Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Thêm một ngân hàng sắp niêm yết cổ phiếu

Ra Tết, hơn 1 tỷ cổ phiếu của Ngân hàng Nam Á sẽ niêm yết và giao dịch trên sàn HoSE.

Ngân hàng Nam Á (NamABank) vừa có nghị quyết thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và ngừng giao dịch vào ngày 28/2.

Dự kiến ngày 8/3, cổ phiếu của NamABank sẽ giao dịch lần đầu tiên tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).

Từ cuối năm 2023, NamABank được HoSE chấp thuận đăng ký niêm yết một tỷ cổ phiếu với trị giá hơn 10.580 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này dự kiến là ngân hàng thứ 20 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán được NamABank lên kế hoạch từ nhiều năm nay nhưng tới gần đây mới hiện thực hóa được, theo lãnh đạo nhà băng vì lý do khách quan và chủ quan.

Từ cuối 2020 đến nay, cổ phiếu NAB giao dịch tại UpCoM, nơi giao dịch chứng khoán của các công ty chưa được niêm yết. Hiện, NAB đang ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay, gần 16.000 đồng một cổ phiếu.

Trên thị trường hiện nay, nhà đầu tư giao dịch nhiều nhất trên sàn HoSE và HNX. Trong đó, HoSE có quy mô vốn hóa và khối lượng giao dịch lớn nhất, đi kèm quy định niêm yết nghiêm ngặt, gồm việc doanh nghiệp phải có lãi hai năm liền trước. Còn UPCoM thường tập hợp cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa đăng ký hoặc chưa có đủ điều kiện để niêm yết trên HoSE hoặc HNX.

Ngoài NAB, cổ phiếu của 7 ngân hàng khác cũng đang giao dịch trên UpCoM như BVB, ABB, PGB, VAB, SGB, KLB, VBB.

NamABank là nhà băng có quy mô tài sản gần 210.000 tỷ đồng, trong nhóm 20 ngân hàng có tài sản lớn nhất. Cả năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng hơn 45% lên mức kỷ lục 3.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,6% vào đầu năm tăng lên hơn 2,1% cuối năm ngoái trong bối cảnh chung của ngành ngân hàng.

Theo lãnh đạo nhà băng, từ năm ngoái, Nam A Bank đã kiện toàn dàn nhân sự cấp cao nhằm giúp ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Dàn hội đồng quản trị của NamABank hiện gồm chủ tịch là ông Trần Ngô Phúc Vũ, hai phó chủ tịch Trần Ngọc Tâm và bà Võ Thị Tuyết Nga, hai thành viên hội đồng quản trị khác là ông Nguyễn Đức Minh Trí, bà Nguyễn Thị Thanh Đào và thành viên độc lập là bà Lê Thị Kim Anh.

Chủ tịch và ban lãnh đạo của NamABank hiện không sở hữu hoặc sở hữu lượng nhỏ cổ phiếu của ngân hàng. Cổ đông lớn duy nhất thể hiện trên báo cáo quản trị của nhà băng nắm trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương.

Quỳnh Trang

SHS có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Chí Thành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Chứng khoán SHS, thay ông Vũ Đức Tiến thôi chức đi chữa bệnh.

Quyết định này vừa được Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thông qua.

Theo SHS, ông Vũ Đức Tiến có nguyện vọng thôi chức Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật để đi chữa bệnh. Đồng thời, SHS đã bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc, thay các vị trí của ông Tiến.

Việc thay đổi tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ có hiệu lực sau khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận.

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc mới của SHS. Ảnh: SHS

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc mới của SHS. Ảnh: SHS

Ông Nguyễn Chí Thành có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Tổng hợp Boston (Mỹ), cử nhân kinh tế đối ngoại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ông đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, đầu tư, quản lý tài sản. Ông đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc SHS từ tháng 5/2014.

Ông Vũ Đức Tiến có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đã đồng hành với SHS kể từ ngày đầu thành lập. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc từ tháng 9/2014. Gần 10 năm giữ vai trò CEO, ông Tiến đã đưa SHS vào nhóm 6 công ty chứng khoán vốn điều lệ cao nhất thị trường. Thôi giữ vị trí CEO, ông Tiến vẫn tiếp tục vai trò thành viên Hội đồng quản trị.

