Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Con trai Bầu Hiển mua 25% cổ phiếu SHB

Ông Đỗ Quang Vinh, con trai Bầu Hiển đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, nhưng mới hoàn tất nhận chuyển nhượng 25% số này qua phương thức thỏa thuận.

Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu vừa được ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) gửi HoSE.

Theo kế hoạch trước đó, ông Vinh dự kiến mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, từ 19/4-17/5, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chưa phù hợp, lãnh đạo SHB mới mua gần 26 triệu cổ phiếu (0,74%) thông qua phương thức thỏa thuận trong hai phiên 8-9/5.

Khối lượng cổ phiếu ông Vinh giao dịch bằng đúng số bà Đỗ Thị Minh Nguyệt – chị gái ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, đã bán ra cùng trong hai phiên này.

Cùng với bà Nguyệt và ông Vinh, Tập đoàn T&T cũng đăng ký bán 74,5 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 13/5-10/6 để cơ cấu danh mục đầu tư. Khối lượng đăng ký bán của tập đoàn này và bà Nguyệt tương đương lượng cổ phiếu SHB ông Vinh đăng ký mua.

Trước giao dịch này, T&T Group sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng gần 10% vốn ngân hàng. Ông Đỗ Quang Hiển là cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc vận hành T&T Group. Hiện, ông sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu SHB (2,75% vốn). Còn ông Vinh giữ vị trí Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế.

Minh Sơn

Chứng khoán tăng 5 phiên liên tiếp

VN-Index nối dài chuỗi tăng khi có thêm hơn 4 điểm sau phiên 20/5, tiến gần ngưỡng 1.280 điểm, dù áp lực chốt lời mạnh dần.

Tâm lý tích cực chiếm ưu thế trong phiên đầu tuần, sau khi thị trường tăng liên tục 4 phiên liên tiếp vào tuần trước. VN-Index bật lên sau ATO, với dòng tiền hướng vào một số nhóm như bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng. Một số mã được chú ý gần đây, như chăn nuôi, cũng tiếp tục tăng mạnh nhờ diễn biến giá hàng hóa.

Tuy nhiên, chuỗi tăng liên tiếp của chỉ số cũng khiến áp lực chốt lời gia tăng. VN-Index đi ngang ở vùng 1.280-1.285 điểm trong phiên sáng và nửa đầu phiên chiều, trước khi thu hẹp trong phiên ATC.

Chốt phiên, VN-Index dừng tại 1.277,58 điểm, tăng hơn 4 điểm (0,35%) so với phiên trước và nối dài mạch tăng 5 phiên liên tiếp. Chỉ số của sàn HoSE cũng đang ở vùng giá cao nhất trong hơn một tháng, kể từ ngày 2/4. VN30-Index tăng hơn 2 điểm (0,18%) lên 1.312 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 31.000 tỷ đồng, với thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 27.600 tỷ, tăng hơn 4.700 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 800 tỷ đồng, cao nhất trong hơn một tuần.

Cuối phiên, sàn HoSE có 264 cổ phiếu tăng giá và 174 cổ phiếu giảm giá.

BCM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với hơn 1 điểm khi mã này tăng kịch trần lên 62.900 đồng. Ngược lại, FPT là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 1%, xuống 133.000 đồng.

Trong VN30, ngoài BCM, bảo hiểm, ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng là những nhóm được chú ý. BVH đóng cửa tăng hơn 3%, HDB, VPB tăng hơn 2%, HPG, MSN có thêm hơn 1%. Ngược lại, VJC đóng cửa thấp hơn tham chiếu hơn 2%, SHB, VRE giảm hơn 1%.

So với nhóm vốn hóa lớn, giao dịch ở nhóm mid-cap có phần sôi động hơn.

Trong nhóm bất động sản, nhiều mã chốt phiên hôm nay ở trạng thái “trắng bảng bên bán”, như DXS, QCG. Những mã khác như SCR, HQC, LCG cũng khép phiên trên tham chiếu. Ngược lại, DIG, CEO, NLG chốt phiên trong sắc đỏ.

Cổ phiếu chăn nuôi, như DBC, tiếp tục tăng mạnh khi giá lợn tăng cao. Các mã ngành thép cũng giao dịch tích cực.

