hơn 70% so với mức đỉnh hơn 22.500 đồng vào đầu năm.
Diễn biến tương tự với các mã khác chung hệ sinh thái. Thị giá ROS hiện tại chỉ còn 4.400 đồng, so với mức đỉnh 16.000 đồng. Cổ phiếu HAI giao dịch ở mức 3.400 đồng, giảm gần 65%.
Dự kiến trong phiên họp cổ đông bất thường sắp tới, FLC sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.
Đồng thời, công ty sẽ bầu 2 người thay thế, trong đó có 1 người là thành viên HĐQT quản trị độc lập. Do thiếu thành viên HĐQT độc lập, FLC đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 125 triệu đồng hồi cuối tháng 3.
Dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán giúp VN-Index có phiên tăng mạnh thứ hai kể từ đầu năm, lên 1.268 điểm và nối dài nhịp hồi phục sau đợt điều chỉnh sâu.
Sau phiên tăng 15 điểm hôm qua, nhiều công ty chứng khoán càng tự tin VN-Index sẽ sớm tạo vùng đáy thứ hai quanh 1.250 điểm. Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến hết năm sau được giới phân tích kỳ vọng tiếp tục tác động tích cực đến diễn biến cổ phiếu ngân hàng, từ đó lan toả sắc xanh ra những nhóm khác.
Hôm nay, tất cả cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng (trừ SSB) đều đóng cửa trên tham chiếu với mức tăng phổ biến trên 3%. 5 trong số 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index thuộc nhóm này, lần lượt là VPB, VCB, BID, MBB và TCB.
Các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, chứng khoán, dầu khí, phân bón, cảng biển, bán lẻ cũng được bao trùm bởi sắc xanh. Chốt phiên hôm nay sàn TP HCM có đến 415 cổ phiếu tăng, trong đó 48 mã chạm trần. Rổ VN30 đóng góp 27 mã tăng, trong đó hai cổ phiếu đầu ngành công nghệ thông tin, bán lẻ là FPT và PNJ tăng hết biên độ.
VN-Index nhờ đó đi một mạch thẳng đứng lên mốc 1.268 điểm, tăng 35 điểm so với tham chiếu và trở lại vùng giá cách đây nửa tháng. Tính theo giá trị tương đối thì đây là phiên tăng mạnh thứ hai kể từ đầu năm, nối dài nhịp hồi phục sau đợt điều chỉnh quyết liệt từ đầu tháng trước.
Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu giảm chỉ 49 mã và không mã nào giảm sàn. HPG của Tập đoàn Hoà Phát nối dài chuỗi giảm phiên thứ tư liên tiếp, xuống 34.450 đồng và đứng đầu danh sách những mã kìm hãm đà tăng. Các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC cũng phân hoá mạnh và không hoà vào đà đi lên hôm nay. Cụ thể, ROS, HAI giảm trên 2% và trong phiên có lúc mất hết biên độ, còn FLC tăng nhưng chỉ tích luỹ được 0,6% so với tham chiếu.
Sau thời gian dài cẩn trọng quan sát, nhà đầu tư trong nước đã giải ngân trở lại. Thanh khoản ghi nhận tín hiệu khả quan khi tăng gần 3.200 tỷ đồng so với hôm qua, lên mức cao nhất trong nửa tháng trở lại đây.
Tiền tập trung mua các mã thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán, công nghiệp và nguyên vật liệu. Dù giảm điểm nhưng HPG thu hút dòng tiền nhiều nhất khi giá trị khớp lệnh đạt 1.343 tỷ đồng, gần bằng tổng giá trị giao dịch của ba mã đứng sau là SSI, STB và DIG cộng lại.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giao dịch cân bằng khi mua vào 1.045 tỷ đồng và bán ra 1.042 tỷ đồng. DCM, DPM, HPG là ba mã được nhóm này giải ngân nhiều nhất.
Cổ phiếu HPG có lúc giảm kịch sàn ngay sau khi phiên họp thường niên của công ty này kết thúc, các mã ngành thép khác cũng trong tình trạng giảm sâu.
