Vietcombank trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% để tăng vốn thêm 8.565 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận tăng ít nhất 25%.
Theo tài liệu họp đại hội thường niên của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhà băng trình cổ đông phương án chia cổ tức tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020.
Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại thời điểm phát hành sẽ được nhận thêm 181 cổ phần mới. Nếu phương án được duyệt và phát hành thành công, vốn điều lệ của nhà băng sẽ tăng từ 47.2350 tỷ đồng lên hơn 55.890 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietcombank công bố mục tiêu kinh doanh 2022 với tổng tài sản tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 15% (gồm cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp), lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 12% so với con số gần 27.390 tỷ đồng năm 2021.
Năm nay, Vietcombank cũng đã chi trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, nâng mức vốn điều lệ hơn 47.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank cho biết, vốn điều lệ vẫn đang thấp hơn gần 10.800 tỷ đồng so với phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020.
Ngân hàng nhấn mạnh, vốn điều lệ là chỉ tiêu quan trọng khi xem xét đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Việc tăng quy mô vốn cũng tạo điều kiện để Vietcombank mở rộng quy mô, tăng trưởng dư nợ tín dụng và đầu tư cho các dự án chuyển đổi, nhất là khi Covid-19 đã gây áp lực lên chất lượng tài sản ngân hàng. Sau khi kết thúc thời hạn cơ cấu nợ đến 30/6 năm nay (cơ cấu nợ theo Thông tư 01), dự kiến nợ xấu của Vietcombank sẽ tăng lên, làm tăng tổng tài sản có rủi ro ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số an toàn vốn (CAR).
Hiện CAR riêng lẻ của ngân hàng này vào cuối năm ngoái là 9,4% – mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước, cũng như các ngân hàng trong khu vực ASEAN. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng đồng thời đảm bảo an toàn vốn, việc tăng vốn tự có, vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại trong các năm là rất cần thiết, Vietcombank nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chiến lược của Chính phủ phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Với vai trò là một trong những ngân hàng thực hiện mục tiêu của ngành, việc tăng quy mô vốn là “vô cùng cần thiết để hướng tới niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài”, Hội đồng quản trị ngân hàng cho biết.
Hiện tại nhà nước đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 74,8% vốn điều lệ ngân hàng, Mizuho nắm 15%, GIC nắm 2,55% và cổ đông khác nắm 7,65%.
Quỳnh Trang