In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!
VN-Index có thêm hơn 11 điểm sau phiên 21/8 vượt ngưỡng 1.280 điểm, nhờ lực kéo của cổ phiếu nhóm ngân hàng.
Chứng khoán tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm nay, khi lực mua vẫn ở thế chủ động. VN-Index giằng co quanh tham chiếu trong toàn bộ phiên sáng, có lúc bị ép về sắc đỏ, giảm về vùng 1.270 điểm.
Nhưng tương tự kịch bản những phiên gần đây, dòng tiền nhập cuộc tích cực hơn trong phiên chiều. Lực kéo của nhóm ngân hàng – nhóm cổ phiếu giữ tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa – giúp thị trường trở lại sắc xanh. Chỉ số của sàn HoSE tăng liên tục theo thời gian giao dịch, chốt phiên ở mức cao nhất trong ngày.
VN-Index tăng 11,5 điểm (0,9%) lên 1.284 điểm, nối dài mạch tăng 4 phiên liên tiếp và lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng. VN30-Index có thêm 12,44 điểm (0,95%), đạt 1.317 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 23.100 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 20.600 tỷ, tăng hơn 1.800 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 200 tỷ đồng.
Cuối phiên, sàn HoSE có 241 cổ phiếu tăng giá, so với 174 cổ phiếu giảm giá.
VCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,7 điểm khi mã này tăng 2,2%, lên 92.800 đồng. Ngược lại, PLX là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 1,3% xuống 48.800 đồng.
Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính, là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Trong đó, giá trị giao dịch của CTG đứng đầu với hơn 900 tỷ, FPT sang tay hơn 800 tỷ, HPG, VPB và MWG cùng giao dịch với quy mô hơn 600 tỷ đồng.
Trong VN30, ngân hàng đứng đầu nhóm giao dịch tích cực. CTG, BID tăng khoảng 3%, VCB, MBB, TPB có thêm hơn 2%, ACB, HDB, STB vượt tham chiếu hơn 1%. Ngược lại, PLX, SAB mất hơn 1% thị giá, BCM, VJC, VNM đóng cửa dưới tham chiếu.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu nhóm bán lẻ, công nghệ, thép cũng khởi sắc. FRT của FPT Retail tăng gần kịch trần, DGW có thêm 1,6%. Ở nhóm thép, NKG, HSG tăng trên 1%.
VN-Index giữ sắc xanh cả ngày nhờ lực cầu lớn từ bộ ba bất động sản – chứng khoán – ngân hàng, chốt phiên tăng gần 11 điểm.
Chứng khoán diễn biến tích cực ngay từ lúc mở cửa. Lệnh mua được đặt đều đặn giúp chỉ số đại diện sàn HoSE tích lũy dần, vượt 1.270 điểm sau một tiếng đầu. Sau đó, thị trường vào cơn rung lắc nửa cuối phiên sáng khi nhu cầu chốt lời bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ một số mã bluechip vẫn trụ vững, VN-Index giữ được sắc xanh.
Sang buổi chiều, dòng tiền đổ về mạnh hơn với bên mua chiếm ưu thế. Chứng khoán tăng, nhưng chưa vượt qua 1.275 điểm – mốc kháng cự quan trọng. Chốt phiên, VN-Index đạt 1.272,5 điểm, tích lũy gần 11 điểm so với hôm qua. Đây là vùng giá cao nhất của chỉ số sàn HoSE trong một tháng qua.
Toàn sàn HoSE có 264 cổ phiếu tăng, gần gấp đôi so với 136 mã giảm. Đóng góp nhiều nhất cho chỉ số chung là VCB, BID và VHM. Xét theo ngành, bộ ba bất động sản – chứng khoán – ngân hàng là những nhóm dẫn dắt thị trường.
Bảng điện ngành bất động sản được phủ gần như kín sắc xanh. DXG và PDR tăng kịch trần với thanh khoản nằm trong top 2 toàn thị trường. NVL tích lũy 5%, còn DIG tăng 5,7%. Ngoài ra, các cổ phiếu VHM, VRE, TCH, HDG, NVL, CII, KBC… cùng chốt phiên cao hơn tham chiếu từ 2% trở lên.
Nhóm chứng khoán và ngân hàng ghi nhận sắc đỏ le lói, nhưng phần lớn các cổ phiếu thanh khoản trăm tỷ đều tăng quanh 1-2%. VND là một trong những mã nổi bật nhất ngành khi tích lũy 4% về thị giá, với hơn 22,2 triệu cổ phiếu được sang tay.
Thanh khoản thị trường TP HCM phục hồi tốt so với phiên trước, vượt 19.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.200 tỷ. Hưởng ứng tâm lý tích cực trong nước, nhà đầu tư ngoại trở lại mua ròng khoảng 327 tỷ đồng, tập trung ở các mã VCB, FPT, MWG.