Thị trường mở cửa phiên hôm nay trong sắc đỏ, nối tiếp nhịp giảm của phiên đầu tuần. Xu hướng giao dịch không có nhiều thay đổi, với sự thận trọng đến từ cả hai phía. Bên mua chỉ tham gia tích cực ở vùng giá thấp, không đẩy giá hay mua đuổi, còn bên bán cũng không quyết tâm bán tháo bằng mọi giá. VN-Index dao động quanh tham chiếu cho tới cuối phiên sáng.
Sang phiên chiều, biên độ giao dịch được nới rộng. Áp lực bán tăng nhanh hơn từ 13h20 khiến chỉ số đại diện cho HoSE có thời điểm lùi về sát ngưỡng 1.200 điểm. Các nhóm được chú ý như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ đều lùi sâu, đặc biệt là cổ phiếu ngành thép giảm rất mạnh. Chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, tại phiên họp thường niên sáng nay về triển vọng khó khăn của ngành thép khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Áp lực bán tháo làm HPG, HSG, NKG chạm mức giá sàn.
Tuy vậy, khi nhiều mã giảm sâu, dòng tiền bắt đáy tham gia tích cực hơn. Thị trường bật lên sau ATC khi lực mua quét mạnh ở vùng giá thấp. VN-Index đóng cửa tăng trở lại gần 15 điểm (1,2%) lên 1.233,38 điểm. VN30-Index tăng hơn 17 điểm (1,38%) lên trên 1.272 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index có thêm hơn 1,7%, còn UPCOM-Index đóng cửa dưới tham chiếu.
Do lực kéo chủ yếu là nhóm vốn hóa lớn, sắc xanh không quá áp đảo. Số mã tăng và giảm trên HoSE giữ cân bằng vào cuối phiên. Trong khi đó, với nhóm bluechip, 26/30 mã VN30 đóng cửa ở trạng thái tăng.
Nhóm cổ phiếu tài chính, với nhóm ngành chứng khoán và ngân hàng, dẫn dắt xu hướng tăng cuối phiên. STB chốt phiên tăng kịch trần dù có thời điểm giao dịch dưới tham chiếu. CTG tăng 4%, TPB có thêm 3%, VPB, MBB tăng trên 2%. Với cổ phiếu chứng khoán, SSI đóng cửa tăng 6%, sắc xanh cũng là gam màu chủ đạo của các mã chủ chốt nhóm này, như HCM, VCI, VND, MBS, BVS, FTS.
Nhóm bất động sản phân hóa với nhiều mã tăng mạnh. CEO tăng kịch trần, DIG có thêm 6%, NLG, CII, SCR chốt phiên trong sắc xanh. Ngược lại, HQC, QCG đóng cửa dưới tham chiếu. Nhóm cổ phiếu xây dựng, thủy sản giao dịch tích cực.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép biến động mạnh nhất. HPG, NKG, HSG giữ sắc xanh khi mở cửa nhưng đều lao dốc vào đầu phiên chiều. Cả ba mã chủ chốt của nhóm thép cùng có thời điểm giảm kịch sàn trước khi thu hẹp một phần vào cuối phiên. Đóng cửa, HPG, NKG mất trên 5%, HSG giảm 4,5%.
Thanh khoản thị trường tương đương trung bình gần đây, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 13.400 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng với quy mô gần 200 tỷ đồng.
Chứng khoán DNSE đã được xướng tên trong Top 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam nhờ chú trọng đầu tư công nghệ…
Lễ trao giải “Thương hiệu dẫn đầu Việt Nam 2022” lần thứ 9 diễn ra vào ngày 21/5 ở Nhà hát Bến Thành. Đây là giải thưởng thường niên được tổ chức, thẩm định và giám sát chất lượng bởi Viện nghiên cứu kinh tế châu Á phối hợp cùng Liên hiệp Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình ghi nhận nỗ lực cống hiến của các doanh nghiệp với nền kinh tế nước nhà, dựa trên các tiêu chí về chất lượng sản phẩm dịch vụ và cam kết phục vụ khách hàng, được người tiêu dùng đánh giá cao và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế. Giải thưởng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa theo cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện của DNSE cho biết, giải thưởng là ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của công ty giai đoạn trong và sau đại dịch, mang đến sản phẩm tài chính – chứng khoán cải tiến và sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ khách hàng. Với định hướng phát triển riêng biệt, DNSE đã tạo lập một chỗ đứng mới trên thị trường chứng khoán đầy cạnh tranh.
