Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Bộ Tài chính: Đã sẵn sàng phương án nhân sự tại Ủy ban chứng khoán

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết sai phạm của một số lãnh đạo Ủy ban chứng khoán chỉ mang tính cá nhân và Bộ luôn có phương án đảm bảo công tác nhân sự.

“Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kể cả các phương án về công tác cán bộ để tăng cường cho Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán trong mọi tình huống, trong mọi phương án khác nhau”, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nói với báo chí chiều 18/5.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính. Ảnh: Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính. Ảnh: MOF

Chiều nay, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán, cùng bị cảnh cáo.

Theo ông Chi, Bộ Tài chính đã chuẩn bị mọi phương án về nhân sự thay thế. Cá nhân nào có khuyết điểm, bộ sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tập thể lãnh đạo Ủy ban chứng khoán từng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân “vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính”.

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định luôn chủ động và có phương án đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành liên tục, ổn định và an toàn. Sai phạm của một số cá nhân, cán bộ trong quá trình quản lý cũng như vận hành thị trường, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, chỉ là mang tính cá nhân.

Để ổn định thị trường, Thứ trưởng Tài chính cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó, bộ sẽ đẩy nhanh thực hiện nâng cấp hệ thống giao dịch cho Sở HoSE theo gói thầu đã ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Theo đó, mục tiêu là hoàn thiện để trong năm nay đưa hệ thống mới vào hoạt động, tạo điều kiện để đưa thị trường tiến thêm một bước nữa.

Ngoài ra, đẩy nhanh nhất việc nâng hạng và đạt được chuẩn nâng hạng theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán cũng được lãnh đạo bộ ưu tiên.

Minh Sơn

Tự doanh chứng khoán bán ròng hơn 600 tỷ đồng

Bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán bất ngờ bán ròng đột biến trong phiên hôm nay dù VN-Index giữ sắc xanh.

Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cho biết, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đã bán ròng hơn 600 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Cụ thể, nhóm này mua vào hơn 5,7 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 233 tỷ đồng nhưng bán ra tới gần 19,5 triệu đơn vị, với giá trị gần 860 tỷ đồng.

Áp lực bán ra của khối tự doanh tập trung chủ yếu vào nhóm bluechip, với hầu hết các mã trong VN30 đều ở trạng thái bán ròng.

Với nhóm ngân hàng, VPB và STB bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng cùng trên 1,2 triệu cổ phiếu. Các mã khác như ACB, HDB, TCB, TPB, CTG, MBB, VCB, BID bị bán ròng vài trăm nghìn đơn vị. Ở chiều ngược lại, MSB được mua vào hơn 60.000 cổ phiếu, SSB, VIB, OCB được mua ròng vài chục nghìn đơn vị.

Với các nhóm khác, những cổ phiếu bluechip có đà phục hồi tốt trong phiên hôm qua như HPG, FPT, MSN, MWG, VNM, SSI đều ở trạng thái bán ròng, với khối lượng vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi mã.

Diễn biến này trái ngược với phiên hôm qua, khi nhóm tự doanh mua ròng hơn 150 tỷ đồng. Trong khi đó, VN-Index kết thúc phiên hôm nay vẫn trong sắc xanh, tăng hơn 12 điểm lên 1.241 điểm.

Chiều nay, nhiều lãnh đạo ngành chứng khoán bị kỷ luật theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán, cùng bị cảnh cáo.

Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, sai phạm của một số lãnh đạo Ủy ban chứng khoán chỉ mang tính cá nhân và bộ luôn có phương án đảm bảo công tác nhân sự.

Minh Sơn

Cổ phiếu ‘họ’ FLC ngược dòng thị trường chứng khoán

VN-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ động lực chính là các mã vốn hoá nhỏ, nhưng tất cả cổ phiếu liên quan đến FLC lại ngược dòng khi cùng giảm trên 1,5%.

