VN-Index hôm nay bật mạnh trở lại sau khi xuống đáy 15 tháng nhưng thanh khoản tiếp tục lao dốc, chỉ còn khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bốn phiên giảm liên tiếp không chỉ lấy của VN-Index gần 50 điểm, mà còn khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng cao độ. Hàng loạt nhóm cổ phiếu điều chỉnh 20-30% kể từ đầu tháng, thậm chí một số mã giảm gần phân nửa, nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn chưa đổ vào thị trường.
Giá trị giao dịch trên sàn TP HCM có chuỗi đi xuống ba phiên liên tiếp, hôm nay chỉ đạt 10.159 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất từ đầu tháng 12/2020 và chưa bằng một phần tư thanh khoản những phiên kỷ lục về thanh khoản mới được thiết lập đầu năm nay.
Dòng tiền tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. VHM dẫn đầu về giá trị giao dịch với 351 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với hai cổ phiếu xếp sau là MWG và STB.
Hai mã tác động tích cực nhất đến VN-Index là GAS (tăng 5%) và CTG (tăng hết biên độ 7%) nhưng thanh khoản cũng chỉ đạt 127 tỷ đồng và 114 tỷ đồng. HPG, doanh nghiệp đầu ngành thép và thường xuyên có thanh khoản nghìn tỷ, hôm nay chỉ có 7 triệu cổ phiếu được sang tay với tổng giá trị 150 tỷ đồng.
Tương tự nhóm vốn hoá lớn, các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao cũng không thu hút được dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. Hàng chục cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC, Louis Holdings không có mã nào giao dịch trên 10 tỷ đồng.
Trong khi nhà đầu tư trong nước thể hiện sự thận trọng cao độ thì khối ngoại vẫn tiếp tục gom hàng. Hôm nay là phiên thứ ba liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị gần 400 tỷ đồng. MWG, FPT, GAS và CTG là những cổ phiếu được khối ngoại giải ngân nhiều nhất.
Tiền vào thị trường sa sút nhưng VN-Index vẫn đảo chiều tăng gần 20 điểm, lên 1.188,8 điểm nhờ áp lực bán không còn quyết liệt như những phiên trước. Sắc xanh áp đảo trên sàn TP HCM với 318 mã tăng, trong đó 50 mã tăng hết biên độ. Ngân hàng, thép và dầu khí là ba nhóm cổ phiếu tăng đồng bộ nhất, trong khi những nhóm ngành khác ghi nhận sự phân hoá theo quy mô vốn hoá.
Phương Đông