Nhờ chú trọng đầu tư công nghệ, áp dụng chuyển đổi số vào sản phầm và mô hình kinh doanh, DNSE nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần chứng khoán chỉ sau hơn một năm ra mắt nền tảng giao dịch chứng khoán Entrade X. Trong tháng 3, số lượng tài khoản mở mới tại Entrade X chiếm hơn 16% toàn thị trường, đứng cạnh các công ty chứng khoán truyền thống lâu đời. Chỉ trong một năm rưỡi, doanh nghiệp đã thành công nâng vốn hai lần từ 160 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đưa DNSE từ vị trí thứ 67 lên Top 10 công ty chứng khoán có vốn lớn hàng đầu Việt Nam.
Tại thời điểm mới ra mắt, Entrade X là nền tảng giao dịch đầu tiên ứng dụng công nghệ mở tài khoản định danh eKYC, số hóa 100% các thao tác, trong đó bao gồm việc ký hợp đồng giấy truyền thống. Gần đây, DNSE tiếp tục giới thiệu hệ thống quản trị rủi ro theo theo từng giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư được quyền lựa chọn tỉ lệ vay kí quỹ cho riêng từng lệnh mua theo nhu cầu, thay vì vay cho toàn bộ danh mục như hình thức truyền thống.
“Đây là cách thức chưa từng có trên thị trường Chứng khoán Việt Nam. Phương thức mới này hỗ trợ nhà đầu tư quản trị rủi ro và bảo toàn nguồn vốn tốt hơn, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường bất ổn”, đại diện DNSE chia sẻ.
Dự kiến trong Quý II, nền tảng môi giới ảo AI Broker sẽ được cho ra mắt, hoàn thiện chu trình trải nghiệm số của nhà đầu tư khi giao dịch trên Entrade X. Mô hình này giảm thiểu tối đa nguồn lực từ con người giúp khách hàng chủ động hơn trong quá trình đầu tư, giảm thiểu các chi phí cơ hội, hạn chế yếu tố cảm xúc và minh bạch hóa quyết định đầu tư, hướng tới mục tiêu đơn giản hóa đầu tư cho người Việt. Phía DNSE kỳ vọng, các sản phẩm đầu tư tài chính ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ tiên tiến của công ty sẽ dẫn dắt thị trường Chứng khoán số.
Đóng góp vào những bước chuyển mình của DNSE có sự chèo lái và tầm nhìn của Chủ tịch Hội đồng quản trị DNSE – ông Nguyễn Hoàng Giang. Trong buổi lễ trao thưởng vừa qua, ông Giang cũng đã vinh dự nhận giải “Doanh nhân tiêu biểu 2022”. Trước khi sáng lập DNSE, ông Nguyễn Hoàng Giang có 8 năm giữ vị trí Tổng Giám đốc tại VNDirect, là CEO trẻ tuổi nhất trong lịch sử thị trường Chứng khoán Việt Nam và đạt nhiều giải thưởng danh giá khác.
DNSE là doanh nghiệp Việt đầu tiên cam kết miễn phí giao dịch trọn đời trên nền tảng giao dịch chứng khoán cơ sở EntradeX, giúp tối ưu hiệu quả cho nhà đầu tư.
Trải nghiệm nền tảng giao dịch EntradeX hoặc xem bảng giá thị trường Chứng khoán hôm nay tại đây.
Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng với tiềm năng chung, thị trường trái phiếu cần phát triển mạnh hơn nữa, với cả phát hành riêng lẻ lẫn phát hành ra công chúng.
Quan điểm này vừa được ông Sơn chia sẻ tại tọa đàm về “Xu hướng dòng tiền” sáng 24/5 do VTV Digital tổ chức khi được hỏi về việc không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu trong tháng 4.
Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra ngày 7/4, hai ngày sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán khẳng định thị trường trái phiếu là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp phát triển. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm khi cho rằng đây là kênh tạo vốn không chỉ cho trước mắt, mà còn cho cả trung và dài hạn.
Theo ông Sơn, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Ông đánh giá nghị định này chỉ cần tinh chỉnh bởi cơ bản đã giải quyết được các vấn đề của các nghị định trước đây. Ngoài sửa đổi quy định phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát.