Như vậy, VN-Index đã tăng ba phiên liên tiếp với mức tích lũy tổng cộng gần 49 điểm. Tuy nhiên, nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) giữ khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân thêm với những nhóm ngành đang trong nhịp phục hồi và thu hút dòng tiền tốt.
VN-Index tăng lên 1.261 điểm, nếu so với đáy đầu tháng 8, chỉ số này đã tích lũy gần 80 điểm, nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng, hàng tiêu dùng.
Chứng khoán tiếp tục đi lên dù thanh khoản không đột biến. VN-Index vượt ngưỡng 1.260 điểm ngay đầu phiên sáng nay khi dòng tiền nhập cuộc tích cực hơn. Chỉ số của sàn HoSE chững lại một nhịp lúc 9h30 rồi nhanh chóng lấy lại đà tăng. Lực bán không quá mạnh giúp thị trường giằng co ở vùng giá này cho tới đầu phiên chiều.
VN-Index thử thách vùng giá 1.265 điểm nhưng không thành công, chốt phiên ở mức 1.261,62 điểm, tăng 9,39 điểm (0,75%) so với phiên trước. Mức hiện tại cũng là vùng giá cao nhất trong một tháng, kể từ 19/7.
Mức tăng trong phiên hôm nay cũng nối dài chuỗi tăng của VN-Index sau khi chạm đáy vào đầu tháng 8. Tính từ mức chốt phiên 1.184 điểm ngày 5/8, chỉ số của sàn HoSE đã tăng trở lại gần 80 điểm.
Ở nhóm bluechip, VN30-Index hôm nay có thêm hơn 7,3 điểm (0,57%), lên gần 1.300 điểm. HNX-Index và UPCOM-Index trên sàn Hà Nội cũng đóng cửa trên tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 18.800 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 16.700 tỷ, giảm hơn 7.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 300 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 8/8.
Cuối phiên, sàn HoSE có 267 cổ phiếu tăng giá, so với 152 mã giảm giá.
VNM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,1 điểm khi mã này tăng gần 3% lên 76.000 đồng. Ngược lại, HVN là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 1,4% xuống 21.100 đồng.
Dòng tiền của nhà đầu tư vẫn tập trung vào ba nhóm ngành chính, là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
HPG là cổ phiếu ghi nhận thanh khoản cao nhất phiên 19/8 với giá trị giao dịch hơn 635 tỷ đồng. VNM khớp lệnh gần 600 tỷ, PNJ đạt hơn 515 tỷ, MWG và MSN giao dịch đều trên 400 tỷ đồng.
Trong nhóm vốn hóa lớn, ngoài VNM, cổ phiếu tài chính, thép, hàng tiêu dùng, bất động sản cũng giao dịch khởi sắc. SAB, GAS, TCB có thêm hơn 2%, VIB, BVH, STB tăng trên 1%. Ngược lại, SSI, PLX, HDB, FPT chốt phiên trong sắc đỏ.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã thép, bất động sản, vật liệu xây dựng được chú ý. Cổ phiếu QCG tăng kịch trần, CEO, NBB, PDR, DXG chốt phiên trong sắc xanh.
Vụ Phát triển thị trường chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng khi lựa chọn cổ phiếu, khẳng định chỉ doanh nghiệp kinh doanh tốt, tuân thủ quy định mới có thể niêm yết.
Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban chứng khoán) vừa có một số lưu ý tới việc đầu tư các cổ phiếu bị hủy niêm yết. Để tránh những rủi ro thất thoát vốn, cơ quan quản lý đề nghị nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu.
Trong đó, hủy niêm yết bắt buộc góp phần tạo môi trường công bằng, minh bạch. “Chỉ những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên thị trường”, Vụ Phát triển thị trường chứng khoán nhận xét.
Không riêng Việt Nam, các thị trường phát triển đều có các tiêu chí rà soát để hủy niêm yết các doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng đủ điều kiện. Thị trường KOSPI của Hàn Quốc đưa ra 11 bộ tiêu chí xem xét việc hủy niêm yết bắt buộc, thị trường Nhật Bản cũng có 6 nhóm tiêu chí xem xét vấn đề này.
Cơ quan quản lý đề nghị nhà đầu tư trang bị kiến thức, hiểu biết thị trường, nền tảng tài chính và triển vọng của doanh nghiệp trước khi đầu tư vào những mã này.
“Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu, xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật chứng khoán nói riêng của doanh nghiệp đó, đồng thời cần lưu ý sự tuân thủ pháp luật của những người điều hành doanh nghiệp”, Ủy ban chứng khoán khuyến nghị.
Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc vẫn có thể giao dịch trên thị trường UPCoM. Biên độ giao dịch của thị trường này (15%) cao hơn gấp đôi HoSE (7%). Những mã này cần tối thiểu hai năm giao dịch trên UPCoM, trước khi đăng ký niêm yết lại trên Sở giao dịch nếu đáp ứng các điều kiện niêm yết.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo hủy niêm yết bắt buộc hai cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, từ ngày 6/9.
