Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết nếu lợi nhuận và vốn chủ sở hữu năm nay tiếp tục âm.

Hiện tại, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nằm trong diện kiểm soát vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.

Theo Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ.

Để ngắt mạch thua lỗ, Vietnam Airlines phải đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức. Thứ nhất là mức lỗ sau nửa năm đã hơn 5.000 tỷ. Tiếp đến, giá nhiên liệu biến động khó lường. Ngoài ra, các thị trường quốc tế, trong đó chủ yếu là Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật trước đây mang lại phần lớn nguồn thu thì nay chưa phục hồi như kỳ vọng.

Theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ hơn 45.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm khoảng 9.300 tỷ cả năm nay. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chưa bao gồm doanh thu, lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn của Vietnam Airlines đang triển khai tại một số doanh nghiệp thành viên.

Trong giải trình về biện pháp khắc phục chứng khoán bị kiểm soát gửi HoSE hồi đầu tháng 8, Vietnam Airlines cũng cho biết năm nay sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và lỗ hợp nhất. Trong đó, doanh nghiệp này sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị phương án phát cổ phiếu để tăng vốn chủ khi được phê duyệt.

Năm ngoái, Vietnam Airlines cũng thoát âm vốn chủ nhờ phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8. Qua đó, công ty này cũng tránh được khả năng bị hủy niêm yết trên HoSE.

Anh Tú

Cổ phiếu FLC tăng trần trước ngày dừng giao dịch

Cổ phiếu FLC ngày mai bị đình chỉ giao dịch nhưng hôm nay lại đảo chiều từ mức giảm cận sàn thành tăng kịch trần, lên 3.570 đồng.

Khối lượng khớp lệnh FLC biến động mạnh trong phiên chiều, cuối phiên đạt 18 triệu cổ phiếu, tương ứng 65 tỷ đồng. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng giải ngân nhiều vào cổ phiếu này, dẫn đến tình trạng dư mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu lúc chốt phiên.

Tương tự FLC, cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông dược HAI cũng đảo chiều từ giá sàn lên giá trần và không có bên bán lúc đóng cửa. HAI chốt phiên tại giá 1.580 đồng, cắt đứt chuỗi giảm sâu ba phiên trước đó.




Các cổ phiếu họ FLC tăng trần phiên 8/9. Ảnh: Minh Sơn

Các cổ phiếu họ FLC tăng trần phiên 8/9. Ảnh: Minh Sơn

Ngoài biến động mạnh, hai cổ phiếu này còn có điểm chung là sẽ bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) từ ngày mai. Thời điểm giao dịch trở lại chưa được ấn định mà phụ thuộc vào việc công ty khắc phục các vi phạm về công bố thông tin.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch trở lại khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng.

Theo ông Chi, các cổ đông, nhà đầu tư của những doanh nghiệp này cần có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm.

Các cổ phiếu khác liên quan đến FLC như ART, AMD, KLF hôm nay cũng tăng vọt lên giá trần và “trắng bên bán”. So với vùng giá cuối tháng 3 – thời điểm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt – những mã này đều mất trên 70%.

Đà tăng của những cổ phiếu “họ” FLC ngược dòng với diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay. VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp, mất gần 9 điểm về dưới vùng 1.235 điểm. Các mã vốn hoá vừa và nhỏ giữa phiên bị bán mạnh trong khi VN30 là trụ đỡ, nhưng đến phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), hầu hết đều chuyển sang sắc đỏ. Số cổ phiếu giảm hôm nay xấp xỉ 320 mã, gấp đôi lượng cổ phiếu tăng.

Thanh khoản thị trường hơn 14.200 tỷ đồng, giảm khoảng 6.000 tỷ đồng so với hôm qua. Tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. HPG và NVL đứng đầu về thanh khoản khi đạt lần lượt 470 và 450 tỷ đồng.

Sau chuỗi xả hàng 7 phiên liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng. Nhóm này giải ngân gần 650 tỷ đồng, chủ yếu vào HPG, DGC và MWG.

Phương Đông

Bộ Tài chính yêu cầu giám sát việc tăng vốn ảo và làm giá cổ phiếu

Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, đặc biệt là việc làm giá cổ phiếu và tăng vốn ảo.

