In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!
Chứng khoán biến động, có lúc bị kéo về gần ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi lại, với dòng tiền tập trung vào một số nhóm cổ phiếu riêng.
Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ, với khoảng trống thông tin, cùng sự thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến tỷ giá. VN-Index lên gần 1.220 điểm sau ATO nhưng bị kéo về dưới tham chiếu ngay sau đó. Lực bán áp đảo ngay khi mở cửa, trọng tâm ở các nhóm trụ như ngân hàng, khiến diễn biến thị trường kém tích cực.
Chỉ số của HoSE giảm liên tục trong phiên sáng, về gần ngưỡng 1.200 điểm trước giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh liên tục gần đây bắt đầu hấp dẫn những nhà đầu tư có tầm nhìn trung-dài hạn. Lực cầu bắt đáy cũng vào nhanh hơn trong phiên chiều, giúp nhiều mã thu hẹp một phần sắc đỏ.
Đến 13h30, VN-Index hồi trở lại trên ngưỡng 1.210 điểm, tiếp tục đi lên khi dòng tiền hướng vào một số nhóm cổ phiếu riêng, như phân khúc bất động sản, nhóm Hoàng Huy, chứng khoán. Trong các nhóm trụ, một số mã ngân hàng phục hồi, giúp kéo chỉ số trở lại tham chiếu.
VN-Index bật lên 1.225 điểm trước khi thu hẹp về ngưỡng 1.217 khi đóng cửa, giảm 1,45 điểm so với phiên trước. VN30-Index cũng thu hẹp đà giảm về còn 1.270 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index vượt tham chiếu.
Trong nhóm vốn hóa lớn, TPB đứng đầu với mức tăng 2,6%, SSI, VHM có thêm hơn 1%, STB, GAS, CTG, POW, ACB, VIB đóng cửa trong sắc xanh. Ngược lại, PLX, MWG, BCM, VJC, BVH giảm trên 1%.
Ở phân khúc vốn hóa trung bình, nhiều nhóm cổ phiếu được dòng tiền đẩy giá khi thị trường phục hồi trong phiên chiều. Nhóm Hoàng Huy đồng loạt tăng mạnh, với TCH tăng kịch trần còn HHS có thêm hơn 5%.
Nhóm bất động sản cũng được chú ý với đà tăng của một số mã như QCG, HQC, DXG, PDR, NVL. Cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng tương tự, với VCI, VIX, FTS đều vượt tham chiếu khi đóng cửa.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.200 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE chiếm hơn 15.500 tỷ đồng thanh khoản, giảm hơn 3.000 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 31/10 và là phiên thứ 18 liên tiếp nhóm này bán ròng.
Cuối phiên, sàn HoSE có 184 cổ phiếu tăng giá, so với 181 mã giảm giá.
VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 0,6 điểm khi mã này tăng lên 40.800 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất, sụt gần 1% xuống 91.000 đồng.
Lào CaiKhu đất rộng 8 ha để làm dự án nhà ở thương mại tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa sắp đấu giá, khởi điểm từ hơn 920 tỷ đồng.
Khu đất này rộng khoảng 80.085 m2, nằm tại tổ 7, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong đó, diện tích đất ở đô thị hơn 33.018 m2 (gồm 3.778 m2 liền kề, 29.240 m2 biệt thự), đất thương mại dịch vụ 5.530 m2. Thời hạn sử dụng đất ở là ổn định lâu dài, còn thương mại dịch vụ có thời hạn 50 năm.
UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để chọn nhà đầu tư thực hiện khu nhà ở thương mại tại khu đất này ngày 11/11. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú.
Theo thông báo của Nhất An Phú, giá khởi điểm lô đất này là hơn 920 tỷ đồng, tương đương gần 11,5 triệu đồng một m2. Nhà đầu tư tham gia đấu giá cần nộp cọc trước 184 tỷ và 5 triệu đồng cho một hồ sơ. Cuộc đấu giá sẽ được diễn ra vào ngày 9/12.
Sa Pa hiện là một trong những thủ phủ du lịch của miền Bắc. Thị xã này rộng 677 km2, cách trung tâm tỉnh Lào Cai gần 40 km. Sau khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành năm 2014 đến nay, Sa Pa liên tục thu hút các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng quy mô từ trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.
UBND tỉnh Vĩnh Long khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ nằm tại khu dân cư Phước Thọ, trong khuôn khổ Festival Gạch gốm đỏ, ngày 16/11.
Phố đi bộ thành phố Vĩnh Long nằm tại Khu dân cư Phước Thọ (do Công ty T&T Land Phước Thọ, thành viên của Tập đoàn T&T Group là chủ đầu tư), đường Phó Cơ Điều, phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, hoạt động từ 16/11 đến ngày 23/11, trong thời gian diễn ra Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long. Tuyến phố kiến tạo không gian xanh mát, vỉa hè thoáng rộng, với nhiều cảnh quan đặc trưng của Vĩnh Long.
Hạ tầng xung quanh được xây dựng đồng bộ với các dãy nhà phố, trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại… mang đến cho du khách không gian tản bộ, thư giãn, trải nghiệm mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí đồng bộ.