Năm 2023, SHS ghi nhận tổng doanh thu hơn 1.460 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước và tương đương 75% kế hoạch. Lãi trước thuế đạt 684 tỷ đồng, gấp gần 3,5 lần năm 2022, nhưng chỉ tương ứng 62% kế hoạch.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 của công ty này đạt 11.457 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

Minh Sơn

Chứng khoán rung lắc cuối phiên

Lực bán xuất hiện cuối phiên khiến VN-Index giảm nhẹ gần 0,5 điểm, bảng điện phân hóa khi dòng tiền chỉ tập trung một số mã, rải rác ở các ngành.

VN-Index mở cửa trong sắc xanh, tăng hơn 5 điểm chỉ sau 20 phút đầu giao dịch. Sau đó, chỉ số đại diện sàn HoSE hạ độ cao và bắt đầu rung lắc ở cuối phiên sáng. Chỉ số này đi sát tham chiếu đến gần 14h, trước khi ghi nhận lực bán xuất hiện dày đặc hơn và bị nhuộm đỏ. Những phút cuối phiên, chỉ số liên tục giằng co.

VN-Index đóng cửa ở 1.172,55 điểm, giảm nhẹ gần 0,5 điểm so với hôm qua. Toàn sàn HoSE có 267 mã giảm giá, trong khi ghi nhận 199 mã tăng.

Ba nhóm công nghệ, bán lẻ và hóa chất tiếp tục dẫn đầu về chỉ số ngành. Diễn biến khả quan của các nhóm chủ yếu đến từ lực kéo của cổ phiếu trụ cột như FPT, GVR và MWG. Cả ba mã này cùng tăng trên 2% trong hôm nay và lần lượt đứng vị trí thứ 2, 3 và 4 trong top 10 cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.

Bất động sản có chỉ số ngành giảm, nhưng vẫn xuất hiện một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường. NVL đứng đầu về thanh khoản với hơn 1.130 tỷ đồng, chiếm gần 6% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Mã chứng khoán của Novaland chốt phiên tăng 1,8%. PDR đứng thứ hai về thanh khoản với gần 970 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu này tích lũy thêm 4,4% so với tham chiếu. Cả hai đều nằm trong top 10 cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường.

Hôm nay bảng điện ngành chứng khoán cũng xuất hiện nhiều sắc xanh. Tiêu biểu có MBS chốt phiên cao hơn 2,7% so với tham chiếu. Hai mã VIX và VCI cùng tăng trên 1%. SSI chỉ nhích thêm 0,4% về thị giá, nhưng thanh khoản thuộc nhóm cao trên thị trường với hơn 820 tỷ đồng.

Thanh khoản tiếp tục ngược chiều điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.700 tỷ đồng.

Sau ba phiên ưu tiên gom hàng, khối ngoại hôm nay trở lại bán ròng hơn 210 tỷ đồng. Họ tập trung bán các mã VNM, SHS, PC1.

Tất Đạt

Cổ phiếu bán lẻ hút dòng tiền

Các mã FRT, MWG, DGW tăng mạnh giúp bán lẻ trở thành một trong những nhóm ngành nổi bật trong phiên chứng khoán tăng gần 9 điểm hôm nay.

VN-Index mở cửa trong sắc đỏ khi dư âm bán tháo trong phiên trước vẫn đọng lại. Chỉ số đại diện sàn HoSE sau đó được kéo lên tham chiếu. Đến khoảng 10h, chỉ số này tiếp tục rung lắc nhưng nhanh chóng vực dậy nhờ lực cầu xuất hiện nhiều hơn và sắc xanh lan tỏa khắp bảng điện, nhất là nhóm midcap.

Sang buổi chiều, chỉ số này giữ vững đà tăng, chỉ biến động nhẹ. VN-Index chốt phiên ở 1.173 điểm, tăng gần 9 điểm so với hôm qua.

Sàn HoSE có 270 cổ phiếu tăng, trong khi số lượng cổ phiếu giảm giá là 177 mã. Nhóm hóa chất, công nghệ và bán lẻ dẫn đầu đà tăng về chỉ số ngành.

Cổ phiếu bán lẻ hút dòng tiền từ buổi sáng và giữ hiệu suất tốt đến khi chốt phiên. Trong đó, MWG là mã có thanh khoản cao thứ hai thị trường với thị giá tăng 2,7%. Có giá trị giao dịch thấp hơn nhưng FRT lại tích lũy đến 3,1%. DGW hôm nay cũng chốt phiên cao hơn 1,5% so với tham chiếu. PNJ nhích nhẹ thêm 0,2%.

Nhóm hóa chất và công nghệ nổi bật có hai mã GVR và FPT. Cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng kịch trần và đứng thứ hai trong nhóm các mã góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index. FPT dẫn đầu thị trường về thanh khoản với gần 770 tỷ đồng, thị giá tăng 4,4%.

