HSBC đánh giá chứng khoán Việt Nam mang tính vững vàng, có nội lực và có thể được đưa vào các chỉ số của thị trường mới nổi.
Báo cáo của HSBC được đưa ra trong bối cảnh từ đầu tháng 4 đến nay, chứng khoán giảm mạnh bởi tác động của việc Ủy ban Chứng khoán thanh lọc thị trường. Các công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu tạo nên sóng giảm mạnh, có tuần VN-Index mất hơn 150 điểm. Thanh khoản thị trường cũng rơi thẳng đứng từ mức phổ biến 25.000 tỷ đồng một phiên xuống còn phân nửa bởi tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cá nhân. Trong những nhịp giảm, khối ngoại liên tục mua ròng và chờ lúc thị trường có nhịp hồi kỹ thuật thì bán ra.
Theo HSBC, trong vòng 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả thị trường lớn trong khu vực. Quy mô đã tăng gần gấp 4 lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch gần đây vượt ngưỡng một tỷ USD mỗi ngày. Có nhiều lý giải cho kết quả này, một trong số đó là tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu (năm 2020). Cùng thời điểm, các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Năm ngoái, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam. Đến năm nay, mặc dù vốn hóa đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, khi nhắc tới tăng trưởng và lợi nhuận, HSBC cho rằng Việt Nam “đã và đang trên đà thắng lợi”. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên.
Lợi nhuận từ cổ phiếu đã duy trì tích cực với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 10% trong vòng 10 năm qua. Việt Nam là một trong số ít thị trường trên thế giới có mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện. Và khi đại dịch lắng xuống, tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 đã tăng cao lên 35% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu vốn hóa có sự thay đổi cũng tạo nên điểm tích cực. Trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu xoay quanh một vài cổ phiếu lớn. Năm 2013, nhóm 5 cổ phiếu đứng đầu chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Nhưng đến năm 2022, con số này chỉ còn 25%. Nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường giờ đây chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch, mức này theo HSBC là tương đối thấp.
Tính vững vàng của thị trường chứng khoán Việt Nam được HSBC đưa ra trước hết dựa trên những lợi thế về tăng trưởng xuất khẩu. Theo ngân hàng này, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng lên trong những năm qua và sẽ mở rộng thêm nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất, nguồn đất đai và nhân công giá rẻ. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với 75% giá trị xuất khẩu đến từ lĩnh vực có nguồn đầu tư ngoại mạnh.
Cơ cấu dân số trẻ, có trình độ và thu nhập ngày càng cao cũng là động lực quan trọng. Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ lên đến trên 95%. Trên thang đánh giá về giáo dục của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang làm tốt hơn các nước trong khối ASEAN và thậm chí cả Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam đang giành thị phần xuất khẩu khỏi tay các nhà xuất khẩu lân cận ở Thái Lan hoặc Malaysia.
Theo Brookings Institute, tỷ lệ dân số được xếp vào tầng lớp trung lưu cao dự kiến tăng gấp 4 lần, lên 20% vào năm 2030. Đặc điểm về dân số trên tạo ra thị trường tiêu dùng lớn, hội đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới vào năm 2030.
Không chỉ mang tính ổn định, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có nguồn nội lực lớn. Theo HSBC, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài mà là trong nước. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản tăng hơn 2 lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.
Các nhà đầu tư trong nước chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 13%. Trên thực tế, thời điểm những nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài rút đi. Kết quả của đợt gia tăng số lượng nhà đầu tư trong nước này là giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tăng gấp 10 lần, gần đây vượt mốc một tỷ USD, tương đương 10 lần giá trị giao dịch trung bình ngày đầu năm 2020.
“Đây là một kết quả đáng lưu ý đối với một thị trường vốn thường bị coi là nhỏ và thanh khoản kém”, HSBC nhận xét và cho biết thêm, thị trường Việt Nam có mức độ thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan.
Với những điểm sáng kể trên, ngân hàng này cho rằng chứng khoán Việt Nam có tiềm năng được thăng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Theo HSBC, Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết để MSCI đưa vào danh sách xem xét trước tháng 5/2023. Cả hai đều là đơn vị cung cấp chỉ số thị trường uy tín nhất thế giới.
Hiện tại, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường từ năm ngoái. Một trong số những điểm đổi mới là cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới KRX được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống này sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loại các sản phẩm mới, hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.
HSBC đánh giá rằng: “Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế”.
Tất Đạt