Trong khuôn khổ Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long, phố đi bộ thành phố Vĩnh Long cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giải trí. Người dân và du khách sẽ được tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc gốm đỏ; hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạch gốm đỏ – di sản đương đại vùng Mang Thít nổi tiếng Vĩnh Long; không gian trình diễn âm nhạc đường phố; triển lãm ảnh nghệ thuật Gạch Gốm đỏ – Kinh tế xanh; hoạt động trưng bày máy móc nông cụ, sáng chế của nông dân; phố ẩm thực đêm với thực đơn đa dạng, hấp dẫn…
Theo đại diện chủ đầu tư dự án, tuyến phố đi bộ sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long, góp phần thực hiện mô hình kinh tế xanh bền vững của địa phương.
Nhân dịp này, Công ty T&T Land Phước Thọ (thành viên Tập đoàn T&T Group) – chủ đầu tư dự án khu dân cư Phước Thọ khánh thành giai đoạn 1 dự án. Đây là dự án bất động sản đầu tiên được T&T Group triển khai xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 1 bao gồm gần 500 sản phẩm biệt thự, nhà ở liên kế, nhà ở liền kế kết hợp thương mại được xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Khu dân cư Phước Thọ có quy mô 11,53 ha, bao gồm hai thành phần: khu dân cư Phước Thọ 1 và khu dân cư Phước Thọ 2. Dự án sở hữu các loại hình từ nhà ở xã hội, biệt thự, liền kề, shophouse cho đến trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp…
Theo đuổi triết lý “tinh hoa thế giới, văn hóa Việt Nam”, khu dân cư Phước Thọ kết hợp giữa đặc trưng cảnh quan sông nước và văn hóa miệt vườn của khu vực miền Tây và ý tưởng phố ven đầm Everglades, Floria (bất động sản gắn với di sản ngập nước lớn nhất Mỹ). Theo đại diện T&T Group, điểm đặc biệt của dự án chính là thiết kế kênh rạch và diện tích mặt nước lớn, giúp cư dân cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc.
Dự án có kiến trúc nhiệt đới kết hợp với các tiện ích, công năng được thiết kế tối ưu, đồng bộ, hiện đại cùng hệ sinh thái xanh. Khu dân cư này kiến tạo nên một khu đô thị sinh thái ven sông với không gian sống trong lành, nơi mỗi ngày đều có thể tận hưởng vẻ đẹp hiền hòa của thiên nhiên và được hòa mình vào nhịp sống bình yên của vùng đất Vĩnh Long.
Khu dân cư Phước Thọ được phát triển bởi chủ đầu tư T&T Land Phước Thọ – thành viên Tập đoàn T&T Group, kết hợp cùng tổng thầu xây dựng Newtecons. Ngoài ra, thương hiệu khách sạn Hilton cũng đã được tập đoàn lựa chọn trở thành đơn vị quản lý vận hành khách sạn cao cấp Hilton Garden Inn Vĩnh Long thuộc dự án khu dân cư Phước Thọ.
Cùng với các dự án quy mô lớn, nổi bật đã và đang hoàn thiện tại Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước như T&T City Millennia (Long An), khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại An Giang (An Giang), khu trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở T&T Sa Đéc (Đồng Tháp), khu đô thị mới tại Cà Mau, dự án số 2 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), T&T Phố Nối (Hưng Yên), khu Du lịch sinh thái Tân Dân (Thanh Hóa), khu dịch vụ – du lịch Gio Hải (Quảng Trị), sân golf Văn Lang Empire (Phú Thọ)… T&T Group đang hiện thực hóa mục tiêu kiến tạo nên những công trình mang tính biểu tượng cho từng địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và đất nước.
Nhiều dãy trọ ở thành phố sẽ khó đáp ứng quy định mới về phòng cháy chữa cháy với đường rộng 3,5 m bởi phần lớn đều có lối vào hẹp, chỉ khoảng 1 m.
UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định 101 về phòng cháy chữa cháy cho hoạt động xây dựng nhà ở mục đích kinh doanh cho thuê trên địa bàn. Theo đó, các khu nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ kinh doanh cho thuê phải đạt tiêu chí đường giao thông cho xe chữa cháy rộng ít nhất 3,5 m, chiều cao đường không nhỏ hơn 4,5 m, bảo đảm thông thoáng ở mọi thời điểm.
Như vậy, các nhóm phòng trọ cho thuê độc lập (do cá nhân xây) có số lượng dưới 20 phòng (phổ biến ở quanh các khu công nghiệp); nhà ở riêng lẻ ngăn chia phòng dưới 20 căn cho thuê và nhóm nhà riêng lẻ vừa ở vừa cho thuê một số phòng dư (phổ biến ở các khu vực trung tâm), sẽ bị tác động bởi quy định này.
Chị Đỗ Thị Quyên, chủ một nhà trọ kinh doanh theo hình thức chung cư mini (có dưới 20 phòng) trên địa bàn quận Tân Bình, lo lắng không biết quy định này chỉ áp dụng cho cấp phép xây dựng nhà trọ mới hay với cả các hộ đang kinh doanh phòng trọ cho thuê.