Phiên tăng điểm mạnh nhất trong vòng hai năm qua, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, chưa đủ khẳng định xu hướng giảm của thị trường đã thay đổi. Nguyên nhân là phần đông nhà đầu tư có tâm lý giải ngân để bắt đáy nhưng cũng không thiếu người tranh thủ cơ hội tăng giá hôm qua để giảm tỷ trọng cổ phiếu có độ rủi ro lớn.

Bên mua và bán hôm nay tương đối cân bằng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM giằng co quanh tham chiếu trong những phút đầu phiên và có lúc mất hơn 5 điểm. Khi đó, các mã liên quan đến Tập đoàn FLC lại hút tiền và đồng loạt giao dịch trong sắc xanh. Tuy nhiên, đến khi chỉ số VN-Index đảo chiều về tham chiếu và dần nới rộng biên độ tăng thì áp lực xả hàng tại nhóm này lại tăng lên. FLC đóng cửa mất 4,2% và khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu; còn ROS, HAI, AMD mất 1,5-2%.

Ngoài nhóm FLC đồng loạt giảm điểm, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn khác cũng bị bán mạnh như SAB, PDR, FPT đều mất hơn 2%. Biên độ giảm của các cổ phiếu ngân hàng như ACB, VCB, VPB không lớn nhưng đều là những mã kìm chân VN-Index.

Ở chiều ngược lại, STB và SHB cùng tăng hết biên độ để trở thành lực đẩy quan trọng giúp VN-Index đi lên. Dẫn đầu trong danh sách những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số là MSN khi chạm trần 103.200 đồng và không có bên bán. Các cổ phiếu vốn hoá nhỏ thuộc nhóm bất động sản, thép, phân bón, xây dựng cũng đồng loạt bật mạnh so với tham chiếu.

VN-Index nhờ đó chốt phiên sát mốc 1.241 điểm, tăng hơn 12 điểm, tương đương 1% so với tham chiếu. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đi ngược chiều sàn HNX-Index và UPCoM-Index khi hai sàn này lần lượt mất 1,78% và 1,21%.

Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Điều này thể hiện qua việc giá trị giao dịch giảm gần 500 tỷ đồng, xuống 13.840 tỷ đồng. Đây là mức thấp thứ hai kể từ đầu tháng đến nay. Tiền tập trung cục bộ ở một số cổ phiếu vốn hoá lớn như SSI, HPG, STB. Tổng giá trị giao dịch ba mã này chiếm gần 14% thanh khoản thị trường.

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng gần 200 tỷ đồng. Nhóm này hôm nay giải ngân 1.710 tỷ đồng trong khi bán ra 1.540 tỷ đồng. HPG, STB, VRE và chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất.

Phương Đông

Khối ngoại và tự doanh đang gom cổ phiếu nào?

Bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng hơn 150 tỷ đồng trong ngày 17/5, còn khối ngoại liên tục gom hàng cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Thị trường vừa có phiên giao dịch ngập sắc xanh, với biên độ tăng mạnh nhất trong hai năm. VN-Index đóng cửa tại 1.228,37 điểm, tăng 4,81% so với tham chiếu. Phiên giao dịch hôm qua cũng là phiên đầu tiên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) trở lại công bố thông tin giao dịch tự doanh.

Theo dữ liệu từ HoSE, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán là một nhân tố hỗ trợ đà tăng của thị trường khi mua ròng hơn 150 tỷ đồng trong phiên 17/5. Nhóm này mua vào gần 13,7 triệu cổ phiếu, giá trị gần 474 tỷ đồng, trong khi bán ra 8,7 triệu đơn vị, với giá trị gần 320 tỷ đồng.

Xét về quy mô, STB, HPG và SSI là ba mã được mua nhiều nhất, với quy mô mua ròng đều trên một triệu cổ phiếu. Trong đó, nếu xét về giá trị, bộ phận tự doanh mua ròng hơn 54 tỷ đồng cổ phiếu HPG, hơn 37 tỷ đồng cổ phiếu STB và hơn 30 tỷ đồng mã SSI.

