Olympus Blog

In the Olympus blog you'll find the latest news about the community, tutorials, helpful resources and much more! React to the news with the emotion stickers and have fun!

Giá thuê nhà xã hội có thể cao nhất gần 14 triệu đồng một căn 70 m2

Hà Nội đang lấy ý kiến về mức giá cho thuê nhà xã hội dự kiến cao nhất 198.000 đồng một m2 sàn một tháng, tương đương gần 14 triệu đồng với căn 70 m2.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo khung giá cho thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã bỏ vốn đầu tư. Khung giá này tính theo m2 sàn sử dụng và thay đổi theo số tầng của tòa nhà.

Khung giá trên là cơ sở để chủ đầu tư và người thuê tham khảo, thỏa thuận giá thuê, không áp dụng với nhà xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp; nhà xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách cho lực lượng vũ trang và dự án đã được bên cho thuê và người thuê thống nhất về giá thuê.

Theo đó, mức cao nhất áp dụng cho tòa nhà cao trên 30 tầng với giá thuê 198.000 đồng một m2 sàn sử dụng một tháng. Nghị định 100 quy định tiêu chuẩn diện tích sàn sử dụng mỗi căn nhà xã hội trong dự án tối đa 70 m2, tối thiểu 25 m2.

Như vậy, giá thuê nhà xã hội cao nhất áp dụng với căn 70 m2 trong tòa nhà trên 30 tầng lên đến 13,9 triệu đồng một căn. Giá thuê này tương đương với mức thuê căn hộ 2 phòng ngủ tại một số dự án thương mại đã bàn giao trên 5 năm các quận xa trung tâm.

Mức thấp nhất thuộc về tòa nhà dưới 10 tầng với giá cho thuê tối thiểu 48.000 đồng một m2 sàn, tương đương 1,2 triệu đồng một căn một tháng.

STT Nhà có số tầng Mức giá tối thiểu (đồng/m2 sàn/tháng) Mức giá tối đa (đồng/m2 sàn/tháng)
1 Số tầng <=10 48.000 96.000
2 10< số tầng <=20 49.000 98.000
3 20< số tầng <= 30 73.000 146.000
4 Số tầng > 30 99.000 198.000

Dự thảo nêu mức giá thuê chưa gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất; bảo hiểm cháy nổ; phí trông giữ xe; dịch vụ điện nước, truyền hình…

Hiện nay, việc xác định giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội được thực hiện theo Quyết định 25/2019. Theo đó, chủ đầu tư sẽ thẩm định giá thuê, thuê mua nhà xã hội và trình Sở Xây dựng. Sau khi được duyệt, chủ đầu tư sẽ ban hành giá bán, cho thuê, thuê mua theo nguyên tắc không cao hơn mức giá do Sở thẩm định. Ví dụ, tại dự án NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, giá cho thuê nhà xã hội khoảng 99.000 đồng một m2 một tháng (đã gồm VAT và phí bảo trì).

Trong khi đó, mức cao nhất ở TP HCM là 235.000 đồng một m2, áp dụng với công trình 45-50 tầng, có 3 tầng hầm, tương ứng căn thuê đắt nhất đến 16,5 triệu mỗi tháng.

Theo đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội, Hà Nội được giao chỉ tiêu 18.700 căn đến năm 2025. Hồi tháng 5, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành thành phố cam kết khởi công ít nhất 1 dự án ở xã hội trước ngày 1/10. Tuy nhiên đến nay, thành phố mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn), chỉ đạt 9% mục tiêu.

Ngọc Diễm

Đề xuất phải chứng minh năng lực tài chính khi đấu giá đất

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất người tham gia đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính để tránh tình trạng bỏ cọc, thông đồng đẩy giá.

Tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát hoạt động thị trường bất động sản và nhà ở xã hội ngày 28/10, GS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nói trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm, nhiều người tìm cách đẩy giá bất động sản lên cao để kiếm lời.

“Môi giới tung tin để thổi giá, người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường. Dư luận cho rằng doanh nghiệp bắt tay đưa giá cao để thiết lập một mặt bằng giá”, ông Cường nói.

Do vậy, để kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản, ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao bất thường rồi bỏ cọc, ông Cường đề xuất bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực về tài chính để mua được tài sản đó. Việc chứng minh thông qua khoản tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác và phải cam kết nếu bỏ cọc sẽ bị xử lý.




Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Media Quốc hội

Theo ông Cường, những người có nhu cầu thật, sẽ không ngại chứng minh khả năng thanh toán. Như vậy, phiên đấu giá sẽ loại bỏ được những người tham gia để mua đi, bán lại, đặc biệt là người trả giá cao rồi bỏ cọc. Bên cạnh đó, cách làm này sẽ tránh phải tăng tiền đặt cọc, tránh hạn chế số người tham gia đấu giá và mất đi tính cạnh tranh.

Ông cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra yếu tố hình thành giá khi có sự biến động bất thường. Việc này giúp phát hiện được sự bất thường của các giá bán, bảo vệ người tiêu dùng và là cơ sở để thu thuế điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao.

Đại biểu Dương Văn Phước, Chánh Văn phòng Đoàn Quảng Nam, đồng tình cần đánh giá năng lực của người đấu giá. Nhưng thực tế, ông Phước cho rằng trong từng phiên đấu giá không thể đánh giá kịp.

Dẫn chứng tại Quảng Nam, ông Phước nói có một phiên đấu giá mỏ cát giá ban đầu chỉ 1,8 triệu. Nhưng sau 200 vòng, từ 8h sáng ngày hôm nay đến 8h sáng ngày hôm sau, cát từ 150.000 đồng/m3 lên tới 2,3 triệu đồng/m3. “Nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn, chúng tôi có thể khẳng định như vậy”, ông Phước nói.

Mục tiêu của người đấu giá ở đây là muốn thắng bằng được để bỏ cọc, nhằm mục đích độc quyền, lũng đoạn và đẩy giá lên cao. Theo quy định, tiền đặt cọc tối đa 20% giá khởi điểm. Tức là chỉ cần vài trăm triệu để đạt mục đích, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc. Việc này dẫn đến giá cát cao ngất ngưởng và ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả công trình đầu tư công tại Quảng Nam.

Ông lo ngại đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi. Vì vậy, ông Phước đề nghị tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Bên cạnh đó, ông đề nghị cấm doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực họ từng bỏ cọc.




Khu đất đấu giá có lô trúng cao nhất hơn 130 triệu đồng một m2 tại xã Tiền Yên, Hoài Đức. Ảnh: Phạm Chiểu

Khu đất đấu giá có lô trúng cao nhất hơn 130 triệu đồng một m2 tại xã Tiền Yên, Hoài Đức. Ảnh: Phạm Chiểu

Giơ biển tranh luận, đại biểu Hoàng Văn Cường nói hiện nay phí đặt cọc đang quy định là từ 5 đến 20%. Ví dụ, bất động sản giá 10 tỷ ban đầu, như vậy đặt cọc phải bỏ 2 tỷ là quá lớn song không phải ai tham gia đều được mua. Có thể 10 người tham gia chỉ được một người mua.

