Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Vì sao chứng khoán bị bán tháo phiên đầu tuần?

Diễn biến tiêu cực trên toàn cầu đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, khiến áp lực bán chủ động cơ cấu danh mục tăng đột biến dìm VN-Index giảm mạnh nhất hơn ba tháng.

Phiên đầu tuần, VN-Index mất hơn 48 điểm (3,92%) – phiên giảm mạnh nhất kể từ 15/4. Chỉ số của HoSE cũng lùi về dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm – mức diểm được xem là vùng hỗ trợ quan trọng của thị trường.

Nói với VnExpress cuối phiên giao dịch này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng diễn biến tiêu cực trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu, lo ngại khủng hoảng kinh tế, cho tới căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng tâm lý thị trường. “Hiệu ứng tâm lý khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo”, ông nói.

Việc chỉ số rơi những nhịp nhanh với biên độ cao trong phiên, theo chuyên gia này, không đến từ động thái bán giải chấp. Thay vào đó, lo ngại thị trường sẽ xấu hơn, cắt lỗ chủ động hoặc chốt bớt các khoản đầu tư còn có lãi đã khiến áp lực bán tháo tăng vọt.

“Tôi không nghĩ nguyên nhân đà giảm đến từ việc force sell (bán giải chấp bắt buộc) từ công ty chứng khoán, mà đó là áp lực bán chủ động của nhà đầu tư”, ông Minh đánh giá.

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8. Ảnh: Minh Sơn

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8. Ảnh: Minh Sơn

Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cũng nhìn nhận điểm số trượt sâu nhưng thanh khoản không tăng thể hiện sự chủ động rút lui của dòng tiền, đồng thời cho thấy lực cầu đang ở trạng thái thụ động.

Theo nhóm phân tích VCBS, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đang tương đối tiêu cực có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến hành động của nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện tượng cơ cấu nhiều tài khoản chứng khoán cũng gia tăng tác động xấu lên thị trường.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lý giải VN-Index tiêu cực khi chịu ảnh hưởng từ thị trường tài chính toàn cầu. Trong nước, áp lực giải chấp dư nợ margin và cắt lỗ cũng gia tăng mạnh.

Đánh giá về ngắn hạn, các chuyên gia cùng cho rằng rủi ro vẫn hiện hữu. SHS nêu quan điểm chứng khoán sắp tới sẽ duy trì tiêu cực khi không giữ được vùng hỗ trợ tâm lý mạnh quanh 1.200 điểm. Trong kịch bản xấu, chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về 1.150-1.170 điểm, tương ứng vùng giá thấp nhất kể từ tháng 4.

Cũng dự báo thị trường giảm, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư thuộc Công ty FIDT, cho rằng xác xuất cao VN-Index sẽ tạo đáy thành công tại khu vực hỗ trợ 1.200-1.220 điểm trong tuần này và thị trường tiếp tục tích lũy khu vực 1.220-1.260 điểm. Tuy nhiên chuyên gia này vẫn không loại trừ kịch bản xấu hơn rằng chỉ số tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ rất mạnh 1.180-1.200 điểm, sau đó tích lũy tương đối lâu khu vực 1.200-1.240 điểm.

Dù với kịch bản nào, các rủi ro hiện hữu cho chứng khoán vẫn là động lượng thị trường xấu, áp lực call margin (lệnh gọi ký quỹ) chéo tiếp tục xảy ra. Song song đó, căng thẳng địa chính trị Israel – Iran leo thang, rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ và việc thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ của ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng tạo áp lực cho VN-Index tuần này.

Theo nhóm phân tích FIDT, với biến động thị trường tiếp tục cao trong ngắn hạn, dòng tiền lớn chưa gia nhập mạnh, đặc biệt áp lực bán chéo tiếp diễn có thể dễ dàng đẩy rủi ro danh mục đầu tư gia tăng bất ngờ.

“Nên ưu tiên vị thế phòng thủ với tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, cân bằng tỷ trọng cổ phiếu an toàn với cổ phiếu đầu cơ, tránh sử dụng đòn bẩy trong thời gian này”, ông Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ở góc nhìn tích cực hơn, Giám đốc phân tích của Yuanta cho rằng áp lực giảm sẽ không quá mạnh như thời điểm Covid-19 và giai đoạn nửa cuối năm 2022.

“Áp lực tâm lý khiến đà bán tháo lan rộng đẩy VN-Index và hàng loạt cổ phiếu giảm sâu hôm qua. Nhưng điều này đồng thời cũng tạo ra một mặt bằng định giá hấp dẫn hơn nếu xét khung đầu tư trung – dài hạn”, ông Minh nhận xét.

Theo chuyên gia này, định giá P/E của thị trường sau phiên giảm sâu này cũng đã về thấp hơn 11 lần – đây là con số hấp dẫn để đầu tư. Đồng thời, các yếu tố cơ bản của thị trường và nền kinh tế hiện tại cũng không cho thấy diễn biến nào quá xấu.

