Sau nhiều lần lập đỉnh, VN-Index đang ở vùng 1.100 điểm, mức thiết lập từ năm 2007 nhưng định giá hiện tại được đánh giá “hấp dẫn hơn trước nhiều”.
VN-Index chốt năm 2023 ở sát 1.130 điểm, tăng hơn 12% so với năm trước. Sau đợt điều chỉnh mạnh, chỉ số này giao dịch quanh vùng 1.100 điểm từ tháng 11 đến nay. Đây là vùng giá VN-Index từng đạt trong ba lần, gần nhất là tháng 1/2021, trước đó là tháng 1/2018 và xa hơn là tháng 1/2007 – cách đây 17 năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu dựa vào dữ kiện này để suy luận thị trường chứng khoán không mang lợi nhuận gì cho nhà đầu tư sau gần hai thập kỷ là không chính xác. “Bản chất ngưỡng 1.100 của VN-Index lần này có sự khác biệt”, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc Nghiệp vụ cấp cao, lĩnh vực chứng khoán Dragon Capital, nói trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây.
Ông phân tích, 1.100 điểm vào năm 2007 là mức đỉnh của thị trường “bong bóng” khi P/E (giá thị trường so với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) lên đến 50 lần, P/B (giá thị trường so với giá trị sổ sách) cũng lên đến 8,5 lần. Trong khi đó, vùng 1.100 điểm hiện tại là “chân sóng” cho chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán, định giá P/E và P/E hiện tại chỉ ở mức 13 và 1,6 lần.
“Định giá hiện rẻ hơn năm 2007 rất nhiều và cơ hội upside (triển vọng tăng trưởng) cho thị trường trong 5 năm tới rất tốt”, chuyên gia Dragon Capital nhấn mạnh.
Thực tế, mốc 1.100 điểm được ghi nhận đầu tiên vào năm 2007. Thời điểm đó, thị trường hưng phấn trước làn sóng IPO của nhiều doanh nghiệp Nhà nước như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank… Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng nhanh, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chính sách tiền tệ nới lỏng cũng kích thích cho thị trường.
Từ mốc 300 điểm hồi đầu năm 2006, chỉ số này chỉ cần hơn một năm để nhân lên 4 lần về điểm số. Có những phiên, hơn một nửa cổ phiếu trên sàn HoSE tăng kịch trần, nhiều mã có giá hàng trăm nghìn đồng – ngang ngửa mức lương cơ sở thời điểm đó. “Cơn sốt” chứng khoán tỏa đi khắp nơi, nhiều người rủ nhau đầu tư khi “chỉ cần mua là có lãi”.
Thị trường nhanh chóng “sập” trong năm 2008 với mức giảm gần 70%. Đến tháng 3/2009, VN-Index lùi về sâu ở vùng 230 điểm. Nhưng đó cũng là thời điểm khởi đầu cho chu kỳ tăng giá rất mạnh gần thập kỷ sau. Trong giai đoạn đó năm tốc độ cải thiện lên đến hàng chục phần trăm. Số năm thị trường tăng điểm nhiều hơn hẳn số năm đi lùi.
Ngay cả trong những lần VN-Index lấy lại mốc 1.100 điểm vào đầu năm 2018 và đầu năm 2021, định giá thị trường hiện tại vẫn rẻ hơn hai giai đoạn trước. Theo tính toán của SGI Capital, P/E hiện tại là 13 lần và P/B khoảng 1,6 lần – đều vào mức rẻ nhất lịch sử.
Ngoài khác biệt về định giá, nhóm phân tích này còn cho rằng mốc 1.100 điểm hiện tại sẽ trở thành “ngưỡng hỗ trợ” của xu hướng tăng dài hạn, thay vì là con số thử thách cho thị trường nhiều lần suốt 17 năm qua. SGI Capital đưa ra nhận định trên dựa vào quyết tâm của Chính phủ đưa Việt Nam vào nhóm các thị trường mới nổi trong hai năm tới, thanh khoản sẽ tăng lên cùng VN-Index và mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chung trong năm 2024 khoảng 15-20%.
Với định giá hấp dẫn và mặt bằng lãi suất thấp, nhiều công ty chứng khoán cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tích sản bằng cổ phiếu. Chứng khoán MB (MBS) nói thị trường sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin mới cho sàn HoSE, cho phép giao dịch trong cùng một ngày) được đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam. Vì vậy, nhóm phân tích này cho rằng định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong phần lớn thời gian của năm, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là người tham gia chính. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm. Theo VDSC, những con sóng ngắn, những nhịp điều chỉnh mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tối ưu tốt hơn các cơ hội xuất hiện trong năm khi giao dịch thận trọng, chỉ giải ngân khi cổ phiếu ưa thích giảm về vùng mua phù hợp khẩu vị và duy trì tỷ lệ hợp lý giữa cổ phiếu – tiền mặt, tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức.
Tất Đạt