Như vậy, đặt cọc một lượng tiền khá lớn mà chưa chắc mình đã được mua, tạo ra tâm lý e ngại, cản trở về tính toán kinh tế làm hạn chế người tham gia. Nhưng, nếu chứng minh năng lực tài chính thông qua tiền trong ngân hàng, các bất động sản, sau này bỏ cọc, cơ quan quản lý có thể xử lý bằng tài sản anh có.

“Những người không có tiền nhưng tham gia chỉ nhằm sang tay ngay sẽ không có đủ điều kiện để minh chứng, không tham gia được, ngăn chặn được triệt để tình trạng bỏ cọc”, ông Cường nói.

Hồi tháng 9, phiên đấu giá gây xôn xao tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Đến nay chỉ 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Khoảng 80% người trúng đấu giá đã bỏ cọc.

Đây là một trong những phiên đấu giá vùng ven gây xôn xao thị trường trong tháng 8. Bởi số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.600 hồ sơ với hơn 1.500 người, tương đương một thửa đất có hơn 22 người quan tâm. 68 lô đất được bán thành công với giá gấp 5-8 lần khởi điểm, cao nhất đạt trăm triệu đồng một m2.

Sơn Hà

Chung cư 1-3 tỷ đồng dần biến mất thế nào

10 năm trước, với một tỷ có thể chọn nhiều chung cư mới nhưng giờ chỉ đủ mua nửa căn studio và ngay đến 3 tỷ đồng cũng không dễ mua nhà.

Cách đây hơn chục năm, gia đình chị Minh Anh mua một căn hộ mới 2 phòng ngủ, diện tích 75 m2 tại một dự án nằm trên đường Phúc Xa, khu đô thị Xa La, Hà Đông. Giá khi đó là 970 triệu đồng, tức khoảng 13 triệu đồng một m2.

Giai đoạn đó, với tài chính trên dưới 1 tỷ đồng, người mua chung cư có khá nhiều lựa chọn căn hộ rộng tối thiểu 60 m2 với loạt dự án ở Hoài Đức, Hà Đông như Văn Phú, Sông Nhuệ, The Spark, Xuân Mai Tower, Xa La hay ở Hoàng Mai như Kim Văn Kim Lũ, HH Linh Đàm.

Đây cũng được coi là thời kỳ hoàng kim của căn hộ bình dân (hay còn gọi là nhà giá rẻ, vừa túi tiền). Bởi theo CBRE Việt Nam, năm 2014, căn hộ dưới 35 triệu đồng đứng đầu nguồn cung mới ra thị trường, chiếm xấp xỉ 40%.

Thậm chí đến năm 2016, nhà giá rẻ vẫn tạo nên cơn sốt thanh khoản ở cả Hà Nội và TP HCM. Khi đó, tại một số dự án ở Hà Nội, do nhiều cầu của người mua quá lớn, chủ đầu tư còn phải tổ chức bốc thăm hay chênh giá hàng chục triệu sau mỗi đợt tung hàng mới ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện tại, số tiền 1 tỷ đồng có thể chỉ đủ để sở hữu một nửa diện tích căn hộ dạng studio (rộng 28 – 32 m2) tại các dự án mới. Theo khảo sát của VnExpress tại một khu đô thị phía Tây nằm ngoài vành đai 3, các căn dạng này đang được chào bán trên thị trường sơ cấp 1,6-2 tỷ đồng, còn chung cư 1 phòng ngủ +1 (diện tích 43-48 m2) có giá thấp nhất cũng từ 2,4-2,5 tỷ đồng.

Thực tế, nguồn cung căn hộ với giá quanh mức 1 tỷ đồng tại Hà Nội đã có dấu hiệu suy giảm trong giai đoạn 2018-2020. Từ năm 2020 đến nay, thủ đô gần như “tuyệt chủng” chung cư thương mại giá rẻ.

Năm đó, nguồn cung căn hộ mới ở đột ngột giảm một nửa so với 2 năm trước, xuống mức dưới 18.000 căn, trong đó nhà trung cấp (35-60 triệu đồng một m2) lại có đến hơn 13.000 căn. Đây cũng chính là thời điểm mở đầu cho giai đoạn các doanh nghiệp không còn mặn mà với việc phát triển nhà bình dân và dần bước vào cuộc đua thiết lập mặt bằng giá mới.

Tình trạng này xuất hiện từ nhiều nguyên nhân như giá đất, chi phí xây dựng tăng, kéo giá bán đi lên. Và quan trọng nhất là nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý kéo dài, làm nguồn cung ngày càng khan hiếm, khiến giá nhà tăng tại các dự án mới.

Tiếp sau nhà giá rẻ, đến đầu năm 2022, căn hộ 2 phòng ngủ với giá khoảng 2 tỷ đồng cũng bắt đầu khan hiếm và biến mất cả ở khu vực huyện ven Hà Nội vào năm 2023. Thời điểm đó, thị trường sơ cấp thiết lập mặt bằng giá bình quân 46 triệu đồng mỗi m2. Tương ứng một căn hộ rộng 60 m2 cũng phải có giá từ gần 2,8 tỷ đồng.

Dù căn hộ mới tầm tiền này đã biến mất từ 2 năm trước, đến nay, nó vẫn là loại hình phần đông người dân có thể đáp ứng nhu cầu tài chính. Theo một khảo sát gần đây của VnExpress, hơn một nửa trong số 3.100 người tham gia trả lời rằng chỉ có khả năng mua nhà dưới 2 tỷ đồng.




Chung cư giá rẻ biến mất thế nào một thập kỷ qua - 1

Tình trạng lệch pha trên thị trường căn hộ ngày càng trầm trọng hơn khi 9 tháng đầu năm nay, nhà cao cấp (giá 60-120 triệu đồng một m2) phủ sóng gần 70% tổng nguồn cung trên thị trường. Từ cuối quý II năm nay, sau cơn sốt chung cư, giá căn hộ mới dưới 50 triệu đồng một m2 gần như vắng bóng tại Hà Nội. Đơn giá này hiện chỉ tồn tại các dự ở vùng lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam.

Điều này khiến việc mua chung cư mới, 2 phòng ngủ với giá 3 tỷ đồng hiện nay cũng bất khả thi. Thậm chí số tiền này còn không đủ sở hữu căn studio tại một dự án vừa được ra mắt tại huyện Đông Anh. Chủ đầu tư dự án này công bố mức giá thăm dò cho các căn hộ studio (diện tích 30,5-31 m2) từ 3,26 tỷ đến 3,68 tỷ đồng

Với 3 tỷ đồng, người dân hiện chỉ có thể mua căn hộ mới dạng 1 phòng ngủ + 1 hoặc studio trong các đại đô thị phía Tây, phía Đông hoặc căn hộ cũ tại một số huyện ven Hà Nội.