“Tôi không nghĩ rằng VN-Index sẽ chốt năm nay dưới 1.200 điểm. Áp lực bán tháo có thể diễn ra trong cục bộ vài phiên nhưng nền tảng nội tại và định giá hấp dẫn có thể giúp thị trường trở lại”, ông Minh nói.

Minh Sơn – Tất Đạt

Chứng khoán thủng mốc 1.200 điểm

Áp lực bán tháo mạnh hơn trong phiên chiều 5/8 khiến VN-Index rơi hơn 48 điểm, mất mốc 1.200 điểm khi thị trường tài chính quốc tế cũng chao đảo.

Lực bán tăng vọt ngay đầu phiên chiều. Chỉ số của sàn HoSE mất hơn 40 điểm ngay khi mở cửa, với hàng loạt cổ phiếu bị ép giảm thêm 2-3%.

Lực cầu đỡ yếu, trong khi bên bán dùng lệnh thị trường (MP – lệnh bán bằng mọi giá) khiến nhiều mã giảm sâu. Thị trường hồi nhẹ trở lại rồi tiếp tục bị nhấn chìm. Trong “rổ” VN30, các mã HDB, VRE, SSB nới đà giảm lên hơn 5%, trong khi GVR, CTG, TCB, VHM mất trên 4%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã bất động sản, chứng khoán đứng đầu đà giảm, nhiều mã lộ giá sàn.

Sau 14h, thị trường rơi thêm một nhịp. VN-Index nới đà giảm lên hơn 50 điểm khi áp lực bán tháo tăng vọt. Nhiều cổ phiếu từ mức giảm 3-4% bị ép về giá sàn, ở tình trạng “trắng bảng bên mua”. Tương tự, đầu phiên chiều, nhịp giảm sau đó tiếp tục diễn ra với gia tốc nhanh khi nhà nhà đầu tư dùng lệnh thị trường (MP) để bán cổ phiếu bằng mọi giá.

Chốt phiên, VN-Index mất hơn 48 điểm (3,92%) xuống 1.188 điểm. Mức giảm trong phiên hôm nay là cao nhất trong hơn 3 tháng, sau phiên giảm gần 60 điểm ngày 15/4. VN30-Index hạ gần 49 điểm (3,82%) còn 1.232,11 điểm.

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8. Ảnh: Minh Sơn

Chứng khoán giảm hơn 48 điểm, về dưới 1.200 điểm trong phiên ngày 5/8. Ảnh: Minh Sơn

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi sâu. Cuối phiên, sàn HoSE có hơn 400 cổ phiếu giảm, so với 24 mã giữ sắc xanh. Trong nhóm VN30, toàn bộ 30 mã bluechip đóng cửa dưới tham chiếu. Sắc đỏ bao trùm bảng điện với 3 mã vốn hóa lớn mất trên 6%, 5 mã giảm 5%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, tình trạng “trắng bảng bên mua” lan rộng, đặc biệt là nhóm bất động sản.

Trước đó, chứng khoán mở cửa đầu tuần sáng nay trong sắc đỏ. VN-Index mất gần 20 điểm sau ATO, duy trì vùng giá thấp trong 30 phút sau đó. Áp lực bán ra tăng mạnh ép hầu hết cổ phiếu lùi sâu, trong khi lực cầu bắt đáy thận trọng chỉ chặn ở vùng giá thấp. Thị trường có nhịp hồi nhẹ trở lại vào giữa phiên sáng, nhưng lại quay đầu giảm ngay sau đó. Trong buổi sáng, chỉ số của sàn HoSE mất hơn 24 điểm (1,97%), xuống 1.212 điểm.

Áp lực giảm điểm của thị trường Việt Nam sáng nay cùng chiều với quốc tế. Tài chính toàn cầu đang biến động mạnh trước làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Tại thị trường châu Á, chỉ số Topix và Nikkei của thị trường Nhật Bản giảm gần 6% ngay đầu phiên. Chỉ số Kosdaq và Kospi của Hàn Quốc cũng biến động tương tự. Tại Mỹ, hợp đồng tương lai các chỉ số chính cũng đang chìm trong sắc đỏ.

Làn sóng bán tháo lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu diễn ra sau khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ gây sốc với số liệu yếu hơn nhiều so với dự kiến, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, các nhà giao dịch đang đặt cược mạnh vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các chuyên gia kinh tế tại những tổ chức tài chính hàng đầu như Citigroup và JPMorgan Chase thậm chí dự đoán Fed có thể hạ tới 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9 và tháng 11.

Minh Sơn

Chứng khoán giảm sâu

Áp lực bán tăng vọt khiến VN-Index mất hơn 24 điểm trong phiên sáng 5/8, cùng chiều với thị trường quốc tế trước lo ngại về nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Mở cửa chứng khoán sáng nay, sắc đỏ bao trùm bảng điện. VN-Index mất gần 20 điểm sau ATO, duy trì vùng giá thấp trong 30 phút sau đó. Áp lực bán ra tăng mạnh ép hầu hết cổ phiếu lùi sâu, trong khi lực cầu bắt đáy thận trọng chỉ chặn ở vùng giá thấp.