Minh Sơn

Khối ngoại trở lại với Thế Giới Di Động

Sau khi bán ra liên tục cuối năm 2023, giảm sở hữu về sát 40%, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng với cổ phiếu MWG khi triển vọng kinh doanh khởi sắc hơn.

Mở cửa phiên 20/5, “room” ngoại tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) còn chưa tới 1 triệu cổ phiếu. Sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng gần đây, đẩy “room” khối ngoại của MWG tiến sát ngưỡng 49%.

“Đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài từng là một trong những mã bluechip được ưa thích trong danh mục của những quỹ đầu tư lớn, luôn trong tình trạng kín “room” ở mức 49%. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, áp lực bán ra của nhóm này bắt đầu tăng mạnh, thời điểm MWG công bố kết quả kinh doanh sụt giảm và giá cổ phiếu cũng lao dốc.

Tính tới hết tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 76 triệu cổ phiếu MWG qua kênh khớp lệnh, trong 6 tháng liên tiếp. Sở hữu khối ngoại tại MWG đến tháng 12 giảm về dưới 45%.

Tình trạng này được duy trì đến đầu tháng 4, trước khi “gió đổi chiều” sau khi MWG công bố kết quả kinh doanh khởi sắc hơn.

Quý I, MWG lãi hơn 900 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ, sau giai đoạn tái cấu trúc. “Đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài cũng lấy lại quy mô lợi nhuận gần nghìn tỷ như giai đoạn 2019-2020.

“Thị trường điều chỉnh trong bối cảnh lo ngại về khả năng tăng lãi suất có thể gây áp lực nhất định lên giá cổ phiếu MWG trong ngắn hạn, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho nhà đầu tư lâu dài”, chuyên viên phân tích Nguyễn Trần Phương Nga từ SSI viết trong báo cáo mới đây.

Theo Công ty chứng khoán BSC, tiềm năng tăng giá chính với MWG giai đoạn này đến từ việc cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận hoạt động của hai chuỗi bán lẻ Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh. Tuy nhiên nhóm phân tích cũng cho rằng mức độ biến động biên lợi nhuận lớn so với cùng kì đã đặt ra những quan ngại về độ ổn định.

Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5% lên 125.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, họ hoàn thành khoảng 25% chỉ tiêu doanh thu và 37,6% kế hoạch lợi nhuận.

Ban lãnh đạo cho biết tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao như điện thoại và điện máy vẫn diễn ra. Tuy nhiên hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu tăng và lợi nhuận gộp cải thiện nhờ sự gia tăng đóng góp từ sản phẩm điện máy (vốn có biên lợi nhuận tốt) và hai chuỗi này có lợi thế về danh mục hàng hóa đa dạng, các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ trả góp.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh và dược phẩm, lãnh đạo MWG kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 40% nhờ các biện pháp tăng doanh thu cửa hàng cũ, xu hướng dịch chuyển mua sắm từ kênh truyền thống sang hiện đại, nhất là nhóm khách hàng trẻ.

Minh Sơn

Chứng khoán tăng phiên thứ tư liên tiếp

VN-Index tiếp tục tăng và vượt mốc 1.270 điểm, nhưng bắt đầu xuất hiện áp lực chốt lời, thị trường phân hóa và khối ngoại bán ròng.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trong rung lắc khi lực chốt lời trực chờ đầu ngày. Hai bên mua và bán giằng co trong hơn 30 phút, sau đó chỉ số này tăng trên tham chiếu và vượt mốc 1.270 điểm. Đến khoảng 10h30, thị trường tiếp tục rung lắc nhẹ khi nhóm ngân hàng dần có nhiều sắc đỏ.

Tuy nhiên, chỉ số nhanh chóng được cải thiện khi một nửa rổ VN30 giữ nhịp tăng, nổi bật có MSN. Ngoài ra, các cổ phiếu ngành chăn nuôi cũng thu hút dòng tiền. VN-Index vượt 1.274 điểm trước khi nghỉ trưa.

Độ cao này được duy trì ít phút vào đầu giờ chiều. Sau đó, chỉ số đại diện sàn HoSE rơi dần về tham chiếu. Đến khoảng 14h, thị trường mới ấm lên khi thanh khoản đổ về mạnh. VN-Index chốt phiên ở hơn 1.273 điểm, tăng hơn 4 điểm so với hôm qua.

