Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Phó chủ tịch FLC bị phạt tiền

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC hôm nay bị phạt hành chính 70 triệu vì cùng lúc là thành viên Hội đồng quản trị 7 công ty.

Giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Dung là Thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC đồng thời giữ chức vụ tương tự tại 6 công ty khác. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng không được đồng thời giữ chức này tại quá 5 công ty khác.

Mức xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán đưa ra là 70 triệu đồng vì “áp dụng tình tiết giảm nhẹ do người vi phạm hành chính đã tự nguyện khắc phục hậu quả”.

Theo báo cáo quản trị của Tập đoàn FLC năm 2021, bà Dung vừa là Phó chủ tịch tại công ty này vừa kiêm nhiệm hàng loạt vị trí cấp cao trong các công ty thành viên.

Bà là chủ tịch tại 7 công ty gồm: Chứng khoán BOS, Xây dựng FLC Faros, FLC Travel, Sản xuất và xuất nhập khẩu Nông sản FAM, FLC Đồ Sơn Golf & Resort, Đầu tư Phát triển và quản lý khu công nghiệp FLC, Cemaco Việt Nam. Ngoài ra, bà còn là thành viên Hội đồng quản trị tại hai công ty gồm FLCHomes, Công ty Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC.

Bà Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: Website tập đoàn FLC.

Bà Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: Website tập đoàn FLC.

Bà Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp.

Bà từng là luật sư chính của Công ty Luật TNHH SMiC – tiền thân của Tập đoàn FLC – sau đó được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao như Trưởng ban Pháp chế và Phát triển dự án, Phó tổng giám đốc trước khi thành Tổng giám đốc. Bà Dung thôi chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC vào cuối tháng 3/2020.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ quyết định “phạt hành chính 1,5 tỷ đồng với ông Trịnh Văn Quyết”. Việc huỷ này do đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), sau khi cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự với ông Quyết với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”, vào ngày 29/3.

Trước đó, ngày 18/1, Uỷ ban chứng khoán quyết định phạt vi phạm hành chính với Chủ tịch Tập đoàn FLC với mức 1,5 tỷ đồng, mức phạt cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm nay. Ngoài ra, ông Quyết bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào chiều 10/1 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, SSC cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của người đứng đầu FLC. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Từ khi sự việc xảy ra, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết như ROS, AMD, KLF, HAI. Các mã này đã có chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp và thường xuyên rơi vào tình trạng không có bên mua.

Phương Đông – Minh Sơn

Ông Đặng Văn Thành muốn thoái hết vốn tại công ty mía đường

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, đăng ký bán sạch 10 triệu cổ phiếu SBT để cơ cấu danh mục đầu tư.

Giao dịch của ông Thành dự kiến thực hiện từ giữa tuần sau đến giữa tháng 5 bằng phương thức thoả thuận.

Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà đang giao dịch quanh vùng giá 24.000 đồng. Tính theo giá này, thương vụ thoái vốn của ông Thành trị giá khoảng 240 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Thành. Ảnh: Website tập đoàn Thành Thành Công.

Ông Đặng Văn Thành. Ảnh: Website tập đoàn Thành Thành Công.

Trong khi đó, vợ, con gái và Tập đoàn Thành Thành Công của doanh nhân này vẫn chiếm tỷ lệ chi phối SBT với 51,92%, tương đương gần 338 triệu cổ phiếu. Trong đó, tập đoàn do ông Thành làm chủ tịch nắm 25,82%. Bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông) nắm 10,71% và “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My nắm 15,39%.

Thành Thành Công – Biên Hòa là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường nội địa với thị phần 46%. Niên độ tài chính 2020-2021, công ty tiêu thụ 1,16 triệu tấn và ghi nhận doanh thu 14.925 tỷ đồng. Niên độ 2021-2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 16.905 tỷ đồng và lãi trước thuế 750 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và giảm 4% so với cùng kỳ.

Phương Đông

Chứng khoán giảm sâu nhất một tháng

VN-Index rớt hơn 20 điểm, giảm sâu nhất trong vòng một tháng qua, bởi áp lực bán lan rộng từ nhóm vốn hoá vừa và nhỏ sang vốn hoá lớn.

Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trước các tin đồn xấu trong nhiều ngày qua khiến áp lực bán mạnh dần lên. Nhóm vốn hoá lớn hôm qua là trụ đỡ giúp thị trường giữ được sắc xanh trong bối cảnh nhà đầu tư xả hàng cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ thì nay cũng bị bán quyết liệt.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tâm điểm xả hàng. Chỉ số đại diện cho nhóm này mất 1,81%, cao hơn mức giảm của VN-Index và chỉ xếp sau chỉ số nhóm tiêu dùng và công nghiệp. Các mã vốn hoá lớn của nhóm bất động sản như VHM và NVL lần lượt giảm 1,7% và 2%, còn các mã nhóm dưới như SCR, DIG, KHD, AGG đều mất trên 3,5%.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM vì thế chỉ giằng co trong ít phút đầu, sau đó nới rộng biên độ giảm và đóng cửa tại 1.502 điểm. Việc mất hơn 20 điểm so với tham chiếu đánh dấu đây là phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng qua (tính theo giá trị tuyệt đối).