Trong VN30, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản đứng đầu đà giảm. Tới 10h, toàn bộ 30 mã vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ. SSB, TCB, HDB là những mã giảm mạnh nhất nhóm bluechip, cùng mất hơn 3%. VIC, VHM, HPG, PLX, CTG giảm trên 2%. MSN, VNM, FPT là những cổ phiếu giảm ít nhất, quanh ngưỡng 0,4-0,5%.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ cũng là gam màu chủ đạo. Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ mất 1-3%. Sắc xanh chỉ xuất hiện ở một vài cổ phiếu.

Chứng khoán đỏ lửa trong phiên giao dịch sáng 5/8, với VN-Index mất gần 20 điểm ngay khi mở cửa. Ảnh: Minh Sơn

Chứng khoán đỏ lửa trong phiên giao dịch sáng 5/8, với VN-Index mất gần 20 điểm ngay khi mở cửa. Ảnh: Minh Sơn

Thị trường có nhịp hồi nhẹ trở lại vào giữa phiên sáng, nhưng lại quay đầu giảm ngay sau đó. Chốt phiên sáng, chỉ số của sàn HoSE mất hơn 24 điểm (1,97%), xuống 1.212 điểm. VN30-Index giảm gần 26 điểm (2,02%), còn 1.255 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng mất gần 2%.

Chốt phiên sáng, toàn bộ nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu SSB của SeABank nới rộng đà giảm lên hơn 4%, so với mức trên 3% đầu giờ. HDB, GVR, TCB mất 3%, CTG, BCM, VHM, VIC, HPG, SSI, VPB, VRE, VIB, MBB đi lùi hơn 2% thị giá. Trong nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ chiếm áp đảo, đà giảm nhiều mã tăng thêm 1-2% so với đầu giờ.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu EIB tăng gần 2% sau thông tin Gelex được thông qua được chào mua tăng sở hữu. Một mã ngân hàng khác là PGB tăng 2,4%. Thanh khoản thị trường giữ ở mức thấp, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ hơn 6.500 tỷ đồng, gần một nửa số này là thanh khoản 30 mã bluechip.

Áp lực giảm điểm của thị trường Việt Nam sáng nay cùng chiều với quốc tế. Tài chính toàn cầu đang biến động mạnh trước làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Tại thị trường châu Á, chỉ số Topix và Nikkei của thị trường Nhật Bản giảm gần 6% ngay đầu phiên. Chỉ số Kosdaq và Kospi của Hàn Quốc cũng biến động tương tự. Tại Mỹ, hợp đồng tương lai các chỉ số chính cũng đang chìm trong sắc đỏ.

Làn sóng bán tháo lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu diễn ra sau khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ gây sốc với số liệu yếu hơn nhiều so với dự kiến, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, các nhà giao dịch đang đặt cược mạnh vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các chuyên gia kinh tế tại những tổ chức tài chính hàng đầu như Citigroup và JPMorgan Chase thậm chí dự đoán Fed có thể hạ tới 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9 và tháng 11.

Minh Sơn

Chứng khoán phục hồi

Nhờ lực cầu bắt đáy cuối phiên, VN-Index đảo chiều tăng gần 10 điểm với sự dẫn dắt của các mã bluechip và nhóm chứng khoán.

Chỉ số của sàn HoSE mở cửa với diễn biến tiêu cực khi giảm hơn 13 điểm sau vài phút. Giằng co trong khoảng một giờ tiếp theo, chỉ số này bắt đầu giảm mạnh hơn từ 10h30. Có lúc, VN-Index thủng mốc 1.210 điểm.

Sang buổi chiều, chỉ số này dần phục hồi nhưng lực cầu trên thị trường còn yếu. Sau 14h, VN-Index lấy lại sắc xanh, song nhanh chóng rung lắc. Đến khoảng 14h20, nhà đầu tư mới bắt đáy cổ phiếu nhiều hơn đưa chỉ số này đi trên tham chiếu.

VN-Index đóng cửa ở 1.236,6 điểm, tăng gần 10 điểm – mức mạnh nhất hơn ba tuần qua. Tương tự, hai sàn HNX và UPCoM cũng lấy lại sắc xanh những phút cuối phiên.

Toàn sàn HoSE có 267 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn so với 160 mã giảm. Thị trường được cải thiện với sự đóng góp lớn từ các mã bluechip khi VN30 có 22 cổ phiếu xanh, chỉ số đại diện tích lũy hơn 9 điểm.

Đóng góp nhiều nhất cho VN-Index là BID, GVR, TCB, HPG. Ngoài ra một số mã từng có diễn biến tiêu cực trước đó cũng có nhịp phục hồi tốt, nổi bật là HVN và DBC tăng hết biên độ.

Trong khi đó, VCB là cổ phiếu gây sức ép cho thị trường. Diễn biến trên trái ngược với phiên trước đó khi cổ phiếu Vietcombank từng là bệ đỡ trong phiên giảm mạnh.