Ngược lại, DXG là mã bị bán ra mạnh nhất với khối lượng bán ròng gần 1,4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 32 tỷ đồng. Các mã khác như AAA, BCM, KDH ghi nhận lực bán ròng từ 200.000 đến gần 400.000 đơn vị.

Với khối ngoại, nhóm này liên tục gom hàng trong bối cảnh thị trường giảm sâu, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán tháo. Tính trong một tháng gần nhất, nhóm này mua ròng hơn 170 triệu cổ phiếu, trị giá trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, các mã được khối ngoại “chuộng” nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND, nhóm ngân hàng, bất động sản.

Tính trong một tuần gần nhất, ngoại trừ chứng chỉ quỹ FUEVFVND, hai mã ngân hàng được mua vào nhiều nhất là CTG và SHB. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 9,4 triệu cổ phiếu CTG và hơn 2,2 triệu cổ phiếu SHB. Ngoài ngân hàng, cổ phiếu VCI và VNM cũng được chú ý.

Xét trong một tháng, CTG và SHB cũng nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, với khối lượng mua ròng lần lượt là 13,7 triệu và 7,6 triệu cổ phiếu.

Các mã bất động sản cũng nằm trong danh sách được nhóm này quan tâm. Từ giữa tháng 4 tới nay, NLG và VRE được mua ròng 19,6 và 12,6 triệu cổ phiếu.

P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa thị giá và thu nhập trên một cổ phiếu) của VN-Index về mức trung bình 10 năm, theo nhận định của một số nhóm phân tích, là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tích luỹ cổ phiếu. Việt Nam trở thành một trong số ít các thị trường ghi nhận dòng tiền đổ vào mạnh hơn rút ra, ngược chiều với nhiều thị trường lớn của châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Minh Sơn

HoSE lãi kỷ lục hơn 2.500 tỷ đồng

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán giúp doanh thu và lợi nhuận năm ngoái của HoSE tăng trưởng ba chữ số.

Báo cáo mới công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cho thấy tổng doanh thu đạt 3.237 tỷ đồng, tăng 208% so với năm và vượt xa kế hoạch.

Hoạt động nghiệp vụ chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với hơn 92%, tương đương 2.990 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ và tài chính.

Ban lãnh đạo HoSE nhận định nguồn thu nghiệp vụ tăng trưởng đến 229% chủ yếu vì giao dịch chứng khoán sôi động. VN-Index năm ngoái có thời điểm lên 1.500 điểm, cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù hệ thống giao dịch thường xuyên bị nghẽn lệnh trong nửa đầu năm, thậm có có phiên phải ngừng giao dịch nhưng thanh khoản bình quân mỗi phiên vẫn gấp 3,4 lần so với năm trước, xấp xỉ 22.000 tỷ đồng và xuất hiện nhiều phiên giao dịch gần 2 tỷ USD.

Tổng chi phí của HoSE năm ngoái tăng 95%, lên trên 700 tỷ đồng. Chi phí giảm sát thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 71%, đồng thời có mức tăng mạnh nhất do biến động tỷ lệ thuận với doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán.

HoSE lãi trước thuế 2.536 tỷ đồng, tăng 267% so với năm trước để lên mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Con số này vượt xa kế hoạch lãi trước thuế 648 tỷ đồng công bố hồi đầu năm. Khi đó, ban lãnh đạo HoSE dự báo lợi nhuận sẽ tăng mạnh do thị trường chứng khoán sôi động vì triển vọng kinh tế trong nước hồi phục tốt, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng 25-30%, lãi suất thấp kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán và dòng vốn nước ngoài quay trở lại.

HoSE năm ngoái nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 507 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước, cơ quan cấp trên 1.808 tỷ đồng.