Chị cho biết đang sở hữu khu trọ xây 3 tầng với khoảng 19 phòng cho thuê, nằm trong hẻm rộng 3 m, thông ra đường Trường Chinh. “Tôi chờ văn bản hướng dẫn xem thành phố có yêu cầu tất cả phòng trọ đang kinh doanh phải đáp ứng tiêu chí này không, nếu có thì tôi khó hoạt động tiếp”, chị Quyên cho hay.
Anh Tiến, người vừa ký hợp đồng thuê một căn nhà nát trên hẻm của đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10) với thời hạn 10 năm, đang xin giấy phép cải tạo lại thành phòng trọ dịch vụ cho thuê. Anh “mất ăn mất ngủ” nhiều ngày qua vì lo khu vực này không đáp ứng các tiêu chí phòng cháy theo quy định mới.
“Hẻm vốn rộng nhưng dân xây dựng sai phép, lấn chiếm hết đường, nếu kiểm tra hiện trạng xin cấp phép xây nhà trọ sẽ khó được phê duyệt. Trong khi đó, tôi đã trả hết tiền thuê căn nhà này”, anh Tiến nói.
Lo lắng của các hộ kinh doanh phòng trọ trên địa bàn TP HCM là có cơ sở. Ghi nhận của VnExpresscho thấy vẫn còn rất nhiều dãy nhà trọ, phòng cho người lao động, sinh viên, nhân viên văn phòng ở cả khu vực nội thành quận 1, 3, 4, 7, Bình Thạnh hay ngoại thành như Tân Phú, Bình Tân, quận 12… có lối vào hẹp, hẻm nhỏ 1,5-2 m, chỉ đủ một người và xe máy lưu thông, nhiều khúc cua hai xe không thể quay đầu.
Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cũng cho biết thành phố hiện có khoảng 60.500 công trình nhà cho thuê do tư nhân đang kinh doanh. Trong đó đa số là nhà trong hẻm với hơn 70% có thể không đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy theo Quyết định 101.
Các chuyên gia đánh giá quy định phòng cháy chữa cháy này sẽ tác động lớn đến hướng phát triển của nhà trọ cao tầng trong tương lai. Ông Phùng Tấn Công, CEO Công ty Đầu tư và Xây dựng Futacons, nói quy định này còn quá mới, chưa rõ mức độ áp dụng thực tế ra sao và đang còn khá nhiều vấn đề cần giải đáp. Đầu tiên đây là việc quy định đang áp dụng cho các tòa nhà từ 2 tầng trở lên và quy mô dưới 20 phòng, với những tòa nhà quy mô hơn 20 phòng cho thuê thì chưa thấy đề cập.
“Cần làm rõ quy định này chỉ áp dụng cho các công trình xây mới hay cả những công trình cũ đã và đang hoạt động, công trình đang xây dựng dở dang chưa hoàn công”, ông phân tích.
Dù vậy theo ông Công, nếu đã có quy định áp dụng cho các căn quy mô nhỏ, thì chắc chắn các tòa nhà có số căn lớn hơn cũng không ngoại lệ, thậm chí yêu cầu về phòng cháy chữa cháy sẽ gắt gao hơn. Theo Luật nhà ở 2023, những căn nhà trọ đã có sẵn đang hoạt động cũng sẽ phải áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy mới. Như vậy nguồn cung loại hình này khó tránh có biến động.
Còn theo chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên, dù Quyết định 101 chỉ áp dụng với các công trình xây mới thì về lâu dài vẫn sẽ tác động đến nguồn cung nhà trọ, phòng trọ trên địa bàn TP HCM.
Ông phân tích, nhà phố ở TP HCM có đến 90% là nhà trong hẻm, trừ các khu dân cư mới được quy hoạch hẻm rộng hơn 6 m, còn lại các khu hiện hữu lâu đời hầu như không đạt yêu cầu hẻm rộng 3,5 m. Đặc biệt là khó đảm bảo tiêu chí để xe chữa cháy có thể lưu thông khi mà những con hẻm này thường bị lấn chiếm xây lam dốc, tam cấp, để xe, chậu cây, buôn bán, xây lố lộ giới…
Theo đó, các chủ phòng trọ cho thuê độc lập ở quanh các khu công nghiệp; nhà ở riêng lẻ ngăn phòng để cho thuê trong khu vực trung tâm đều đang chờ hướng dẫn để đảm bảo an toàn phòng cháy. Nếu không đáp ứng được thì cả nguồn cung mới và hiện hữu đều sẽ giảm mạnh, thị trường nhà trọ có thể “chao đảo” trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, cho biết sắp tới những hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ hay có ý định tham gia thị trường này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư mới muốn tham gia phân khúc cho thuê phòng trọ phải tính toán lại việc tìm kiếm quỹ đất, nguồn hàng, còn những căn trọ hiện hữu cũng cân nhắc việc cải tạo phòng cháy chữa cháy để được hoạt động tiếp, thậm chí dừng kinh doanh nếu không đáp ứng tiêu chí an toàn.