Ở các nhóm hút dòng tiền, cổ phiếu ngành chứng khoán có hiệu suất tốt nhất. FTS, CTS và BSI tăng trần. Các mã có thanh khoản lớn như VCI, VND, EVF cũng tích lũy 1,7-3,1%.

Chỉ số cải thiện nhưng tổng giá trị giao dịch trên thị trường TP HCM chỉ đạt gần 16.400 tỷ đồng, thấp hơn 5.000 tỷ so với hôm qua. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng.

Thị trường được tiếp sức khi khối ngoại mua ròng hơn 740 tỷ đồng, phiên thứ hai liên tiếp. Họ gom mạnh các mã VNM, MSN, DGC, HPG.

Đà phục hồi hôm nay vẫn không giúp VN-Index tích lũy điểm số trong tuần này. Tính chung, chỉ số này giảm hơn 5,5 điểm. Thanh khoản duy trì mức thấp cho thấy nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường khi chứng khoán có xu hướng tiêu cực hơn trong thời gian qua.

Tất Đạt

VPS ra mắt website mới

Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) ra mắt website với giao diện mới ngày 1/8, nhằm gia tăng trải nghiệm với nhiều tiện ích vượt trội cho khách hàng.

Lấy mục tiêu trải nghiệm khách hàng làm trung tâm, VPS mong muốn trở thành người bạn đồng hành với các nhà đầu tư. Do đó, công ty chọn ý tưởng chủ đạo “Người bạn đồng hành trên hành trình kiến tạo thịnh vượng và gây dựng tương lai tài chính vững bền” trong lần thay đổi diện mạo website này.

Theo đó, website mới của VPS được thiết kế với gam màu đơn giản nhưng vẫn toát lên sự tinh tế, hiện đại, đồng thời áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm tối ưu trải nghiệm cho từng phân khúc khách hàng.

Giao diện mới của VPS.

Giao diện mới của website VPS.

Giao diện trang chủ của website được thiết kế dựa trên nguyên tắc “1 click”, giúp khách hàng dễ dàng nắm bắt bao quát toàn bộ tính năng hiện có, không phải kéo hay cuộn trang. Từ một cú click chuột, website mới của VPS gợi mở cho khách hàng về hành trình đầu tư. Thiết kế cũng mang ngụ ý theo giá trị cốt lõi của VPS “khách hàng là trung tâm”.

Với giao diện dễ sử dụng, từ nhà đầu tư mới đến những nhà đầu tư lâu năm đều có thể tự trải nghiệm trên cùng một nền tảng website, từ đó từng bước tiếp cận hệ sinh thái toàn diện sản phẩm dịch vụ tại VPS.

Để thuận tiện cho việc tra cứu của khách hàng cá nhân, VPS phân nhóm các sản phẩm dịch vụ tối ưu theo nhu cầu của nhà đầu tư, như nhóm Đầu tư tăng trưởng (Cổ phiếu, Phái sinh, Chứng quyền, Chứng chỉ quỹ), Tiện ích tài chính & Đời sống (Thanh toán, Gify, M-Privilege), dịch vụ tài chính (Quản lý tài sản, Giao dịch ký quỹ)…

Khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin trên website mới của VPS.

Khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin trên website mới của VPS.

Đồng thời, VPS phát triển thêm chuyên mục “Thị trường & Khuyến nghị” giúp nhà đầu tư thuận tiện nắm bắt tin tức, diễn biến thị trường, tạo lập chiến lược đầu tư hiệu quả với các khuyến nghị đầu tư, báo cáo phân tích vĩ mô, doanh nghiệp được cập nhật liên tục.

VPS còn khắc họa chân dung của các nhà đầu tư tỉ mỉ để tối ưu trải nghiệm và đảm bảo cung cấp những kiến thức đầu tư vững chắc với cụm “Cẩm nang giao dịch & Đầu tư”. Với phiên bản website mới lần này, khách hàng còn có thể nắm bắt mọi chuyển động cùng VPS qua mục “VPS với báo chí” hay “Hoạt động VPS”. Đây là nơi cung cấp các thông tin mới nhất về hoạt động của VPS cũng như chương trình ưu đãi mới nhất cho khách hàng.

Bên cạnh đáp ứng các nhu cầu của khách hàng cá nhân, VPS cũng chú trọng đến nhóm khách hàng tổ chức và cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư. Thông qua website mới, VPS mang đến những giải pháp đầu tư hiệu quả và dịch vụ ưu việt cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các dịch vụ như Môi giới khách hàng tổ chức, Phân tích và Tư vấn đầu tư, Quan hệ doanh nghiệp và đầu tư, Dịch vụ M&A, Dịch vụ thị trường nợ…

Với đổi mới này, Ban lãnh đạo VPS kỳ vọng sẽ tạo ra bước vượt trội và giá trị thiết thực cho cộng đồng, góp phần nâng cao kiến thức, tư duy tài chính và khai mở hành trình đầu tư dễ dàng cho mọi thế hệ người Việt. Bên cạnh đó, VPS cũng cam kết thực hành kinh doanh có trách nhiệm thông qua hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển con người và tư duy đổi mới hướng tới tương lai.