Như vậy, chỉ trong hơn 4 năm, các loại căn hộ phù hợp với túi tiền của người dân như 1 tỷ, 2 tỷ và cả 3 tỷ đồng đã lần lượt biến mất. Diễn biến này cũng trùng khớp với đà tăng giá mạnh mẽ của thị trường căn hộ Hà Nội từ 2020 đến nay.

Theo dữ liệu của CBRE, đến hết quý III, bình quân giá bán căn hộ sơ cấp (chưa gồm VAT, phí bảo trì) đã đạt đến 64 triệu đồng một m2, tăng 3 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, giá sản phẩm này chỉ thực sự biến động mạnh từ năm 2020, với biên độ tăng gần 100%. So với TP HCM, mức tăng trong giai đoạn này của Hà Nội gấp 4 lần.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp CBRE Hà Nội cho biết từ 2019 trở về trước, giá chung cư ở Hà Nội không biến động mạnh, chỉ tăng trung bình 10% mỗi năm. Theo bà, giá căn hộ tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn bởi nhiều lý do, trong đó, chung cư trở nên quen thuộc hơn với người dân ở Hà Nội. Đồng thời, thị trường nhà ở cũng có thêm sự tham gia các doanh nghiệp có tiềm lực, chủ đầu tư nước ngoài giúp thị trường phát triển hơn. Ngoài ra, các dự án mới ra mắt từ đầu năm đến cũng đều nằm trong các đại đô thị đã có sẵn mặt giá cao.

Tương tự, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đánh giá định kiến đầu tư chung cư là tiêu sản đã được phá bỏ nhờ giá mua bán tăng không ngừng. Trong bối cảnh các sản phẩm như bất động sản nghỉ dưỡng đổ vỡ, đất nền nhiều nơi “đứng bánh”, chung cư lại có thể tạo ra dòng tiền cho thuê đều đặn hàng tháng với mức cao hơn gửi tiết kiệm, tiềm năng tăng giá

Bà Phạm Thị Miền, Đại diện VARS cho rằng phân khúc căn hộ vừa qua cũng đã dẫn dắt thị trường khi liên tục thiết lập mặt bằng giá mới với cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Gần đây, các dự án căn hộ có mức giá đến 80-90 triệu đồng một m2 nhưng vẫn bán chạy.

Còn theo lãnh đạo một công ty chuyên tư vấn phát triển dự án ở phía Bắc, cuộc chơi trên thị trường nhà ở 10 năm trước có đa dạng chủ đầu tư hơn, trong đó nhiều dự án nhà giá rẻ, vừa túi tiền đến từ các công ty có vốn đầu tư nhà nước hay doanh nghiệp tầm trung, thậm có cả doanh nghiệp trái ngành.

Trong khi đó, những năm gần đây thị trường gần như chỉ đón thêm dự án từ vài chủ đầu tư có tiềm lực và cũng định vị ở phân khúc sản phẩm cao. Doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường cũng phải thông qua M&A quỹ đất, đội thêm chi phí nên không thể thiết lập giá sản phẩm ở mức thấp nhằm đảm bảo biên lợi nhuận.

Tình trạng lệch pha này khó có thể sớm cải thiện khi loạt dự án cao cấp, hạng sang tiếp tục đổ bộ thị trường. Mức giá 100 triệu đồng một m2 hiện nay không xa lạ với thị trường chung cư Hà Nội như vài năm trước. Thậm chí, một số dự án căn hộ cũng được chủ đầu tư thiết lập mức giá đến mốc 200 triệu đồng một m2 – cao ngang ngửa biệt thự liền kề ở vùng ven.

Nhiều đơn vị nghiên cứu dự báo nguồn chung cư Hà Nội có thể tăng mạnh trở lại từ năm sau. Trong hai năm tới, thị trường này có thể đón gần 50.000 căn hộ mới, chủ yếu từ khu vực phía Tây và Đông. Tuy nhiên, nhà bình dân, nhà vừa túi tiền vẫn sẽ thiếu vắng khi phân khúc cao cấp vẫn có thể duy trì tỷ trọng khoảng 70% trong tổng nguồn cung mới.

Anh Tú – Ngọc Diễm

Hà Nội dự kiến giữ mức trần giá dịch vụ chung cư là 16.500 đồng một m2

Khung giá dịch vụ đang lấy ý kiến giữ nguyên, trong đó chung cư không có thang máy tối đa 5.000 đồng một m2, có thang máy cao nhất 16.500 đồng.

Theo dự thảo quyết định khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, với nhà chung cư không có thang máy, mức giá dịch vụ tối thiểu là 700 đồng/m2/tháng, tối đa là 5.000 đồng/m2/tháng. Với nhà chung cư có thang máy, dự kiến quy định mức giá dịch vụ tối thiểu 1.200 đồng/m2/tháng; tối đa 16.500 đồng/m2/tháng.

Mức giá trên không thay đổi so với khung giá được thành phố ban hành năm 2017. Riêng với mức tối đa ở cả chung cư không có thang máy (5.000 đồng/m2) và có thang máy (16.500 đồng/m2) được giữ nguyên qua 4 lần thành phố công bố khung giá vào các năm 2014, 2015, 2017 và dự thảo đang lấy ý kiến.




Hà Nội hiện có số lượng chung cư cao nhất cả nước. Trong ảnh là hàng loạt chung cư cao tầng nhìn từ ngoài đường vành đai 3 về trung tâm thành phố. Ảnh: Ngọc Thành

Hà Nội hiện có số lượng chung cư cao nhất cả nước. Trong ảnh là hàng loạt chung cư cao tầng nhìn từ ngoài đường vành đai 3 về trung tâm thành phố. Ảnh: Ngọc Thành

Khung giá dịch vụ nhà chung cư nêu trên chưa tính đến các khoản thu được từ kinh doanh dịch vụ của nhà chung cư. Trong trường hợp có nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ khác thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, Chủ đầu tư, Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm tính toán để bù đắp chi phí dịch vụ để giảm giá.

Bên cạnh đó, khung giá cũng chưa bao gồm các dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, Intenet hoặc các dịch vụ cao cấp khác.

Cũng như địa phương khác, ở Hà Nội, đa số các chung đang áp dụng cơ chế tự thỏa thuận mức giá dịch vụ nhà chung cư giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, giá dịch vụ cũng là một trong nhiều nội dung gây mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc ban quản trị.

Số liệu thống kê sau đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội công bố giữa năm 2023 cho thấy, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng chung cư, với 3.015 căn, gấp gần 2 lần con số 1.635 căn của TP HCM. Số lượng chung cư của Hà Nội cũng bằng 51% tổng số chung cư của cả nước, trong đó hơn một nửa số chung cư của Hà Nội (1.880 căn) được xây dựng trước năm 1994.