Thị trường tái diễn điệp khúc thanh khoản trái chiều điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt gần 15.300 tỷ đồng, giảm hơn 8.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng ở phiên thứ ba liên tiếp nhưng giá trị lùi lại còn hơn 60 tỷ đồng. Họ tập trung mua PNJ, HPG, MWG.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lưu ý các nhà đầu tư hạn chế mua đuổi khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Thay vào đó, nên cân nhắc tận dụng những phiên tăng điểm để hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt. Nhóm phân tích này cho rằng, áp lực bán vẫn có xác suất gia tăng bất ngờ tại vùng kháng cự mạnh quanh khu vực 1.180-1.190 điểm, đặc biệt là trong những phiên còn lại trước khi bước vào kỷ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày.

Tất Đạt

Con gái bầu Đức muốn bán 2 triệu cổ phiếu HAG

Bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Bầu Đức, vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HAG trong bối cảnh cổ phiếu này tăng mạnh thời gian qua.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi Ủy ban chứng khoán Nhà Nước và HoSE, trưa 31/1.

Theo đó, bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HAG thông qua khớp lệnh trên sàn. Giao dịch được thực hiện từ 5/2-4/3. Lý do bán là xử lý tài chính cá nhân.

Trước đó, bà Đoàn Hoàng Anh đang sở hữu 11 triệu cổ phiếu HAG, tỷ lệ 1,19%. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu bà Hoàng Anh nắm giữ còn 9 triệu, tỷ lệ 0,97%.

Trong phiên sáng 31/1, giá cổ phiếu HAG dao động quanh 14.500 đồng, giảm 3% so với tham chiếu. Với mức giá này, nếu bán thành công, bà Anh có thể thu về khoảng 28-29 tỷ đồng.

Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. Theo đó, lũy kế cả năm công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.805 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,6% và 75,5%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, sắp tới sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.

Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, theo bầu Đức, mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.

Năm nay, công ty này sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm, công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.

Thi Hà

Chứng khoán giảm mạnh nhất hai tháng

VN-Index mất 1,3% (giảm hơn 15 điểm) sau phiên 31/1, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 11/2023, khi cổ phiếu ngân hàng bị bán ồ ạt.

Chứng khoán biến động mạnh trong phiên hôm nay, sau hơn một tuần đi ngang với biên độ hẹp. VN-Index mở cửa trên tham chiếu, nhưng giảm dần theo thời gian giao dịch. Áp lực bán ra ở nhóm “cổ phiếu vua” tăng nhanh khiến sắc đỏ chiếm dần ưu thế. Cuối phiên sáng, chỉ số của sàn HoSE lùi về sát ngưỡng 1.170 điểm.

Lực bán tăng mạnh hơn trong phiên chiều khi tâm lý rút tiền trước Tết gia tăng. Sắc đỏ lan rộng, không riêng với nhóm ngân hàng. Đà giảm nhiều mã nới rộng lên trên 3%. Giữa phiên chiều, VN-Index có nhịp hồi nhẹ, rồi tiếp tục giảm. Chỉ số của sàn HoSE đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên, mất hơn 15,3 điểm (1,3%), xuống 1.164,31 điểm.

Mức giảm 1,3% cũng là con số cao nhất trong hơn hai tháng, kể từ cuối tháng 11/2023. VN30-Index giảm với biên độ tương đương, về 1.166,33 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chìm trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 27.145 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 23.300 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với phiên trước và là mức cao nhất kể từ 4/1.

Sàn HoSE có 101 cổ phiếu tăng giá, so với gần 400 mã giảm giá.

Nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến thị trường dao động. Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa thị trường giảm gần 2%. Trong VN30, SHB giảm hơn 5%, là mã giảm mạnh nhất phiên hôm nay. VCB, STB, TPB mất hơn 2% thị giá, CTG, TCB, MBB giảm 1,6-1,9%.

Dầu khí, hóa chất, hàng tiêu dùng hay bất động sản cũng là những cái tên kéo thị trường đi xuống. VRE đứng thứ hai trong nhóm VN30 về mức giảm với hơn 4%, MSN, GVR mất trên 2%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ chiếm áp đảo.

Một số mã ngược dòng hôm nay như NVL tăng 1,5% sau khi báo lãi cao nhất ba năm, cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán, một số mã xây lắp cũng giữ sắc xanh.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng gần 120 tỷ đồng, phiên thứ hai liên tiếp.