Tìm hiểu thêm tại đây.

Thanh Thư

Hơn 400 mã trên sàn HoSE giảm điểm

Chứng khoán điều chỉnh trên diện rộng với 423 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, đẩy VN-Index giảm mạnh nhất hơn tháng qua với trên 24 điểm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa khá tích cực nhờ lực cầu dư âm từ phiên trước. Tuy nhiên, sau một tiếng đầu, bên bán xuất hiện nhiều hơn đẩy chứng khoán vào cơn rung lắc. Nửa cuối buổi sáng, VN-Index rơi vào sắc đỏ, nhưng biên độ không quá sâu.

Sau giờ nghỉ trưa, lực bán bất ngờ xuất hiện dày đặc, lan ra khắp bảng điện, nhanh chóng kéo chỉ số của sàn HoSE mất mốc 1.240 điểm. Khoảng 13h55, VN-Index rơi về gần 1.235 điểm, tức thấp hơn tham chiếu gần 16,5 điểm.

Ngay sau đó, thị trường thu hẹp biên độ nhưng chỉ vài phút sau, chỉ số này tuột về 1.222,5 điểm, tức giảm 29 điểm. Thị trường giằng co thêm vào lúc cuối phiên, VN-Index đóng cửa ở sát 1.227 điểm. So với phiên trước, chứng khoán sụt hơn 24,5 điểm. Hai sàn HNX và UPCoM cũng giảm khá mạnh.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên giảm giá với 423 mã chốt sắc đỏ, chiếm gần 84% trên sàn HoSE. Trong đó, 27 mã về giá sàn, nổi bật có nhiều cổ phiếu đạt thanh khoản trăm tỷ như BCM, HAH, TCH, NTL, PDR và VOS. Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận hai đại diện quen thuộc là QCG và LDG khi cả hai doanh nghiệp đang vướng lùm xùm về pháp lý, kết quả kinh doanh tiêu cực.

Trong số 45 cổ phiếu trụ lại sắc xanh, VCB có diễn biến tích cực nhất. Mã chứng khoán VCB của Vietcombank hôm nay có hơn 436 tỷ đồng thanh khoản, xếp thứ 8 trên thị trường. Thị giá cũng chịu ảnh hưởng bởi phiên điều chỉnh chung nhưng vẫn đóng cửa ở 90.700 đồng một đơn vị, tăng 1,7%. Cổ phiếu này trở thành bệ đỡ vững chắc, giữ VN-Index không giảm sâu thêm nữa.

Lực bán dàn trải khắp nơi nhưng nhìn chung các mã trụ vẫn gây ảnh hưởng hơn hẳn. GVR, FPT, MBB, BCM, BID dẫn đầu nhóm cổ phiếu khiến chỉ số chung giảm nhiều nhất. Riêng các ngành hút dòng tiền, chứng khoán là nhóm có hiệu suất thấp nhất hôm nay.

Thanh khoản thị trường TP HCM tăng hơn 3.800 tỷ lên khoảng 21.400 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất nửa tháng qua. Điểm sáng duy nhất nằm ở giao dịch của khối ngoại khi họ ưu tiên gom hàng trở lại sau ba phiên. Tuy nhiên, giá trị mua ròng chỉ đạt hơn 60 tỷ đồng, mức thấp nhất ba tuần qua.

Sau phiên giao dịch hôm nay, các công ty chứng khoán đều khuyên nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh và tập trung đánh giá lại danh mục.

Tất Đạt

Xây dựng Hòa Bình phản đối HoSE hủy niêm yết cổ phiếu

HBC cho rằng nếu xét báo cáo tài chính riêng, lỗ lũy kế của công ty chưa vượt vốn điều lệ nên muốn HoSE cân nhắc việc hủy niêm yết.

Trong công văn phúc đáp Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) nói không đồng ý các căn cứ xem xét hủy niêm yết bắt buộc mà cơ quan này áp dụng với cổ phiếu của họ.

Thứ nhất, Hòa Bình cho rằng Nghị định 155/2020 không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất hay trên báo cáo riêng. Hiện nay cũng chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn áp dụng hay giải thích quy định này.

Vốn điều lệ của HBC hơn 2.741 tỷ đồng. Trong khi lỗ sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 là 2.401 tỷ đồng, chưa vượt quá số vốn điều lệ. Do đó, họ cho rằng HBC không thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định.

Thứ hai, nhà thầu xây dựng này nói HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây (tức luôn lấy báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán) để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là “không phù hợp với pháp luật hiện hành”. Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE ban hành hồi tháng 3/2018 hướng dẫn về việc căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất để xem xét điều kiện lỗ lũy kế đối với tổ chức niêm yết có công ty con. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2022, Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã ban hành quy chế mới và bỏ quy định trên.

Do đó, HBC cho rằng các trường hợp tương tự với họ trong lịch sử bị hủy niêm yết là phù hợp. Còn ở thời điểm hiện tại, việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây, nguyên tắc tương tự hay bất kỳ căn cứ nào khác không phải quy định pháp luật hiện hành, đều không phù hợp.