Khung giá dịch vụ nhà chung cư của Hà Nội dự kiến được ban hành trong cuối năm 2024 và thay thế Quyết định số 234 năm 2017.

Võ Hải

Dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hạ Long giá từ 570 triệu đồng một căn

Dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Hạ Long có giá khoảng 16,2 triệu đồng một m2, tương ứng căn nhỏ nhất 48 m2 giá 570 triệu đồng.

Nhà ở xã hội tại khu dân cư đồi ngân hàng ở phường Hồng Hải và Cao Thắng là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại TP Hạ Long. Với tổng vốn hơn 1.360 tỷ đồng, dự án này được khởi công từ cuối tháng 10/2022, quy mô 986 căn hộ, trong đó 790 căn nhà ở xã hội và 196 căn thương mại.

Dự án nằm ở vị trí trung tâm TP Hạ Long gồm 2 tòa chung cư cao 19 tầng và 1 tòa cao 17 tầng. Khu nhà ở xã hội này dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025 và vận hành từ đầu năm 2026.

Chủ đầu tư dự án này vừa có báo cáo gửi Sở Xây dựng Quảng Ninh về việc bán căn hộ trước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua. Tại đợt này, chủ đầu tư dự kiến mở bán 253 căn nhà ở xã hội với giá bình quân 16,2 triệu đồng một m2 (đã gồm 5% VAT, 2% phí bảo trì).

Theo danh sách chủ đầu tư công bố, căn rẻ nhất tại đợt này rộng 44,83 m2 với 1 phòng ngủ tại tầng 5A có giá khoảng 570 triệu đồng. Căn hộ diện tích tương tự, nhưng ở tầng 6 có giá 582 triệu đồng.

Còn lại đa phần các căn hộ mở bán đợt này rộng 70 m2 với giá từ hơn 1 tỷ đến khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hồi đầu năm, dự án này đã mở bán đợt đầu tiên với 334 căn hộ. Tuy nhiên khi đó, theo kết quả rà soát của Sở Xây dựng Quảng Ninh, chỉ có 65/334 hồ sơ đăng ký cơ bản đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại dự án trên, tức mới xấp xỉ 20%. Còn lại 120 hồ sơ không đủ điều kiện và 149 hồ sơ khác sẽ tiếp tục được rà soát thêm.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh còn 2 dự án nhà ở xã hội khác, với hơn 3.200 căn hộ. Trong đó, một dự án phục vụ công nhân và chuyên gia khu công nghiệp Đông Mai và một cho công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai đều ở thị xã Quảng Yên.

Anh Tú

Tiền vào chứng khoán giảm sâu

Thanh khoản toàn thị trường phiên 28/10 giảm gần 2.500 tỷ so với cuối tuần trước, chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng, thấp nhất trong gần một tháng.

Chứng khoán mở cửa tuần này ở trạng thái giằng co, với sự thận trọng chiếm áp đảo. Thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, trong khi tỷ giá biến động mạnh hơn, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần tới giai đoạn quyết định khiến nhà đầu tư phần lớn chọn cách đứng ngoài quan sát.

Lực mua yếu, lực bán cũng không hạ giá quyết liệt là lý do chính khiến phần lớn cổ phiếu gần như “đứng yên”. Những phiên trước, nhịp giao dịch thường sôi động hơn ở phiên chiều, nhưng hôm nay diễn biến không có sự thay đổi đáng kể. Chỉ số đi ngang đến khi đóng cửa với thanh khoản ở mức thấp.




Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

VN-Index chốt phiên 28/10 tại 1.254,77 điểm, tăng hơn 2 điểm so với tham chiếu. VN30-Index có thêm 2,79 điểm (0,21%), lên 1.328 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index biến động trong biên độ hẹp.

Thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp, chỉ đạt hơn 12.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 10.800 tỷ, giảm gần 2.500 tỷ đồng so với phiên trước và là mức thấp nhất trong gần một tháng. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 460 tỷ đồng, phiên thứ ba liên tiếp.

Cuối phiên, sàn HoSE có 211 cổ phiếu tăng giá, so với 162 mã giảm giá.

HPG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,47 điểm khi mã này tăng hơn 1% lên 26.750 đồng. Ngược lại, VHM là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi mã này giảm 2,6%, xuống 42.700 đồng.

Trong VN30, một số mã khác giao dịch tích cực như PLX, ACB tăng hơn 1%, MSN, STB, TPB, GVR, FPT, TCB vượt trên tham chiếu. Ngược lại, ngoài VHM, các mã khác chỉ giảm quanh ngưỡng 1% hoặc thấp hơn. VNM chốt phiên mất 1,18%, HDB giảm 0,9%, VJC, BVH, VRE thấp hơn tham chiếu.

Ở phần còn lại của thị trường, sắc xanh áp đảo hơn ở nhóm mid-cap và penny, nhưng đà tăng mạnh chỉ tập trung vào một số mã.

Trong nhóm bất động sản, DIG, QCG, PDR chốt phiên trong sắc đỏ, ngược lại SCR, NVL, HQC tăng giá. PTL, với mức thị giá chỉ hơn 2.000 đồng, tăng kịch trần với dư mua gần 570.000 đơn vị. Cổ phiếu OGC cũng tăng hết biên độ sau chuỗi giảm mạnh gần đây.

Minh Sơn

93% căn hộ Sun Group tại Hà Nam hết hàng sau mở bán

93% quỹ hàng trong số 1.104 căn hộ Art Residence của đợt ra hàng đầu tiên thuộc Đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City Phủ Lý, Hà Nam có chủ sau khi mở bán sáng 26/10.

Theo đại diện chủ đầu tư, 2.000 nhà đầu tư miền Bắc đã đổ về nhà thi đấu Hà Nam tìm suất mua căn hộ giá từ một tỷ đồng (sau khi nhận ưu đãi 18%, không bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) của chủ đầu tư Sun Group.




Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam chật kín nhà đầu tư đổ về sự kiện mở bán căn hộ Art Residence. Ảnh: Sun Group

Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam chật kín nhà đầu tư đổ về sự kiện mở bán căn hộ Art Residence. Ảnh: Sun Group

Ông Hoàng Tùng Anh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Four Home chi nhánh Hà Nam cho biết, trong khi thị trường khan hiếm căn hộ dưới 50 triệu đồng một m2 thì chính sách chiết khấu đến 18% do Sun Group tung ra là tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn dành cho khách thanh toán sớm. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã xuống tiền ngay khi đến thăm dự án. “Giỏ hàng hết liên tục không đủ bán, hầu như không có cơ hội cho khách đến sau”, ông Tùng Anh chia sẻ.