Năm nay, đơn vị quản lý sàn TP HCM đặt ra bốn mục tiêu lớn là củng cố và phát triển thị trường chứng khoán cơ sở, tăng quy mô, tính thanh khoản và tính minh bạch; đưa hệ thống công nghệ mới vào vận hành; kiện toàn bộ máy nhân sự; hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển 2022-2026.

Phương Đông

Chứng khoán tăng mạnh nhất hai năm

425 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh giúp VN-Index tăng hơn 56 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Diễn biến này không nằm trong dự đoán của nhiều nhóm phân tích bởi VN-Index đã có chuỗi giảm sâu ba phiên liên tiếp và sáng nay chỉ số tiếp tục mất 14 điểm, xuống 1.157 điểm. Tuy nhiên, khoảng nửa tiếng sau giờ mở cửa, chỉ số bắt đầu thu hẹp biên độ giảm nhờ thông tin về những giải pháp ổn định thị trường của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có việc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM sẽ công bố thông tin giao dịch tự doanh ngay chiều nay.

VN-Index đảo chiều từ giảm thành tăng lúc 10h, sau đó đi ngang vùng 1.775 điểm hết phiên sáng. Đà tăng được nới rộng dần vào cuối phiên nhờ trạng thái tích cực của rổ VN30 lan sang những cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ.

VN-Index đóng cửa tại 1.228,37 điểm, tăng 56,42 điểm, tương đương 4,81% so với tham chiếu. Đây là phiên tăng mạnh nhất trong hơn hai năm qua. Lần gần nhất chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tích luỹ hơn mức này là phiên 6/4/2020 với 4,98% và mở ra một sóng tăng dài hạn.

Hôm nay, sàn TP HCM có 425 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu. Tất cả cổ phiếu trong rổ vốn hoá lớn đều đóng cửa trong sắc xanh, trong đó có 7 mã chạm trần và không có bên bán. Nhiều cổ phiếu vừa chịu áp lực xả hàng quyết liệt trong phiên sáng như MSN, GVR, STB đến gần cuối phiên cũng quay đầu tăng hết biên độ.

Bản đồ vốn hoá sàn TP HCM sau phiên 17/5. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Bản đồ vốn hoá sàn TP HCM sau phiên 17/5. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Trong danh sách 10 mã tác động tích cực nhất đến chỉ số chung có 6 mã thuộc nhóm ngân hàng, lần lượt là BID, VPB, VCB, CTG, TCB và MBB. Các cổ phiếu còn lại thuộc nhóm năng lượng, thép, bán lẻ và hàng tiêu dùng.

Cổ phiếu DXG và DXS liên quan đến Tập đoàn Đất Xanh sáng nay nối dài chuỗi chạm sàn phiên thứ tư liên tiếp, đến chiều cũng tăng mạnh, trong đó DXS kịch trần 6,8% lên 21.200 đồng. Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hoá nhỏ như HQC, QCG, LDG, SCR, TDH cũng tăng vọt sau đợt điều chỉnh kéo dài.

Chỉ số biến động mạnh nhưng thanh khoản thị trường không đột biến. Giá trị giao dịch phiên hôm nay xấp xỉ 14.300 tỷ đồng, giảm khoảng 300 tỷ đồng so với hôm qua. Đây là mức thấp nhất trong bốn phiên trở lại đây.

Tiền phân bổ chủ yếu ở nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng, tiếp đến là bất động sản, công nghiệp và nguyên vật liệu. Tính riêng cổ phiếu thì HPG dẫn đầu với giá trị giao dịch hơn 860 tỷ đồng.

Trong khi nhà đầu tư trong nước mua vào thì khối ngoại lại tranh thủ chốt lời sau nhiều phiên gom hàng trước đó. Nhóm này vừa giải ngân 1.674 tỷ đồng nhưng bán ra hơn 1.700 tỷ đồng. HPG, SSI, STB, VCB và VHM là những cổ phiếu có giá trị bán ròng lớn nhất.