Điều này khiến nguồn cung nhà trọ TP HCM có thể thu hẹp, giá thuê sẽ có biến động trong ngắn hạn trong khi chờ các tòa nhà mới triển khai đúng quy định đưa vào vận hành.
Dẫu vậy, các chuyên gia đều đồng tình khi xét về dài hạn, quy định gắt gao về phòng cháy chữa cháy giúp thanh lọc các phòng trọ, nhà trọ cho thuê không đủ tiêu chuẩn, nhường chỗ cho các dự án đúng chuẩn. Các vụ cháy nổ gây chết người trong những năm vừa qua đã cho thấy chất lượng nhà trọ, phòng trọ tại thành phố cần được chấn chỉnh nhanh chóng để đảm bảo an toàn, trật tự và cao nhất là sinh mạng con người. Vì vậy, đây là một chủ trương đúng nhưng cần có thời gian và hướng dẫn cũng như hỗ trợ để các chủ phòng trọ, nhà trọ không đủ tiêu chuẩn chuyển đổi hoặc chọn hướng kinh doanh khác.
Không xuất hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn trong khi rủi ro vẫn đang thường trực khiến nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường chứng khoán, theo chuyên gia.
Từ đầu tháng 10 tới nay, chứng khoán không ghi nhận phiên giao dịch nào có tổng thanh khoản vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Thị trường có nhiều phiên “ru ngủ” nhà đầu tư khi dòng tiền tham gia nhỏ giọt, hiếm xuất hiện nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt và tạo xu hướng lâu dài.
Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE trong quý III chỉ đạt 14.157 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 20% so với quý trước đó. Mức này cũng thấp nhất kể từ quý II/2023. Chỉ tính khớp lệnh, có hơn 83% lượng cổ phiếu ghi nhận sụt giảm về thanh khoản trung bình.
Chứng khoán lình xình với tâm lý bên mua giao dịch chủ yếu để thăm dò, trong khi bên bán chưa tìm được lý do để chốt lời một cách ồ ạt. Do đó, nhiều nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường, thậm chí tắt ứng dụng, không quan tâm bảng điện.
Khảo sát của VnExpress với gần 3.000 độc giả từ ngày 12-16/11 cho thấy, hơn 41% người được hỏi cho biết họ không có tiền đầu tư. Với những ai đang cầm vốn trong tay, câu trả lời phổ biến nhất là chưa nhìn thấy cơ hội hấp dẫn với gần 700 câu trả lời.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng bên cạnh các câu chuyện triển vọng, thị trường vẫn có những yếu tố gây mất điểm trong mắt các nhà đầu tư gồm xu hướng bán ròng liên tục của khối ngoại, các rủi ro địa chính trị, e ngại về nợ xấu của hệ thống ngân hàng và sự hấp dẫn hơn của các kênh đầu tư khác.
Tính từ tháng 4/2023 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 19 trên 20 tháng với tổng giá trị khoảng 4,4 tỷ USD khi tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất USD – VND nới rộng bởi chính sách tiền tệ trái chiều giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc liên tục lỡ hẹn với nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi cũng khiến cho Việt Nam giảm sức hút. Trong bối cảnh rủi ro gia tăng và mặt bằng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới còn ở mức cao, dòng vốn sẽ có xu hướng “risk-off” (tức rủi ro được cảm nhận ở mức cao), từ đó bán ròng khỏi các tài sản rủi ro hay các thị trường cận biên như Việt Nam.
Thêm vào đó, bà Liên cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử cũng có thể gây các ảnh hưởng trái chiều đến triển vọng kinh tế – chính trị của Việt Nam trong 4 năm tới. Bởi cách thức điều hành của ông Trump được cho là khó đoán và tập trung vào lợi ích của nước Mỹ, vì vậy ảnh hưởng không chỉ đến thương mại mà còn các chính sách tiền tệ và tài khóa khác của Việt Nam.
“Các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản đã nóng lên từ đầu quý III đến nay, khiến nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, làm cho chứng khoán trở nên kém hấp dẫn”, chuyên gia nói thêm.
Góc nhìn tương tự cũng được nhóm phân tích của SGI Capital, công ty quản lý quỹ The Ballad Fund, nêu trong báo cáo mới đây. Họ quan sát thấy dòng tiền trong nước sau nhiều tháng không có lãi đang tiếp tục xu hướng rút ra để chuyển qua kênh bất động sản. Khoảng 12% độc giả tham gia khảo sát của VnExpress cũng cho biết họ đang chuyển từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác.
“Những cơ hội phân hóa đơn lẻ vẫn đang diễn ra nhưng ở quy mô và số lượng hạn hẹp không thay đổi bối cảnh khó kiếm tiền của chứng khoán đã kéo dài 6 tháng qua”, SGI Capital nêu quan điểm.