Căn hộ Art Residence có thiết kế tối ưu với không gian mở về chiều cao, mức giá vừa túi tiền của người trẻ mới đi làm, người già có chút tài sản tích lũy, người trưởng thành muốn có ngôi nhà thứ hai nghỉ dưỡng cuối tuần.

Đưa mẹ đi xem căn hộ mẫu một phòng ngủ cộng một, anh Nguyễn Văn Minh (Thành phố Phủ Lý) nhận thấy với diện tích đến 68 m2, gia đình anh có thể bố trí nhiều không gian sinh hoạt khác nhau, vừa riêng tư, vừa đầm ấm. Anh khẳng định sẽ mua một căn ở đây bởi không gian đô thị hiện đại, lại đủ tiện ích. Ngày lễ, tết còn được xem bắn pháo hoa, tham gia lễ hội.

Trưởng phòng Kinh doanh Bất động sản Bắc Bộ – Đất Xanh Miền Bắc, anh Cao Tuấn Vũ cho hay, hầu hết khách thăm quan nhà mẫu đều thích thú với diện tích hữu dụng được sở hữu. Theo anh Vũ, một số khách hàng thậm chí không quan tâm đến mức giá vì họ đã thích thiết kế của dạng căn hộ này và chọn sẵn tầng yêu thích. Ngay khi chủ đầu tư công bố bảng hàng thì họ quyết định xuống tiền luôn vì không muốn bỏ lỡ.

Ngoài khách Hà Nội, Hà Nam, trong ngày 26/10, anh Vũ còn nhận đặt hàng của khách đến từ Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình… vì nhận định đây là đô thị nghỉ dưỡng trung tâm của cả vùng châu thổ sông Hồng, trước đó gần như chưa có dự án nào lớn đến vậy.

Căn hộ Art Residence được áp dụng nhiều biện pháp về thiết kế và công nghệ, kỹ thuật thi công giúp tối ưu diện tích. Nhờ đó giá trung bình trên diện tích sử dụng ở mức 24 – 25 triệu đồng một m2 . “Từ một đến hai tỷ đồng là khách hàng có thể sở hữu căn hộ tại Sun Urban City, hưởng toàn bộ hệ thống tiện ích tại đây”, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Tổng giám đốc Sun Property (thành viên Sun Group) nhấn mạnh.

Sau khi chốt mua một căn hộ Art Residence tại tầng 6, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (người dân thành phố Hưng Yên) cho biết mức giá sau khi áp dụng các chiết khấu, ưu đãi còn hơn một tỷ đồng, phù hợp túi tiền, tiến độ thi công lại nhanh. Do con gái đang theo học tại một trường liên cấp tại Hà Nam, ngày thường phải đi lại bằng xe tuyến nên chị Thảo dự kiến 8 tháng sau, khi căn hộ được bàn giao, gia đình chị sẽ chuyển tới đây ở để thuận lợi cho việc học tập của con.

“Thời gian di chuyển từ Hưng Yên đi Phủ Lý chỉ 25 phút. Nhà tôi chốt ngay căn khi nghe công bố giá vì đã tin tưởng chất lượng xây dựng của Sun Group. Tôi cũng sẽ rủ bạn bè cùng mua để có nơi nghỉ ngơi, tụ tập cuối tuần”, chị Thảo nói.

Đại diện chủ đầu tư khẳng định, khách mua nhà thời điểm này sẽ nhận căn hộ vào tháng 6/2025. Khách hàng cũng sẽ trở thành những cư dân đầu tiên thụ hưởng hệ thống tiện ích tại Sun Urban City Phủ Lý dự kiến hoàn thành đầu năm sau. Cụ thể, trục đại lộ lễ hội, show nhạc nước dự kiến ra mắt Tết âm lịch 2025, công viên nước Sun World dự kiến ra mắt dịp 30/4/2025.

Thế Đan

Nam Long bàn giao gần 1.700 căn hộ Akari City giai đoạn hai

Nam Long bắt đầu bàn giao các căn hộ tại 4 tháp AK7, 8, 9 và NEO từ 27/10, theo đúng cam kết ban đầu sau hơn hai năm khởi công.

4 tháp của giai đoạn hai cao 30 tầng, quy mô 1.707 sản phẩm, trong đó có 1.690 căn hộ và 17 căn thương mại dịch vụ.

Chị Thùy Linh, một trong những cư dân đầu tiên nhận bàn giao trong ngày 27/10 cho biết hài lòng với năng lực chủ đầu tư và chất lượng sản phẩm.

“Chủ đầu tư uy tín, thời gian thi công, bàn giao nhà đúng tiến độ, vừa kịp để chúng tôi hoàn thiện tổ ấm trước thềm năm mới”, chị Linh nói

Giống chị Linh, anh Tuấn cũng phấn khởi khi nhận bàn giao căn hộ. Anh đánh giá cao độ hoàn thiện và tiện nghi dự án. “Ban đầu tôi quyết định mua Akari City vì vị trí mặt tiền Võ Văn Kiệt, thuận tiện cho việc đi lại. Hôm nay nhận nhà, thấy căn hộ, hành lang, sảnh, tiện ích… mọi thứ đều hoàn thiện chỉn chu, rất hài lòng”, anh Tuấn cho biết.




Một góc Akari City giai đoạn hai. Ảnh: Nam Long

Một góc Akari City giai đoạn hai. Ảnh: Nam Long

Akari City là dự án của Nam Long – chủ đầu tư 32 năm kinh nghiệm và hai đối tác từ Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad. Tham gia dự án còn có các đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế hàng đầu trong và ngoài nước. Trong đó, Ricons là tổng thầu thi công; FQM chịu trách nhiệm tư vấn giám sát; Butler Associates tư vấn quy hoạch; Beltcollins tư vấn cảnh quan.

Trước đó, dự án bàn giao giai đoạn một và đang là nơi an cư của gần 2.000 gia đình. Tỷ lệ sáng đèn hơn 90%. Chủ đầu tư đã tiến hành trao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho cư dân.




Cư dân nhận bàn giao căn hộ Akari City giai đoạn hai. Ảnh: Nam Long

Cư dân nhận bàn giao căn hộ Akari City giai đoạn hai. Ảnh: Nam Long

32 năm đồng hành cùng địa ốc Việt Nam, Nam Long đã và đang kiến tạo 11 khu đô thị tại 6 tỉnh, thành, mang đến tổ ấm cho hơn 31.000 gia đình Việt.

Với việc bàn giao đúng hẹn căn hộ Akari City giai đoạn 2, Nam Long tiếp tục khẳng định uy tín, tiềm lực, năng lực triển khai dự án, đồng thời nối dài chuỗi giá trị kiến tạo môi trường sống chất lượng cho người Việt. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số pre-sales của doanh nghiệp đạt 3.523 tỷ đồng.