Với diễn biến trên, chứng khoán chính thức vượt ngưỡng kháng cự quan trọng. Đây là phiên tích lũy thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên sau giai đoạn dòng tiền luân phiên tìm đến các nhóm ngành khác nhau, thị trường hôm nay khá phân hóa và không ghi nhận ngành nào có diễn biến quá nổi bật.

Toàn sàn HoSE có 234 mã tăng giá, nhiều hơn 33% so với 176 cổ phiếu giảm. Thị trường có 11 cổ phiếu tăng kịch trần, trong đó có ba mã đạt thanh khoản trăm tỷ, gồm HAG, EVF và HDG.

Đóng góp hàng đầu cho VN-Index là các cổ phiếu MSN, GVR, LPB, VHM. Nếu xét theo ngành, chứng khoán là nhóm tích cực hơn hẳn. Ngoài EVF tím trần, tất cả cổ phiếu chứng khoán đạt thanh khoản trăm tỷ đều tăng giá. VND chốt phiên cao hơn 4% so với tham chiếu.

Tuy nhiên các mã còn lại như SSI, VIX, VCI, HCM tăng dưới 1%, trong khi nhóm có vốn hóa vừa và nhỏ diễn biến phân hóa.

Thanh khoản cải thiện ba phiên liên tiếp. Hôm nay, tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM đạt gần 23.100 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng gần 800 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, các công ty chứng khoán dự báo VN-Index sớm có diễn biến rung lắc khi đang tiến gần tới vùng kháng cự 1.270-1.280 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và theo dõi sát thị trường, thay vì dồn lực để mua đuổi ở thời điểm hiện tại.

Tất Đạt

Chứng khoán lên sát 1.270 điểm

VN-Index giữ sắc xanh cả ngày với đà dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chốt phiên gần 1.270 điểm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE tăng một mạch hơn 10 điểm sau phiên ATO. Lực cầu xuất hiện từ sớm. Sau một tiếng đầu giao dịch, thanh khoản cao hơn 2.000 tỷ so với cùng kỳ phiên trước. VN-Index được kéo lên sát 1.270 điểm.

Chỉ số này dùng dằng quanh mức trên sang phiên chiều. Sau 14h, dòng tiền đổ vào thị trường ồ ạt hơn kéo chỉ số lên tiệm cận 1.272 điểm, nhưng lập tức xuất hiện cơn rung lắc. VN-Index chốt phiên ở 1.269, tăng hơn 14 điểm.

Vùng 1.270 điểm được các đơn vị phân tích xem là mục tiêu quan trọng của thị trường sau khi chỉ số này giằng co quanh mốc 1.250 điểm suốt bảy phiên trước đó. Dù thế, chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi, vì VN-Index có thể điều chỉnh về vùng giá thấp, sau khi tiếp cận ngưỡng kháng cự quan trọng.

Toàn sàn HoSE có 300 cổ phiếu tăng, nhiều hơn gấp đôi so với 129 mã giảm giá. Sắc xanh cũng áp đảo trên rổ VN30 với 24 mã, giúp chỉ số đại diện tăng trên 18 điểm.

Nhóm ngân hàng đóng góp chính cho đà tăng của thị trường, khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến kéo dài chính sách cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp đến hết năm nay, thay vì phải dừng từ cuối tháng 6.

Trong top 10 cổ phiếu hỗ trợ VN-Index nhiều nhất, ngành này có đến 9 đại diện gồm VCB, TCB, BID, CTG, LPB, VPB, MBB, ACB và HDB. Trong đó, LPB là mã có thanh khoản trăm tỷ và tăng kịch trần. Đa số các mã trụ ngành này đóng cửa với thị giá cao hơn 2-3% so với tham chiếu.

Thanh khoản sàn HoSE có phiên thứ ba liên tiếp cải thiện, với tổng giá trị giao dịch gần 22.700 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, với 6 tỷ đồng. Họ tập trung mua MWG và NLG, trong khi bán mạnh ở VHM và PVD.