Khó kiếm lời cũng là lý do phổ biến không kém với độc giả VnExpress khi được hỏi vì sao đứng ngoài thị trường. Khoảng 685 người cho biết danh mục đầu tư của họ đang thua lỗ mặc dù VN-Index đã tăng gần 14% tính từ đầu năm đến hết quý III và khoảng 7,8% nếu tính đến phiên cuối tuần trước.
Trưởng phòng Phân tích PHS giải thích mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý 1 (tăng 13,6%). Trong khi đó, tính từ đầu quý II đến nay, thực tế chỉ số này đang ghi nhận hiệu suất âm 3% với diễn biến sideway (xu hướng đi ngang) biên độ rộng khi liên tục kiểm tra đỉnh 1.300 điểm thất bại.
Theo số liệu của PHS đến cuối quý III, dư nợ cho vay margin của thị trường vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi lập đỉnh vào quý I. Điều này cho thấy rằng nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy nhiều hơn. Trong trường hợp họ tham gia mua đuổi tại vùng kháng cự 1.300 điểm và kết hợp sử dụng đòn bẩy, khả năng thua lỗ nặng là điều có thể xảy ra.
Nhóm phân tích của SGI Capital cũng ghi nhận áp lực rút vốn khiến số dư tiền mặt giảm hai quý liên tiếp và margin tăng lên mức kỷ lục. Cụ thể, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đến cuối quý III đạt khoảng 236.378 tỷ, tích thêm gần 9.100 tỷ so với quý II và đã tăng suốt 6 quý qua. Trong khi đó, số dư tiền gửi trong tài khoản các nhà đầu tư giảm gần 3.800 tỷ, quý thứ hai liên tiếp, về khoảng 91.594 tỷ đồng. SGI Capital cho rằng, điều này tiềm ẩn rủi ro cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên ở góc nhìn tích cực, công ty quản lý quỹ này cho rằng quá trình các rủi ro tiềm ẩn bộc lộ sẽ dẫn tới các nhịp điều chỉnh cần thiết và rồi sẽ giảm bớt rủi ro cho chứng khoán. Từ đó, thị trường có thể tạo ra nhiều cơ hội đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền quay trở lại.
Bà Mỹ Liên cũng nghĩ dấu hiệu rõ nhất trong thời gian tới là cải thiện về mặt thanh khoản, đồng nghĩa với việc dòng tiền quay trở lại và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện. Đây sẽ trở thành lực đỡ rất lớn khi mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng khá thấp. Nếu thanh khoản cải thiện cùng lúc với việc khối ngoại ngưng bán ròng và chuyển sang mua trở lại, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc xem như một chỉ báo tốt.
Kiên GiangTập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi động dự án Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc – Sun Serenia Hospital vào sáng 16/11.
Đây là bệnh viện thứ hai thuộc hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện Healthcare của Sun Group, sau cơ sở đầu tiên là Bệnh viện Mặt trời tại Hà Nội ra mắt tháng 6 vừa qua. Được định hướng xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, đón đầu xu hướng du lịch sức khỏe, Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là khách du lịch tại Phú Quốc, với các dịch vụ y tế cao cấp.
Với diện tích hơn 10.000 m2, đặt tại phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thiết kế tổng thể của bệnh viện lấy cảm hứng từ kiến trúc Huế và nhà vườn Nam Bộ, gợi nhắc đến những công trình lịch sử như Thái Y Viện thời nhà Nguyễn. Bố cục không gian tổng mặt bằng được thiết kế dạng phân tán, với nhiều khoảng sân vườn mở, tạo nên một không gian thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, giúp bệnh viện giống như một resort nghỉ dưỡng hơn là một bệnh viện thông thường.
“Ở đó, khách hàng không chỉ được chăm sóc sức khỏe mà còn được thư giãn, tái tạo năng lượng, kết nối và chữa lành với thiên nhiên”, đại diện Sun Group chia sẻ.
Có quy mô 6 tầng, tổng diện tích sàn lên tới 19.000 m2, Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc trang bị hệ thống máy móc tân tiến cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn và y bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế. Với mục tiêu đem tới những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân và sự an tâm khi du lịch cho khách du lịch hoặc chọn cư trú lâu dài tại đảo Ngọc, bệnh viện sẽ đầu tư phát triển những chuyên khoa điểm nhấn quan trọng như nhi khoa, tim mạch và phòng chống đột quỵ, hồi sức cấp cứu, răng hàm mặt, thẩm mỹ và khoa thăm khám sức khỏe tổng thể…
Bên cạnh đó, bệnh viện còn đầu tư phát triển hai chuyên Khoa khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn quốc tế và Khoa Thẩm mỹ, đưa Phú Quốc trở thành một địa chỉ du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp lý tưởng, với mức giá hấp dẫn dành cho khách du lịch kết hợp nghỉ dưỡng với thăm khám sức khỏe và làm đẹp.
Bệnh viện cũng dự kiến sẽ có các khoa chăm sóc sức khỏe dành riêng cho người già, người có bệnh liên quan đến tim mạch như Khoa tim mạch và phòng chống đột quỵ. Đây được cho là ưu thế của bệnh viện bởi hòn đảo hấp dẫn thứ hai thế giới theo bình chọn của Travel & Leisure, đang là điểm đến của nhiều người về hưu muốn sở hữu kỳ nghỉ dài ngày hoặc an hưởng tuổi già tại một thiên đường trong lành, nắng ấm quanh.