“Chúng tôi khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, nhà phát hành, người mua trái phiếu cần cẩn trọng bởi phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta phải làm đúng để đảm bảo đỡ rủi ro cho cả hai phía”, ông Phạm Hồng Sơn nói.
Theo Luật Chứng khoán, “nhà đầu tư chuyên nghiệp” là người có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, gồm cả nhà đầu tư tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Ông Võ Trí Thành đánh giá những lình xình vừa qua không đáng lo vì thị trường có lên, có xuống.
“Điều đáng lo là vấn đề lòng tin và cơ quan quản lý có tạo dựng được những nền tảng tốt để thực sự để đây là kênh đầu tư vừa hấp dẫn, vừa góp phần phát triển, vừa đem lại sự sảng khoái cho nhà đầu tư”, ông nói.
Theo chuyên gia này, trước mắt, cơ quan quản lý cần xử lý khéo léo với những vụ vi phạm phát luật để đảm bảo kỷ cương thị trường. Thứ hai, ông lưu ý minh bạch thông tin để thu hẹp bất đối xứng thông tin trên thị trường giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa bên bán và bên mua.
Với thị trường chứng khoán, ông Thành nhận định sau 2 năm, thị trường có thời điểm mang tính đầu cơ quá đà, dẫn dắt bởi những thông tin chưa tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay thị trường đã bắt đầu nhìn nhận những biến động theo các vấn đề nền tảng.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, thị trường chứng khoán trong nước 5 tháng đầu năm có một điểm sáng là dòng tiền nước ngoài đổ vào chỉ âm khoảng 50 triệu USD trong bối cảnh thế giới biến động, Fed tăng lãi suất. Cùng kỳ năm ngoái, dòng tiền chảy ra khỏi thị trường Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, còn trong 3-4 năm vừa qua khoảng 4-5 tỷ USD.
Ông Tuấn cho biết Dragon Capital – đơn vị đang quản lý số tài sản khoảng 6 tỷ USD – sẽ hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm trong nước, doanh nghiệp phát triển, tạo được nền tảng vận hành mạnh trong nước.
Còn ông Võ Trí Thành cho rằng cần lưu ý đà phục hồi và dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực dẫn dắt kinh tế những năm tiếp theo khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao và các lĩnh vực mà người tiêu dùng muốn bỏ tiền mua.
HSBC đánh giá chứng khoán Việt Nam mang tính vững vàng, có nội lực và có thể được đưa vào các chỉ số của thị trường mới nổi.
Báo cáo của HSBC được đưa ra trong bối cảnh từ đầu tháng 4 đến nay, chứng khoán giảm mạnh bởi tác động của việc Ủy ban Chứng khoán thanh lọc thị trường. Các công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu tạo nên sóng giảm mạnh, có tuần VN-Index mất hơn 150 điểm. Thanh khoản thị trường cũng rơi thẳng đứng từ mức phổ biến 25.000 tỷ đồng một phiên xuống còn phân nửa bởi tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cá nhân. Trong những nhịp giảm, khối ngoại liên tục mua ròng và chờ lúc thị trường có nhịp hồi kỹ thuật thì bán ra.
Theo HSBC, trong vòng 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả thị trường lớn trong khu vực. Quy mô đã tăng gần gấp 4 lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch gần đây vượt ngưỡng một tỷ USD mỗi ngày. Có nhiều lý giải cho kết quả này, một trong số đó là tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu (năm 2020). Cùng thời điểm, các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Năm ngoái, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam. Đến năm nay, mặc dù vốn hóa đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, khi nhắc tới tăng trưởng và lợi nhuận, HSBC cho rằng Việt Nam “đã và đang trên đà thắng lợi”. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên.
Lợi nhuận từ cổ phiếu đã duy trì tích cực với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 10% trong vòng 10 năm qua. Việt Nam là một trong số ít thị trường trên thế giới có mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện. Và khi đại dịch lắng xuống, tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 đã tăng cao lên 35% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu vốn hóa có sự thay đổi cũng tạo nên điểm tích cực. Trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu xoay quanh một vài cổ phiếu lớn. Năm 2013, nhóm 5 cổ phiếu đứng đầu chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Nhưng đến năm 2022, con số này chỉ còn 25%. Nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường giờ đây chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch, mức này theo HSBC là tương đối thấp.