Xây dựng Hòa Bình nói việc hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 39.000 cổ đông và hàng nghìn người lao động đang phụ thuộc kinh tế vào công ty. Việc này cũng gây tác động cho hơn 1.400 nhà cung cấp, thầu phụ với hàng trăm nghìn nguời lao động thuộc các doanh nghiệp này.

“Tập đoàn Hòa Bình rất mong HoSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy niêm yết cổ phiếu của công ty”, văn bản phúc đáp ghi.

HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HBC vào cuối tuần trước. Nguyên nhân được đưa ra là lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ. Công ty này lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc “nội chiến“.

Trong thông cáo trước đó, HBC cho biết sẽ chuyển niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang UPCoM và hoàn tất trong tháng 8.

Nói với VnExpress, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC – cho rằng việc chuyển sàn giao dịch không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Cộng thêm việc Hòa Bình cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước, ông Hải khẳng định giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có 36 năm hoạt động, là một trong những nhà thầu tổng hợp hàng đầu trong nước, thế mạnh về thi công xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng.

Công ty từng đảm nhiệm nhiều công trình của các chủ đầu tư lớn như Sungroup, Phú Mỹ Hưng, Novaland, Vingroup, Khang Điền, Keppel Land, Gamuda Land, CEO Group… Doanh nghiệp này là nhà thầu xây dựng tổng hợp đầu tiên ở phía Nam đưa cổ phiếu lên sàn HoSE từ năm 2006.

Tất Đạt

Thanh khoản cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình tăng vọt

Hơn 15 triệu cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình được sang tay trong phiên 31/7, dù mã này vẫn chốt phiên ở giá sàn.

Những cổ phiếu “có tin” tiếp tục biến động mạnh trong phiên hôm nay, nhưng theo chiều hướng tích cực.

Mã HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình giảm kịch sàn ngay khi mở cửa, phiên thứ ba liên tiếp từ khi HoSE ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên, thanh khoản đã trở lại với mã này khi lực cầu bắt đáy vào quyết liệt hơn. Cổ phiếu này có lúc được kéo lên gần tham chiếu, trước khi bị ép trở lại giá sàn khi đóng cửa.

Chốt phiên, hơn 15 triệu cổ phiếu HBC được sang tay, với lực mua của khối nội hấp thụ hết hơn 5 triệu cổ phiếu do khối ngoại bán ra. Khối lượng dư bán sàn đến cuối phiên còn hơn 200.000 đơn vị. Tính từ đầu tuần, thị giá HBC đã giảm gần 20%, từ 7.250 đồng xuống 5.850 đồng cuối phiên hôm nay.

Tương tự HBC, dòng tiền cũng mua vào HNG mạnh hơn – cổ phiếu của HAGL Agrico cùng bị thông báo hủy niêm yết cuối tuần trước. Mã này thoát cảnh “trắng bảng bên mua”, có lúc trở lại tham chiếu. Thanh khoản phiên hôm nay của HNG cũng đạt gần 5 triệu đơn vị.

Chứng khoán hôm nay cũng có phần tích cực hơn so với hai phiên đầu tuần. VN-Index mở cửa trên tham chiếu, vọt lên gần 10 điểm trong nửa đầu giờ sáng nhờ lực kéo của nhóm bluechip. Tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng trước những biến động gần đây, khiến chỉ số lùi dần trong phiên chiều.

Chốt phiên, VN-Index dừng ở 1.251,51 điểm, tăng 6,45 điểm (0,52%) so với phiên trước. VN30-Index tăng hơn 11 điểm (0,88%) lên sát 1.300 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 19.600 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 17.500 tỷ, tăng hơn 3.900 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 600 tỷ đồng, cao nhất trong hai tuần.

Cuối phiên, sàn HoSE có 206 cổ phiếu tăng giá và 224 cổ phiếu giảm giá. VCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,3 điểm khi mã này tăng gần 2%, lên 89.200 đồng. Ngược lại, HPG là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 2,5%.

Minh Sơn

Cổ phiếu đại gia nuôi heo nằm sàn

Sau khi công bố lãi quý II giảm một nửa, cổ phiếu Dabaco trượt dần về mức sàn ở cuối phiên, vào top những mã ảnh hưởng xấu cho VN-Index.

Cổ phiếu của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) giao dịch khá ảm đạm trong sáng nay. Và sau khi báo cáo tài chính quý II công bố với lợi nhuận giảm 55%, nhà đầu tư bắt đầu bán mạnh mã này. Khối lượng giao dịch tăng thêm hàng chục đến hàng trăm nghìn đơn vị sau mỗi phút với bên bán chiếm áp đảo.

Chốt phiên, DBC chạm giá sàn, rơi về 26.050 đồng một đơn vị với thanh khoản gần 357 tỷ đồng, cao thứ 6 trên sàn HoSE. Xét theo khối lượng giao dịch, mã này ghi nhận gần 13,5 triệu cổ phiếu, mức cao nhất trong hai tháng qua. DBC còn dư bán khoảng 417.400 cổ phiếu vào cuối phiên.