Đây là nội dung chỉ thị vừa được Bộ Tài chính đưa ra liên quan việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Theo đó, Bộ này yêu cầu Uỷ ban chứng khoán và các sở giao dịch giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến và giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết cũng cần được giám sát chặt và kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường.

Uỷ ban chứng khoán cũng được giao phối hợp các đơn vị để xác minh và chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu tìm hiểu việc có hay không một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thời gian tới, theo Bộ Tài chính cần có bộ tiêu chí cảnh báo và tăng cường áp dụng công nghệ để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm các tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi…

Việc kiểm soát này theo nhà quản lý là cần thiết nhằm đảm bảo việc tăng vốn thực chất, hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp để rút lại khoản tiền đi vay khi góp vốn…

Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh cơ quan điều tra vừa khởi tố bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC và ba người khác về hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Ở thời điểm thành lập, năm 2011, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ trong chưa tới hai năm sau đó, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hơn 3.000 lần.

Quỳnh Trang

Thanh khoản chứng khoán èo uột

Nửa đầu phiên sáng nay, cả sàn HoSE giao dịch chỉ hơn 3.000 tỷ đồng, mức thanh khoản thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Phiên hôm qua, mức khớp lệnh trên hai sàn lần đầu sau 5 tuần tụt xuống dưới mức 13.000 tỷ đồng. Quy mô giao dịch hàng ngày trên thị trường đã liên tục giảm từ tháng 3 đến nay, thời điểm Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.

Thanh khoản chạm đáy vào tháng 7 với mức bình quân phiên chỉ đạt 12.200 tỷ đồng. Trong tháng 8, nhịp hồi lại của VN-Index giúp giao dịch sôi động hơn, nhưng mức thanh khoản bình quân hơn 17.000 tỷ vẫn thấp hơn khoảng 40% so với trung bình giai đoạn sôi động (từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022).




Thanh khoản bình quân phiên chạm đáy trong tháng 7 với trung bình chỉ đạt 12.200 tỷ đồng, trước khi tăng trở lại nhờ nhịp phục hồi của VN-Index. Ảnh: FiinGroup

Thanh khoản bình quân phiên chạm đáy trong tháng 7 với trung bình chỉ đạt 12.200 tỷ đồng, trước khi tăng trở lại nhờ nhịp phục hồi của VN-Index. Ảnh: FiinGroup

Theo số liệu từ FiinGroup, một trong các doanh nghiệp được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, quy mô thanh khoản thấp chủ yếu do sự thận trọng từ phía nhà đầu tư cá nhân, nhóm chiếm tỷ trọng hơn 90% về thanh khoản giao dịch trong giai đoạn sôi động.

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng gần 2.400 tỷ đồng qua khớp lệnh trong nửa đầu tháng 8, nối tiếp chuỗi bán ròng liên tiếp 4 tháng trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, họ đã bán ròng hơn 4.800 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô này còn rất khiêm tốn nếu so với mức mua ròng gần 92.900 tỷ đồng trong năm 2021, khi VN-Index đang ở vùng giá cao hơn nhiều so với hiện tại.

“Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cùng với thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền đang ở ngoài thị trường”, nhóm phân tích của FiinGroup nhận xét.

Điều này, theo FiinGroup do những lo ngại gần đây về các rủi ro về vĩ mô và chính sách, bao gồm triển vọng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, cùng với động thái tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tín dụng.




Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng liên tục từ tháng 4 đến nay. Ảnh: FiinGroup

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng liên tục từ tháng 4 đến nay. Ảnh: FiinGroup

Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại và tự doanh bắt đầu mua ròng trở lại.

Giá trị mua ròng của khối ngoại qua khớp lệnh trên HoSE đạt 1.800 tỷ đồng nửa đầu tháng 8, đảo chiều so với mức bán ròng hơn 400 tỷ đồng trong tháng 7.

Xu hướng đảo chiều này cũng được ghi nhận ở một số thị trường châu Á khác, nhưng diễn ra sớm hơn như Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng cần quan sát thêm để xem xét liệu xu hướng này có bền vững hay không bởi dòng vốn ngoại có thể bị ảnh hưởng bởi động thái thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tương tự, khối tự doanh các công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng tương đối mạnh trong phiên khớp lệnh nhờ giảm bán ra và tập trung mua ròng cổ phiếu nhóm tài chính, tiện ích và thực phẩm đồ uống.