Phương Đông

Dragon Capital bán ra gần 3 triệu cổ phiếu Ngân hàng Quân đội

Dragon Capital bán hơn 2,8 triệu cổ phiếu MBB và không còn là cổ đông lớn.

4 trên 12 quỹ thành viên của Dragon Capital bán tổng cộng hơn 2,8 triệu cổ phiếu MBB, giảm tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng Quân Đội (MB) từ 5,018% về 4,94%.

Theo đó, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của MB từ 16/5, nhưng vẫn đang nắm giữ gần 186,79 triệu cổ phiếu MBB thông qua các quỹ thành viên. Trước đó, nhóm quỹ ngoại này thành cổ đông lớn của ngân hàng từ đầu tháng 3 năm nay khi mua vào 916.800 cổ phiếu MBB.

Diễn biến giá cổ phiếu MBB trong 1 năm gần đây. Nguồn: TradingView.

Diễn biến giá cổ phiếu MBB trong 1 năm gần đây. Nguồn: TradingView.

Một quỹ đầu tư khác là Japan Asia MB Capital (JAMBF) gần đây cũng đăng ký bán 393.000 cổ phiếu MBB để giải thể quỹ, dự kiến giao dịch từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5.

Thị giá của mỗi cổ phiếu MBB đã giảm gần 30% trong một tháng nay theo diễn biến chung của thị trường chứng khoán. Chốt phiên giao dịch 16/5, mỗi cổ phiếu MBB có giá 24.600 đồng. Ước tính theo vùng giá này, Dragon Capital thu về khoảng 70 tỷ đồng khi bán ra 2,8 triệu cổ phiếu MBB.

Quỳnh Trang

Sắp có giải pháp ngăn cổ đông nội bộ ‘bán chui’ cổ phiếu

Bộ Tài chính vừa chỉ đạo Ủy ban chứng khoán và các cơ quan nghiên cứu, triển khai giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán ổn định.

Trong đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, Bộ đề nghị tiếp tục triển khai đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030.

Cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán, nhằm kịp thời phát hiện giao dịch bất thường, vi phạm để cảnh báo cho nhà đầu tư. Việc thanh kiểm tra giao dịch khi có dấu hiệu thao túng.

Như việc hạn chế hành vi vi phạm về giao dịch nội bộ, Bộ đang chỉ đạo các sở giao dịch đẩy nhanh nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường, các đơn vị chức năng được yêu cầu thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra, Bộ sẽ xử lý theo đúng quy định.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý, trong đó có Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Trước đó, cuối tuần trước, Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ công bố thông tin giao dịch tự doanh, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30 để ổn định thị trường sau các phiên lao dốc.

VN-Index sau khi thiết lập mức đỉnh hơn 1.500 điểm đã liên tục lao dốc. Chỉ trong hơn một tháng, chỉ số của sàn HoSE đã giảm hơn 23%, xuống còn 1.171 điểm tính tới cuối phiên 16/5.

Minh Sơn

SSIAM nhận giải thưởng quốc tế về phát triển kinh doanh

SSIAM được AsianInvestor vinh danh công ty phát triển kinh doanh tốt nhất châu Á Thái Bình Dương nhờ những nỗ lực, linh hoạt trong chiến lược…

Giải thưởng trao cho Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) nằm trong khuôn khổ Asset Management Awards 2022 do AsianInvestor tổ chức. Giải thưởng ghi nhận những thành tựu xuất sắc giữa các nhà quản lý quỹ có trụ sở tại khu vực, với mục tiêu đánh giá những cải tiến, phát triển chính về điều khoản hoặc các sản phẩm mới, dịch vụ, lời khuyên hoặc công nghệ của các doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM cho biết, giải thưởng là sự động viên với doanh nghiệp, khẳng định những nỗ lực của SSIAM trong việc không ngừng cải thiện, mở rộng thị trường, nâng cao lợi nhuận đầu tư cho khách hàng thông qua các sản phẩm, dịch vụ đa dạng.

