Để chống lãng phí, Bộ Tài chính đang nghiên cứu chính sách thuế với trường hợp nhiều diện tích bất động sản bỏ hoang; chậm đưa đất vào sử dụng.
Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc trong quá trình thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản. Trong đó, nhà chức trách cũng nghiên cứu về chính sách thuế với các trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Sau khi nghiên cứu, cơ quan này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp. Việc này nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong nước, thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, việc cải cách các chính sách thuế này cũng được đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng duyệt.
Kiến nghị về chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản cũng được đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra cuối tháng trước. Nhiều địa phương hiện nay dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự không người ở. Trong khi đó, nhà ở bình dân, vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, nhất là tại Hà Nội và TP HCM ghi nhận tình trạng lệch pha trên thị trường bất động sản trầm trọng.
Gần đây, trong bối cảnh giá nhà ở tăng không ngừng, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Tại tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính còn đề cập việc có thể thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian sở hữu, tương tự một số quốc gia. Bộ này cho rằng đánh thuế theo thời gian sở hữu sẽ giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản – vốn là nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao vừa qua.
Song, giới phân tích lo ngại việc thu thuế này khó giúp hạ giá nhà nhưng lại tác động “rất lớn đến thị trường”. Một số ý kiến cho rằng việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất ở thời điểm này chưa phù hợp. Do đó, nhà điều hành cần nghiên cứu kỹ về thời điểm, cách thức để tránh gây sốc, dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.
Phản hồi, Bộ Tài chính cho biết hiện Nhà nước có các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản. Ví dụ, tiền sử dụng đất, thuê đất, lệ phí trước bạ, hay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có khoản thu với nhà trong quá trình sử dụng và chuyển nhượng bất động sản (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân, giá trị gia tăng).
Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách, nâng hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Do đó, cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ, gồm nghiên cứu về thu thuế với nhà nói chung và với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng”, Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, cơ quan quản lý ngành tài chính cũng đánh giá chính sách thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản cần sửa phù hợp với bối cảnh mới, thông lệ ở một số quốc gia. Qua đó, việc sử dụng nhà, đất sẽ tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, thúc đẩy thị trường minh bạch, bền vững.
Phương Dung