Tính từ đầu năm 2022, khối tự doanh đã mua ròng tổng cộng 3.900 tỷ đồng qua phiên khớp lệnh, tương đương 75% giá trị mua ròng trong năm 2021.

Minh Sơn

Thêm cổ phiếu nhóm FLC bị đình chỉ giao dịch

Cổ phiếu HAI của Công ty Nông dược HAI sẽ bị HoSE đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9, cùng thời điểm với FLC.

Cũng như FLC, sau ngày này, nhà đầu tư sẽ không thể mua bán cổ phiếu HAI, thay vì chỉ bị hạn chế (được giao dịch vào buổi chiều) như trước.

Theo Sở giao dịch chứng khoán TP HCM – HoSE, HAI bị đình chỉ giao dịch do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Trong văn bản giải trình, HAI cho biết công ty sẽ tìm đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm 2021 vào tháng 10 và dự kiến tổ chức họp thường niên vào tháng 12. Dù vậy, với giải trình trên, HoSE đánh giá HAI vẫn không có khả năng công bố báo cáo kiểm toán bán niên 2022 đúng hạn, tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HAI đã lùi về dưới 2.000 đồng, với quy mô vốn hóa của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 300 tỷ. So với mức đỉnh vào đầu năm, hiện thị giá của HAI đã giảm hơn 80%.

Ngoài HAI, một cổ phiếu khác trong hệ sinh thái của FLC là mã GAB của Công ty Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC cũng vừa bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do chậm công bố báo cáo soát xét bán niên năm nay.

Trong văn bản giải trình giữa tháng 8, GAB cho biết đã liên hệ nhiều đơn vị kiểm toán nhưng đều bị từ chối vì lý do công ty có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.

Khác với nhóm FLC, thị giá của GAB hiện vẫn giữ ở mức gần 200.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3 đến nay, mã này không xuất hiện giao dịch. Trên bảng điện tử, cổ phiếu này không ghi nhận bất kỳ lệnh mua và bán nào.

Minh Sơn

Nhà đầu tư được giao dịch cổ phiếu lẻ từ 12/9

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM chiều nay thông báo sẽ triển khai giao dịch lô lẻ (từ 1-99 cổ phiếu) từ thứ hai tuần sau.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) phát thông tin này sau khi được Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và công ty mẹ là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp thuận.

Giao dịch lô lẻ có thể thực hiện bằng phương thức thoả thuận lẫn khớp lệnh liên tục. Thời gian, bước giá, biên độ dao động giá, thao tác huỷ hoặc sửa lệnh đối với chứng khoán lô lẻ được tính như chứng khoán lô chẵn.

Tuy nhiên, theo HoSE, giao dịch lô lẻ hoàn toàn tách biệt với giao dịch lô chẵn. Các lệnh giao dịch chứng khoán lô lẻ chỉ được khớp với nhau và không khớp với lệnh chứng khoán lô chẵn. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư phải đặt lệnh sao cho thoả mãn quy định về khối lượng lô chẵn và lô lẻ. Ví dụ, nếu muốn bán 109 cổ phiếu ABC, nhà đầu tư phải đặt hai lệnh gồm bán 100 cổ phiếu và bán 9 cổ phiếu

Ngoài ra, giá khớp chứng khoán lô lẻ không được sử dụng để tính chỉ số. Nhà đầu tư cũng không được giao dịch chứng khoán lô lẻ trong ngày giao dịch đầu tiên của chứng khoán mới niêm yết.

HoSE cho biết tất cả công ty chứng khoán đều báo cáo thử nghiệm hệ thống đạt yêu cầu và sẵn sàng triển khai từ 12/9. “Giao dịch lô lẻ sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua bán, giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty chứng khoán”, đại diện HoSE nhận định.

Giao dịch lô lẻ được triển khai trở lại sau gần hai năm gián đoạn. HoSE bắt đầu nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 (tức khối lượng mỗi lệnh đưa vào thị trường phải là bội số của 100) từ ngày 4/1/2021 để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh.

Nhiều hiệp hội, công ty chứng khoán và nhà đầu tư khi đó phản đối quyết định này vì cho rằng HoSE ngăn cản sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, một số cũng cho rằng quyết định tăng lô giao dịch là phù hợp bởi quy mô của thị trường đã tăng mạnh và phần lớn cổ phiếu niêm yết có giá dưới 100.000 đồng nên nhà đầu tư không khó để tiếp cận.