Như vậy, sau ba phiên cải thiện liên tiếp, VN-Index trở lại vùng giá giữa tháng 4, tức trước khi xảy ra phiên “sập” 60 điểm. Đà tăng hôm nay đồng pha với thị trường thế giới khi cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng lập đỉnh nhờ lạm phát hạ nhiệt.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng trở lại

Sau ba phiên đi lùi, VN-Index trở lại sắc xanh khi tăng hơn 3 điểm, tuy nhiên động lực chưa đủ mạnh, thanh khoản giữ mức thấp.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa với diễn biến tích cực, tăng hơn 8 điểm sau phiên ATO. Sau một tiếng đầu giao dịch, chỉ số này cải thiện hơn 12 điểm so với tham chiếu, vượt mốc 1.250 điểm.

Nhóm bluechip tạo động lực lớn cho thị trường, trong đó VIC nổi bật nhất. Mã chứng khoản của Vingroup có thời điểm tiệm cận giá trần khi cổ phiếu VinFast (VFS) trên sàn Nasdaq tăng hơn một nửa sau khi chính thức nhận đặt cọc mẫu xe điện mini VF3 với nhiều phản hồi tích cực.

Tuy nhiên dòng tiền rót vào chứng khoán không đủ mạnh. Sau 10h, các mã bluechip dần hạ nhiệt kéo chỉ số chung hạ độ cao. Sang buổi chiều, thị trường chủ yếu đi ngang, biến động ngắn. VN-Index đóng cửa tăng hơn 3 điểm, đạt khoảng 1.243,3 điểm.

Toàn sàn HoSE có 226 mã tăng, 201 mã giảm giá. Chênh lệch giữa hai nhóm không nhiều cho thấy động lực tăng của thị trường chưa đủ mạnh.

Bán lẻ là nhóm có diễn biến nổi bật nhất hôm nay khi MWG và DGW tăng lần lượt 3,1% và 2,2%. Riêng MWG là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 968 tỷ đồng.

Ngoài ra, sắc xanh trên thị trường chủ yếu đến từ các mã riêng lẻ ở rải rác từng ngành. Trong đó, đóng góp chính cho VN-Index là VIC, HVN, MWG, VPB, BCM, GVR. Ở chiều ngược lại, các mã PLX, BID, VCB, TCB hình thành lực cản.

Thanh khoản hôm nay giảm ngược chiều với điểm số. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt trên 15.600 tỷ đồng, sụt hơn 1.600 tỷ. Đây là phiên thứ ba, thị trường TP HCM có thanh khoản dưới 20.000 tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 800 tỷ đồng, phiên thứ năm liên tiếp. Hôm nay họ tập trung xả hàng VHM, VPB, HPG.

Như vậy, đây là phiên thứ sáu liên tiếp VN-Index kiểm tra mốc 1.250 điểm nhưng bất thành. Do đó, các đơn vị phân tích đều khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét giải ngân nếu chỉ số bứt phá mạnh lên trên vùng kháng cự.

Tất Đạt

Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát sẽ phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm vào ngày 25/5.

Theo đó, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10%. Tức là, mỗi đông sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng thêm gần 6.000 tỷ, từ mức 58.100 tỷ đồng lên gần 64.000 tỷ đồng. Mức này tương đương gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành.

Sau đợt phát hành này, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, chỉ sau VPBank với 7,9 tỷ cổ phiếu.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, những năm qua tập đoàn phải dành nguồn lực cho đầu tư các dự án lớn, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu. Quan điểm của tập đoàn là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông. “Nếu kết quả kinh doanh khả quan, từ năm 2025, Hòa Phát sẽ quay lại chia cổ tức bằng tiền mặt”, ông Long nói.

Năm nay, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông đầu tháng 4, tỷ phú Trần Đình Long nói 5-10 năm tới Hòa Phát sẽ dồn lực làm thép. Hiện, tập đoàn này đang dồn lực hoàn thành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Dự án này khi vận hành sẽ nâng năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp lên hơn 14 triệu tấn một năm.

Đầu năm nay, tập đoàn này cũng quyết định đầu tư 3 dự án tại Phú Yên, gồm cảng biển, khu công nghiệp và khu liên hợp gang thép, với tổng vốn 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Riêng dự án khu liên họp gang thép khoảng 86.000 tỷ đồng, để sản xuất thép HRC chất lượng cao.