Minh Sơn

‘Vua nha đam’ giảm lãi

Doanh thu và lãi trước thuế tăng nhưng doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí thuế thu nhập hiện hành khiến lợi nhuận sau thuế giảm 8% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) cho thấy năm 2023 công ty đạt doanh thu 484 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 12% và 16%. Tuy nhiên, cả năm 2023 công ty phát sinh thêm chi phí thuế thu nhập hiện hành từ hai nhà máy 12,8 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm của doanh nghiệp giảm gần 8% so với cùng kỳ còn 24,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food, nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp tăng đột biến là biên lợi nhuận gộp từ hai sản phẩm chính tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp giảm lãi sau thuế là do 2 nhà máy phát sinh nghĩa vụ nộp thuế cao. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty mẹ vẫn đạt 27,3 tỷ chỉ giảm 1% so với năm 2022.

Nhà máy sản xuất nha đam của GC Food. Ảnh: Linh Đan

Nhà máy sản xuất nha đam của GC Food. Ảnh: Linh Đan

Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh 2023, ông Nguyễn Văn Thứ cho rằng, đầu năm gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu nhưng nhờ nỗ lực hỗ trợ nông dân về cây giống cũng như trợ giá sản xuất, vùng nguyên liệu đã dần đi vào ổn định. Hoạt động xuất khẩu năm ngoái nhiều thuận lợi. Các thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mua sản phẩm thạch dừa, nha đam từ 20-25% nên lãi trước thuế công ty tăng mạnh so với 2022.

Dự báo năm nay, hoạt động xuất khẩu sẽ đạt nhiều thành quả tích cực. Năm nay, công ty tiếp tục đẩy mạnh thâm nhập nhiều thị trường mới. Với các thị trường quen thuộc, ngành dừa Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi khi các quốc gia tăng hạn ngạch thu mua và ngày càng chuộng hàng Việt.

Theo thương vụ Việt Nam tại các nước, dừa và các sản phẩm từ dừa, trong đó có thạch dừa đang có triển vọng rất lớn về xuất khẩu. Năm nay, nếu Trung Quốc mở cửa sớm cho trái dừa xuất chính ngạch, kim ngạch nhóm sản phẩm này dự báo tăng đột biến.

G.C Food gia nhập ngành nha đam, thạch dừa hơn 10 năm, là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng hơn 20.000 tấn một năm, có mặt ở 19 quốc gia trên thế giới, thường được mệnh danh là “vua nha đam”. Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm và nhà máy thạch dừa Vinacoco (Đồng Nai) với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.

Mới đây, Công ty cổ phần quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VietCapital) đăng ký mua vào gần 1,4 triệu cổ phiếu GCF để cân đối danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/1-27/2.

Nếu thành công, VietCapital sẽ nâng sở hữu tại GCF lên 5,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,23%). Tạm chiếu theo giá đóng cửa cổ phiếu GCF phiên 29/1 là 14.300 đồng, ước tính tổ chức này phải chi ra hơn 19 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.

Thi Hà

Công ty của bầu Đức lãi hơn 1.800 tỷ đồng

Thanh lý tài sản cùng hoạt động kinh doanh thuận lợi đã giúp HAG lãi trước thuế năm 2023 đạt 1.805 tỷ đồng, tăng 75,5% so với 2022.

Đây là thông tin vừa được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo đó, quý IV/2023 doanh nghiệp đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.898 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 410% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý IV, doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ, mảng cây ăn trái của doanh nghiệp tăng cao. Ngoài ra, trong chi phí hoạt động tài chính quý IV công ty biến động lớn nhờ được Eximbank miễn giảm lãi vay giúp lợi nhuận quý tăng đột biến.

Lũy kế cả năm công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.932 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 1.805 tỷ đồng, lần lượt tăng 35,6% và 75,5%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023 tại TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Sắp tới, sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.

Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, bầu Đức cho biết mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.

Năm nay, công ty sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.

Theo bầu Đức, với kế hoạch kinh doanh hiệu quả, dự tính trong năm nay công ty sẽ xóa lỗ lũy kế, đến 2026 sẽ không còn khoản nợ nào.

Thi Hà

Chứng khoán tăng điểm cuối phiên

Dòng tiền mua chủ động xuất hiện cuối phiên giúp VN-Index thoát cảnh rung lắc quanh tham chiếu cả ngày, đóng cửa tăng gần 4 điểm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE rung lắc quanh tham chiếu từ khi mở cửa cho đến khoảng 14h. Thị trường giao dịch khá trầm lắng khiến biên độ các cổ phiếu thay đổi không quá nhiều và phân hóa giữa các nhóm ngành.