Phương Đông

Cổ phiếu thép tăng trần

Cổ phiếu thép tăng đột biến trong phiên đầu tuần nhưng không thể giúp thị trường có thêm phiên tăng khi nhiều mã không giữ được tham chiếu vào cuối giờ.

Thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ với tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn. VN-Index mở cửa trên tham chiếu, bật lên vào giữa phiên sáng với sắc xanh áp đảo. Các nhóm ảnh hưởng lớn lên chỉ số như ngân hàng, bất động sản giao dịch tích cực, dù biên độ tăng không quá ấn tượng, chỉ quanh ngưỡng 1%. Trong khi đó, một số nhóm khác như thép hay cảng biển giữ biên độ cao hơn.

Dù vậy, đến cuối phiên sáng, tình thế bắt đầu đảo ngược. Dòng tiền vào thị trường không còn tích cực khi chỉ số tiến gần ngưỡng 1.300 điểm, dư bán chặn dày hơn ở vùng giá cao. Càng về sau, bên cầm cổ phiếu càng hạ giá bán nhanh hơn, sắc đỏ lấy lại ưu thế. Chỉ số giảm về dưới tham chiếu trước giờ nghỉ trưa khi nhiều mã đảo chiều. Xu hướng này kéo dài sang phiên chiều và giữ đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 3 điểm (0,25%), xuống 1.277,35 điểm. VN30-Index giảm với biên độ tương đương, về dưới 1.300 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giữ sắc xanh, còn UPCOM-Index chốt phiên giảm.

VN-Index chốt phiên 5/9 giảm hơn 3 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 5/9 giảm hơn 3 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện vào cuối phiên, với 283 mã giảm trên HoSE, so với 168 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 21/30 mã bluechip giảm.

Ở chiều tăng, cổ phiếu thép là nhóm giao dịch tích cực nhất. Giá quặng sắt chạm đáy kỳ vọng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận cho nhóm này trong giai đoạn cuối năm, trong khi nhu cầu có thể phục hồi dần. HPG là mã tăng mạnh nhất nhóm vốn hóa lớn, có thêm gần 4%. Trong khi đó, NKG, HSG chốt phiên tăng kịch trần, POM có thêm 4,3%.

Ngoài nhóm thép, các mã nhóm bán lẻ, cảng biển, phân bón cũng giữ sắc xanh vào cuối giờ.

Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số là các cổ phiếu ngân hàng. Trong VN30, toàn bộ nhóm này chốt phiên dưới tham chiếu. VIB, VCB, VPB mất gần 2% thị giá, BID, CTG, HDB giảm hơn 1%. Một số nhóm khác như bất động sản khu công nghiệp, thủy sản cũng suy yếu.

Với nhóm đầu cơ, toàn bộ nhóm FLC chốt phiên giảm kịch sàn, nhóm Louis cũng lùi sâu. Đến cuối phiên, cổ phiếu FLC ghi nhận mức dư bán giá sàn hơn 23 triệu đơn vị, các mã khác như HAI, AMD, KLF cũng dư bán vài triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 13.400 tỷ đồng, trong đó nhóm vốn hóa lớn giao dịch hơn 4.800 tỷ.

Minh Sơn

Chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ sẽ ra sao?

Nhiều công ty chứng khoán cho rằng việc tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước trước vùng cản 1.280-1.300 điểm có thể khiến VN-Index quay đầu giảm.

Thị trường chứng khoán đã có hai phiên tăng liên tiếp, đóng cửa tại vùng 1.280 điểm trước đợt nghỉ lễ bốn ngày. Lo ngại những thông tin bất lợi phát sinh trong dịp lễ nên nhà đầu tư giao dịch rất thận trọng, thể hiện qua thanh khoản phiên gần nhất chỉ đạt 12.700 tỷ đồng – mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây.

Thông tin tiêu cực không xuất hiện nhưng trong dự báo trước phiên hôm nay, nhiều công ty chứng khoán nghiêng về khả năng VN-Index giảm điểm. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia phân tích, là tâm lý bi quan và cẩn trọng của nhà đầu tư trong nước vẫn hiện hữu.

Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), chỉ báo tâm lý đi xuống nên khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh ngay đầu tuần và thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng vì liên tục thất bại trong việc vượt ngưỡng cản 1.280 điểm nên chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có thể quay đầu và kiểm định lại vùng 1.250 điểm.