Tính vững vàng của thị trường chứng khoán Việt Nam được HSBC đưa ra trước hết dựa trên những lợi thế về tăng trưởng xuất khẩu. Theo ngân hàng này, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng lên trong những năm qua và sẽ mở rộng thêm nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất, nguồn đất đai và nhân công giá rẻ. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với 75% giá trị xuất khẩu đến từ lĩnh vực có nguồn đầu tư ngoại mạnh.
Cơ cấu dân số trẻ, có trình độ và thu nhập ngày càng cao cũng là động lực quan trọng. Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên đến trên 95%. Trên thang đánh giá về giáo dục của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang làm tốt hơn các nước trong khối ASEAN và thậm chí cả Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam đang giành thị phần xuất khẩu khỏi tay các nhà xuất khẩu lân cận ở Thái Lan hoặc Malaysia.
Theo Brookings Institute, tỷ lệ dân số được xếp vào tầng lớp trung lưu cao dự kiến tăng gấp 4 lần, lên 20% vào năm 2030. Đặc điểm về dân số trên tạo ra thị trường tiêu dùng lớn, hội đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới vào năm 2030.
Không chỉ mang tính ổn định, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có nguồn nội lực lớn. Theo HSBC, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài mà là trong nước. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản tăng hơn 2 lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.
Các nhà đầu tư trong nước chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 13%. Trên thực tế, thời điểm những nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài rút đi. Kết quả của đợt gia tăng số lượng nhà đầu tư trong nước này là giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tăng gấp 10 lần, gần đây vượt mốc một tỷ USD, tương đương 10 lần giá trị giao dịch trung bình ngày đầu năm 2020.
“Đây là một kết quả đáng lưu ý đối với một thị trường vốn thường bị coi là nhỏ và thanh khoản kém”, HSBC nhận xét và cho biết thêm, thị trường Việt Nam có mức độ thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan.
Với những điểm sáng kể trên, ngân hàng này cho rằng chứng khoán Việt Nam có tiềm năng được thăng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Theo HSBC, Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết để MSCI đưa vào danh sách xem xét trước tháng 5/2023. Cả hai đều là đơn vị cung cấp chỉ số thị trường uy tín nhất thế giới.
Hiện tại, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường từ năm ngoái. Một trong số những điểm đổi mới là cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới KRX được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống này sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loại các sản phẩm mới, hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.
HSBC đánh giá rằng: “Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế”.
Theo nhiều chuyên gia, thanh khoản giảm sâu có thể do dòng vốn mang tính đầu cơ dịch chuyển, nhường chỗ cho nguồn tiền chất lượng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua rung lắc mạnh, kéo theo thanh khoản giảm sâu. Tính từ đầu tháng 4, thị trường có 21 phiên thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn nửa tháng qua chỉ có bốn phiên giao dịch vượt được mốc 15.000 tỷ đồng. Mức thanh khoản trên rất thấp so với trung bình 26.000 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Trong một hội thảo về đầu tư gần đây, ông Lê Chí Phúc – CEO SGI, một trong những quỹ đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thị trường, đặt giả thuyết rằng thanh khoản giảm có thể do giảm dòng vốn “dễ dãi”, mang tính đầu cơ để lại cho thị trường dòng vốn đầu tư chất lượng.