Thị trường chìm trong sắc đỏ với 372 cổ phiếu giảm. Rổ VN30 đóng góp đến 24 mã giảm điểm, trong đó VJC và VRE đứng đầu về biên độ giảm khi cùng mất 2,8%. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ VN30. Ba mã có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường là VCB, VHM, VIC lần lượt chia nhau các vị trí đầu tiên.

Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu tăng chưa bằng một phần tư cổ phiếu giảm. Hai đại diện ngân hàng gồm MBB, ACB và các cổ phiếu hoá chất – phân bón như DGC, DPM, DCM cùng ngược dòng thị trường để chặn đà giảm sâu.

Thanh khoản thị trường đạt xấp xỉ 27.150 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với hôm qua. VPB là cổ phiếu duy nhất có giá trị giao dịch nghìn tỷ, đạt 1.277 tỷ đồng. GEX, VND, MBB xếp tiếp theo khi giá trị khớp lệnh dao động khoảng 800-990 tỷ đồng.

Phân theo nhóm ngành thì tài chính – ngân hàng đóng góp giá trị giao dịch nhiều nhất với gần 6.860 tỷ đồng. Công nghiệp, bất động sản và nguyên vật liệu dao động từ 3.000-5.000 tỷ đồng mỗi nhóm.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ra gần 2.300 tỷ đồng, trong khi giá trị mua vào chỉ 1.750 tỷ đồng. MWG có giá trị sang tay lớn nhất với 590 tỷ đồng, tiếp đến là FPT, VHM, HPG.

Phương Đông

5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối tháng 3 đạt 4,93 triệu, tương đương 5% dân số cả nước.

Điều này đồng nghĩa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng ban hành đã hoàn thành trước hạn ba năm.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia chứng khoán trong tháng 3/2022 tiếp tục lập kỷ lục mới với 270.000 tài khoản.

Tính chung ba tháng đầu năm có 675.000 nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, gần bằng phân nửa số lượng tài khoản mở mới của năm trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4,98 triệu tài khoản đang giao dịch. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với 98,9%, còn lại là của nhà đầu tư tổ chức trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Nhiều chuyên gia dự báo lượng tài khoản chứng khoán sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong năm nay bình quân mỗi tháng thị trường có thêm 150.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể tăng gấp ba lần trong 10 năm tới.

Nếu so với các thị trường khác trong khu vực, tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán của Việt Nam thấp hơn nhiều. Thái Lan hiện có 5,3 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 8% sân số. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, Đài Lan có đến 22 triệu người đầu tư chứng khoán, tương đương 93% dân số…

Phương Đông

Bầu Đức: ‘HAGL tìm đối tác có tiền, không cần kinh nghiệm’

Bầu Đức cho rằng đủ kinh nghiệm đưa công ty phát triển mạnh năm tới và đang rất cần tìm đối tác có tiền để đầu tư mở rộng, không cần tư vấn.

Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nóng lên khi ban lãnh đạo chia sẻ về phương án chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng một cổ phần. Nhiều cổ đông lo ngại việc phát hành này khiến công ty rủi ro nếu “bắt tay” với đối tác không có kinh nghiệm.

Trước lo lắng của cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết có thừa kinh nghiệm để dẫn dắt công ty “bùng nổ”, sớm nhất là năm 2023. “Chúng tôi đang cần tiền để đầu tư mở rộng, không cần tư vấn”, Bầu Đức nói.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL. Ảnh: Đức Đồng

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL. Ảnh: Đức Đồng

Theo ông Đức, công ty không phân biệt đối tác, quỹ nào có tiền muốn hợp tác công ty đều chấp nhận. Với tổng số tiền dự kiến thu được là 1.700 tỷ đồng từ phát hành chào bán cổ phiếu, công ty sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho các công ty con, đầu tư trồng 7.000 cây chuối và một triệu con heo. Ngoài ra, công ty sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.

“HAGL đã đi xuống quá nhiều và ngã ngựa rồi. Chúng tôi sẽ không để ngã ngựa lần thứ 2 và hứa hẹn trở lại thời hoàng kim 2008”, ông Đức nói và đề nghị cổ đông ủng hộ công ty phát hành để có tiền đầu tư.

Liên quan việc này, cổ đông HAGL mong muốn công ty phát hành cho cổ đông hiện hữu để họ cùng chia sẻ với công ty. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng vì vướng hồi tố do 3 năm lỗ liên tiếp trước đó nên công ty không được phát hành đại chúng. Do đó, ông mong cổ đông thông cảm.

Tại đại hội, cổ đông cũng miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Huyền kể từ ngày 8/4 và bầu bổ sung thêm một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Năm nay, HAGL sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn một triệu con heo thịt mỗi năm.

Năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay. Công ty tiếp tục không chia cổ tức năm nay.

Phương án kinh doanh trên được xây dựng với giá heo hơi 53.000 một kg, và chuối ở mức 13.000 đồng một kg. Ông Đức dự báo giá heo sẽ tăng 60.000 đồng trong một tháng nữa do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng 30%, giá chuối cũng đang tăng lên 15.000 đồng một kg.

Thi Hà

Latest Posts