Đến nửa cuối phiên chiều, thanh khoản mua chủ động xuất hiện giúp chỉ số này lấy được đà đi lên. VN-Index đóng cửa ở 1.179,65 điểm, tăng gần 4 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có 266 cổ phiếu tăng giá, trong khi số lượng giảm là 174 mã. Tác động tích cực đến thị trường là các nhóm bán lẻ, hóa chất, bất động sản.

Phần lớn cổ phiếu địa ốc có thanh khoản trăm tỷ đều tăng giá hôm nay. Nổi bật là BCM tăng 5,2% và IDC tích lũy thêm 4,7% so với tham chiếu. Cổ phiếu của Becamex trở thành nhân tố góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường. Ngoài ra, các mã KBC, CII và TCH cùng chốt phiên với mức tăng hơn 1%.

Trong khi sắc xanh rải đều ở bảng điện bất động sản, hai nhóm bán lẻ và hóa chất lại tập trung ở các mã trụ cột ngành. Với bán lẻ, MWG hôm nay tăng 1,8% với thông tin Bách Hóa Xanh hòa vốn. FRT tích lũy mạnh 4,8% khi chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt kết quả kinh doanh tích cực. Ở nhóm hóa chất, hai mã cao su GVR và PHR nổi bật với mức tăng lần lượt 2% và 3,2%.

Tuy nhiên, thanh khoản lại đi ngược chiều điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay đạt hơn 13.700 tỷ đồng, giảm gần 550 tỷ đồng.

Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng hơn 120 tỷ sau phiên tập trung xả hàng trước đó. Các cổ phiếu STB, PC1, HSG, BSR, PDR đang hấp dẫn nhóm này nhiều nhất.

Tất Đạt

Cổ phiếu ngân hàng hồi phục

VN-Index kết tuần với nhịp phục hồi hơn 5 điểm nhờ trợ lực lớn từ các cổ phiếu ngân hàng, như VCB, BID, ACB.

Thị trường chứng khoán tuần này chủ yếu đi lùi với ba phiên điều chỉnh liên tiếp, trong đó ảnh hưởng lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm điểm. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan hơn đã xuất hiện trong phiên cuối tuần.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện ngay đầu phiên, giúp VN-Index dao động quanh vùng 1.174-1.176 điểm và chốt phiên gần 1.175,7 điểm. Mức này tăng 5,3 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có 253 cổ phiếu tăng, cao hơn so với 193 cổ phiếu giảm giá. Sự hồi phục của nhóm ngân hàng và các mã đại diện ngành công nghệ thông tin, thực phẩm và đồ uống giữ vai trò chính giúp cải thiện điểm số.

Sắc xanh xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện ngành ngân hàng. VPB dẫn đầu với thị giá tăng gần 2%. Các mã HDB, TCB, VCB hay BID đều tích lũy thêm từ 1% trở lên. Cổ phiếu các nhà băng cũng chiếm 60% mã góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường hôm nay, dẫn đầu là VCB, BID và các mã ACB, TCB, VPB và HDB.

Khi cổ phiếu ngân hàng bắt đầu phục hồi, một số mã bất động sản cũng hút dòng tiền tốt. PDR là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay, đạt hơn 695 tỷ đồng, tăng gần 3%. NLG cũng có mức tăng tương tự. Ngoài ra, ngành này còn ghi nhận SZC tích lũy 5,5% về thị giá.

Thanh khoản thị trường TP HCM cải thiện hơn hôm qua. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 12.900 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực từ tâm lý các ngày trước Tết Nguyên đán khiến thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp. Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào các nhóm bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Sau phiên bán ròng hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài trở lại ưu tiên cho chiều mua. Hôm nay họ mua ròng hơn 230 tỷ đồng, chủ yếu ở các mã HPG, HSG, VCG, EIB, NLG.

Tất Đạt

Em dâu bà Đặng Hoàng Yến bị phạt 1 tỷ đồng vì bán chui cổ phiếu

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vừa bị nhà chức trách phạt 1 tỷ đồng vì giao dịch chui hơn 6,4 triệu cổ phiếu ITA.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là em dâu bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch Hội đồng quản trị ITA và là vợ của ông Đặng Quang Hạnh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ITA.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Hạnh đã mua bán chui cổ phiếu nhiều lần. Cụ thể, bà mua hơn 1,1 triệu cổ phiếu và bán gần 4,7 triệu cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo trong tháng 6/2022. Tiếp đó, trong tháng 7/2022, bà Hạnh cũng bán ra 88.000 cổ phiếu và đến tháng 9/2022 tiếp tục bán 520.000 cổ phiếu ITA.