Nguyên nhân của hai trường hợp đều đến từ kết quả kinh doanh bết bát những năm qua. Với HBC, lỗ lũy kế hợp nhất tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Công ty này lỗ hai năm liền trước khi thị trường bất động sản “đóng băng” khiến nguồn thu giảm sút, nợ khó đòi dâng cao tạo gánh nặng trích lập dự phòng. Song song đó, thượng tầng công ty lại xảy ra cuộc “nội chiến“.
Còn HNG đã kinh doanh thua lỗ trong ba năm liên tục với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021, 2022 và 2023 về mức âm lần lượt là hơn 1.119 tỷ, 3.576 tỷ và 1.098 tỷ đồng.
Cổ phiếu hai doanh nghiệp này ngay lập tức biến động mạnh. Phiên giao dịch đầu tiên sau khi HoSE công bố thông tin, HBC và HNG đều bị bán tháo.
Cổ phiếu HBC giảm liên tiếp nhiều phiên với áp lực bán chiếm áp đảo. Sau hơn nửa tháng, thị giá mã này mất hơn 30%, giảm từ 7.250 đồng về dưới 5.000 đồng. Mã HNG cũng có thời điểm giảm hơn 20%, nhưng phục hồi trở lại những phiên gần đây. Thị giá cổ phiếu này hiện ở mức 4.390 đồng, cao hơn giá đóng cửa phiên 29/7 – phiên giao dịch đầu tiên sau tin hủy niêm yết.
Trong công văn phúc đáp HoSE, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói không đồng ý các căn cứ xem xét hủy niêm yết bắt buộc mà cơ quan này áp dụng với cổ phiếu của họ.
Trong khi đó, nói với cổ đông hồi đầu năm, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị HNG – cho biết từng lường trước kịch bản bị hủy niêm yết, nhưng điều này không đáng lo ngại. Ông Dương khẳng định dù chuyển sàn, công ty vẫn công bố thông tin minh bạch và nếu thực hiện tốt, giá cổ phiếu vẫn có thể cải thiện.
Gần 84% cổ phiếu trên sàn HoSE tăng giá, trong đó 28 mã chạm trần giúp VN-Index tích lũy gần 29 điểm, để lấy lại mốc kháng cự quan trọng 1.250 điểm.
Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trong sắc xanh nhưng biên độ tăng không lớn khi thanh khoản vẫn chưa bứt phá. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng tăng dần sau 10h kéo chỉ số này vượt 1.230 điểm. Trước khi nghỉ trưa, chứng khoán đã tích lũy khoảng 20 điểm với gần 79% cổ phiếu sàn HoSE tăng giá.
Sang phiên chiều, dòng tiền đổ về mạnh hơn. Chỉ số sàn HoSE nhích dần và vượt 1.250 điểm vào khoảng 13h30. Đây là mốc kháng cự quan trọng trong tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi thị trường đã dùng dằng đi ngang suốt thời gian dài.
Tích lũy thêm trong những phút cuối phiên, VN-Index đóng cửa ở trên 1.252 điểm, cao hơn 28,7 điểm so với hôm qua. Đây là mức tăng mạnh nhất của chứng khoán kể từ phiên ngày 8/11/2023.
VN30-Index cũng có thêm hơn 26 điểm khi toàn bộ rổ cổ phiếu đều tăng giá. GVR, VCB, BID, MWG và MBB là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung. Tương tự, hai sàn HNX và UPCoM cũng phủ sắc xanh.
Hôm nay, sàn HoSE có 413 cổ phiếu tăng, nhiều gấp 10 lần so với lượng mã giảm giá. Thị trường ghi nhận 29 mã đạt giá trần, nổi bật nhất là DIG, PDR, FTS, HDG, CTS, DXG , KBC và BSI với thanh khoản trên trăm tỷ đồng.
Chứng khoán và bất động sản là hai ngành dẫn dắt thị trường về dòng tiền và hiệu suất. Bảng điện hai ngành này gần như được nhuộm xanh toàn bộ. Nhiều mã đạt thanh khoản lớn có mức tích lũy thị giá 5-6% như SSI, HCM, VCI, VND, TCH, NLG.
Sau nhiều ngày chọn đứng ngoài thị trường, nhà đầu tư tìm được điểm giao dịch phù hợp nên giải ngân mạnh trong hôm nay. Thanh khoản thị trường TP HCM vượt 23.000 tỷ đồng, mức cao nhất 8 phiên qua.
Trong khi nhà đầu tư nội địa hứng khởi hơn, khối ngoại lại dứt chuỗi gom cổ phiếu 5 phiên liền trước. Họ duy trì đà mua tốt trong buổi sáng nhưng dần chuyển biến tiêu cực vào phiên chiều, đối nghịch lực cầu trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài chốt phiên bán ròng 76 tỷ đồng, mức thấp nhất gần một tháng rưỡi qua. VHM, HPG và TCB dẫn đầu nhóm bị xả hàng, trong khi MWG vẫn là cổ phiếu hút dòng tiền khối ngoại khá tốt.
Nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thị trường đang có tín hiệu tích lũy động lực ổn định với sự hồi phục thanh khoản và chỉ số. Với diễn biến hiện tại, nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì danh mục, cân nhắc tận dụng những nhịp điều chỉnh trong tuần tới để gia tăng tỷ trọng với các mã tạo đáy thành công và đang hút dòng tiền tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý hạn chế giải ngân mới với những cổ phiếu đã có nhịp tăng dài từ trước và chững lại trong tuần này.
Bà Đoàn Hoàng Anh vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HAG trong bối cảnh mã này giảm gần 33% trong gần 3 tháng.
Thông tin vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM – HoSE.
Bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, dự kiến mua 2 triệu cổ phiếu HAG qua phương thức khớp lệnh trên sàn.
Hiện, bà sở hữu 11 triệu cổ phiếu HAG, chiếm 1,04% vốn công ty. Sau giao dịch, tỷ lệ này sẽ tăng lên 1,23% với 13 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 20/8 đến 18/9, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của bà Đoàn Hoàng Anh.
Với giá cổ phiếu hiện tại là 10.050 đồng, bà Hoàng Anh sẽ chi khoảng 20 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch này. Động thái trên diễn ra khi cổ phiếu HAG đã giảm gần 33% giá trị kể từ đỉnh hồi tháng 5 (14.950 đồng một cổ phiếu).
Trước đó, hồi tháng 4, bà Đoàn Hoàng Anh cũng đã mua thành công 2 triệu cổ phiếu HAG để tăng sở hữu.
6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 2.759 tỷ đồng, giảm 12%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 32% lên 507 tỷ đồng, thu hẹp lỗ lũy kế còn 904 tỷ đồng. HAG đặt mục tiêu doanh thu 7.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng năm nay. Công ty đã hoàn thành 36% doanh thu và 38% lợi nhuận.
Cuối quý II, tổng tài sản đạt 21.560 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng, nợ phải trả giảm 1.200 tỷ đồng còn 13.127 tỷ đồng, với vay nợ giảm gần 900 tỷ đồng xuống hơn 7.000 tỷ đồng.
VN-Index bị nhuộm đỏ gần như cả ngày và giảm khoảng 7 điểm khi thanh khoản chứng khoán tiếp tục lùi về mức thấp, chỉ hơn 11.500 tỷ đồng.
VN-Index giữ sắc xanh trong những phút đầu phiên giao dịch rồi nhanh chóng đi dưới tham chiếu cả ngày. Trong buổi sáng, chứng khoán giảm với biên độ khá hẹp khi nhà đầu tư không mặn mà với việc bán ra cổ phiếu ở giá thấp, còn nhóm bluechip vẫn giữ được sắc xanh le lói.
Sang buổi chiều, như thường lệ, các lệnh giao dịch được đẩy lên hệ thống nhiều hơn. Chỉ số đại diện sàn HoSE giảm sâu hơn phiên sáng, có lúc về dưới 1.222 điểm. Thị trường giằng co nhẹ trong phiên ATC. Đóng cửa, VN-Index giảm 6,8 điểm về khoảng 1.223,5 điểm.
Sàn HoSE có 301mã giảm, gần gấp 3 lần số lượng cổ phiếu tăng giá. Trừ truyền thống, các nhóm còn lại đều ghi nhận chỉ số ngành đi lùi trong phiên hôm nay. Các mã bluechip gây sức nặng cho thị trường, dẫn đầu là GVR, BID, VCB, MSN, GAS. Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu hỗ trợ tốt cho VN-Index.
Với diễn biến đi ngang và có phần tiêu cực trong nhiều phiên gần đây, chứng khoán không thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Tâm lý chung là thận trọng quan sát. Tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM đã giảm 5 phiên liên tiếp, hôm nay chỉ hơn 11.500 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ phiên 29/7.
Khác với tâm lý quan ngại của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại giữ đà gom cổ phiếu 5 phiên liên tục. Hôm nay họ mua ròng khoảng 120 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng 17,5% so với phiên trước.
Các tổ chức tài chính, đơn vị phân tích và công ty chứng khoán cũng lạc quan về thị trường. Trong bản tin mới đây, Dragon Capital cho rằng các tác động từ tình hình thị trường tài chính toàn cầu tới Việt Nam sẽ không lớn và chỉ tạm thời. Chỉ số định giá theo P/E và P/B dự phóng của VN-Index vẫn thấp hơn so với trung bình 5 năm. Điều này cho thấy định giá hấp dẫn với kịch bản lợi nhuận hay rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong phiên chứng khoán giảm nhẹ và rung lắc hôm nay, hơn 13.000 tỷ đồng được sang tay – mức thấp nhất hai tuần gần đây.