Dabaco cho biết tình hình giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tiếp tục biến động trong quý II. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng khiến tổng đàn heo của công ty bị ảnh hưởng. Do đó, mặc dù giá heo hơi trong nước tăng, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn chưa cải thiện đáng kể.

Cổ phiếu của đại gia nuôi heo đứng thứ 10 trong nhóm những mã tác động tiêu cực nhất cho VN-Index hôm nay. Dẫn đầu nhóm này là VHM, BID, FPT. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu trụ có đóng góp tích cực như VIC, MBB, MWG hay TCB. Nhờ đó, VN-Index chốt phiên chỉ giảm hơn 1,5 điểm về quanh 1.245 điểm.

Sau hai phiên tích lũy, chứng khoán gặp áp lực rung lắc ngay đầu phiên. Buổi sáng, chỉ số của sàn HoSE giảm nhưng giữ khoảng cách hẹp so với tham chiếu. Sang buổi chiều, chỉ số này đảo chiều lên sắc xanh. Nhưng ngay sau đó, áp lực bán trở lại và lan rộng hơn, đẩy thị trường có lúc rơi gần 10 điểm. Phiên ATC giúp VN-Index phục hồi để giảm không quá sâu.

Xét theo ngành, cổ phiếu nhóm chứng khoán có hiệu suất kém nhất. VIX giảm 5%, trong khi EVF sụt 3,1%. Các mã VND, VCI và FTS cùng đi lùi 1-2,6% so với tham chiếu.

Thanh khoản sàn HoSE hôm nay tăng hơn 2.300 tỷ lên khoảng 13.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ hai liên tiếp, với hơn 300 tỷ. Họ tập trung xả hàng ở HVN, HAH, PDR, POW.

Tất Đạt

Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico bị bán tháo sau tin hủy niêm yết

Bộ đôi HNG và HBC bị bán tháo trong phiên sáng nay, dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu, sau khi HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc cuối tuần trước.

Sáng nay, cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cùng rơi thẳng về giá sàn ngay khi mở cửa. Hai mã HBC và HNC giảm gần 7% (biên độ tối đa trên HoSE) xuống 6.750 đồng và 4.340 đồng, ở trạng thái “trắng bảng bên mua”.

Đến cuối phiên sáng, thanh khoản của HBC chỉ đạt hơn 200.000 đơn vị, trong khi dư bán giá sàn hơn 12,5 triệu cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng thấp hơn đáng kể so với trung bình hơn 1,7 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong một năm gần đây.

So với HBC, cổ phiếu HNG có thanh khoản tích cực hơn. Mã này khớp hơn 2,2 triệu cổ phiếu giá sàn, còn dư bán hơn 10,4 triệu đơn vị. Thanh khoản phiên sáng của HNG tương đương mức trung bình những phiên gần đây.

Trong khi đó, VN-Index sáng nay giữ sắc xanh. Chỉ số của sàn HoSE mở cửa trên tham chiếu, giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.245-1.250 điểm. Một số mã ngân hàng, bảo hiểm làm trụ đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức thấp, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư. Đến cuối buổi sáng, giá trị giao dịch trên HoSE chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Sang phiên chiều, trạng thái không có nhiều thay đổi. Bộ đôi HBC và HNG tiếp tục “trắng bảng bên mua” cho tới khi đóng cửa. Thanh khoản của HBC chỉ tăng thêm vài chục nghìn cổ phiếu, còn HNG khớp lệnh gần 2,5 triệu đơn vị, tăng khoảng 300.000 cổ phiếu so với cuối giờ sáng.

Diễn biến bán tháo ồ ạt cổ phiếu HBC, HNG diễn ra sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc hai mã này vào cuối tuần trước. Nguyên nhân cùng do kết quả kinh doanh thua lỗ những năm qua.

Lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ. Công ty này lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc “nội chiến“.

Trong khi đó, HGAL Agrico lỗ liên tiếp do kinh doanh dưới giá vốn khi các mảng cây ăn trái và cao su có kết quả kém, trong khi chăn nuôi chưa mang lại thành quả lớn. Ngoài ra, công ty cũng có nhiều khoản nợ, tạo ra áp lực tài chính lớn.

Trong thông cáo cuối tuần trước, HBC cho biết sẽ chuyển niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang UPCoM và hoàn tất trong tháng 8. Khác với HoSE, biên độ biến động giá cổ phiếu trên UPCoM lên đến 15% mỗi phiên. Nói với VnExpress ngày 27/7, ông Lê Viết Hải– Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC – cho rằng việc chuyển sàn giao dịch không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Cộng thêm việc Hòa Bình cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước, ông Hải khẳng định giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.