Phát biểu tại lễ khởi động, ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tại đảo đã được đầu tư nhiều, tuy nhiên năng lực vẫn còn rất khiêm tốn. Với việc khởi động dự án, thành phố kỳ vọng bệnh viện khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, khách du lịch trong và ngoài nước, tạo niềm tin để du khách yên tâm vui chơi, nghỉ dưỡng, an cư tại Phú Quốc.
Ông Khoa cũng đánh giá cao vai trò, sự ủng hộ, tâm huyết của các doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn Sun Group những năm qua không chỉ phát triển, củng cố hệ sinh thái du lịch đồng bộ, đẳng cấp mà còn hỗ trợ trong hoàn thiện hạ tầng cơ sở công cộng trên địa bàn thành phố; đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của người dân và du khách.
Ông Bùi Thành Trung – Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam đánh giá Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc, cùng với hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mà Sun Group đã và đang đầu tư tại đảo, sẽ góp phần phát huy tiềm lực của thành phố. Điều này hướng tới mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, trung tâm thương mại, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025, Bệnh viện Mặt trời Phú Quốc sẽ là mảnh ghép hoàn thiện hệ sinh thái du lịch Sun Paradise Land, với các khu nghỉ dưỡng 5 sao, những tổ hợp vui chơi giải trí mà Sun Group đã kiến tạo hơn một thập kỷ qua tại Phú Quốc. Dự án hiện thực hóa nâng tầm chất lượng sống với hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện Healthcare của Sun Group, nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách khi tới Phú Quốc.
Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân phải chung tay mới mong hiện thực hóa giấc mơ phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực.
Tại Talkshow “Sở hữu nhà ở xã hội từ giấc mơ đến hiện thực” do Tập đoàn Hoàng Quân và báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 17/11, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết tiến độ triển khai đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang rất chậm.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2021 có 16 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay mới 10% trong đó được triển khai, số lượng dự án hoàn thành đạt 4% kế hoạch. Giai đoạn 2021-2025, cả nước dự kiến cần 1,1 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn (được 36%). Giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu là hơn 1,3 triệu căn và khả năng đáp ứng dự kiến khoảng 0,6 triệu căn (được 46%).
Tình hình triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng chỉ mới giải ngân 1.783 tỷ đồng (tương đương 1,5% quy mô gói), trong đó dư nợ từ người mua nhà đi vay chỉ 150 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ ra 5 điểm nghẽn của nhà ở xã hội gồm quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Hiện nay thủ tục triển khai nhà ở xã hội đã được “cởi trói” phần nào nhưng vẫn còn vướng cơ chế, quy trình khi mỗi địa phương thực hiện một kiểu, hồ sơ phê duyệt phức tạp, kéo dài làm nản lòng doanh nghiệp.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhận định làm nhà ở xã hội khó hơn là nhà thương mại, bởi nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu là các gói tín dụng ngắn và trung hạn, mang tính thời điểm, không bền vững. Cơ chế triển khai vẫn là doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư nhưng bị giới hạn lợi nhuận tối đa 10% trong khi thủ tục, quy chế khó hơn làm nhà thương mại.
“Nhiều chủ đầu tư không mặn mà, chọn phân khúc này phần nhiều là sự san sẻ với xã hội”, ông Hiếu nói.
Quan trọng là tìm quỹ đất làm nhà ở xã hội rất khó, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Ngay cả ở các tỉnh cũng có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất do địa phương chưa quan tâm, chủ động dành quỹ đất cho loại hình này khi quy hoạch.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng một “điểm nghẽn” lớn khác là lãi suất vay. Nhà ở xã hội là sản phẩm mà Chính phủ mong muốn phát triển dành riêng cho nhóm người có thu nhập thấp. Nhưng thu nhập thấp khó đi vay mua nhà khi lãi suất lên đến 6,6%, mức này thậm chí cao hơn cả lãi vay ưu đãi nhiều nhà băng áp dụng cho mua dự án thương mại.
“Từ 4,8% tăng lên 6,6% là mức tăng khá cao. Lãi tăng đồng nghĩa chi phí mua nhà tăng và người dân càng khó tiếp cận”, ông Châu nhận xét.
Thạc sĩ Trần Hoàng Nam, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, nêu ý kiến về câu chuyện đầu ra. Nhiều địa phương, người dân muốn mua nhà ở xã hội thì không có, nhưng không thiếu dự án bán chẳng ai quan tâm. Các nhà phát triển cần xem xét lại chất lượng nhà ở xã hội, không giữ tâm lý làm nhà ở xã hội là phải ở vùng sâu vùng xa, vị trí xấu, không cần tiện ích, dịch vụ hay chất lượng sống cao. Nếu làm dự án ở nơi không thuận lợi giao thông, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế dân sinh không tốt… thì làm cũng bỏ phí. Rõ ràng nhất là hàng nghìn căn nhà tái định cư hoang phế những năm qua.
