Chính phủ bỏ đề xuất nhà đầu tư cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ, thay vào đó, bổ sung điều kiện với doanh nghiệp phát hành.
Sáng 29/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Chính phủ, trình bày tờ trình một luật sửa 7 luật liên quan tài chính (gồm Luật: Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế và Dự trữ quốc gia).
Tại dự thảo sửa một số điều Luật Chứng khoán, khác với bản thảo đưa ra trước đây, lần trình này Chính phủ bỏ đề xuất nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ.
Thay vào đó, nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh của ngân hàng.
Chính phủ cũng bổ sung hành vi cấm trong giao dịch chứng khoán, gồm thao túng thị trường chứng khoán, không công bố thông tin về dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và liên quan.
Theo Luật Chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với cá nhân là người nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, hoặc thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dự thảo mới, quy định này siết chặt hơn khi yêu cầu cá nhân đầu tư chuyên nghiệp cần đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia đầu tư, tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là doanh nghiệp phải đáp ứng quy định vè đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm.
Thị trường trái phiếu phát triển nóng giai đoạn 2017-2021, nhưng ảm đạm từ cuối 2022 sau biến động mạnh từ vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhà đầu tư mất niềm tin, yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, chậm trả nợ và phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho trái chủ.
Tình hình phát hành của doanh nghiệp rục rịch trở lại cuối 2023. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tháng 9 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khoảng 40.200 tỷ đồng. Mức này giảm 8,5% so với tháng trước và tăng gần 68% so với cùng kỳ 2023.
Lũy kế 9 tháng, 71 đơn vị phát hành trái phiếu riêng lẻ, với 258.800 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả nợ trái phiếu. Theo tính toán của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tới giữa tháng 5/2025 sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc. Dự kiến quy mô thị trường này có thể lên tới 2,5 triệu tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra đồng tình với việc bỏ đề xuất nhà đầu tư cá nhân không được mua bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát điều kiện với doanh nghiệp phát hành, phù hợp với tình hình thị trường và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.
Cơ quan này cũng nhất trí việc bổ sung nhà đầu đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc này nhằm tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch chứng khoán, ông Mạnh cho hay, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung quy định hành vi nào được coi là thao túng chứng khoán.
Chính phủ cũng cần đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, tiến tới xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu phát hành như một số nước, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… để bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo luật này vào chiều nay và tại hội trường ngày 7/11.
Anh Minh