Cư dân cắt băng căn hộ mới. Ảnh: Nam Long

Cư dân cắt băng căn hộ mới. Ảnh: Nam Long

Bên cạnh bàn giao hơn 1.600 căn hộ Akari City giai đoạn hai, trong quý cuối năm 2024, chủ đầu tư tăng tốc triển khai đồng loạt các dự án khu đô thị tích hợp quy mô. Cụ thể, tại Waterpoint 355 ha (Long An), Nam Long ra mắt giai đoạn tiếp theo thuộc compound Park Village và The Aqua; triển khai sản phẩm nhà phố và biệt thự giai đoạn một Izumi City 170 ha (Đồng Nai). Tháng 11, chủ đầu tư dự kiến giới thiệu ra thị trường 274 sản phẩm đất nền và nhà phố thương mại xây sẵn thuộc Nam Long II Central Lake 43,8 ha (Cần Thơ)…

Đồng hành cùng người mua nhà, chủ đầu tư cũng liên tục thiết kế các giải pháp tài chính. Đơn cử, ngay trong quý IV, người mua và nhận nhà Akari City sẽ được ưu đãi 700 triệu đồng. Người mua và nhận nhà Izumi City được ưu đãi tổng giá trị lên đến 1,6 tỷ đồng.

Hoài Phương

Kiến nghị sớm đánh thuế bất động sản người nhiều nhà, đất

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường báo cáo của đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.

Đoàn giám sát cũng lưu ý chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác.

Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn tại bất cập nhiều năm, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, gây mất cân đối cung – cầu.

Nhìn lại giai đoạn 2015-2021, theo báo cáo, thị trường địa ốc phát triển sôi động với nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… Riêng condotel và officetel có gần 100.000 căn do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế và hàng chục nghìn căn do các địa phương thẩm định. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng.

Nguồn cung dồi dào nhưng chủ yếu là dự án được đầu tư từ giai đoạn trước, hướng đến phân khúc cao cấp, trong khi ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Cuối giai đoạn này, đa số loại hình bất động sản du lịch, lưu trú đều gặp vướng mắc pháp lý.




Bất động sản Hà Nội, tháng 9/2024. Ảnh: Giang Huy

Bất động sản Hà Nội, tháng 9/2024. Ảnh: Giang Huy

Đến 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước, khiến giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập. Điển hình Hà Nội, TP HCM không còn phân khúc chung cư có giá phù hợp với thu nhập phần đông người dân.

Số liệu thống kê cho thấy mức chênh lệch ngày càng lớn trong cơ cấu sản phẩm bất động sản. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, phân khúc căn hộ trung và cao cấp chiếm đa số. Chẳng hạn, năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao nhưng lượng giao dịch thấp, chỉ khoảng 10% sản phẩm chào bán ra thị trường. Nhà ở riêng lẻ cũng duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch.

Tại TP HCM, nhà đất tăng “không kiểm soát”, mất cân đối giữa giá cả và giá trị dẫn đến giao dịch giảm mạnh. Phần lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai. Việc này làm tăng khó khăn và chi phí cho chủ đầu tư, kéo giá sản phẩm leo thang.

Giai đoạn này cũng ghi nhận số lượng lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ. Theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội có 404 dự án gặp khó, trong đó gần 40% đã được xử lý. Trong 2-3 năm trở lại đây, thực trạng phát triển dự án bất động sản tại Thủ đô rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt. Nhiều dự án được khởi công giai đoạn trước cũng chậm triển khai, phải điều chỉnh tiến độ.

Tương tự, TP HCM có 220 dự án vướng mắc, đã xử lý 35%. Thành phố có 30 dự án ngừng thi công (quy mô 18.800 căn chung cư, gần 2.900 nhà riêng lẻ) và 56 dự án chưa thi công.

Thị trường dư thừa nhà ở cao cấp trong khi nhà ở bình dân, nhà xã hội – phân khúc dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp – lại thiếu do chậm triển khai. Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Chẳng hạn, Hà Nội đạt 9% chỉ tiêu, còn TP HCM khoảng 19%.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế nhà để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao, thị trường bị giới đầu cơ chi phối. Đề xuất này sau đó được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính nhưng một số chuyên gia cho rằng khi đánh thuế sẽ đẩy giá nhà, đất tăng. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng chính sách thuế không làm tăng giá nhà đất, ngược lại giúp hạn chế đầu cơ, thổi giá.

Một thăm dò mới đây của VnExpress với gần 32.000 độc giả cho thấy, gần 70% phản hồi đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang. Thực tế, chính sách thuế nhà được đưa ra nhiều lần trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên đến nay giải pháp này vẫn “nằm trên giấy“. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là chưa đúng thời điểm, lo ngại tác động mạnh tới thị trường, thậm chí do “thiếu quyết tâm chính trị”.

Ngoài chính sách thuế bất động sản, đoàn giám sát đề nghị các bộ ngành có biện pháp điều tiết, ngăn chặn tình trạng thị trường phát triển “nóng” hoặc “đóng băng”, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Chính phủ cần có giải pháp giúp đa dạng sản phẩm cho thị trường, tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập đa số người dân. Nhà chức trách cũng cần có giải pháp ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá đất để tạo “sốt” giá.

Ngọc Diễm

Ông Hoàng Văn Cường: Phải buộc chủ đầu tư kê khai giá khi bán nhà

Để tránh giá nhà tăng phi lý, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Hoàng Văn Cường nói cần bắt buộc doanh nghiệp kê khai giá khi bán trên thị trường sơ cấp.

Đề xuất này được ông Hoàng Văn Cường nêu khi thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, giá nhà ở tăng cao bất thường, vô lý, nhất là tại Hà Nội, TP HCM, khiến nhiều người dân có nhu cầu thực, không thể mua nhà. Ông Hoàng Văn Cường phân tích bất động sản cao bất hợp lý là thể hiện ở giá nhà đang vượt xa thu nhập của người dân. Việc này khiến thị trường vừa phục hồi, lại xuất hiện dấu hiệu bất ổn.

Dữ liệu của hãng tư vấn bất động sản Savills Việt Nam cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều trên 68 triệu đồng một m2. Nguồn cung nhà ở phân khúc vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng) đang cạn kiệt dần qua các năm và căn hộ sơ cấp giá dưới 2 tỷ đồng cũng đã hoàn toàn biến mất. Cũng theo tính toán của bộ phận nghiên cứu Savills, mỗi năm giá nhà TP HCM tăng trung bình 5-10%, giả sử một hộ gia đình thu nhập trung bình, dù có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, cũng cần hơn 30 năm để mua một căn nhà (với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng).

Vì thế, ông Cường kiến nghị Chính phủ thực hiện Điều 31 Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành khi có biến động bất thường, để bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường. Đây cũng là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá tăng bất thường.

Ông cũng đề nghị Chính phủ phải buộc doanh nghiệp kê khai giá với sản phẩm bán ra lần đầu trên thị trường. “Kê khai và kiểm tra giá như thế, Chính phủ mới nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá để có các giải pháp điều chỉnh”, ông nói.




Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, ngày 28/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, ngày 28/10. Ảnh: i tâm báo chí Quốc hội.

Thực tế, bất động sản là một kênh tích lũy tài sản. Không ít người cho rằng bỏ tiền vào kênh này sẽ “không mất đi, mà tăng lên do giá nhà chỉ tăng mà không giảm”. Vì thế, quy luật là nhiều người mua, cầu tăng dẫn tới giá bất động sản tăng.

“Điều này lại thúc đẩy mọi người dồn tiền mua bất động sản, chờ tăng giá kiếm lời, gia tăng đầu cơ, đẩy giá”, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét.

Mặt khác, sức nóng sốt giá lan từ khu vực trung tâm sang các quận, huyện vùng ven. Sau các phiên đấu với giá trúng cao kỷ lục, đất ở huyện ven đô lên tới hơn 100 triệu đồng một m2, tương đương đất dự án đã đầu tư hạ tầng.

Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, do tình trạng đầu cơ, thổi giá. Bà nêu thực tế, thủ đoạn của nhóm đầu cơ sử dụng là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, sau đó bỏ cọc khi tới thời hạn nộp tiền. Mục đích của chiêu trò này là thiết lập mặt bằng giá mới cho các mảnh đất trong khu vực họ mua gom trước đó, thu siêu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, không ít người dân có tâm lý mua nhà đất chờ tăng giá, cũng là lý do đẩy bất động sản leo thang. “Mỗi khi vào đợt sốt đất, nhà thì tâm lý này càng tăng cao. Không ít người đứng ngồi không yên trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã, vay để mua bằng được mảnh đất và để đó chờ tăng giá”, bà Thủy nói.




Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh:

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thừa nhận tình trạng này thổi giá của giới đầu tư khiến bất động sản tăng phi lý, song theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn An, rất khó xử lý khi đó là các giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, để ngăn tình trạng bỏ giá cao khi đấu giá, thay vì tăng tiền cọc, nhà chức trách cần đưa ra quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá. Việc này có thể xác nhận qua tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.

Quy định như vậy, ông Hoàng Văn Cường nói những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh được, đồng thời sẽ loại bỏ được những người không có nhu cầu sử dụng, tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình bỏ giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.




Bất động sản khu Đông TP HCM (TP Thủ Đức, TP HCM) với các dự án chung cư, đất nền, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu Đông TP HCM (TP Thủ Đức, TP HCM) với các dự án chung cư, đất nền, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

“Thị trường bất động sản đang ‘hư hư, ảo ảo, nay giá này, mai giá khác”, ông Phạm Văn Hòa nhận xét. Ông chỉ ra bất cập trong thị trường, phần lớn là phân khúc nhà ở thương mại cho người thu nhập cao, còn loại nhà ở dành cho người thu nhập thấp rất ít.

Nhiều doanh nghiệp sau thời gian neo giá cao, chậm bán, họ buộc giảm giá hai phần ba để đẩy hàng, nhưng cũng ế. Điều này cho thấy nhu cầu của người dân với phân khúc nhà cao cấp rất hạn hẹp, trong khi nhà giá bình dân “họ rất cần mà không có để mua”.

Sự lệch pha cung cầu dẫn tới khan hiếm căn hộ bình dân, tiềm ẩn nguy cơ thao túng do không có nhiều căn hộ loại này để cạnh tranh. Khi đó doanh nghiệp thiếu áp lực thị trường để phải giảm giá với loại nhà ở này.

Để kiểm soát tình trạng giá bất động sản tăng bất thường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà thương mại bình dân, phù hợp túi tiền của số đông người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở, kiểm soát chặt và chấm dứt tình trạng đầu cơ đất đai. “Nếu tháo gỡ được thì có thể đưa vào thị trường vài nghìn căn hộ, giúp giảm giá bất động sản”, bà nhận xét.

Các đại biểu cho rằng Chính phủ cần sớm đổi, ban hành mới các luật thuế. Trong đó, đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất. “Đây là công cụ để chống đầu cơ đất đai, giúp hạ giá nhà về đúng giá trị thực của thị trường”, ông Cường chốt lại.

Anh Minh

Cấp tập làm hồ sơ nhà đất trước ngày có bảng giá mới

TP HCMTranh thủ trước khi bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực 31/10, nhiều người đi nộp hồ sơ liên quan đến đất đai để hưởng mức thuế phí thấp.

Một tuần qua, sau khi UBND TP HCM công bố bảng giá đất điều chỉnh với mức tăng 4-38 lần (chưa nhân hệ số K) so với bảng giá cũ, rất đông người dân đến các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12, TP Thủ Đức… làm thủ tục liên quan nhà đất.

Bởi TP HCM cho biết sẽ áp dụng các quy định chuyển tiếp giúp đảm bảo quyền lợi của người dân. Ví dụ như các trường hợp nộp hồ sơ liên quan đất đai trước thời điểm bảng giá đất điều chỉnh có hiệu lực (31/10) thì thuế, phí… vẫn được tính theo bảng giá cũ của Quyết định 02.

Ghi nhận của VnExpress hôm nay, cho thấy dù trời mưa, khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ đất đai tại một số quận, huyện vẫn rất nhộn nhịp và đông đúc. Tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, hơn 16h hôm nay, khu vực tiếp nhận hồ sơ vẫn chật kín người chờ nộp hồ sơ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận 12…




Người dân đi làm thủ tục đất đai tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, chiều 28/10. Ảnh: Phương Uyên

Người dân đi làm thủ tục đất đai tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, chiều 28/10. Ảnh: Phương Uyên

Chị Nguyễn Thảo Nhi (quận Tân Phú) vừa nộp hồ sơ xin cấp số đỏ cho căn nhà trên đường Lê Ngã, nói từ 22/10, chị đã phải liên hệ với bên môi giới, nhờ đẩy nhanh thời gian hoàn thành hồ sơ để nộp. May sao hôm nay đã hoàn tất mọi thủ tục công chứng, hồ sơ được tiếp nhận và hẹn thời gian trả kết quả.

“Nếu nộp tiền sử dụng đất theo mức mới, chi phí sẽ tăng gấp 4 lần. Rất may là tôi đã nộp hồ sơ trước khi bảng giá điều chỉnh có hiệu lực, chứ không cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để chuyển đổi”, chị Nhi chia sẻ.

Trường hợp chị Hương (TP Thủ Đức) cho biết mấy năm trước đi chuyển mục đích sử dụng 250 m2 đất nông nghiệp lên thổ cư. Do kinh tế khó khăn nên chị đã xin ghi nợ tiền sử dụng đất. Khi nghe tin về bảng giá đất mới, chị vội vay mượn tiền đi đóng vì sợ để qua tháng, tiền sử dụng đất sẽ tăng từ 1,2 tỷ lên 4,5 tỷ đồng. “Tôi mừng vì vẫn còn đóng kịp với mức phí cũ”, chị nói.