Thanh khoản thị trường có phiên thứ 7 liên tiếp duy trì dưới 20.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên đứng ngoài quan sát khi kết thúc buổi sáng, tổng giá trị giao dịch sàn HoSE chỉ hơn 5.000 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ so với cùng thời điểm hôm qua. Dòng tiền khá phân tán, không xuất hiện cổ phiếu nào mang tính dẫn dắt.
Tương tự phiên trước, thanh khoản chiều nay tăng dần nhưng với tốc độ rất chậm. Tổng giá trị giao dịch đến khi đóng cửa chỉ kịp vượt 13.000 tỷ đồng, giảm khoảng 76 tỷ so hôm qua. Đây là mức thấp nhất kể từ phiên 30/7.
Nhà đầu tư chưa tìm thấy điểm giao dịch phù hợp khi chứng khoán gần như đi ngang cả ngày. Biên độ tăng cao nhất hôm nay cũng chỉ đạt 6 điểm vào giữa buổi sáng. Còn lại, chỉ số này quanh tham chiếu với biên độ hẹp. Một vài phút ở phiên chiều, bảng điện tử chuyển sắc đỏ nhưng vẫn duy trì khoảng cách rất sát tham chiếu.
VN-Index đứt chuỗi phục hồi nhưng chỉ giảm 0,06 điểm. Thị trường đã có ba phiên liên tiếp giậm chân ở mốc 1.230 điểm. Trong khi đó, VN30-Index vẫn tăng hơn 1,6 điểm.
Toàn sàn HoSE có 243 cổ phiếu giảm, nhiều hơn 163 cổ phiếu tăng. Sắc đỏ chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi các mã có vốn hóa lớn vẫn ghi nhận mức tăng ổn định. VHM, MSN, BID, SAB và TCB lần lượt dẫn đầu nhóm góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.
Nếu xét theo ngành, nhóm chứng khoán có diễn biến tiêu cực nhất. VIX giảm 2,2%; một số mã khác sụt quanh 1% như VND, VCI, FTS, BSI, EVF. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng xuất hiện không ít sắc đỏ, riêng VCB là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất thị trường.
Một trong số ít điểm sáng hôm nay là khối ngoại duy trì xu hướng gom hàng ở phiên thứ tư liên tiếp. Họ mua ròng 664 tỷ đồng, tăng gấp đôi phiên trước, tập trung vào KDC, MSN và HDB.
Từ 1/10, các công ty chứng khoán sẽ dừng giao dịch trực tuyến với các nhà đầu tư chưa cập nhật thông tin theo căn cước công dân (CCCD).
Thông báo cập nhật thông tin CCCD được các công ty chứng khoán gửi tới các nhà đầu tư từ đầu tuần này, theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán.
“Từ ngày 1/10, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử, các trường hợp không cập nhật CCCD trên tài khoản sẽ phải đến trực tiếp tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch”, thông báo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết.
Ngoài FPTS, nhà đầu tư mở tài khoản ở các công ty chứng khoán khác cũng nhận được thông báo tương tự, áp dụng từ ngày 1/10. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch online với các tài khoản có thông tin nhà đầu tư khớp đúng với CCCD tại Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Chẳng hạn, trước đây khi mở tài khoản nhà đầu tư đăng ký thông tin bằng chứng minh thư, thì tới đây họ cần cập nhật mới theo CCCD.
Công ty Chứng khoán VIX đề nghị thêm, kể cả giao dịch tại quầy, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện chuẩn hóa thông tin.
Theo các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể cập nhật thông tin CCCD trên ứng dụng, hoặc gửi thông tin qua mail, bưu điện.
Giao dịch trực tuyến hiện là phương thức giao dịch chính và phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán. Thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động (mobile) hoặc nền tảng trực tuyến, nhà đầu tư có thể đặt lệnh, quản lý tài khoản, nạp/rút tiền ở bất kỳ đâu, chỉ cần có mạng Internet.
Khác với xác thực sinh trắc học của ngân hàng, việc cập nhật khi giao dịch chứng khoán nhằm đồng bộ, khớp thông tin cá nhân giữa tài khoản và trên CCCD.
Các bước bảo mật trong giao dịch chứng khoán online vẫn chủ yếu sử dụng qua ứng dụng Smart OTP (one-time password) hoặc OTP qua tin nhắn, email khách hàng đã đăng ký với công ty chứng khoán. Hình thức này là một dạng xác thực hai yếu tố (2FA) được sử dụng để bảo mật các tài khoản và giao dịch trực tuyến. Trong đó, một yếu tố là mật khẩu đăng nhập, còn lại là mã OTP từ thiết bị của người dùng. Smart OTP là một phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động, người dùng có thể chủ động lấy mã xác thực mà không cần đợi tin nhắn. Mã OTP này chỉ sử dụng một lần và hết hạn sau một khoảng thời gian ngắn.
Tính tới cuối tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 8,33 triệu tài khoản đang giao dịch. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ yếu, với 8,31 triệu tài khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 300 tỷ trong phiên VN-Index có diễn biến khá tiêu cực, chốt phiên rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”.
Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 52,8 triệu cổ phiếu, mức cao nhất 4 phiên gần đây và nhiều hơn chiều bán khoảng 4 triệu đơn vị. Tính theo giá trị, chênh lệch giữa hai chiều là 324 tỷ đồng, gấp 12 lần hôm qua. Lực cầu của nhóm này tăng mạnh những phút cuối phiên, góp phần tích điểm cho thị trường.
Khối ngoại đã mua ròng ba phiên liên tiếp sau chuỗi xả hàng tương đối mạnh vào tuần trước. Tuy nhiên, giá trị vẫn ở mức khiêm tốn.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ưu tiên gom cổ phiếu trong phiên VN-Index diễn biến khá tiêu cực. Mở cửa, chỉ số này đã chịu ngay áp lực bán. Đến gần 10h, VN-Index được kéo lên trên tham chiếu nhờ các cổ phiếu trụ. Sắc xanh chỉ kéo dài vài phút, thị trường xấu đi khi loạt mã bluechip giảm điểm.
Chỉ số đại diện sàn HoSE vẫn nhuộm sắc đỏ sau giờ nghỉ trưa. Nhưng nhìn chung, thị trường không giảm quá mạnh. Lực cầu xuất hiện trước khi bước vào phiên ATC. Nhờ vậy, VN-Index chốt phiên tăng nhẹ 0,14 điểm, giữ trên 1.230 điểm. Trong khi đó, VN30-Index giảm hơn 2,7 điểm. Hai sàn HNX và UPCoM cũng đóng cửa dưới tham chiếu.
Tuy nhiên, chứng khoán rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Toàn sàn HoSE có 162 mã tăng giá, nhưng có đến 234 cổ phiếu giảm. VCB là cổ phiếu trụ cho phiên giao dịch hôm nay. Bên cạnh đó, các mã ngân hàng khác như NAB, HDB, CTG, LPB cũng đóng góp tích cực. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu HPG, GAS, TCB gây ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Trong các ngành hút dòng tiền, bảng điện nhóm chứng khoán có sắc đỏ nhiều hơn. Tuy nhiên, biên độ giảm của các cổ phiếu không quá sâu, những mã nổi bật như VND, VIX, FTS chỉ hạ quanh 1-2%, nhiều mã sụt dưới 1%.
Thanh khoản giảm ba phiên liên tiếp, hôm nay đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua gần 1.000 tỷ. Hơn tuần qua, giá trị giao dịch trên sàn HoSE luôn duy trì ở mức thấp, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định.
Lực cầu hai phiên gần nhất được các công ty chứng khoán đánh giá khá ổn định. Tuy nhiên, các nhóm phân tích vẫn khuyến nghị nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua đuổi theo đà tăng của thị trường.
Theo Dragon Capital, hiệu suất giữa nhóm “canh me” thị trường với đầu tư đều đặn không quá chênh lệch trong khi phải tốn nhiều công sức, thời gian hơn.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 10/8, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Chuyên gia cấp cao khối Chứng khoán của Dragon Capital – cho rằng việc tối ưu lợi nhuận qua mua – bán liên tục, “canh me” thị trường tăng hay giảm để kiếm lời là điều chính đáng. “Canh me” thị trường, hay “market timing”, là chiến lược dự đoán diễn biến của thị trường và dựa vào đó để mua hoặc bán theo từng thời điểm tương ứng.
Tuy nhiên theo chuyên gia, chiến lược trên mang lại hiệu quả không cao. Thống kê hiệu suất giữa hai nhóm khách hàng quỹ DCDS từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, nhóm mua và bán theo VN-Index mỗi khi biến động mạnh đạt hiệu suất 29,5%. Nhóm này phải thường xuyên theo dõi thị trường, nắm bắt và sử dụng các dữ liệu để phân tích theo nhiều phương pháp như cơ bản, kỹ thuật hay định tính nhằm đưa ra dự đoán thời điểm giao dịch có lợi. Trong khi đó, những khách hàng mua đều đặn và nắm giữ – vốn không mất quá nhiều thời gian thực hiện các thao tác kể trên – có lãi hơn cao với 39,2%.
“Những người mua bán theo biến động thị trường phải bỏ công sức rất nhiều, mỗi ngày đọc tin tức, phân tích số liệu, suy nghĩ. Giao dịch nhiều cũng kéo theo chi phí nhiều hơn, tinh thần cũng dễ stress”, ông Tuấn nói thêm.
Đội ngũ Dragon Capital thực hiện mô hình thử nghiệm với giả định, một nhà đầu tư luôn dự báo đúng VN-Index hàng tháng và chỉ mua vào khi trước khi thị trường tăng, tránh được tất cả những đợt điều chỉnh. Đối chiếu là một nhà đầu tư theo chiến lược trung bình giá, tức mua vào đều đặn và có kỷ luật, thay vì đầu tư một lần với số tiền lớn.