“Việc được AsianInvestor vinh danh ghi nhận những nỗ lực của SSIAM cho thấy uy tín cũng như khả năng phát triển của SSIAM không những tại Việt Nam mà còn trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Với đội ngũ chuyên gia quản lý quỹ chuyên nghiệp, kinh nghiệm và sự hiểu biết về thị trường, cũng như tầm nhìn chiến lược sâu rộng và sự phát triển bền vững, SSIAM chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự tin tưởng đồng hành của nhiều NĐT hơn nữa trong tương lai”, bà Hằng chia sẻ.

Đội ngũ nhân sự của SSIAM nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư. Ảnh: SSIAM

Đội ngũ nhân sự của SSIAM nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư. Ảnh: SSIAM

Những diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Với ngành quản lý quỹ, dòng tiền bị ảnh hưởng không nhỏ, một phần từ việc các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường. Trước tình hình đó, SSIAM đã chuyển đổi, linh hoạt tái cấu trúc sản phẩm và mở rộng phạm vi hợp tác.

Tận dụng lợi thế của môi trường lãi suất thấp, SSIAM mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh gồm các ngân hàng thương mại để thúc đẩy phát triển quỹ mở do sản phẩm quỹ vẫn còn tương đối mới với các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá tới nhà đầu tư cũng được triển khai bao gồm các hội thảo trực tuyến, hội thảo trực tiếp. Đơn cử, quỹ mở đầu tư vào trái phiếu SSIBF được nhiều nhà đầu tư đón nhận. Các tài khoản quỹ mở mới trong năm đạt hơn 4.000 tài khoản, quy mô của SSIBF tăng gần gấp đôi từ 715 tỷ đồng lên 1.373 tỷ đồng năm 2021.

Năm 2021, SSIAM cũng huy động thành công Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF- quỹ mở) thu hút hơn 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số tiền đầu tư gần 150 tỷ đồng chỉ trong ba tuần IPO. Đến nay quy mô quỹ đạt hơn 2.050 tỷ đồng. Quỹ đầu tư vào các cổ phiếu chất lượng cao, đầu ngành và được hưởng lợi nhiều từ đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới.

Không chỉ là đối tác của các ngân hàng Việt Nam, SSIAM cũng là nhà quản lý quỹ liên kết đơn vị cho nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ. Ngoài các quỹ đang quản lý cho Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA và Sunlife, năm 2021, SSIAM tiếp tục triển khai quản lý thêm 3 quỹ mới với FWD và AIA. Cuối năm 2021, tổng tài sản quản lý sản phẩm bảo hiểm liên kết liên kết đơn vị của SSIAM cũng đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 128,8% so với cùng kỳ năm trước.

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, SSIAM hợp tác với các tổ chức nước ngoài ở Hàn Quốc, Thái Lan trong nhiều năm nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Thái Lan vào quỹ mở nội địa.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản SSIAM đang quản lý (AUM) đạt 12,959 tỷ đồng. Xét về cơ cấu, các nhà đầu tư tổ chức chiếm 67,82% tổng số AUM của SSIAM, nhà đầu tư cá nhân chiếm 32,18%.

Bên cạnh việc ra mắt các sản phẩm quỹ mới, SSIAM cũng linh hoạt đưa ra các cấu trúc dịch vụ mới bằng cách cung cấp P-Fund – một dịch vụ quản lý danh mục đầu tư – kết hợp thu nhập cố định và chứng khoán niêm yết. Mục tiêu là tạo ra nguồn thu nhập cố định cho nhà đầu tư bằng trái phiếu doanh nghiệp trong khi vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận từ chứng khoán niêm yết. Bên cạnh đó, SSIAM cũng nâng cấp hệ thống giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới thông qua trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi giao dịch.

Nhà đầu tư có thể tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ của SSIAM tại đây.

