VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp, mất hơn 20 điểm do nhà đầu tư tập trung bán cổ phiếu của các doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn.
Phiên giảm mạnh hôm qua cộng thêm tâm lý bảo toàn tài sản trước kỳ nghỉ dài ngày khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn.
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có hai lần đảo chiều từ tăng thành giảm trong phiên sáng, sau đó nới rộng biên độ giảm khi càng về cuối. Chỉ số rơi nhanh trước giờ đóng cửa khi có thời điểm hơn 370 cổ phiếu giao dịch dưới tham chiếu, trong khi số lượng cổ phiếu tăng chỉ bằng một phần tư.
VN-Index chốt phiên tại 1.482 điểm, mất 20,35 điểm so với tham chiếu. Tính chung cả tuần, chỉ số mất khoảng 34 điểm sau hai phiên tăng đan xen ba phiên giảm.
Việc Thủ tướng hôm qua yêu cầu chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động đến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp liên quan. Một số mã liên quan đến Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex Nguyễn Văn Tuấn như GEX, VGC, VIX đồng loạt giảm sàn. Một số mã có lượng phát hành trái phiếu lớn như BCG, KBC, HTN đều rơi vào tình trạng tương tự.
Hai cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là FLC và ROS cũng giảm hết biên độ, lần lượt còn 9.720 đồng và 5.660 đồng. Các mã khác trong hệ sinh thái của tập đoàn này đều giảm trên 2,4%.
Nhóm bất động sản hôm nay phân hoá mạnh khi các mã vốn hoá vừa và nhỏ như TDH, QCG, HQC, AGG, DXG cũng giảm hơn 3,5%. Trong khi đó, các cổ phiếu trụ như VIC, NVL, VHM lại ngược dòng thị trường duy trì sắc xanh. VIC là trụ đỡ quan trọng nhất giúp VN-Index tránh phiên giảm sâu nhất trong vòng một tháng khi tăng 2,8% lên 81.700 đồng.
Sắc đỏ còn bao trùm nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, thép, xây dựng, phân bón.
Áp lực bán mạnh nhưng thanh khoản thị trường lại giảm sâu so với hôm qua. Giá trị giao dịch phiên cuối tuần chỉ đạt 23.550 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 đóng góp khoảng một phần ba.
GEX đứng đầu về giá trị giao dịch với 1.062 tỷ đồng, tiếp đến là VPB xấp xỉ 950 tỷ đồng. Nhóm 5 cổ phiếu xếp sau dao động khoảng 500-650 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. Giá trị xả hàng của nhóm này đạt 1.650 tỷ đồng trong khi mua vào 1.340 tỷ đồng. FPT là cổ phiếu được khối ngoại mua bán sôi động nhất với 280 tỷ đồng, sau đó đến VHM, MWG, STB.
Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, thị trường đang trong vùng nhiễu động mạnh bởi nhiều thông tin chưa được xác thực. Dòng tiền đang rút ra khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ và bất động sản nhưng cũng chưa giải ngân ngay vào những mã có nền tảng cơ bản tốt mà đang chờ đợi. Điều này cho thấy thị trường sẽ cần vài phiên để cân bằng lại trước khi nghĩ đến việc xác lập đỉnh mới quanh 1.530 điểm.
Phương Đông