Bàn về giải pháp để đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội có thể đi vào hiện thực, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần có sự chung tay của “bốn nhà” gồm: nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Trong đó nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.
Về phía nhà băng nên xem xét lại câu chuyện lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự “ưu đãi” với nhóm thu nhập thấp. Nhà phát triển dự án dừng tư duy “làm cho xong” mà phải “làm cho tới”. Bởi nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…
Còn với nhà dân (người mua nhà ở xã hội), bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi.
Về nâng chất lượng cho nhà ở xã hội, Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực trong việc thay đổi quan điểm về làm nhà ở xã hội. Hướng đến phát triển loại hình này có chất lượng tương đương nhà thương mại. Hoàng Quân cũng vừa giới thiệu bộ tiêu chuẩn E.S.H.C (tiêu chuẩn về phát triển nhà ở xã hội chất lượng cao) sẽ được áp dụng tại tất cả dự án của doanh nghiệp thời gian tới.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường sớm giúp các địa phương triển khai quy chuẩn về nhà ở xã hội, đưa hoạt động phát triển loại hình này vào kế hoạch trong năm tới, tránh hiện tượng mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Để đạt được mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh cải cách thể chế, quy hoạch lại quỹ đất, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân.
Uỷ ban Chứng khoán cấm 23 cá nhân giao dịch chứng khoán 2 năm vì cho mượn tài khoản để thao túng cổ phiếu của Khang Minh Group.
Theo Uỷ ban Chứng khoán, 23 cá nhân này đã cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng thị trường (thao túng giá cổ phiếu GKM) từ 2/8/2021 đến 28/1/2022.
Giao đoạn này, cổ phiếu GKM của Khang Minh Group đã tăng từ 7.450 đồng lên tới 39.390 đồng, tương đương hơn 5 lần. Đây cũng là đợt tăng mạnh nhất của GKM kể từ khi niêm yết.
Qua kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan này quyết định phạt các nhà đầu tư bằng hình thức cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 14/11. Đồng thời, 23 cá nhân trên cũng bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại các doanh nghiệp ngành chứng khoán, quản lý quỹ trong 2 năm.
Khang Minh Group tiền thân là Công ty cổ phần Gạch Khang Minh, được thành lập năm 2010. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng, thạch cao cung cấp cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Giá cổ phiếu GKM hiện ở mức 6.900 đồng, giảm 80% so với đầu tháng 9.
Còn ông Nguyễn Việt Hà cũng từng bị Uỷ ban Chứng khoán phạt 1,5 tỷ đồng vì thao túng cổ phiếu GKM hồi cuối năm ngoái. Cùng với đó, ông Hà không được giao dịch chứng khoán và đảm nhận chức vụ tại doanh nghiệp ngành chứng khoán trong 2 năm kể từ 9/10.
Ông Nguyễn Việt Hà gia nhập HĐQT Khang Minh Group từ tháng 5/2021 và đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc tháng 10/2022. Đến 10/10/2023, ông bị công ty miễn nhiệm hai chức danh này.
Vinpearl vừa trở thành công ty đại chúng – động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ngày 15/11, Uỷ ban Chứng khoán thông báo xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vinpearl. Đây là công ty con của Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,55%, có địa chỉ đăng ký tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hoà.
Việc Vinpearl trở thành công ty đại chúng là động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tại phiên họp thường niên của Vingroup hồi tháng 4, lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để niêm yết cổ phiếu Vinpearl trong năm nay.
Vinpearl là một trong những thương hiệu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu, từng có 45 cơ sở thuộc thương hiệu Vinpearl tại 17 tỉnh, thành phố. Hiện tại, theo thông tin công bố trên website, Vinpearl còn 10 khu khách sạn, resort tại Phú Quốc, Nha Trang, Hội An và Quảng Ninh.
Nửa đầu năm nay, Vinpearl lãi sau thuế gần 2.580 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ 2023. Vingroup cho biết trong quý II/2024, hệ thống này bán được gần 452.000 phòng, tăng 25%. Doanh thu của VinWonders và Vinpearl Golf cũng tăng lần lượt 52% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt trên 31.500 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,15 lần, tương ứng với nợ phải trả xấp xỉ 36.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Như vậy, quy mô tài sản của Vinpearl đạt khoảng 67.750 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).
Trước đây, Vinpearl từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với mã VPL từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup, nên cổ phiếu VPL đã được hoán đổi thành cổ phiếu VIC.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà xã hội dự kiến hoàn thành từ nay đến năm sau.
Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Giai đoạn 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và ba dự án hoàn thành một phần.
Sở cho biết từ nay đến năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000 m2 sàn.
Giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án dự kiến triển khai với gần 57.200 căn, tương ứng 3,2 triệu m2 sàn. Trong đó, thành phố đang thẩm định chủ trương đầu tư 4 trên 5 khu nhà ở xã hội độc lập tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh. Các dự án có tổng diện tích trên 200 ha, cung ứng hơn 12.000 căn.