Tuệ Minh

Chứng khoán giảm phiên thứ ba liên tiếp

VN-Index buổi sáng tăng 33 điểm nhưng sau đó thu hẹp biên độ, đảo chiều mất 11 điểm lúc đóng cửa và nối dài chuỗi giảm sang phiên thứ ba.

Sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa, sàn TP HCM được bao trùm bởi sắc xanh khi có 370 mã tăng điểm, gấp bảy lần số cổ phiếu giảm. Rổ VN30 trở thành động lực tăng điểm của thị trường khi có lúc 30 mã đều giao dịch trên tham chiếu, trong đó PLX, POW, GVR, SSI chạm trần và không có bên bán. Lực mua từ đó lan rộng đến nhóm vốn hoá vừa và nhỏ giúp VN-Index có thời điểm lên 1.215 điểm, tăng 33 điểm so với tham chiếu.

Bên mua không còn áp đảo hoàn toàn sau giờ nghỉ trưa. Nhà đầu tư tranh thủ hạ tỷ trọng cổ phiếu khi giá đi lên khiến chỉ số đại diện cho sàn TP HCM thu hẹp biên độ về sát tham chiếu và giằng co quanh đây. Chỉ số và nhiều cổ phiếu liên tục đảo chiều từ tăng thành giảm và ngược lại trong khoảng một giờ trước khi đóng cửa, sau đó chốt phiên sát về mốc 1.172 điểm, mất 11 điểm.

Đồ thị VN-Index và VN30 cho thấy chỉ số tăng mạnh đầu phiên 16/5 và đảo chiều thành giảm sau giờ nghỉ trưa. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Đồ thị VN-Index và VN30 cho thấy chỉ số tăng mạnh đầu phiên 16/5 và đảo chiều thành giảm sau giờ nghỉ trưa. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Nhiều mã vốn hoá lớn bị xả hàng quyết liệt trong những phút cuối là nguyên nhân chính khiến VN-Index có phiên giảm thứ ba liên tiếp. VHM mất 3,2%, xuống vùng giá 65.800 đồng, trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. MSN và STB cũng nằm trong danh sách này khi cùng chạm sàn, không có bên mua.

Ở chiều ngược lại, VCB và CTG là hai trụ đỡ quan trọng khi lần lượt tăng 1,6% và 2,7%. Trong danh sách 10 cổ phiếu đóng vai trò chặn đà giảm sâu còn có ba cổ phiếu ngân hàng khác là BID, MBB và TPB. Những cái tên còn lại rải rác ở nhiều nhóm ngành khác nhau như năng lượng, bất động sản, thép, chứng khoán.

Chỉ số tăng mạnh trong phiên sáng nhưng dòng tiền giải ngân không ồ ạt, dẫn đến thanh khoản cả phiên chỉ xấp xỉ 14.580 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ so với phiên cuối tuần trước. Rổ VN30 đóng góp khoảng 6.200 tỷ đồng vào tổng giá trị giao dịch. Tiền hôm nay tập trung nhiều nhất ở HPG khi thanh khoản mã này đạt gần 1.100 tỷ đồng, tiếp đến là STB, SSI, TCB.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng khi giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 1.240 tỷ đồng.

Phương Đông

Nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu

Khối ngoại mua ròng 1.700 tỷ đồng, mạnh nhất trong vòng ba tuần qua, giữa lúc thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu.

VN-Index tuần này mất gần 150 điểm trong bối cảnh tâm lý thị trường ngày càng bi quan, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài quan sát thị trường. Thực tế là cá nhân trong nước đã rút ròng hơn 3.400 tỷ đồng và con số này phần lớn được hấp thụ bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại đã giải ngân 9.750 tỷ đồng trong khi bán ra chưa đến 8.100 tỷ đồng, đồng nghĩa giá trị mua ròng xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Đây là đợt mua ròng mạnh nhất trong vòng ba tuần trở lại đây của nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại mua ròng ba trong số năm phiên giao dịch, trong đó một phiên hơn 700 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND thu hút dòng tiền nhiều nhất với giá trị mua ròng xấp xỉ 650 tỷ đồng, tiếp đến là DGC, CTG VHM, NLG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung xả hàng những cổ phiếu vốn hoá lớn như HPG và NVL.