Ông phân tích, nhiều nhà đầu tư F0 vào thị trường trong vài tháng gần đây có thể không trang bị nhiều kiến thức, ngay lập tức đã chịu nhiều tổn thương nên lượng lớn rời bỏ thị trường để dồn tiền qua các kênh khác. Tức là, họ đã “nhường chỗ” cho các nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư tổ chức…
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ rõ, trong giai đoạn 2020-2021 thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền “dễ dãi”. Thời gian tới, dòng tiền sẽ phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro nói chung của thị trường. Theo đơn vị này, đà tăng giá chỉ thực sự bền vững ở những cổ phiếu có lợi nhuận tăng trưởng tích cực, phát hành tăng vốn… Thực tế cho thấy, thời gian qua, những cổ phiếu có diễn biến giá tích cực đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, nhóm thủy sản, kho vận, công nghệ, bán lẻ là một số điển hình.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nêu quan điểm, trong quý II, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng “lặng sóng” trong một thời gian dài. Dòng tiền xu hướng quay trở lại các mã có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Ở tầm nhìn vĩ mô, ông Lã Giang Trung – Tổng giám đốc Passion Investment, cho rằng dòng tiền đang được định hướng lại bởi chính sách tiền tệ, với xu hướng đổ về những khu vực kinh tế mang lại tăng trưởng GDP tốt hơn. Trong giai đoạn 2020-2021, GDP tăng trưởng thấp nhưng tín dụng vẫn giữ tốc độ tăng ổn định. Điều này cho thấy, dòng vốn không chảy hoàn toàn hoạt động sản xuất mà đã đổ nhiều vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản…
Theo ông Lê Anh Tuấn – giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, việc giảm thanh khoản như hiện tại là bình thường. Khi chứng khoán đang trong chu kỳ đi xuống, thanh khoản thường giảm theo tương ứng.
Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán Việt Nam và kinh tế vĩ mô có mối liên quan rất ít. Ông lấy ví dụ, năm 2020, tăng trưởng kinh tế thấp nhưng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp vẫn cao, thị trường vẫn diễn biến tích cực. Do đó, những mối lo về vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường như lạm phát nên được nhìn nhận đúng mức.
Cùng quan điểm, ông Lê Chí Phúc cho rằng thị trường chứng khoán không đại diện cho cả nền kinh tế, mà chỉ đại diện cho nhóm ưu tú của nền kinh tế. Ông lưu ý, đôi khi nhịp điều chỉnh ngắn hạn không phản ánh xu hướng dài hạn.
Với luận điểm trên, các chuyên gia cho rằng thị trường còn nhiều tín hiệu tích cực. SGI dự đoán năm nay các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng lợi nhuận 20-25% so với cùng kỳ. Mức này tốt hơn giai đoạn trước và tốt hơn mặt bằng kinh tế vĩ mô. Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tự tin đề ra kế hoạch dài hơi 3-5 năm với các chỉ tiêu tham vọng, có đơn vị muốn tăng trưởng với tốc độ 30%.
Trước mắt trong quý đầu năm, VnDirect thống kê đến cuối tháng 4 có khoảng 529 công ty đã công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 31,5% và hơn 68% so với cùng kỳ. VnDirect cho rằng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường.
Tuy vậy, ông Lã Giang Trung, thị trường chứng khoán chưa thật sự hấp dẫn để đầu tư trong lúc này. “Thị trường có thể còn giảm hơn nữa, tiếp tục điều chỉnh sau thời kỳ neo mức quá cao”, ông Trung dự đoán.
VnDirect cũng lưu ý, căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài và việc Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn và lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế, khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn.
Về dòng tiền, VDSC nêu quan điểm thận trọng với nhóm nhà đầu tư cá nhân. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ. Điều này do mùa kết quả kinh doanh kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn.
Chứng khoán chốt phiên đầu tuần trong sắc đỏ khi thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng.
VN-Index mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh, nhưng lực mua không tăng, thậm chí còn giảm so với trung bình những phiên cuối tuần trước. Dòng tiền tham gia dè dặt, vẫn chọn đứng ngoài thị trường, khiến chỉ số nhanh chóng bị ép lùi về dưới tham chiếu.
Những nhà đầu tư mua vào trong tuần trước kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn, nhưng khi xu hướng vẫn chưa có nhiều cải thiện, nhiều người chọn cách “chốt non”. Vì lực mua yếu, áp lực bán chỉ cần tăng nhẹ đã đủ khiến thị trường lao dốc. VN-Index nới rộng sắc đỏ lên gần 10 điểm vào cuối phiên sáng.
Sang phiên chiều, thị trường có nhịp hồi ngắn nhưng không kéo được dòng tiền vào, chỉ số lại quay đầu giảm. Các nhóm được chú ý như ngân hàng, thép, bán lẻ, chứng khoán, bất động sản giữ sắc xanh vào đầu giờ đều lùi sâu khi thị trường bước sang nửa cuối phiên chiều. VN-Index có thời điểm bị ép lùi về dưới 1.210 điểm trước khi hồi trở lại vào phiên ATC.