Hòa Phát, doanh nghiệp đứng top đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, mỗi năm sản xuất 8,5 triệu tấn thép thô. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, còn lại là cuộn cán nóng.

Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu và đạt 28% kế hoạch lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của “ông lớn” ngành thép gần 202.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm.

Quỳnh Trang

Nhóm bluechip đè nặng lên VN-Index

VN-Index có phiên điều chỉnh thứ hai liên tiếp, giảm gần 4 điểm, do chịu áp lực bán từ nhóm bluechip.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trên tham chiếu, vượt mốc 1.250 điểm nhưng nhanh chóng rung lắc. Sau một tiếng đầu giao dịch, đồ thị chuyển sang sắc đỏ và duy trì đến cuối phiên.

Trong ngày, có lúc chỉ số này bị kéo về sát 1.237 điểm, tức thấp hơn 11 điểm so với hôm qua.

Về cuối phiên, chỉ số cải thiện, về gần sát tham chiếu trong phiên ATC. VN-Index đóng cửa ở 1.244,7 điểm, hạ gần 4 điểm.

Hơn một nửa cổ phiếu sàn HoSE sụt giá, trong khi vẫn ghi nhận gần một phần ba mã tăng. VN-Index giảm điểm chủ yếu do các mã bluechip.

Hôm nay VN30-Index cũng sụt 4 điểm, với 22 cổ phiếu đi lùi. Ảnh hưởng nặng nhất đến chỉ số chung là VCB, VHM, BID, VPB và VIC.

Nhìn rộng ra, bất động sản và ngân hàng là hai nhóm có diễn biến tiêu cực trong hôm nay. VHM, NVL và VRE cùng giảm 1,5%. Các mã vừa và nhỏ thuộc ngành địa ốc cũng sụt hơn 1%.

Ở bảng điện ngân hàng, SHB và VPB đóng cửa dưới tham chiếu 1,3%. Còn lại chủ yếu giảm dưới 1%.

Thị trường điều chỉnh khiến nhà đầu tư giao dịch thận trọng. Thanh khoản sàn HoSE đạt gần 16.300 tỷ đồng, thấp hơn hôm qua khoảng 3.700 tỷ. Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng, phiên thứ ba liên tiếp. Họ xả hàng chủ yếu ở các mã VHM, DGC, VPB.

Hôm nay là phiên thứ tư liên tiếp, VN-Index kiểm tra mốc 1.250 điểm và đều bất thành. Điều này cho thấy đây vẫn là ngưỡng cản mạnh cho thị trường hiện tại. Ngoài ra, chứng khoán cũng trong giai đoạn thiếu những động lực đủ tốt để giúp thị trường bứt phá.

Khuyến cáo chung của các đơn vị phân tích là nhà đầu tư hạn chế mua đuổi ở vùng giá hiện tại, thay vào đó nên quan sát và chờ cơ hội thích hợp.

Tất Đạt

Chứng khoán đứt mạch tăng

Sau 6 phiên tăng liên tiếp, VN-Index giảm gần 2 điểm trước áp lực từ các mã vốn hóa lớn và khối ngoại xả hàng mạnh nhất hơn tháng qua.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trong sắc xanh và duy trì trạng thái này trong gần hai tiếng đầu giao dịch. Thị trường ghi nhận điểm nhấn ở các cổ phiếu xuất khẩu, thủy sản, lúa gạo, có lúc tăng hơn 6 điểm so với tham chiếu.

Tuy nhiên lực bán xuất hiện dày đặc hơn trong một tiếng cuối phiên sáng, các mã bluechip chỉ còn giữ sắc xanh le lói. VN-Index bị kéo về dưới tham chiếu.

Sắc đỏ duy trì đến đầu phiên chiều. Sau đó, chỉ số này rung lắc liên tục quanh tham chiếu và đi ngang trong phiên ATC. Kết phiên, VN-Index giảm gần 2 điểm, về hơn 1.248,6 điểm.

Toàn sàn HoSE có 241 cổ phiếu giảm giá, 201 mã tăng. Chênh lệch giữa hai nhóm không quá cao. Chỉ số bị kéo xuống chủ yếu bởi các mã GAS, VCB, VNM. Trong khi ở chiều ngược lại, cổ phiếu BCM, HVN, CTG, VPB góp sức ngăn đà giảm điểm của thị trường.