Còn với HGAL Agrico, tại phiên họp thường niên hồi tháng 5, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết đã lường trước kịch bản bị hủy niêm yết. Nhưng theo ông, điều này không đáng lo ngại. Ông Dương khẳng định dù chuyển sàn, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch và nếu thực hiện tốt, giá cổ phiếu vẫn có thể cải thiện.

Minh Sơn

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai được ‘giải cứu’

Cổ phiếu QCG dứt chuỗi giảm sàn, tăng kịch trần cuối phiên 29/7 khi nhà đầu tư ồ ạt bắt đáy đẩy thanh khoản lên hơn 7,5 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán mở phiên hôm nay trong sắc xanh, nhưng xu hướng chính vẫn giằng co trong biên độ hẹp. VN-Index biến động trong khung từ 1.244 đến 1.250 điểm trong cả phiên, với các nhóm cổ phiếu trụ tăng giảm gần tham chiếu. Lực đỡ từ một số mã ngân hàng và bảo hiểm giúp chỉ số của sàn HoSE “cân” lại đà giảm của nhóm bất động sản, xây dựng.

So với VN-Index, một số mã có thông tin bất lợi gần đây ghi nhận biến động mạnh. Hai cổ phiếu vừa bị Sở HoSE thông báo hủy niêm yết là HBC và HNG giảm kịch sàn với dư bán hàng triệu cổ phiếu.

Ngược lại, mã QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng trở lại sau chuỗi 6 phiên giảm sàn liên tiếp trước đó. Lực cầu bắt đáy tăng liên tục theo thời gian giao dịch. Đến cuối phiên, QCG tăng kịch trần, ở trạng thái “trắng bảng bên bán”. Thanh khoản hôm nay đạt hơn 7,5 triệu cổ phiếu, so với mức chỉ vài chục nghìn đơn vị những phiên đầu tuần.

VN-Index chốt phiên hôm nay trong sắc xanh tại 1246,6 điểm, tăng 4,49 điểm (0,36%) so với phiên trước. VN30-Index thêm gần 4 điểm, lên 1.285,73 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc xanh.

Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE chiếm gần 11.400 tỷ. Mức này giảm nhẹ so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ 8/7. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 220 tỷ đồng, cao nhất trong gần một tuần.

Cuối phiên, sàn HoSE có 244 cổ phiếu tăng giá và 168 mã giảm. BID là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,2 điểm khi mã này tăng gần 2%, lên 47.100 đồng. Ngược lại, VHM là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 1,7%, về 37.100 đồng.

Trong VN30, VNM tăng hơn 2%, là cổ phiếu giao dịch tích cực nhất. Một số mã ngân hàng như TPB, HDB, ACB, CTG cũng đóng cửa trong sắc xanh. HPG, MWG, GVR, BCM có thêm hơn 1%.

Ngược lại, VRE, VHM, VJC giảm trên 1%, MBB, SHB, GAS đóng cửa trong sắc đỏ.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng kịch trần, một số mã nhóm chứng khoán, bán lẻ cũng tích cực. Ngược lại, nhóm bất động sản, xây dựng đa phần chìm trong sắc đỏ.

Minh Sơn

Nhóm 10 doanh nghiệp nắm trên 20% vốn MSB

ROX Group, tiền thân là TNG Holding và một số doanh nghiệp bất động sản nắm giữ lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Hàng hải.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi hiệu lực từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan. Theo công bố của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), có 1 cá nhân và 10 doanh nghiệp giữ từ 1% vốn nhà băng này.

Danh sách này không thể hiện tỷ lệ sở hữu của ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch MSB và người thân. Tuy nhiên, sự hiện diện của vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường thể hiện gián tiếp qua ROX Group, khi bà đang là Chủ tịch tập đoàn này.

Nhóm công ty thành viên của ROX Group và đơn vị có liên quan gián tiếp đến tập đoàn này gồm Công ty cổ phần Rox Key Holdings nắm 2,4% vốn MSB; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Rox Cons Việt Nam sở hữu 1,87% vốn tại MSB;

Ngoài ra, các công ty khác ngoài ROX Group cũng giữ tỷ lệ trên 1% là Công ty cổ phần Đầu tư và cho thuê tài sản TNL, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Rox Cons Việt Nam sở hữu 1,87% vốn tại MSB; Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài là 4,96% và Công ty TNHH Thành phố công nghệ xanh Hà Nội 4,97%.

Tổng cộng, nhóm của ROX Group và một số doanh nghiệp khác đang giữ hơn 20% vốn MSB.

Bên cạnh đó, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn của nhà băng tư nhân này còn có quỹ ngoại Buenavista Holdings Limited, với hơn 2%. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng nắm hơn 6% vốn MSB và trong lộ trình thoái vốn khỏi nhà băng này.

Ngoài ra, danh sách này gồm một cá nhân duy nhất đứng tên trên 1% vốn của MSB là ông Niliesh Ratital Banglorewala. Ông từng làm Giám đốc khối quản lý tài chính tại MSB và có thời gian ngắn là thành viên Hội đồng quản trị của PGBank.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Danh sách người có liên quan cũng được mở rộng so với trước.

Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Quỳnh Trang

Latest Posts