“Ý chí tăng vượt vùng 1.300 điểm của VN-Index chưa rõ ràng”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) viết, từ đó ra khuyến nghị tương tự hai công ty trên là nhà đầu tư trung hạn nên tận dụng các nhịp hồi phục để bán bớt cổ phiếu, hạn chế mua mới nhằm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn.

Đồng quan điểm thị trường có thể đối mặt một đợt điều chỉnh và 1.240-1.260 điểm là vùng hỗ trợ quan trọng, nhưng Công ty Chứng khoán VnDirect lại cho rằng đây sẽ là cơ hội giải ngân tốt để nhà đầu tư xây dựng danh mục cho quý cuối năm và cả năm sau.

Theo chuyên gia VnDirect, khuyến nghị này xuất phát từ việc những yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện. Yếu tố xúc tác bên ngoài chuyển biến tích cực khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Ở trong nước, GDP có thể ghi nhận tăng trưởng rất cao bởi mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số nhà băng, chu kỳ thanh toán T+2 chính thức được triển khai và sắp tới là giao dịch lô lẻ cũng là những thông tin cởi trói tâm lý nhà đầu tư.

Với góc nhìn lạc quan hơn, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng khi mốc 1.280 điểm còn được duy trì, xu hướng ngắn và trung hạn vẫn là tăng. Ngưỡng 1.250 điểm là vùng hỗ trợ đáng tin cậy cho xu hướng trung hạn, đồng nghĩa VN-Index tương đối khó xuyên thủng mốc này nếu không xuất hiện những thông tin bất ngờ.

Thiên Ngân

Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch từ 9/9

HoSE vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin.

Như vậy, sau ngày này, nhà đầu tư sẽ không thể mua bán cổ phiếu FLC, thay vì chỉ bị hạn chế (được giao dịch vào buổi chiều) như trước.

Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu FLC dừng ở mức 4.000 đồng, tương ứng với quy mô vốn hóa của doanh nghiệp này đạt hơn 2.800 tỷ. Mã này đã giảm 8/10 phiên gần nhất với 4 phiên giảm kịch sàn.

Trong công văn cảnh báo sẽ đình chỉ giao dịch trước đó gửi FLC, HoSE cho biết doanh nghiệp này chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Cùng với FLC, cổ phiếu HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI – một doanh nghiệp có liên quan với Tập đoàn FLC – cũng nhận thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch với lý do tương tự.

Trước FLC và HAI, cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 và vừa bị hủy niêm yết từ 5/9 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo quy định, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, với trường hợp của ROS, theo đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

HNX cho biết, việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Minh Sơn

Thanh khoản chứng khoán tiếp tục giảm

Sau phiên giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng vào đầu tuần, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm liên tiếp, còn hơn 12.000 tỷ đồng trong phiên 31/8.

Ngưỡng 1.280 điểm của VN-Index tiếp tục là một thử thách khi cả bên mua và bán đều giữ nhịp thận trọng.

Đà giảm mạnh trong phiên đầu tuần trở thành động lực cho dòng tiền bắt đáy. Tuy nhiên, khi chỉ số tăng từ vùng 1.250 điểm lên 1.280 điểm với nhiều cổ phiếu trở lại mặt bằng cũ, bên mua tỏ ra chần chừ. Lực cầu chỉ canh ở vùng thấp, không nỗ lực đẩy giá, còn bên bán cũng không hạ giá quyết liệt. Kết quả là chỉ số của sàn HoSE dao động trong biên độ hẹp gần tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index tăng hơn một điểm, lên trên 1.280 điểm. VN30-Index cũng chỉ tăng hơn 3 điểm, đạt 1.301 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên dưới tham chiếu, còn UPCOM-Index giữ sắc xanh.

VN-Index chốt phiên 31/8 trên ngưỡng 1.280 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 31/8 trên ngưỡng 1.280 điểm. Ảnh: VNDirect

Trên bảng điện, số mã tăng chiếm ưu thế. Sàn HoSE ghi nhận 267 mã tăng, so với 162 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, bên tăng giá cũng áp đảo hơn với tỷ lệ 17:11.