Kết quả là tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR – chỉ tỷ lệ lãi hàng năm dự kiến thu được từ khoản đầu tư, đã loại bỏ các yếu tố khách quan) không chênh lệch cao giữa hai nhóm. Nhà đầu tư chỉ giải ngân vào các tháng VN-Index tăng có IRR đạt 15,4%, còn nhà đầu tư giải ngân đều hàng tháng ghi nhận khoảng 14,8%.
Ông Khoa Tuấn đánh giá, việc đầu tư theo market timing mang lại hiệu suất không quá vượt trội trong khi công sức bỏ ra rất nhiều, chưa kể việc tiên tri đúng toàn bộ về thị trường là điều không thể, dù đối với các chuyên gia.
“Kỷ luật đầu tư đều đặn là chìa khóa dẫn tới thành công, không phải dự đoán thị trường lên hay xuống”, ông kết luận.
Từ lâu, đầu tư đều đặn và nắm giữ lâu dài được nhiều tổ chức tài chính xem là chiến lược tốt khi tham gia thị trường. Theo Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam (Manulife IM), trong những lúc thị trường biến động, chiến lược này vẫn có mức sinh lời tốt hơn so với việc tránh không rót tiền. Kết luận trên đưa ra khi họ thực hiện tính toán về thử mức độ sinh lời của hai trường hợp.
Manulife IM giải thích, khi nhà đầu tư lo ngại những biến động và tránh rót tiền vào những năm đó, cũng vô tình khiến họ bỏ qua những cơ hội gia tăng tích lũy tài sản tốt ở mức giá thấp để được hưởng lợi khi thị trường hồi phục ở năm sau đó. Ngoài ra, nếu đó chỉ là biến động tiêu cực ngắn hạn trong năm, nhà đầu tư cũng bỏ lỡ lợi nhuận cho cả quá trình về sau.
Đầu tư đều đặn và nắm giữ cũng phù hợp với triển vọng thị trường chứng khoán trong dài hạn. Theo VinaCapital, kinh tế đang phục hồi tốt và đã được thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Đơn vị này thống kê lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. VinaCapital nói con số này “cực kỳ ấn tượng” và vượt dự báo của họ.
Với đà tăng trưởng trên, công ty quản lý quản quỹ dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trên 20% trong cả năm. Mặc dù có thể xảy ra những thời điểm biến động, họ kỳ vọng xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới. Thêm vào đó, định giá của thị trường vẫn còn giữ ở mức tốt cho đầu tư dài hạn.
“Nhà đầu tư nên kiên định với chiến lược nắm giữ lâu dài, rót tiền định kỳ để có được kết quả tích cực trong tương lai”, nhóm phân tích VinaCapital khuyến nghị.
Tâm lý thích khoe lời khi tự chơi cổ phiếu, hệ thống phân phối hẹp, truyền thông đến khách hàng kém, khiến quỹ mở thu hút rất ít nhà đầu tư tham gia.
Nửa năm qua, Mạnh Dũng (27 tuổi) dành 5-6 triệu đồng mỗi tháng để rót vào ba chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu. Thói quen trên hình thành sau giai đoạn anh “bơi mãi chẳng về bờ” ở lần đầu tham gia thị trường bằng cách tự đầu tư cổ phiếu và hứng chịu “cú sập” hồi tháng 9-10 năm ngoái.
Dũng hiểu nguyên nhân thua lỗ phần nhiều do bản thân anh không đủ thời gian, hiểu biết về thị trường để theo dõi và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp trước biến động. Do đó, anh tìm đến chứng chỉ quỹ mở. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của anh thậm chí chưa từng nghe về khái niệm chứng chỉ quỹ, một số lại mặc định đó là hình thức đầu tư của những người có tài sản lớn.
Theo thống kê của Vụ Quản lý quỹ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến cuối năm 2023, số nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ khoảng 300.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và rất khiêm tốn so với 7,23 triệu tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân ở cùng thời điểm.
Các quỹ đầu tư chứng khoán đang quản lý tổng giá trị tài sản ròng (NAV) gần 68.000 tỷ đồng. Con số trên tương đương hơn 0,66% GDP năm 2023 và thấp hơn hàng chục lần so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan (lần lượt đạt khoảng 11% và 28% GDP).
Giải thích về thực trạng này tại một sự kiện tài chính gần đây, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhiều người thường có tâm lý thích thể hiện bản thân khi có lãi. Do đó, họ có xu hướng yêu thích việc rót tiền tự đầu tư hơn là thông qua các tổ chức tài chính. Chuyên gia cho rằng tâm lý này kéo theo nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư thiếu kiến thức và ba năm qua nhiều người đã nhận được bài học thực tế.
Song song đó, nhà đầu tư chưa có niềm tin vững chắc vào các công ty chứng khoán, quản lý quỹ. “Họ không biết các khái niệm về quỹ, dẫn đến cảm giác thiếu tin tưởng”, ông Lực nói.
