Xuất khẩu đi 20 thị trường, được khách hàng cũ tăng mua giúp “Vua nha đam” lãi trước thuế 10,5 tỷ đồng quý I, tăng 20,8% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) cho thấy doanh thu thuần đạt gần 119 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý I cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đến nay.
Ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food, cho hay nguyên nhân khiến doanh thu đi lên là nhờ sản lượng tăng. Lãi trước thuế tăng mạnh so với cùng kỳ là do doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp của thạch dừa và nha đam tăng. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm nhờ lãi suất điều chỉnh.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông đầu tháng 4, ông Thứ cho biết công ty đã có nhiều thay đổi khi đẩy mạnh phát triển bền vững, làm chủ vùng nguyên liệu lớn. Doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu cấy mô cây nha đam trong phòng LAP, ươm giống cây cấy mô f1. Mỗi năm, GC Food cung cấp ra hàng chục triệu cây nha đam cấy mô cho nông dân, góp phần giảm chi phí giá nguyên liệu. Ngoài ra, 2 nhà máy chế biến thạch dừa và nha đam của công ty này đang được mở rộng và nâng công suất gấp đôi.
Năm nay, các khách hàng chủ lực của công ty ngoài giữ sản lượng, nhiều doanh nghiệp còn tăng mua trên 10% so với cùng kỳ.
Về kế hoạch mở rộng thị phần, công ty sẽ xuất khẩu sang các quốc gia tiềm năng có dân số lớn, giới trẻ chiếm trên 40% như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.
Kế hoạch 2024-2026, công ty định hướng phát triển công ty công nghệ cao, kiểm soát 100% được chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho tới sản xuất. Mục tiêu đạt tăng trưởng kép 30% từ nay tới 2028. Dần hoàn thiện vùng nguyên liệu nha đam với diện tích lên 500 ha.
Công ty lên mục tiêu doanh thu 2024 hơn 572 tỷ đồng, lợi nhuận 52,3 tỷ lần lượt tăng 20,6% và 100% so với cùng kỳ 2023.
G.C Food gia nhập ngành nha đam, thạch dừa hơn 10 năm, là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng hơn 20.000 tấn một năm, có mặt ở 19 quốc gia trên thế giới, thường được mệnh danh là “vua nha đam”.
Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm và nhà máy thạch dừa Vinacoco (Đồng Nai) với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.
Thi Hà