Trong khi phần lớn ngân hàng đều kiểm soát nợ xấu dưới 3% thì tại NCB, tỷ lệ này nhảy vọt lên 11%, tức cứ 100 đồng thì có 11 đồng là nợ xấu.
Báo cáo hợp nhất 6 tháng của Ngân hàng Quốc dân (NCB) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng vọt từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022.
Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng được giới chuyên gia dự báo tăng mạnh từ nửa cuối năm khi các nhà băng phải ngừng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19 từ 30/6.
Tuy nhiên, nợ xấu tăng vọt tại NCB cũng là hiện tượng lạ trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính khác như VIB, TPBank, BacABank… ghi nhận nợ xấu đi ngang hoặc tăng không đáng kể. Mức nợ xấu 11% của NCB là con số cao trong bối cảnh phần lớn nhà băng đều giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%.
Tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là một ngưỡng quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng. Một nhà băng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác…
Tính đến hết quý II, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng Quốc dân tăng 7% so với đầu năm lên gần 44.355 tỷ đồng.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày) của NCB tăng 90% từ 600 tỷ lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (chậm trả 3 tháng đến dưới 1 năm) gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 1 năm) cũng tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tiền gửi của khách hàng tại NCB cũng giảm 2% so với đầu năm xuống 63.200 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp tiền gửi chảy vào hệ thống Ngân hàng Quốc dân ghi nhận chiều hướng đi xuống.
Kết quả kinh doanh của NCB “ngược dòng” với bức tranh chung tích cực của ngành ngân hàng khi lợi nhuận hai năm gần đây chỉ ở mức khiêm tốn vài tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của NCB là 19 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận là hơn 125 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động chính là tín dụng giảm 30% so với cùng kỳ còn hơn 450 tỷ, được bù đắp bởi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần lên 140 tỷ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân tăng gấp 6 lần trong một năm rưỡi lên mức kỷ lục hơn 39.000 đồng một cổ phiếu vào đầu tháng 4 năm nay. Chốt phiên 21/7, mỗi cổ phiếu NVB đứng ở mức giá 29.500, giảm 25% so với mức đỉnh.
Gần đây, dàn nhân sự cấp cao của NCB có sự thay đổi khi ông Phạm Thế Hiệp và Tamaki Kido rời khỏi ban hội đồng quản trị. Hai nhân vật được bầu bổ sung thay thế là bà Hoàng Thu Trang, Trịnh Thị Thanh Mai.
Cách đây một năm, NCB tổ chức phiên họp bất thường bầu bà Bùi Thị Thanh Hương làm chủ tịch hội đồng quản trị thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng sau đó đảm nhận vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
Quỳnh Trang