Do đó, nhà chức trách ra quyết định xử phạt bà hạnh 1 tỷ đồng và phạt bổ sung bà này bằng hình thức đình chỉ giao dịch trong 3,5 tháng.

Việc bán chui cổ phiếu ITA đã giúp bà Hạnh thoát được đà lao dốc của cổ phiếu ITA. Trong tháng 6/2022, cổ phiếu ITA dao động ở mức giá 7.180-12.750 đồng một cổ phiếu. Tính đến tháng 11/2022, cổ phiếu này giảm còn hơn 2.000 đồng một cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu đã tăng trở lại lên 6.270 đồng phiên giao dịch ngày 25/1.

Tại báo cáo quản trị bán niên 2023 của ITA, bà Đặng Thị Hoàng Yến nắm giữ 54,35 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,79%). Ông Đặng Thành Tâm (em trai bà Yến) đang nắm giữ 29,06 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,1%). Còn vợ chồng ông Hạnh không còn nắm giữ cổ phiếu nào.

9 tháng đầu năm, doanh thu ITA đạt 332,7 tỷ đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 115 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2022.

Hồng Châu

‘Nữ hoàng cá tra’ lỗ chứng khoán gần 40 tỷ

Đầu tư hơn 180 tỷ đồng chủ yếu vào cổ phiếu bất động sản, Vĩnh Hoàn lỗ 21,5% trong năm 2023, nhưng giảm một nửa so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy công ty đang có 181,2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, tăng thêm khoảng 1,9 tỷ so với năm 2022. Nhưng giá trị hợp lý của các khoản này vào cuối năm chỉ còn 142,3 tỷ đồng.

Như vậy, Vĩnh Hoàn đang lỗ gần 39 tỷ đồng trong chứng khoán, tương đương 21,5%. Hiệu suất đầu tư của công ty ngược chiều so với thị trường chung khi năm 2023, VN-Index tăng hơn 12%.

Khoảng 97% vốn đầu tư của VHC nằm ở các cổ phiếu bất động sản, lần lượt theo thứ tự là NLG của Nam Long, DXS của Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Đô thị Kinh Bắc. So với năm 2022, Vĩnh Hoàn rót tiền thêm mua NLG và DXS, trong khi bán ra hơn một phần ba lượng cổ phiếu KBC.

DXS là mã gây thiệt hại nhiều nhất cho danh mục của VHC với mức lỗ 42%. Theo sau là NLG với mức lỗ 12% và KBC chỉ đi lùi 1,6%.

Vĩnh Hoàn bắt đầu đầu tư chứng khoán năm 2020 với số vốn khoảng 9 tỷ đồng. Trong năm đầu tiên, hoạt động này không ghi nhận lỗ hoặc lãi. Sang năm 2021, công ty bắt đầu rót tiền gom NLG và DXS để nâng tổng giá trị danh mục lên gần 80 tỷ đồng và ghi nhận hiệu suất 14,6%. Đây là thời điểm thị trường chứng khoán đang trong xu hướng lên giá (uptrend) với mức tăng trưởng của VN-Index đạt gần 36%.

Hoạt động đầu tư cổ phiếu của Vĩnh Hoàn sa sút từ năm 2022. Doanh nghiệp này rót thêm vốn để nâng tổng giá trị danh mục lên hơn 179 tỷ đồng nhưng lỗ khoảng 77 tỷ với mức thâm hụt 42,7%. Thời điểm đó, thị trường chung ghi nhận “cú sập” lớn với VN-Index giảm gần 33%.

Ngoài đầu tư chứng khoán, Vĩnh Hoàn vẫn chuộng đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng. Công ty đang có hơn 236 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và gần 1.926 tỷ đồng tiền gửi trên 3 tháng đến dưới một năm. Nhờ đó, doanh nghiệp này ghi nhận khoảng 117 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 50 tỷ đồng vào kênh trái phiếu.

Về kết quả kinh doanh, Vĩnh Hoàn vỡ kế hoạch đề ra khi sản lượng và giá bán đều giảm trong năm trước. Doanh thu giảm 24% về hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa còn gần 950 tỷ đồng, thấp nhất trong ba năm qua.

Tất Đạt

Latest Posts