Diễn biến trầm lắng của thị trường một phần do các nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa không đột biến, thị trường thiếu đi cái tên dẫn dắt. Các cổ phiếu nhóm tài chính – ngân hàng, bất động sản phân hóa. Trong VN30, BVH, HDB, VPB, VHM, POW là những mã giao dịch tích cực nhất với biên độ tăng hơn 1%. Ngược lại, VCB, VRE giảm trên 2%, KDH, GAS, GVR mất hơn 1%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, nổi bật trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu ngành điện, thủy sản, bán lẻ. Trong nhóm ngành điện, NT2 tăng kịch trần, REE có thêm hơn 2%. Với thủy sản, VHC tăng hơn 3%, IDI chốt phiên tăng kịch biên độ. Các mã bán lẻ như FRT, DGW cũng khởi sắc.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường tiếp tục giảm. Giá trị giao dịch trên HoSE chỉ ghi nhận hơn 12.700 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với phiên hôm qua và giảm gần 40% so với phiên đầu tuần. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với quy mô gần 200 tỷ đồng trên HoSE.

Minh Sơn

Loạt trải nghiệm đầu tư trúng quà từ game của SSI

Game tương tác chứng khoán “SSI Town – Cú già phố Win” với tổng giá trị quà tặng lên đến 800 triệu đồng thu hút hàng chục nghìn nhà đầu tư tham gia chỉ trong tháng 8.

Không cần có tài khoản chứng khoán, bất kỳ ai cũng có thể nhấc điện thoại lên và truy cập qua website/ứng dụng SSI iBoard hoặc website SSI Town để khám phá thành phố đầu tư.

Theo đại diện nhà sản xuất, Công ty Chứng khoán SSI, “SSI Town – Cú già phố Win” lấy cảm hứng từ phố Wall nổi tiếng và thiết kế dựa trên trụ sở SSI, tọa lạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, mang không khí của cả hai địa danh trên.

Trong tháng 8, “SSI Town – Cú già phố Win” liên tiếp mở sự kiện nâng cao trải nghiệm cho khách hàng với nhiều phần quà và tính năng. Mỗi ngày đăng nhập SSI Town, các cư dân lại được trải nghiệm ít nhất một sự kiện của thành phố.

Trong đó, “Vé vàng may mắn” là sự kiện tâm điểm, được cải tiến nhiều hơn nhằm đem lại lợi thế lớn cho người chơi. Cụ thể, thay vì chỉ diễn ra trong một ngày, thời gian rút vé vàng kéo dài hơn, từ ngày 8/8 đến 22/8. Chỉ cần một tấm vé, bất kỳ ai cũng có thể nhận các phần quà hoàn tiền vào tài khoản với nhiều mệnh giá 100.000 đồng, 500.000 đồng, 1 – 5 triệu đồng.

Loạt trải nghiệm đầu tư trúng quà từ SSI

Danh sách những người chơi may mắn của sự kiện Vé vàng may mắn tháng 8.

Hàng nghìn vé vàng được phát ra, “bảng vàng” cũng đã được cập nhật với người đứng đầu sở hữu tấm vé 5 triệu đồng là cư dân nickname Hopless và hai nhà đầu tư nhận quà 1 triệu đồng với nickname Thánh lướt sóng và Gà con… Đối với những cư dân chưa may mắn lần này, sự kiện “Vé vàng may mắn” sẽ trở lại vào ngày 9/9 tới.

Bên cạnh đó, cư dân SSI Town cũng có thể tham gia sự kiện “Vòng quay may mắn” hàng ngày để nhận điểm kinh nghiệm, loạt thẻ tiền nạp điện thoại với đủ mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng…

Một trong những cách để kiếm nhiều giải thưởng là tích lũy lượt quay đến Thứ 5 – ngày sự kiện 888k diễn ra. Thứ 5 hàng tuần, quà tặng tại “Vòng quay may mắn” sẽ tăng lên gấp bội. Bên cạnh các giải thưởng thường thấy, nhà đầu tư sẽ có cơ hội nhận hoàn tiền lên đến 888.000 đồng vào tài khoản.

Loạt trải nghiệm đầu tư trúng quà từ SSI - 1

Một người chơi may mắn trúng 888.000 đồng khi tham gia game.

Trong 3 ngày 25, 26, 27/8, “Vòng quay may mắn” tăng 3 lần giải thưởng, đem đến cơ hội gấp 3 lần quà tặng cho người chơi. Anh Nguyễn Ngọc Quý – một cư dân của SSI Town là một trong những nhà đầu tư may mắn quay trúng ô 888K tại “Vòng quay may mắn” trong 3 ngày đặc biệt.