Dự án
Vị trí
Quy mô
Số lượng căn hộ
Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1
Xã Tiên Dương, huyện Đông An
39 ha
3.000
Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2
Xã Tiên Dương, huyện Đông An
44 ha
3.200
Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi
Xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm
38 ha
2.400
Khu nhà ở xã hội tập trung
Xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh
81 ha
3.600
Thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Thủ đô cũng được bổ sung từ việc chuyển đổi khu nhà ở sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà xã hội cho thuê. Sở Xây dựng đã được giao lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, trình chấp thuận trong năm 2024. Trong năm 2026, hai toà nhà A2, A3 dự kiến hoàn cải tạo, nâng cấp, còn toà A4 hoàn thành xây dựng chậm nhất trong năm 2027.
Ba toà nhà tại Khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp được phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng từ tháng 8/2019. Dự án này vốn được phê duyệt từ năm 2009 bằng nguồn vốn trung ương, gồm 6 toà nhà cao 19 tầng, một tầng hầm, dự kiến đáp ứng nhu cầu cho hơn 21.300 sinh viên. Đến nay, ba toà A1, A5, A6 đã hoàn thành, đáp ứng cho 10.800 học sinh, sinh viên. Riêng toà A2 và A3 đã xây xong phần thô, nhà A4 chưa triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất bổ sung khoảng 15 khu đất quy mô lớn để đầu tư dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 2.000 căn mỗi khu. Trong đó, 2-3 khu cần quy hoạch gần các khu công nghiệp để xây dựng nhà xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công.
Theo các chuyên gia, nhà ở bình dân, nhà xã hội chính là “tia hy vọng” giúp cân bằng giá nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và lành mạnh. Hồi tháng 5, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố cam kết khởi công ít nhất 1 dự án ở xã hội trước ngày 1/10. Đến nay, tình trạng phát triển nhà xã hội tại thủ đô vẫn chậm, mới đạt 9% chỉ tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025.
Đất đấu giá tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai vừa ghi nhận mức trúng cao nhất 90,3 triệu đồng một m2.
Sau 2 tháng tạm dừng, Thanh Oai – địa phương là điểm nóng về đấu giá đất ở Hà Nội hồi đầu tháng 8 – đã tổ chức lại hoạt động bán đấu giá đất. Ngày 15/11, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện này đã tổ chức phiên đấu giá 25 lô đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
25 lô đất có ký hiệu từ 93-117, diện tích nhỏ nhất gần 84 m2 và lớn nhất hơn 143 m2. Giá khởi điểm các lô này từ 5,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền cọc 88-151 triệu đồng mỗi lô. Cuộc đấu giá sẽ phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, với bước giá 5 triệu đồng mỗi m2.
Phiên đấu giá này đã thu hút hơn 100 nhà đầu tư tham gia, giảm mạnh so với sự kiện hồi tháng 8. Khi đó, buổi đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao có khoảng 1.500 người tham dự, đẩy giá trúng cao nhất lên hơn 100 đồng một m2.
Kết thúc sự kiện cuối ngày hôm qua, cả 25 lô đất đều được bán thành công. Lô trúng cao nhất ghi nhận ở mức 90,3 triệu đồng một m2 – gấp 17 lần giá khởi điểm. Hai thửa đất trúng với giá này có diện tích gần 114 m2 và 129 m2, tương ứng tổng giá trị 10,3 tỷ và 11,7 tỷ mỗi lô
Lô thấp nhất trúng tại buổi đấu giá ngày 15/11 trúng với 45,3 triệu đồng một m2. Mức giá này gấp 8,5 lần giá khởi điểm.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, so với 68 thửa đất đấu giá hồi tháng 8, 25 thửa đất vừa bán có vị trí đẹp hơn. Vì vậy, mức trúng cao nhất 90,3 triệu đồng một m2 có thể coi là đã hạ nhiệt so với cách đây 2 tháng.
Thanh Oai là huyện phía Nam, cách trung tâm TP Hà Nội hơn 20 km, với dân số hơn 200.000 người. Huyện này cũng chưa có khu đô thị quy mô lớn nào được hoàn thành.
Lượng người tham gia đấu giá ở các huyện ven Hà Nội giảm mạnh trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái để hạ nhiệt hoạt động này. Nhiều địa phương từ cuối tháng 8 cũng đã phải tạm dừng tổ chức đấu giá đất để rà soát pháp lý. Đầu tháng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.
Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.
Ngôi nhà có quy mô một tầng và gác lửng, được xây dựng trên khu đất rộng 40 m2 tại Morelia (Mexico).
Lấy cảm hứng từ bảo tàng Paula Rego – một công trình nổi tiếng của Bồ Đào Nha, ngôi nhà là sự kết hợp giữa các yếu tố: kiến trúc, ánh sáng và không gian, nhằm tạo nên một chốn về tối giản, bình yên cho gia chủ.
Kiến trúc và mặt tiền ngôi nhà nổi bật bởi hình khối đơn giản, sơn một màu.