P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa thị giá và thu nhập trên một cổ phiếu) của VN-Index về mức trung bình 10 năm, theo nhận định của một số nhóm phân tích, là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tích luỹ cổ phiếu. Việt Nam trở thành một trong số ít các thị trường ghi nhận dòng tiền đổ vào mạnh hơn rút ra, ngược chiều với nhiều thị trường lớn của châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

“Định giá tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác cùng nỗ lực giúp cải thiện tính manh bạch của chứng khoán Việt Nam, cũng như đạt các tiêu chuẩn để nâng hạng lên thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại trong tương lai gần”, báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) viết.

Từ khi VN-Index thiết lập đỉnh 1.524 điểm vào đầu tháng 4 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam gần 50.000 tỷ đồng và bán 44.800 tỷ đồng, tức giá trị mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm thì khối ngoại lại bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng.

Phương Đông

Sắp công bố số liệu tự doanh của công ty chứng khoán

Ủy ban chứng khoán sẽ công bố thông tin giao dịch tự doanh, điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30 để ổn định thị trường sau các phiên lao dốc.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước cùng với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) vừa có cuộc họp với HoSE, HNX, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và 23 công ty chứng khoán để tìm giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, sau chuỗi phiên lao dốc gần đây.

Cơ quan quản lý và thành viên thị trường đều đồng quan điểm, thị trường Việt Nam giảm điểm chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của thị trường thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Để hỗ trợ thị trường, Ủy ban chứng khoán đề xuất và được Bộ Tài chính chấp thuận chủ trương một số giải pháp ngắn hạn.

Theo đó, Ủy ban sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HoSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5-10 phiên. Đồng thời, cơ quan quản lý cho biết sẽ thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán.

Trước đó, từ đầu tháng 3, thông tin về giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán, một trong những chỉ báo về xu hướng đầu tư trên thị trường, đã bị dừng cung cấp.

Tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường. Việc mua ròng hay bán ròng của nhóm này được thị trường chú ý bởi phản ánh sự thay đổi kỳ vọng trong ngắn hạn, tác động lớn tới cung – cầu.

Thông tin này được cung cấp bởi các Sở giao dịch nhưng không được công khai cho nhà đầu tư mà được bán theo các gói dịch vụ riêng biệt cho các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu. Nhà đầu tư tiếp cận thông tin này bằng cách mua tài khoản từ các đơn vị cung cấp.

Theo đại diện HoSE, thời điểm đó, việc dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh “không ảnh hưởng tới vấn đề công bố thông tin” bởi nó chỉ cung cấp theo gói dịch vụ cho một số khách hàng. Sở cũng cho biết việc ngừng này để phục vụ việc rà soát, phát triển sản phẩm mới.

VN-Index giảm mạnh từ đầu tháng 4, rơi về vùng thấp nhất trong hơn 1 năm. Ảnh: Trading View

VN-Index giảm mạnh từ đầu tháng 4, rơi về vùng thấp nhất trong hơn 1 năm. Ảnh: Trading View

Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động từ thị trường phái sinh, Ủy ban đã chấp thuận cho VSD ban hành quy chế kỹ quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một điểm mới là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của VN30-Index trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn, bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa, sau khi đã loại trừ đi ba mức giá trị chỉ số cao nhất và ba mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục. Theo quy định trước đó, giá thanh toán chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa.

Nói thêm về thị trường gần đây, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán cho biết, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên nhiều giải pháp ngắn hạn để ổn định thị trường.

Cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế – chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch.

Minh Sơn

Latest Posts