Anh Nguyễn Văn Chiến, nhân viên công ty dịch vụ tư vấn nhà đất, cầm cùng lúc 4 bộ hồ sơ chờ nộp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Gò Vấp. Theo anh, từ tháng 10 đến nay đã nộp xong 16 bộ hồ sơ cho khách hàng ở Gò Vấp, quận 12 và Hóc Môn, chủ yếu chuyển mục đích sử dụng, cấp sổ đỏ và có cả sang nhượng đất. Hiện tại vẫn còn chục bộ hồ sơ đang chờ xong khâu công chứng để kịp nộp về quận trước ngày 31/10.

“Khi nghe tin hết tháng này sẽ áp dụng giá đất mới, nhiều người tá hỏa chạy hồ sơ ở các phòng công chứng để kịp nộp, tránh đóng thuế phí cao hơn 2-3 lần”, anh Chiến nói.

Diễn biến này cũng từng diễn ra từ ngày 1/8 khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực, rất động người dân đã đi nộp hồ sơ đất đai. Lúc đó TP HCM chưa ban hành bảng giá điều chỉnh cũng như chưa có hướng dẫn về cách tính thuế đất, càng khiến lượng hồ sơ bị tắc nghẽn ở các quận huyện.

Báo cáo từ Cục thuế TP HCM cho biết từ ngày 1/8 đến 27/8, cơ quan này tồn đọng hơn 8.800 hồ sơ chờ xử lý liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Trong đó có 364 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, 5.448 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ không phát sinh đến nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…). Lượng hồ sơ tồn đọng, bị treo này chưa được giải quyết do cơ quan thuế vẫn chờ hướng dẫn cách tính mới, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103 có hiệu lực từ 1/8.

Sau đó, UBND TP HCM cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế, lượng hồ sơ trên mới được xử lý hết. Hiện cơ quan thuế cho biết số hồ sơ đất đai mới phát sinh tăng khá nhanh.

Bảng giá điều chỉnh theo Quyết định 79 vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10 đến hết năm 2025. So với dự thảo hồi tháng 7, khung giá đất ở của thành phố có 4.299 tuyến đường đã được giảm xuống, 160 tuyến giữ nguyên và 98 đường tăng thêm. Nhìn chung, mức giá ở quyết định này giảm 20-25% so với dự thảo và tăng 4-38 lần so với Quyết định 02 (chưa nhân hệ số K), tùy vị trí. Mức giá mới này được cho là thấp hơn thị trường 25-50%.

Bảng giá đất điều chỉnh được dùng làm căn cứ để tính tiền bồi thường, xác định giá đất cho người tái định cư với người được bồi thường về đất ở; tính thuế sử dụng, thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bảng giá này cũng được dùng để tính các khoản phí và lệ phí liên quan đến sử dụng, chuyển nhượng hoặc khi làm các thủ tục hành chính về đất đai.

Đánh giá tác động của bảng giá đất mới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng mức tăng này sẽ tác động mạnh đến cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở, xin chuyển mục đích sử dụng đất, xin tách thửa với đất ở, đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ phải nộp tiền sử dụng đất nhiều hơn nhiều lần so với trước đó.

Ví như, tiền sử dụng đất cần đóng để xin cấp sổ cho một căn hộ 150 m2 tại quận Bình Thạnh theo Quyết định 02 là khoảng 1,5 tỷ đồng. Còn theo bảng giá đất điều chỉnh sẽ hơn 8 tỷ đồng (tăng 6 lần). Hay một nền đất 100 m2 trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) theo bảng giá mới sẽ có tiền chuyển mục đích sử dụng đất tăng 2,4 lần; tức trước đây khoảng 2,1 tỷ đồng, giờ lên hơn 5 tỷ đồng.

Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (Đại học Kinh tế TP HCM), cũng đánh giá bảng giá mới sẽ không tác động quá nhiều đến những vùng đất đai đã ổn định như khu vực trung tâm. Nhưng các khu vực vùng ven, mức tăng này sẽ là vấn đề lớn với người dân có thu nhập thấp, chưa kịp thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở sẽ phải đóng tiền sử dụng đất, phí trước bạ… cao hơn nhiều.

Hiện TP HCM có 110.090 ha đất nông nghiệp ở 9 địa phương sẽ chịu tác động khi bảng giá đất điều chỉnh áp dụng. Cụ thể, quận 12 (1.133 ha), Tân Phú (27,9 ha), Bình Tân (854 ha), huyện Nhà Bè (4.624,1 ha). Ngoài ra, huyện Củ Chi có 31.127,7 ha đất nông nghiệp, Hóc Môn hơn 5.235 ha), Bình Chánh là 16.555 ha, Cần Giờ và TP Thủ Đức lần lượt hơn 46.975 và 4.558 ha.

Với nhóm đối tượng chịu tác động từ bảng giá đất mới, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP HCM cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tham mưu ban hành Nghị định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, trong đó có chuyển mục đích sử dụng của hộ gia đình, cá nhân đối với một số trường hợp.

Phương Uyên

Công ty bán bánh phồng tôm lãi tăng gần 2 lần

Xuất nhập khẩu Sa Giang báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 107 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Sa Giang (SGC) vừa công bố doanh thu quý III đạt 206 tỷ đồng, lãi trước thuế 40 tỷ, lần lượt tăng 39% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 42%, đạt hơn 54 tỷ đồng, nhờ chi phí giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, giúp biên lãi gộp cải thiện lên 38%.

Lũy kế 9 tháng, Sa Giang ghi nhận 571 tỷ đồng doanh thu và 107 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 35% và 73% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng sản lượng bán hàng tăng mạnh, giá đầu vào nguyên vật liệu ổn định, giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng đáng kể trong năm nay.

Năm nay, Sa Giang đặt mục tiêu doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ. Đến hết 9 tháng, công ty hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 7,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Được thành lập từ năm 1960 tại Đồng Tháp, Sa Giang chuyên sản xuất bánh phồng tôm, với thị trường mở rộng khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ năm 2004 và niêm yết trên sàn Hà Nội. Từ năm 2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn trở thành công ty mẹ của Sa Giang, khi sở hữu trên 76,7% vốn tại đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vĩnh Hoàn – công ty mẹ, công bố kế hoạch đầu tư 930 tỷ đồng, trong đó một phần được sử dụng để mở rộng kho và nâng cấp công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Sa Giang đạt gần 564 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tài sản cố định chiếm phần lớn, trên 73 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng nhẹ đạt gần 86 tỷ. Hàng tồn kho gồm thành phẩm và nguyên vật liệu tăng 10,5% so với đầu năm, gần 115 tỷ đồng.

Thi Hà

Latest Posts