Chốt phiên, VN-Index giảm gần 22 điểm (1,77%) xuống 1.218,81 điểm. VN30-Index giảm hơn 27 điểm (2,12%) còn 1.255,35 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất hơn 2%, còn UPCOM-Index cũng đóng cửa dưới tham chiếu.
Sắc đỏ chiếm ưu thế với 358 mã giảm trên HoSE, so với 91 mã tăng. Riêng nhóm VN30, trạng thái còn chênh lệch hơn với 27/30 mã bluechip giảm giá.
Ngân hàng đứng đầu trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hôm nay. STB đóng cửa giảm gần 6%, TPB, VPB mất hơn 4%, CTG, BID giảm trên 3,3%, MBB, TCB, ACB giảm hơn 2%. Các mã này trước đây hầu hết đều giữ sắc xanh vào đầu phiên.
Chung nhịp giảm với các mã ngân hàng là nhóm cổ phiếu chứng khoán. Thanh khoản thị trường giữ mức thấp, xu hướng chưa thoát tiêu cực khiến áp lực bán với các mã này tiếp tục tăng. SSI chốt phiên giảm hết biên độ, HCM, FTS, BVS mất gần 7% thị giá, VND, VCI giảm quanh ngưỡng 5%. Các nhóm khác như bán lẻ, bất động sản, thép cũng chung tình trạng.
Thanh khoản thị trường giữ ở mức trung bình thấp, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ hơn 13.300 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bluechip giao dịch hơn 5.000 tỷ đồng. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng với quy mô hơn 400 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào nhóm bluechip.
Phó tổng giám đốc Trần Anh Đào được giao phụ trách ban điều hành HoSE từ 20/5, thay Tổng giám đốc Lê Hải Trà mới bị kỷ luật.
Quyết định này được Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam công bố một ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo khai trừ ông Lê Hải Trà – Bí thư Đảng uỷ kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) – ra khỏi Đảng.
Bà Đào tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM năm 1997, sau đó làm cho một công ty xuất nhập khẩu trước khi vào Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước từ cuối năm 1998.
Bà Đào là thế hệ nhân sự đầu tiên vận hành Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) từ 7/2000. Giữa năm 2013, bà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách mảng đấu giá và quản lý niêm yết cho đến nay.
Ban điều hành HoSE hiện còn lại 4 thành viên, gồm bà Đào và 3 phó tổng giám đốc là bà Ngô Viết Hoàng Giao, ông Nguyễn Vũ Quang Trung và ông Trầm Tuấn Vũ.
Sáng nay, Bộ Tài chính cũng đã giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban chứng khoán nhà nước sau khi Bộ trưởng ký quyết định cách chức Chủ tịch đối với ông Trần Văn Dũng do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Theo ông Chi, sai phạm của một số lãnh đạo Ủy ban chứng khoán chỉ mang tính cá nhân và Bộ luôn có phương án đảm bảo công tác nhân sự. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định luôn chủ động và có phương án đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành liên tục, ổn định và an toàn.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi được giao trực tiếp điều hành Ủy ban chứng khoán, thay chủ tịch Trần Văn Dũng vừa bị Bộ Tài chính cách chức.
Theo văn bản vừa gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 19/5 đã quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch Ủy ban chứng khoán với ông Trần Văn Dũng, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Trong thời gian xem xét, kiện toàn nhân sự, Bộ Tài chính giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban chứng khoán.
Ông Trần Văn Dũng ngày 18/5 bị Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng ra quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Chia sẻ gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết sai phạm của một số lãnh đạo Ủy ban chứng khoán chỉ mang tính cá nhân và Bộ luôn có phương án đảm bảo công tác nhân sự. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định luôn chủ động và có phương án đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành liên tục, ổn định và an toàn.
Để ổn định thị trường, Thứ trưởng Tài chính cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó, bộ sẽ đẩy nhanh thực hiện nâng cấp hệ thống giao dịch cho Sở HoSE theo gói thầu đã ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Mục tiêu là hoàn thiện để trong năm nay đưa hệ thống mới vào hoạt động, tạo điều kiện để đưa thị trường tiến thêm một bước nữa.