Thực tế, phần lớn người xung quanh Mạnh Dũng đều phản ứng không tích cực khi nghe anh đầu tư chứng chỉ quỹ. Một số đồng nghiệp từng hỏi anh rằng vì sao không tự chơi cổ phiếu để có lời hơn, trong khi vài người cảnh báo cẩn trọng khi giao tiền cho người lạ đầu tư.
“Có người còn nói với tôi rằng, đừng quá tin tưởng vì các công ty quản lý quỹ sẽ không nỗ lực đầu tư nhiều cho khách hàng, họ chỉ cần đạt hiệu suất cao hơn VN-Index là xong”, Dũng chia sẻ.
Về nghi vấn này, ông Võ Trung Cương – Giám đốc quản lý quỹ thuộc Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM), khẳng định các nhà quản lý đều mong muốn thực hiện tốt nhất những gì đề ra và cam kết với khách hàng. Sở dĩ các quỹ thường so sánh với VN-Index là để đánh giá hiệu quả của một danh mục cổ phiếu có chọn lọc với tất cả cổ phiếu (tức VN-Index). Từ đó, khách hàng có thể kiểm chứng xem việc phân tích, lựa chọn danh mục cổ phiếu của các nhà quản lý tốt hay không.
Hiệu quả luôn là thước đo quan trọng nên ông Cương tin rằng đa số đơn vị quản lý quỹ đều nỗ lực làm tốt và không ai muốn bị tụt lại phía sau trên thị trường. “Một nhà quản lý quỹ có hiệu quả không tốt cũng giống như đang bán một sản phẩm kém chất lượng. Về lâu dài chắc chắn sẽ không thể thu hút khách hàng đến với họ”, ông nói thêm.
Quản lý gần 125.000 tỷ đồng tài sản, Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam (Manulife IM) cho rằng quỹ mở có mức độ phổ biến khá thấp dù có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm. Tổng giám đốc Trần Thị Kim Cương nhìn nhận điều này một phần do người dân vẫn có thói quen và kỳ vọng vào tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ mở chưa rộng rãi khi các công ty quản lý chính là đại lý phân phối. Song song đó, việc truyền thông đến nhà đầu tư cũng chưa được đẩy mạnh, khiến đây vẫn là hình thức xa lạ với nhiều người.
Quỹ mở có lịch sử phát triển hơn 100 năm trên thế giới và là sản phẩm đầu tư phổ biến tại Mỹ, châu Âu và các nước phát triển. Tại Mỹ, nơi được xem là chiếc nôi hình thành và phát triển của loại quỹ này, đến đầu năm nay có 49% hộ gia đình lựa chọn đầu tư cho mục đích hưu trí. Quy mô quỹ mở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lên đến 23.455 tỷ USD, chiếm 81% GDP.
Xu hướng đầu tư này lan rộng sang các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á. Quỹ mở tại Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 74% GDP, Singapore là 31% và Malaysia là 29% GDP . “Danh mục đầu tư đa dạng, chọn lọc, tính thanh khoản cao và thường được quản lý bởi những tập đoàn tài chính uy tín là những điểm thu hút của quỹ mở”, Manulife IM nhận định.
Thị trường hiện có hơn 50 quỹ kiểu này đang hoạt động. Nhiều nhất là các quỹ tập trung cổ phiếu, theo sau là trái phiếu và số lượng ít là các quỹ cân bằng cả hai. Vừa ra mắt quỹ mở cổ phiếu hồi tháng trước, Giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng thị trường có nhiều sản phẩm, nhà đầu tư sẽ có lợi khi họ có thông tin so sánh. Việc cần làm là đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Ông Võ Trung Cương gợi ý nhà đầu tư trước tiên cần hiểu rõ mục tiêu tài chính cá nhân, sau đó tìm hiểu các quỹ mở chính thống để tìm sản phẩm phù hợp. Thời điểm ban đầu, nhà đầu tư nên phân bổ 2-3 quỹ mở khác nhau để đa dạng hóa lựa chọn, tìm hiểu, theo dõi và so sánh dần hoạt động của các quỹ này trong 6 tháng đến một năm. Cuối cùng, họ sàng lọc, chọn quỹ có thể tin tưởng được để ủy thác mục tiêu tài chính trong chu kỳ dài hạn hơn.
Ngoài ra, theo CEO Manulife IM Trần Thị Kim Cương, mỗi loại hình quỹ mở sẽ có chiến lược, cấu trúc danh mục đầu tư khác nhau dẫn đến biến động và khả năng sinh lời cũng khác nhau. Một lưu ý quan trọng, theo bà là nhà đầu tư nên tìm hiểu các công ty quản lý quỹ có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín.
“Thông thường, thời gian đầu tư dài và phương pháp đều đặn kỷ luật sẽ giúp mang lại hiệu quả cao hơn cho nhà đầu tư, nhờ vào việc trung bình giá mua bất chấp biến động thị trường”, bà Kim Cương nhấn mạnh.