Bên cạnh những hoạt động mang tính chất giải trí, “Học viện SSI” vẫn là sự kiện được yêu thích nhất tại “SSI Town – Cú già phố Win” do đem lại nhiều thử thách, kiến thức hữu ích cho người tham gia. Mọi câu hỏi tại “Học viện SSI” đều được thiết kế xung quanh chủ đề tài chính, chứng khoán. Mỗi thứ 6 hàng tuần, chỉ cần vượt qua 10 câu hỏi thử thách của Học Viện, cư dân SSI Town sẽ nhận ngay 200.000 đồng vào tài khoản điện thoại.

Ngoài giá trị giải thưởng theo các sự kiện hàng tuần, “SSI Town – Cú già phố Win” còn đem đến những giá trị hỗ trợ đầu tư cho người tham gia trải nghiệm. Tại mục nhiệm vụ “Đọc bài viết”, nhà đầu tư vừa có thể xem được các chiến lược giao dịch cập nhật hàng ngày của SSI, vừa lấy thêm được lượt quay cho sự kiến “Vòng quay may mắn”.

SSI Town cũng vừa nâng cấp tính năng “Tương tác cú”, cho phép nhà đầu tư trò chuyện với người đồng hành trong gamification. Tùy vào cấp độ của người đồng hành mà nội dung các cuộc trò chuyện sẽ có sự khác biệt. Nếu người tham gia mới chỉ nâng cấp cú lên bậc “Cú mầm non”, người đồng hành cú sẽ trò chuyện đơn giản từ chào hỏi, động viên nhà đầu tư đến điểm qua về thông tin thị trường. Nhưng nếu đã được nâng cấp cao hơn, người đồng hành cú sẽ hóa thân thành trạm thông tin, cập nhật những tin nóng của thị trường, cung cấp thêm dữ liệu liên quan đến đầu tư.

Giao diện Người đồng hành Cú trêm game.

Giao diện Người đồng hành Cú trên game.

Ngoài ra, livestream “Hộp thư cú” trên facebook Chứng khoán SSI cũng là sự kiện đáng quan tâm khi giải đáp các vấn đề thắc mắc về quá trình khám phá thành phố, cũng như giao lưu, chia sẻ, và cập nhật các tính năng, sự kiện hot đang diễn ra tại SSI Town.

Tại “Hộp thư cú”, người tham gia SSI Town cũng có cơ hội tham gia minigame, trả lời đúng trúng ngay voucher trị giá lên tới 500.000 đồng. Đây cũng một trong những hoạt động của SSI nhằm xây dựng cộng đồng người tham gia trải nghiệm có chung sở thích tìm hiểu về đầu tư chứng khoán.

Với loạt sự kiện nối tiếp, nhiều quà tặng và nội dung cập nhật, “SSI Town – Cú già phố Win” kỳ vọng sẽ mang lại những khởi đầu thú vị, bài bản cho hành trình đầu tư của nhiều người.

Tuệ Minh

Cổ phiếu FLC Faros chưa được chuyển sang UPCoM

HNX cho biết chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ của FLC Faros, cũng như tính đại chúng của công ty và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông tin về việc chuyển giao dịch cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros sang thị trường UPCoM.

Theo quy định, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của ROS, theo đại diện HNX, việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

“Việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý”, đại diện của HNX cho hay.

Theo Cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của FLC Faros (ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Sáng 30/8, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) có thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ sàn HoSE sang UPCoM. Tuy nhiên, đây là việc xử lý kỹ thuật trên hệ thống của VSD đối với cổ phiếu khi bị hủy niêm yết.

Trước đó, ngày 25/8, HoSE đã quyết định hủy niêm yết 567,6 triệu cổ phiếu ROS do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và thuộc trường hợp Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

HoSE cho biết đã nhận được giải trình về nghĩa vụ công bố thông tin của ROS, nhưng nhận thấy công ty có khả năng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, công ty này vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Công ty cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.

Trước khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu ROS dừng ở mức thị giá 2.510 đồng, tương ứng với quy mô vốn hóa của FLC Faros ở mức hơn 1.400 tỷ đồng.

Minh Sơn

Latest Posts