Ngoài một số mã có vốn hóa lớn, thị trường bị ảnh hưởng nhiều bởi nhóm cổ phiếu chứng khoán. SSI, VIX, VCI, VND đều giảm từ 1% trở lên. Một số mã vừa và nhỏ còn sụt 2-3%.

Thanh khoản hôm nay giảm cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường TP HCM đạt hơn 20.000 tỷ đồng, kém hơn hôm qua khoảng 3.300 tỷ.

Như vậy, chứng khoán đã đảo chiều sau 6 phiên tăng liên tiếp. Diễn biến trên nằm trong dự đoán và cảnh báo của nhiều công ty chứng khoán đưa ra trước đó khi VN-Index đang kiểm tra ngưỡng kháng cự trung hạn 1.250 điểm. Thị trường sụt gần 2 điểm là biên độ nhỏ so với mức tích lũy gần 41 điểm của chuỗi tăng trước đó.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên thứ hai liên tiếp xả hàng với giá trị bán ròng đều trên nghìn tỷ. Biên độ hôm nay đạt hơn 1.700 tỷ đồng, mức lớn nhất kể từ cuối tháng 3.

Trong đó, VHM là mã bị xả hàng nặng nề nhất với giá trị bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn xả hơn trăm tỷ ở DGC và VHC.

Tất Đạt

Cổ phiếu Novaland giảm sàn

Cổ phiếu NVL của Novaland chốt phiên ở mức giá sàn, với thanh khoản hơn 70 triệu, áp lực chốt lời tăng mạnh trên toàn thị trường.

Áp lực bán ra tăng nhanh từ đầu phiên hôm nay, sau khi VN-Index ghi nhận chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số của sàn HoSE mở cửa trong sắc đỏ, giảm gần 15 điểm sau vài phút.

Lực chốt lời tăng mạnh ở các nhóm cổ phiếu được chú ý, như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản khiến chỉ số rơi với gia tốc nhanh. Thị trường có nhịp hồi lại trước giờ nghỉ trưa, rồi tiếp tục đảo chiều đi xuống. Phải tới ATC, dòng tiền bắt đáy vào mạnh hơn mới giúp VN-Index trở lại trên tham chiếu.

Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE tăng gần 2 điểm, lên 1250,46 điểm, nối dài mạch tăng lên phiên thứ 6 liên tiếp. VN30-Index không thay đổi, đứng lại mức 1.284,85 điểm.

Ở nhóm bất động sản, mã NVL của Novaland là cái tên được chú ý khi đóng cửa giảm sàn, với thanh khoản cả phiên hơn 70 triệu cổ phiếu được sang tay. Mã này giảm sàn trước những thông tin liên quan việc Cơ quan cảnh sát điều tra TP HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu đô thị Aqua City – một trong những dự án trọng điểm của Novaland. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết nhận được yêu cầu xác minh thông tin và tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ.

Ngoài ra, trong rổ hàng lĩnh vực địa ốc, các mã SCR, PDR, DXG, HQC cũng khép phiên trong sắc đỏ.

Ngược lại, cổ phiếu thép, phân bón, dầu khí được dòng tiền hướng vào. HSG, NKG đóng cửa tăng gần 1%, các mã “họ P” tăng mạnh với PVS, PVC, PVD có thêm 3-5%.

HPG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,8 điểm, khi mã này tăng gần 2%, lên 30.700 đồng. Ngược lại, VPB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi đóng cửa giảm 1,3%, xuống 18.550 đồng.

Trong nhóm VN30, ngân hàng, bất động sản, hàng không cũng đứng đầu đà giảm. Ngoài VPB, STB, VJC, MBB cũng đóng cửa mất hơn 1%. HDB, VIB, VRE, SSB, CTG, BID, VHM chốt phiên dưới tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 26.711 tỷ đồng, với thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 23.300 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, cao nhất trong gần hai tháng.

Sàn HoSE có 204 cổ phiếu tăng giá, so với 233 mã giảm giá.

