Việt Nam vào top 3 thị trường chứng khoán có triển vọng hiệu suất tốt châu Á – Thái Bình Dương để đầu tư năm nay, theo CNBC.
Việt Nam được xướng tên cùng Nhật Bản và Ấn Độ, sau khi CNBC khảo sát ý kiến các nhà phân tích. Tương tự hai thị trường này, Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc + 1” khi các công ty đa quốc tiến hàng đa dạng hóa đầu tư.
Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital Group cho rằng đây là thời điểm thích hợp để rót tiền vào chứng khoán Việt Nam. “Trong 6 đến 12 tháng tới, Việt Nam sẽ là thị trường tốt vì giá cổ phiếu rẻ, với P/E chỉ 11-12, thấp hơn trung bình khu vực 20-25%”, ông nói với CNBC.
Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày ở Việt Nam đã tăng từ 500 triệu USD một năm trước lên khoảng một tỷ USD mỗi ngày hiện nay. Theo ông Andy Ho, cơ hội đầu tư nằm ở cổ phiếu ngành tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và bất động sản.
Thanh khoản cải thiện, các nhà đầu tư đang chọn chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn, thay vì gửi tiền vào ngân hàng khi lãi suất giảm.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào 2025. Ông Tyler Nguyen, Phó chủ tịch Maybank Securities Vietnam đánh giá thị trường cận biên tại đây còn rất non trẻ nhưng “có thể thấy tin tốt vào 2025”.
Về điều kiện vĩ mô, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% năm nay. Sự lạc quan ở thị trường này cũng khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài năm ngoái đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với 2022, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).
Theo nhà kinh tế ASEAN tại HSBC Yun Liu, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa dòng vốn FDI mới vào Việt Nam năm qua, phản ánh sức hấp dẫn của quốc gia Đông Nam Á này với tư cách là một trung tâm sản xuất đang lên.
Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát hành ngày 8/1 gọi Việt Nam là “ngôi sao đang lên” trong đầu tư toàn cầu. 62% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, với 17% xếp ở vị trí cao nhất.
Trước cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực, Gabor Fluit, Chủ tịch Eurocham, cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện các chính sách, chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Viễn Thông