Từ mức giảm 36 điểm trong phiên sáng, VN-Index dần thu hẹp biên độ và đảo chiều tăng 24 điểm nhờ dòng tiền giải ngân vào các mã vốn hoá lớn.
Phiên giảm sâu đầu tuần đưa VN-Index về sát vùng đáy cũ 1.261 điểm khiến nhiều nhóm phân tích bày tỏ lo ngại thị trường tiếp tục điều chỉnh mạnh, thủng mốc 1.200 điểm. Phần đông báo cáo phân tích trước phiên hôm nay đều khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường, hạn chế giải ngân dù nhiều cổ phiếu đã chiết khấu hấp dẫn để chờ thị trường tìm được điểm giao dịch cân bằng.
Đầu phiên sáng, tâm lý bán bằng mọi giá được kích hoạt trong khi bên mua dè dặt khiến VN-Index giảm nhanh. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM có lúc mất 36 điểm, xuống 1.233 điểm – vùng giá thấp nhất kể từ tháng 4/2021 – khi sắc đỏ bao trùm với 380 cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu. Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá nhỏ giảm hết biên độ, không có bên mua.
Áp lực xả hàng kéo dài đến giữa phiên chiều nhưng mức độ căng thẳng giảm dần. Dòng tiền bắt đáy xuất hiện và tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm. Đến 14h10, chỉ số trở lại tham chiếu và sau đó tăng tốc đi lên theo lực cầu.
VN-Index chốt phiên 1.293,56 điểm, tăng gần 24 điểm, là phiên tăng mạnh nhất trong hai tuần qua và cắt đứt chuỗi giảm hai phiên liên tục. Chỉ số đại diện cho rổ VN30 tăng hơn 31 điểm với 28 mã đóng cửa trên tham chiếu.
Trong số 10 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index, có đến 9 mã vốn hoá lớn, BCM là trường hợp duy nhất không thuộc rổ VN30. Nhóm ngân hàng có bốn cái tên trong danh sách này là VCB, BID, VPB, MBB. Phần còn lại chia đều cho nhóm bất động sản, dầu khí, công nghệ, thép.
Không chỉ VN-Index đảo chiều đột ngột mà thị trường còn ghi nhận hàng loạt cổ phiếu diễn biến bất ngờ. DIG, cổ phiếu xếp thứ hai về giá trị giao dịch, từ chạm sàn 46.900 đồng trong phiên sáng, đến lúc đóng cửa tăng 5,2% lên 53.000 đồng. DXG, HAH và các cổ phiếu thuộc họ FLC như FLC, ROS, KLF, ART cũng có trạng thái tương tự, trong đó nhiều mã không có bên bán lúc chốt phiên.
Thanh khoản thị trường xấp xỉ 17.790 tỷ đồng. Rổ VN30 đóng góp hơn 6.800 tỷ đồng trong số này. HPG vẫn đứng đầu về thanh khoản với 773 tỷ đồng, sau đó DIG, DPM, GEX và VPB dao động từ 520-680 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom hàng quyết liệt. Nhóm này giải ngân gần 2.200 tỷ đồng, tập trung vào những mã vốn hoá lớn và chứng chỉ quỹ trong khi bán ra 1.450 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng mạnh nhất từ đầu tháng đến này.
Phương Đông