Minh Sơn

Chứng khoán LPBank thành cổ đông lớn của Công ty bầu Đức

Chứng khoán LPBank và những người liên quan đã mua 89,6 triệu cổ phiếu HAG, nâng sở hữu lên 8,47% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 25/4.

Thông tin vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Sau giao dịch trên, Chứng khoán LPBank và người có liên quan đã nâng sở hữu lên 89,6 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 8,47% vốn điều lệ và thành nhóm cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Cụ thể Chứng khoán LPBank sở hữu 50 triệu cổ phiếu, những người có liên quan đến công ty này đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu HAG còn lại như ông Lê Minh Tâm là 28 triệu, ông Nguyễn Đức Bình nắm 1,3 triệu, bà Trần Thị Thu Hương khoảng 5,65 triệu và bà Phạm Lê Thị Hồng Hoa sở hữu 4,68 triệu đơn vị.

Ngoài ra LPBank và nhóm cổ đông trên, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã bán cho Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup 52 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua, chiếm 4,92% vốn điều lệ.

Với số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ, công ty bầu Đức sẽ sử dụng 346,7 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do công ty phát hành ngày 18/6/2012, mã trái phiếu HAG2012.300. Số tiền còn lại dùng để cơ cấu nợ cho công ty con và bổ sung nguồn vốn lưu động.

Trong công bố thông tin bất thường hôm 7/5, Hoàng Anh Gia Lai cho biết vừa nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Nguyễn Chí Thắng – thành viên Hội đồng quản trị và ông Lê Hồng Phong thành viên ban kiểm soát.

Quý I, công ty này đạt lợi nhuận sau thuế 226 tỷ đồng. Hiện, công ty vẫn còn lỗ lũy kế 1.452,4 tỷ đồng, bằng 15,7% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 9.274,7 tỷ đồng).

Trên thị trường, cổ phiếu HAG đang tăng lên trên 13.100 đồng một cổ phiếu phiên ngày 7/5.

Thi Hà

Con gái ông Bùi Thành Nhơn muốn bán hơn 9 triệu cổ phiếu NVL

Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland Bùi Thành Nhơn, đăng ký bán hơn 9 triệu cổ phiếu vì lý do cá nhân.

Thông tin này được nêu trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây. Tính theo giá đóng cửa phiên 6/5, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con gái ông Nhơn có thể thu về khoảng 135,6 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 9/5 đến ngày 6/6. Nếu bán thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Quỳnh sẽ giảm từ 1,266% về 0,798%.

Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn cũng liên tục bán cổ phiếu Novaland. Cuối tháng 4, NovaGroup đăng ký bán hơn 9,4 triệu cổ phiếu NVL để cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ tái cơ cấu nợ. Hay cuối tháng 3, Diamond Properties bán thành công 4 triệu cổ phiếu để cân đối danh mục đầu tư.

Tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn đã bán tổng cộng khoảng 33,7 triệu cổ phiếu NVL. Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm này giảm về quanh 40,2% dù họ từng nắm khoảng 60,85% vốn của Novaland vào giữa năm 2022.

Trong phiên họp thường niên cuối tháng 4, ông Dương Văn Bắc – Giám đốc Tài chính Novaland từng khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào” dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL.

“NovaGroup và ông Bùi Thành Nhơn đã quay lại trực tiếp điều hành Novaland, đúng với thông điệp từng tuyên bố là đối diện với khó khăn, thử thách, không né tránh”, ông Bắc chia sẻ.

Việc NovaGroup đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu NVL, theo lãnh đạo này, là hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó, một lượng cổ phiếu đáng kể mà tập đoàn này nắm giữ bị bán giải chấp nhằm giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số gói trái phiếu bán lẻ.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ. Các dự án tạo doanh thu thời gian tới là Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TP HCM. Dẫu vậy trong quý đầu năm, họ lỗ hơn 600 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Doanh nghiệp này tuyên bố về cơ bản đã hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ, trái phiếu trong và ngoài nước, tài sản vẫn cân đối với công nợ. Thời gian tới, họ dự kiến huy động 16.000 tỷ đồng để thi công hoàn thiện các dự án còn dang dở. Ngoài ra, NVL cũng cân nhắc và đàm phán với một số đối tác về chuyển nhượng một số dự án nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, cải thiện danh mục đầu tư.

Tất Đạt

Latest Posts